Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Người được Đức Thánh Cha ủy nhiệm ở Cannes: Phim là “một giáo lý thực sự về con người”

Người được Đức Thánh Cha ủy nhiệm ở Cannes: Phim là “một giáo lý thực sự về con người”

26 tháng Năm, 2017

Người được Đức Thánh Cha ủy nhiệm ở Cannes: Phim là “một giáo lý thực sự về con người”

Phỏng vấn vị Đứng Đầu Truyền thông Vatican, Đức ông Dario Viganò, tại Liên hoan Phim Cannes.

Có một điều mới lạ tại Liên hoan Phim Cannes lần thứ 70. Trong số những người tham dự có một nhân vật được Đức Thánh Cha Phanxico trao trách nhiệm hợp nhất và cải tổ Truyền thông Vatican, Đức ông Dario Viganò.
Như các ký giả và đại diện từ thế giới điện ảnh đã nhận xét, đó là một dấu hiệu cho thấy những tín hiệu của một mối quan hệ mới giữa tâm linh và nghệ thuật thứ bảy không còn tính khích bác nhau nhưng là mối quan hệ mang tính trách nhiệm chung.
Đức ông Viganò, Tổng trưởng Bộ Truyền thông của Tòa Thánh, đã có mặt tại Cannes để tham dự “Đại hội Sacré de la Beauté” [Đại hội Nét đẹp Thánh] được thúc đẩy bởi quỹ “Diaconia of Beauty.”
Aleteia ngồi toạ đàm với vị linh mục, chuyên gia điện ảnh, và người được Đức Thánh Cha ủy nhiệm, và hỏi ngài một số câu hỏi. Dưới đây là những gì ngài nói.
Phim ảnh có ý nghĩa như thế nào với Đức Thánh Cha Phanxico?
Trong chuyến đi gần đây của ngài đến Milan, Đức Thánh Cha Phanxico nói về phim và điện ảnh với những bạn trẻ đang chuẩn bị lãnh nhận bí tích thêm sức. Nhắc lại bộ phim nổi tiếng năm 1943 của Vittorio De Sica, Trẻ em đang theo dõi chúng ta [I bambini ci guardano], Đức Thánh Cha gọi bộ phim đó, và nhiều phim khác được sản xuất sau chiến tranh, là “‘giáo lý’ thực sự về con người” (Milan, 25 tháng Ba, 2017), vì sức mạnh của nó trong câu chuyện kể về sự chia sẻ gian khó cùng với niềm hy vọng, của những bất hạnh kèm theo ơn cứu độ.
Xét theo ý nghĩa này, ngài tin rằng phim ảnh có một vai trò trong xã hội?
Đúng là vậy, phim ảnh có một vai trò đặc biệt trong xã hội, cũng như truyền thông, nhưng trên hết là nghệ thuật. Phim ảnh có khả năng vẽ nên thực tại gần gũi, đi sâu vào những ngóc ngách của cuộc sống con người mà không né tránh những vấn đề phức tạp hoặc rắc rối. Nhưng phim ảnh cũng không được quên vai trò mang một tầm nhìn khác, và mở chân trời của chúng ta đến với những viễn cảnh ánh sáng vĩ đại.
Ngài đến Cannes để mang lấy chứng tá cho giá trị tâm linh trong phim ảnh …
Phim ảnh có khả năng phiêu lưu vào trong sự vô hình, và có khả năng thể hiện lòng thương xót của Chúa trong những câu chuyện của con người. Tôi nghĩ đến tác phẩm thi ca của Robert Bresson, trong phim Nhật ký của một Linh mục Miền quê (The Diary of a Country Priest (Journal d’un curé de campagne, 1951) đến Au hazard, Balthazar (1966) [Balthasar, at Random]. Trong bộ phim thứ hai, ông khám phá ra hình ảnh của Chúa Giê-su trong một con lừa tội nghiệp bị đánh và kéo lê cho đến chết như Đức Ki-tô.
Tôi cũng có thể kể ra phim La strada (1954) của Federico Fellini, một bộ phim quen thuộc của Đức Thánh Cha Phanxico. Trong phim này, sự ngây thơ của cô gái trẻ Gelsomina tỏa sáng khi cô đối mặt với cuộc sống một cách chất phác, và chống lại tính cộc cằn của Zampanò. Bộ phim có một cái nhìn vượt xa hơn, một cái nhìn mang lấy điều được ẩn giấu trong phạm vi của hình ảnh: nó cho chúng ta thấy những giới hạn của nó và thúc đẩy chúng ta vượt xa hơn những giới hạn đó.
Tại sao sự có mặt của Giáo hội tại một liên hoan như Cannes lại rất quan trọng?
Tại Liên hoan Phim Cannes, những nghệ sĩ lớn đã cung cấp cho người xem, và thế giới, những bộ phim đủ khả năng phá vỡ trạng thái u mê của cuộc sống hàng ngày, và gợi lại tầm quan trọng của sự bao dung xã hội và lòng thương xót.
Làm sao chúng ta lại không nghĩ đến người chiến thắng giải thưởng Golden Palm 2016 — Tôi, Daniel Blake, của Ken Loach — một đạo diễn người Anh, một người luôn tiên phong trong việc kể những câu chuyện bên lề của cuộc sống con người, về điều kiện của những giới lao động, tầng lớp khốn cùng đó cũng thu hút chú ý của Pier Paolo Pasolini. Trong Tôi, Daniel Blake, Loach tiên đoán một sức kháng cự chống lại bộ mặt bất nhân của tính quan liêu, nó nghiền nát những người vốn dĩ đã nghèo và không được bảo vệ. Tuy nhiên, khi kể câu chuyện này, Ken Loach cũng mang đến cho chúng ta một câu chuyện của sự hy vọng, sự hy vọng lóe sáng lên qua lòng thương xót, qua việc trao tặng cho tha nhân, vì thiện ích cho người khác.
Quan điểm tương tự cũng nổi rõ lên trong những tác phẩm của anh em Jean-Pierre và Luc Dardenne, những người đã được tôn vinh tại Liên hoan Cannes với bộ phim Rosetta (1999) và sau đó là L’Enfant (2005). Thật sự mà nói, trong những bộ phim của họ, có một bộ phim khác về Croisette mà tôi rất thích: Two Days (Hai ngày), One Night (Một đêm) (Deux jours, a nuit, 2014). Bộ phim kể những câu chuyện của các công nhân “bị loại bỏ”: của Sandra, cô bị sa thải ngay khi trở lại làm việc sau thời gian đối mặt với những suy nhược. Sandra bị cho nghỉ việc vì người ta xét thấy cô không còn hữu dụng. Cô bị cho là làm việc không còn năng suất vì cô bị bệnh, và vì vậy cô “thất bại.”
Anh em nhà Dardennes không giấu giếm tính cứng nhắc, và khi cho chúng ta thấy tất cả sự lạnh lùng của một thế giới công việc mà dần dần đánh mất tất cả tính nhân văn của nó. Tuy nhiên, đồng thời họ cũng dõi theo hành trình thăng tiến, cứu rỗi, qua vai trò quyết định của những mối dây tình cảm và gia đình, đây thực sự là một thành trì giữa phong ba. Ở đó, mọi thứ đều có một khởi đầu mới, và từ đó những sắc màu của những điều khả thi tỏa sáng mạnh mẽ.
Tại American Pavilion của Liên hoan, các ký giả và đại diện ngành công nghiệp điện ảnh công khai nhấn mạnh đến sự hiện diện của ngài tại Cannes làm thay đổi cuộc đối thoại Giáo hội-Điện ảnh: từ một tầm nhìn thường mang tính khích bác nhau tiến đến một cách nhìn tạo ra mối quan hệ hợp tác. Tất cả chúng ta cần sự hy vọng.
Đức Giáo hoàng nói đến nhu cầu khẩn thiết của việc chuyển tải niềm hy vọng trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền Thông Xã hội của ngài, mà chúng ta kỷ niệm vào Chúa nhật này, 28 tháng Năm.
“Chuyển tải niềm hy vọng và niềm tin trong thời đại của chúng ta” là tiêu đề được Đức thánh Cha chọn cho Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 51. Qua nó ngài kêu gọi mọi người hoạt động trong giới truyền thông và thông tin, toàn thể cộng đồng, hãy trở thành những người thúc đẩy cho sự thật và sự trung thực, không đánh mất niềm tin hôm nay hay ngày mai.
Như Đức Thánh Cha trình bày trong sứ điệp đó, ngài muốn “góp phần vào việc tìm kiếm một cách thức truyền thông mở và sáng tạo, không bao giờ tìm cách tán dương cái ác nhưng tập trung vào những giải pháp và khơi gợi một bước tiếp cận tích cực và đầy trách nhiệm về phía những người đón nhận. Tôi kêu gọi mọi người hãy đưa ra cho con người trong thời đại của chúng ta những cốt truyện mang ‘tin vui.’” Đây là điều chúng ta luôn mong chờ nơi những bộ phim hay.

[Nguồn: aleteia]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 29/05/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét