Thứ Năm, 25 tháng 5, 2017

TIẾP KIẾN CHUNG: E-mau, con đường của hy vọng

TIẾP KIẾN CHUNG: E-mau, con đường của hy vọng

‘Chúa Giê-su luôn bên cạnh chúng ta để cho chúng ta niềm hy vọng, để sưởi ấm tâm hồn chúng ta và nói: ‘Hãy tiến bước, ta ở cùng con. Hãy tiến bước’”
24 tháng Năm, 2017
TIẾP KIẾN CHUNG: E-mau, con đường của hy vọng
PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Buổi Tiếp Kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9:25 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ nước Ý và trên khắp thế giới.
Trong bài giáo huấn bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha suy tư về chủ đề: “E-mau, con đường của hy vọng” (x. Lc 24:28-32).
Sau khi tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu có mặt.
Buổi Tiếp Kiến chung kết thúc bằng bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
* * *
Giáo huấn của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Hôm nay tôi muốn suy tư về trải nghiệm của hai môn đệ đi về làng E-mau, mà Tin mừng Lu-ca mô tả (x. 24:13-35). Chúng ta hãy hình dung ra cảnh này: hai người đàn ông bước đi trong thất vọng, buồn bã, quyết định bỏ lại sau lưng họ sự cay đắng của biến cố với hồi kết quá buồn. Trước ngày Lễ Vượt qua đó họ ngập tràn nhiệt huyết: tin chắc rằng những ngày đó sẽ là ngày quyết định cho những mong chờ của họ và cho niềm hy vọng của toàn dân tộc. Giê-su, người mà họ đã đi theo, dường như cuối cùng đã đến trận chiến quyết định: giờ đây Người sẽ tỏ lộ quyền năng của Người, sau một thời gian dài chuẩn bị và ẩn dật. Đây là những gì họ mong chờ, và nó lại không xảy ra như vậy.
Hai khách hành hương này chỉ ấp ủ một niềm hy vọng của con người, bây giờ nó bị tan vỡ. Thập giá đó, được dựng trên đồi Can-vê, là một dấu hiệu hùng hồn nhất cho sự bại trận, điều mà họ không nhìn thấy trước. Nếu đúng là Giê-su thực sự mang tâm hồn của Thiên Chúa, họ phải đi đến kết luận rằng Thiên Chúa là vô ích, chẳng có một chút phòng vệ trong tay của bạo lực, không thể chống lại cái ác.
Vì thế, sáng Chúa nhật đó, hai người này trốn khỏi Giê-ru-sa-lem. Trong đôi mắt họ vẫn còn mang biến cố của Cuộc Thương Khó, Cái Chết của Chúa Giê-su; và trong tâm trí họ vẫn mang theo sự thất vọng đau thương của những biến cố đó, trong suốt ngày nghỉ Sa-bát theo luật. Lễ Vượt qua đó, đáng lẽ phải vang lên bài ca giải phóng, lại bị biến thành một ngày đau thương nhất trong cuộc đời họ. Họ bỏ Giê-ru-sa-lem để đến một nơi khác, một ngôi làng thanh bình. Họ mang lấy tất cả diện mạo của những con người quyết định gạt bỏ đi một ký ức héo tàn. Thế là họ lên đường và bước đi, buồn bã.
Cảnh này – con đường – rất quan trọng trong các trình thuật Tin mừng; giờ đây nó thậm chí trở nên quan trọng hơn nữa, tại giây phút lịch sử của Giáo hội bắt đầu được kể.
Sự gặp gỡ của Chúa Giê-su với hai môn đệ tất cả dường như rất tình cờ; nó cũng giống như rất nhiều ngã tư đường xảy ra trong cuộc sống. Hai môn đệ đang bước đi lòng đầy suy tư và một người không quen đến bên họ. Đó là Giê-su, nhưng mắt của họ vẫn không thể nhận ra Ngài. Và rồi Chúa Giê-su bắt đầu với “liệu pháp hy vọng.” Những gì xảy ra trên con đường này là một liệu pháp hy vọng. Ai thực hiện? Chúa Giê-su.
Trước hết, Người hỏi và lắng nghe: Thiên Chúa của chúng ta không phải là Thiên Chúa thích lấn át. Cho dù Ngài hiểu rõ lý do sự thất vọng của hai môn đệ, Ngài cho họ thời gian để có thể hiểu được chiều sâu của sự cay đắng đã xảy đến cho họ. Một sự thú nhận bắt đầu từ đó và nó là một điệp khúc của cuộc sống con người: “Chúng tôi trước đây vẫn hy vọng rằng … Chúng tôi trước đây vẫn hy vọng rằng …” (c. 21). Không biết bao nhiêu nỗi buồn, bao nhiêu lần gục ngã, bao nhiêu thất bại xảy ra trong cuộc đời của mỗi con người! Tất cả chúng ta cách này cách khác cũng giống như hai môn đệ kia. Đã biết bao nhiêu lần trong đời chúng ta hy vọng, bao nhiêu lần chúng ta cảm nhận hạnh phúc chỉ còn cách một bước chân, và rồi chúng ta thấy mình hoàn toàn thất vọng. Nhưng Chúa Giê-su cùng đồng hành với tất cả những người ngã lòng, những con người cúi đầu xuống bước đi. Và kín đáo cùng bước đi với họ , Người thành công trong việc trao lại cho họ niềm hy vọng.
Trước tiên Chúa Giê-su nói với họ bằng Kinh Thánh. Bất cứ ai luôn có Quyển Sách của Thiên Chúa trong tay sẽ không dễ dàng tạo ra những câu chuyện của chủ nghĩa anh hùng, những chiến dịch khai sáng chinh phục. Niềm hy vọng thực sự không bao giờ có cái giá thấp: nó luôn luôn bước qua những thất bại. Niềm hy vọng của một người không chịu đau khổ, có lẽ chẳng bao giờ có. Thiên Chúa không thích được yêu mến như người ta yêu mến một lãnh tụ kéo dân tộc đến vinh quang bằng cách tiêu diệt đối phương trong máu. Thiên Chúa của chúng ta là một ánh sáng cháy lên trong một ngày lạnh giá và gió bão, và cho dù sự hiện hữu của Người trong thế giới này có vẻ mong manh, Người đã chọn nơi mà tất cả chúng ta coi khinh.
Rồi Chúa Giê-su lặp lại cho hai môn đệ cử chỉ chính yếu của mỗi Tiệc Thánh: Người cầm lấy bánh, ban phép lành, bẻ ra và trao nó cho các ông. Đây không phải là toàn bộ câu chuyện của Chúa Giê-su qua loạt cử chỉ này sao? Và có phải đó cũng là, trong mỗi Tiệc Thánh, dấu chỉ cho biết Hội thánh phải nên như thế nào? Chúa Giê-su đón lấy chúng ta, ban phép lành, “bẻ” đời sống của chúng ta ra - vì chẳng có tình yêu nào không có sự hy sinh - và dâng nó cho tha nhân, cho tất cả.
Sự gặp gỡ của Chúa Giê-su với hai môn đệ đi E-mau chỉ thoáng qua, nhưng trong đó là toàn bộ đời sống của Giáo hội. Nó kể cho chúng ta rằng cộng đoàn Ki-tô hữu không khóa chặt mình trong một thành lũy vững chắc, nhưng bước đi trong môi trường cần thiết nhất của mình, cụ thể là con đường. Và trên đó Giáo hội gặp gỡ con người, với những hy vọng và sự thất vọng của họ, đôi khi rất nặng nề. Giáo hội lắng nghe câu chuyện của mỗi người, khi nó nổi lên từ trong tận sâu thẳm lương tâm mỗi con người, từ đó đưa ra Lời của sự sống, chứng tá của tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu tín trung đến cùng. Và rồi trái tim con người rực cháy lên với niềm hy vọng.
Tất cả chúng ta đều có những giây phút khó khăn, đen tối trong cuộc đời; những giây phút chúng ta bước đi trong đau buồn, trầm tư trong suy nghĩ, không nhìn thấy chân trời, chỉ thấy phía trước là bức tường. Và Chúa Giê-su luôn bên cạnh chúng ta để cho chúng ta niềm hy vọng, để sưởi ấm tâm hồn chúng ta và nói: ‘Hãy tiến bước, ta ở cùng con. Hãy tiến bước.” Bí mật của con đường dẫn về E-mau tất cả đều ở đây: thậm chí qua những hình thức đối chọi, chúng ta vẫn tiếp tục được yêu, và Thiên Chúa không bao giờ không yêu thương chúng ta. Chúa luôn luôn đồng hành với chúng ta, luôn luôn, cả trong những giây phút đau buồn nhất, cả trong những giây phút khủng khiếp nhất, cả trong những giây phút bị thất bại: Thiên Chúa ở đó. Và đây là niềm hy vọng của chúng ta. Chúng ta hãy tiến bước với niềm hy vọng này! Vì Người ở bên cạnh chúng ta và cùng bước đi với chúng ta, luôn luôn!
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

[Nguồn: zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 25/05/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét