Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Thánh Lễ trong Công viên O'Higgins: Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico

Thánh Lễ trong Công viên O'Higgins: Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico

Thánh Lễ trong Công viên O'Higgins: Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico

Đức Thánh Cha Phanxico có bài giảng đầu tiên trong chuyến Tông du đến Chile tại Thánh lễ trong Công viên O’Higgins của Santiago.

Bài giảng trong Thánh lễ Hòa bình và Công lý

16 tháng Một 2018, 14:45


CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO ĐẾN CHILE

Bài giảng Thánh lễ Hòa bình và Công lý

Công viên O’Higgins – Santiago

Thứ Ba, 16 tháng Một 2017

“Khi Chúa Giê-su nhìn thấy đám đông …” (Mt 5:1). Với những lời đầu tiên trong Tin mừng hôm nay chúng ta khám phá ra con đường Chúa Giê-su muốn gặp gỡ chúng ta, con đường mà Tin mừng luôn làm dân Người ngạc nhiên (x. Xh 3:7). Điều đầu tiên Chúa Giê-su làm là Ngài ngước mắt nhìn và nhìn thấy những khuôn mặt của dân Người. Những khuôn mặt đó khơi dậy tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa. Trái tim của Chúa Giê-su không bị lay động bởi những ý tưởng hay khái niệm, nhưng bởi những khuôn mặt, những con người. Bởi sự sống kêu gọi Sự Sống mà Chúa Cha muốn ban tặng cho chúng ta.

Khi Chúa Giê-su nhìn thấy đám đông, Ngài nhìn thấy khuôn mặt của những người đi theo Ngài, và điều đáng chú ý nhất là họ, về phần họ, bắt gặp được tiếng vang vọng của những ước ao và khát vọng của họ trong cái nhìn của Chúa Giê-su. Sự gặp gỡ này dẫn đến những Mối phúc, một chân trời mà chúng ta được kêu gọi và được thử thách để tiến đến. Những Mối phúc không phải là hoa trái của tính thụ động trước những thực tại, cũng chẳng phải là của một người bàng quan thu thập những con số thống kê về các biến cố đang xảy ra. Chúng cũng không phải là sản phẩm của những tiên tri loan báo những điều bất hạnh chỉ tìm cách làm lây lan sự sợ hãi. Chúng cũng không được sinh ra từ những ảo ảnh hứa hẹn sự hạnh phúc bằng một “cú nhấp chuột” (click) đơn giản, trong chớp mắt. Nhưng, các Mối phúc được sinh ra từ trái tim đầy lòng thương xót của Chúa Giê-su, gặp gỡ với tâm hồn của những người đàn ông và phụ nữ đi tìm và khát khao một cuộc sống hạnh phúc. Những con người hiểu rõ đau khổ là gì, những con người hiểu đúng giá trị của sự bấn loạn và đau đớn khi mặt đất rung chuyển dưới chân của họ hay nhìn thấy những ước mơ của họ bị quét sạch khi công trình xây dựng cả đời trở thành con số không. Nhưng cũng là những con người hiểu được ý nghĩa của sự kiên gan và đấu tranh để tiếp tục sống, ý nghĩa của việc tái xây dựng lại cuộc sống và bắt đầu trở lại.

Con tim của người dân Chile đã biết quá nhiều về việc tái xây dựng và khởi đầu trở lại! Anh chị em đã hiểu quá rõ về việc phải đứng dậy sau nhiều vấp ngã! Đó là con tim mà Chúa Giê-su muốn nói chuyện; đó là con tim mà những Mối phúc trở nên có ý nghĩa!

Những Mối Phúc không phải là hoa trái của một thái độ khắt khe hay “những lời nói rẻ tiền” của những người nghĩ rằng họ biết tất cả nhưng không sẵn lòng tự cam kết bản thân với bất kỳ việc gì hay với bất kỳ ai, do đó cuối cùng họ ngăn cản bất kỳ cơ hội nào muốn tạo ra những sự thay đổi hoặc tái xây dựng trong cộng đoàn của chúng ta và trong đời sống của chúng ta. Những Mối Phúc được sinh ra từ một trái tim đầy lòng thương xót không bao giờ mất hy vọng. Một trái tim với kinh nghiệm về niềm hy vọng như là “một ngày mới, một sự giũ bỏ tính ù lỳ, một sự gạt bỏ những nhọc mệt và tính tiêu cực.” (Pablo Neruda, El habitante y su esperanza, 5).

Chúa Giê-su, qua sự công bố phúc cho người nghèo, người đau khổ, người ưu phiền, người bệnh tật, người có lòng thương xót … là giũ bỏ tính ù lỳ làm tê liệt những người không còn niềm tin vào quyền năng biến đổi của Thiên Chúa Cha và không còn tin và anh em chị em, đặc biệt là những người hèn mọn nhất và bị ruồng bỏ. Chúa Giê-su, qua sự công bố những Mối Phúc, gạt bỏ khỏi chúng ta tính tiêu cực, một cảm giác muốn đầu hàng làm cho chúng ta nghĩ rằng chỉ bằng cách thoát khỏi những vấn đề của chúng ta thì mới có được cuộc sống tốt đẹp hơn, xa lánh người khác, giấu mình vào trong cuộc sống tiện nghi của chúng ta, làm u mê tri giác của chúng ta bằng chủ nghĩa tiêu dùng hưởng thụ (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 2). Cảm giác muốn đầu hàng có khuynh hướng cô lập chúng ta khỏi tha nhân, chia rẽ và phân cách chúng ta, làm chúng ta trở nên mù với hiện thực cuộc sống chung quanh và với sự đau khổ của tha nhân.

Các Mối Phúc là ngày mới cho tất cả những ai hướng về tương lai, những ai tiếp tục ước mơ, những ai cho phép mình được Thần Khí của Chúa chạm đến và sai đi.

Thật đẹp biết bao cho chúng ta khi nghĩ rằng Chúa Giê-su từ trên núi Cierro Renca hoặc núi Puntilla đi xuống và nói với chúng ta: phúc thay, phúc thay cho ông, cho bà, cho anh, cho chị … Phúc thay khi anh chị em được Thần Khí của Chúa chạm đến, anh chị em phấn đấu và hoạt động cho ngày mới đó, cho đất nước Chile mới, vì nước Thiên Chúa là của anh chị em. “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5:9).

Chống lại thái độ đầu hàng, nó giống như một dòng chảy ngầm bi quan xói mòn những mối quan hệ sâu đậm nhất của chúng ta và chia rẽ chúng ta, Chúa Giê-su nói: Phúc cho những ai làm cho người hòa thuận. Phúc thay những ai sẵn sàng để đôi bàn tay lấm bẩn để người khác có thể sống trong hòa bình. Phúc thay những ai cố gắng không gieo rắc sự chia rẽ. Đó là bài học mà Mối Phúc dạy chúng ta trở thành những người xây dựng hòa bình. Nó đòi hỏi chúng ta phải dành không gian lớn hơn bao giờ hết cho tinh thần hòa giải ở giữa chúng ta. Anh chị em có muốn trở thành người được chúc phúc? Anh chị em có muốn được hạnh phúc? Phúc thay những người làm việc để người khác được hạnh phúc. Anh chị em muốn có hòa bình? Vậy hãy hoạt động cho hòa bình.

Đến đây cha không thể không nhắc đến đức Giám mục vĩ đại của Santiago, ngài trong một Thánh Lễ Te Deum từng nói: “Nếu anh chị em muốn hòa bình, hãy hoạt động cho công bằng” … Và nếu có ai hỏi chúng ta: “Công bằng là gì?” hoặc công bằng chỉ được hiểu đơn giản là vấn đề “không ăn trộm,” chúng ta sẽ nói với họ rằng có một loại công bằng khác: sự công bằng đòi hỏi rằng mọi người đàn ông và phụ nữ phải được đối xử như nhau” (Đức Hồng y RAÚL SILVA HENRÍQUEZ, Bài giảng trong Lễ Đại kết Te Deum, 18 tháng Chín, 1977). 

Gieo rắc hòa bình bằng sự gần gũi, bằng tình liên đới! Bằng cách bước ra khỏi căn nhà của chúng ta và nhìn vào khuôn mặt của các dân tộc, bằng cách bước ra ngoài và gặp gỡ một ai đó đang trải qua thời gian khó khăn, một người không được đối xử như một con người, như một người con cái xứng đáng của vùng đất này. Đây là cách duy nhất để chúng ta rèn giũa cho một tương lai hòa bình, để dệt nên một tấm vải không bao giờ bị sổ sợi. Một người xây dựng hòa bình biết rằng cần phải vượt qua những sai lầm và tham vọng lớn và tinh vi nảy sinh vì thèm khát quyền lực và “giành lấy tiếng tăm cho mình,” sự thèm khát muốn trở thành quan trọng với cái giá là mạng sống những người khác. Một người xây dựng hòa bình biết rằng nếu chỉ nói: “Tôi đâu có làm tổn thương ai” là không đủ. Như Thánh Alberto Hurtado đã từng nói: “Không làm gì sai là tốt, nhưng không làm gì tốt là vô cùng tệ hại” (Meditación radial, tháng Tư 1944).

Xây dựng hòa bình là một tiến trình kêu gọi chúng ta hợp sức với nhau và khơi dậy sự sáng tạo của chúng ta trong việc thúc đẩy những mối quan hệ ở những nơi chúng ta nhìn người anh em không như một người khách lạ, một người không quen biết, nhưng hơn thế là một người con trai con gái của miền đất này.

Chúng con dâng lên Mẹ Maria Tinh Tuyền, Mẹ từ trên đồi Cerro San Cristóbal dõi theo và phù trợ thành phố này. Nguyện xin Mẹ giúp chúng con biết sống và khao khát tinh thần của các Mối Phúc, để ở mọi góc của thành phố này chúng con sẽ nghe thấy một tiếng thì thầm nhè nhẹ: “Phúc thay những người xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5:9). 


[Nguồn: vaticannews]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/1/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét