Thứ Hai, 10 tháng 4, 2017

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico Chúa Nhật Lễ Lá: “Chúng ta chỉ có một Chúa duy nhất là chính Người”

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico Chúa Nhật Lễ Lá: “Chúng ta chỉ có một Chúa duy nhất là chính Người”

“Giê-su, đức Vua khiêm nhường của công bình, thương xót và bình an” (Văn bản đủ)
9 tháng Tư, 2017
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico Chúa Nhật Lễ Lá: “Chúng ta chỉ có một Chúa duy nhất là chính Người”
Palm Sunday 2017, CTV
Ngày Chúa nhật Lễ Lá, 9 tháng Tư, 2017, Đức Thánh Cha Phanxico thúc đẩy sự chiêm ngắm Đức Giê-su “không chỉ trong hình ảnh, hay tranh vẽ, hay thậm chí trong những video” nhưng “trong rất nhiều những người anh em, chị em của chúng ta … những người đang đau khổ.” Chúa Giê-su ở trong họ, trong mỗi con người họ, và với một khuôn mặt biến dạng, với một giọng nói tan vỡ, Người xin được nhìn đến, được công nhận, được yêu thương,” ngài nhấn mạnh trong Thánh Lễ dâng trong Quảng trường Thánh Phê-rô, trước sự hiện diện của 50.000 người hành hương và khách thăm viếng.
“Chúng ta chỉ có một Chúa duy nhất là chính Ngài: Đức Giê-su, đức Vua khiêm nhường của công bình, thương xót và bình an,” Đức thánh Cha nói.
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Tòa Thánh bài giảng của Đức Thánh Cha.
AK/VF
Bài giảng của Đức Thánh Cha
Có thể nói Lễ kỷ niệm hôm nay buồn vui lẫn lộn. Nó vừa vui vừa buồn. Chúng ta kỷ niệm việc Chúa đi vào thành Giê-ru-sa-lem trong tiếng hô vang của các môn đệ của Người tung hô Người là vua. Tuy nhiên chúng ta cũng long trong tuyên xưng trình thuật Tin mừng về Cuộc Thương Khó của Người. Trong sự đối nghịch đắng cay này, con tim chúng ta trải nghiệm một chút những gì chính Chúa Giê-su đã cảm nhận trong con tim của Người ngày hôm đó, khi Người vui mừng cùng với bạn bè của Người và khóc thương Giê-ru-sa-lem.
Trong ba mươi hai năm qua, khía cạnh vui mừng của Chúa nhật này đã được làm phong phú lên bởi sự hăng hái của giới trẻ, nhờ có lễ mừng Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Năm nay được mừng ở cấp giáo phận, nhưng tại đây trong Quảng trường Thánh Phê-rô nó sẽ được đánh dấu bởi giây phút xúc động và đầy ý nghĩa khi thập giá của Ngày Giới Trẻ Thế Giới được chuyển từ giới trẻ Kraków sang cho giới trẻ Panama.
Tin mừng chúng ta nghe trước cuộc rước (x. Mt 21:1-11) mô tả Chúa Giê-su đi xuống từ Núi Cây Dầu trên lưng ngựa con chưa bao giờ có người cưỡi. Trình thuật kể lại sự hăng hái của các tông đồ tung hô Thầy bằng những tiếng reo hò hân hoan, và chúng ta có thể vẽ nên trong đầu hình ảnh phấn khởi của trẻ em và giới trẻ trong thành  tham gia vào không khí hân hoan. Chính Chúa Giê-su nhìn thấy sự chào đón hân hoan này là một sức mạnh không thể chống lại do ý định của Thiên Chúa. Với những người Pha-ri-sêu xúc phạm, Người nói: “Tôi bảo các ông: họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!” (Lc 19:40). Tuy nhiên Chúa Giê-su, trong sự kiện toàn Kinh Thánh, Người đi vào thành thánh theo cách này không đưa đến con đường lầm lạc của những ảo vọng, không phải tiên tri thời đại mới, không phải người mạo danh. Hơn thế, Người là đấng Mê-xi-a Đấng đến trong thân phận của một người phục vụ, người phục vụ của Thiên Chúa và con người, và bước vào cuộc khổ nạn. Người là “bệnh nhân” vĩ đại, chịu đựng mọi sự đau khổ của nhân loại.
Vì vậy khi chúng ta hân hoan tung hô đức Vua của chúng ta, chúng ta cũng hãy nghĩ đến những nỗi đau mà Người sẽ phải chịu trong tuần này. Chúng ta hãy nghĩ đến mọi sự vu khống và lăng nhục, mọi mưu chước và sự phản bội, sự bỏ rơi và phát xét bất công, những roi đòn và vòng mão gai … Và cuối cùng, con đường thập giá dẫn đến sự đóng đinh.
Người đã nói điều này rất rõ với các tông đồ:  “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16:24). Chúa Giê-su không bao giờ hứa sự vinh quang và thành công. Các Tin mừng nói rất rõ điều này. Người vẫn luôn cảnh báo với những người bạn của Người rằng đây là con đường của Người, và chiến thắng cuối cùng sẽ đạt được qua khổ nạn và thập giá. Và điều này cũng là sự thật với chúng ta. Chúng ta hãy xin ơn sủng trung thành đi theo Chúa Giê-su, không phải trong lời nói nhưng trong hành động. Chúng ta cũng hãy xin ơn sủng biết kiên nhẫn vác thánh giá của riêng mình, không từ chối hay gạt sang một bên, nhưng khi nhìn đến Người, đón nhận lấy và vác thánh giá mỗi ngày.
Chúa Giê-su, Đấng nhận được những lời tung hô của đám đông, biết rất rõ rằng chẳng mấy lúc nữa sẽ là những tiếng hét lên: “Hãy đóng đinh nó!” Người không yêu cầu chúng ta chỉ chiêm ngắm Người trong những bức tranh vẽ và hình ảnh, hay trong video được truyền trên internet. Không. Người hiện diện trong rất nhiều anh em, chị em của chúng ta hôm nay đang chịu những đau khổ như Người: họ đau khổ vì lao động nô lệ, đau khổ vì những thảm kịch gia đình, những bệnh tật … Họ đau khổ vì chiến tranh và khủng bố, đau khổ vì những món lợi được vũ trang và sẵn sàng tấn công. Những phụ nữ và đàn ông bị lừa gạt, bị xúc phạm đến phẩm giá của họ, bị loại bỏ … Chúa Giê-su ở trong họ, trong mỗi con người họ, và với hình dáng tiều tụy và giọng nói bị vỡ tan, người xin được nhìn vào mắt, được đón nhận, được yêu thương.
Đó không phải là một Giê-su khác, nhưng cùng một Giê-su đã đi vào thành Giê-ru-sa-lem giữa những cành lá tung hô vẫy lên. Đó cũng là Giê-su bị đóng đinh trên thập giá và chết giữa hai kẻ tội phạm. Chúng ta chỉ có một Chúa duy nhất chính là Người: Đức Giê-su, đức Vua khiêm nhường của công bình, thương xót và bình an.
© Libreria editrice vaticana

[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 10/04/2017]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét