Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2018

Đức Thánh Cha Phanxico công bố Sứ điệp Mùa Chay 2018: Toàn văn

Đức Thánh Cha Phanxico công bố Sứ điệp Mùa Chay 2018: Toàn văn

Đức Thánh Cha Phanxico công bố Sứ điệp Mùa Chay 2018: Toàn văn



Hôm thứ Ba Đức Thánh Cha Phanxico công bố Sứ điệp Mùa Chay 2018, bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro, ngày 14 tháng Hai. Chủ đề của sứ điệp năm nay là: ‘Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội lạnh’ (Mt 24:12). Dưới đây là toàn văn Sứ điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha:

06 tháng Hai 2018, 12:01


Sứ điệp Mùa Chay 2018 của Đức Thánh Cha Phanxico


“Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội lạnh” (Mt 24:12)


Anh chị em thân mến,

Một lần nữa, Lễ Vượt qua của Chúa đang đến gần! Trong hành trình chuẩn bị cho Mùa Phục Sinh của chúng ta, Thiên Chúa quan phòng ban cho chúng ta mỗi năm một Mùa Chay như là một “dấu chỉ bí tích cho sự hoán cải của chúng ta”.[1] Mùa Chay kêu gọi chúng ta, và làm cho chúng ta toàn tâm toàn ý trở về với Thiên Chúa trong mọi khía cạnh cuộc sống của mình.

Với sứ điệp này, năm nay tôi muốn giúp toàn thể Giáo hội một lần nữa trải nghiệm thời gian ơn sủng này với niềm vui và trong sự thật. Tôi sẽ lấy ý từ lời của Chúa Giê-su trong Tin mừng theo Thánh Mát-thêu: “Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội lạnh” (24:12).

Những lời này xuất hiện trong lần rao giảng của Đức Ki-tô nói về thời thế mạt. Những lời này được công bố ở Giê-ru-sa-lem, trên núi Cây Dầu, nơi sẽ bắt đầu cuộc thương khó của Chúa Giê-su. Để trả lời cho một câu hỏi của các môn đệ, Chúa Giê-su báo trước một tai họa rất lớn và mô tả hoàn cảnh trong đó cộng đoàn tín hữu nhìn thấy rất rõ: giữa những thử thách lớn, các tiên tri giả sẽ dẫn dân chúng đi lầm đường lạc lối và tình yêu là cốt lõi của Tin mừng sẽ trở nên nguội lạnh trong tâm hồn của nhiều người.

Những tiên tri giả

Chúng ta hãy lắng nghe trích đoạn Tin mừng và cố gắng hiểu được chiêu bài của những tiên tri giả đưa ra.

Họ xuất hiện như “những kẻ thổi kèn dụ rắn,” điều khiển cảm xúc của con người để bắt con người làm nô lệ và đưa đến những nơi họ muốn. Đã có bao nhiêu con cái của Thiên Chúa bị mê hoặc bởi những khoái lạc chóng qua, lầm tưởng chúng là hạnh phúc thật! Có bao nhiêu con người sống giam hãm trong giấc mơ của cải, chúng biến họ thành nô lệ cho lợi nhuận và lợi ích thiển cận! Có bao nhiêu người trải qua dòng đời tin tưởng rằng họ quá đầy đủ, chung cuộc bị lừa vào cái bẫy của sự cô đơn!

Tiên tri giả cũng có thể là “những lang băm,” họ đưa ra những giải pháp tức thời và dễ dàng cho sự đau khổ mà kết quả cho thấy hoàn toàn vô ích. Có bao nhiêu người trẻ tuổi đã tin tưởng vào khả năng chữa bách bệnh của ma túy, của những mối quan hệ qua đường, của những thành tựu dễ dàng nhưng không trung thực! Có thêm không biết bao nhiêu người bị đưa vào cuộc sống hoàn toàn “ảo,” trong đó có những mối quan hệ nhanh chóng và dễ dãi, nhưng chỉ cho thấy sự vô nghĩa! Những kẻ lừa bịp này, khi đem bán những thứ chẳng có giá trị thật, đã cướp mất tất cả mọi thứ quý giá của con người: phẩm giá, sự tự do và khả năng yêu thương. Họ đánh vào tính háo phù phiếm của chúng ta, đánh vào lòng tin của chúng ta vào những hình thức bên ngoài, nhưng cuối cùng họ chỉ biến chúng ta thành những kẻ khờ dại. Chúng ta cũng chẳng nên ngạc nhiên. Để làm tâm hồn con người bị lẫn lộn, quỷ, là “kẻ nói dối và là cha sự gian dối” (Ga 8:44), luôn trình bày tội như một sự tốt lành, sự giả tạo như là chân lý. Đó là lý do tại sao mỗi chúng ta được kêu gọi phải xét kỹ tâm hồn của chúng ta để xem chúng ta có rơi vào bẫy dối trá của những tiên tri giả này không. Chúng ta phải học cách xét mình thật kỹ, bên dưới bề mặt, và nhận biết đâu là điều để lại dấu ấn tốt lành và dài lâu trên tâm hồn chúng ta, vì đó là điều đến từ Thiên Chúa và thật sự ích lợi cho chúng ta.

Một tâm hồn giá lạnh

Trong cách mô tả hỏa ngục của mình, Dante Alighieri vẽ lên hình ảnh tên quỷ ngồi trên ngai bằng băng đá,[2] trong sự lạnh lùng và không có tình yêu. Chúng ta cũng hãy tự hỏi bản thân bằng cách nào mà lòng bác ái đó có thể trở nên giá lạnh trong chúng ta. Đâu là những dấu hiệu cho thấy tình yêu của chúng ta bắt đầu nguội lạnh?

Sự phá hủy lòng bác ái mạnh mẽ hơn bất kỳ điều gì khác là tính đam mê tiền bạc, “là cội rễ sinh ra mọi điều ác” (1 Tim 6:10). Bước tiếp theo là từ bỏ Thiên Chúa và sự bình an của Người; chúng ta thích tình trạng cô độc của mình hơn là sự an ủi được tìm thấy trong lời của Người và các Bí tích.[3] Tất cả những điều này sẽ dẫn đến tính chất quá khích chống lại bất kỳ ai mà chúng ta nghĩ là mối đe dọa cho “những sự vững chắc” của chúng ta: đứa con chưa ra đời, người già và người ốm yếu, người ngoại kiều ở giữa chúng ta, hay người hàng xóm không sống theo những mong đợi của chúng ta.

Chính tạo vật trở thành một chứng nhân câm lặng cho sự nguội lạnh đức ái này. Trái đất bị đầu độc bởi chất thải, bị bỏ mặc vì sự vô ý thức hoặc vì sự tư lợi. Biển, bị ô nhiễm, nhận chìm mọi dấu tích của không biết bao nạn nhân bị đắm tàu vì di cư cưỡng bức. Những thiên đường, mà theo chương trình của Thiên Chúa, được tạo dựng lên để ca khen Ngài, bị xé ra bởi những cỗ máy đổ xuống những công cụ tạo cái chết.

Tình yêu cũng trở nên lạnh nhạt trong các cộng đoàn của chúng ta. Trong Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui của Tin mừng), tôi đã miêu tả những dấu hiệu hiển nhiên của sự thiếu yêu thương này: tính ích kỷ và biếng nhác tinh thần, sự bi quan, sức quyến rũ của sự hưởng thụ cá nhân, những xung khắc liên tục giữa chúng ta, và tâm tính thế gian làm cho chúng ta chỉ quan tâm đến bề ngoài, và từ đó giảm bớt nhiệt huyết thừa sai của chúng ta.[4]
Chúng ta phải làm gì?

Có thể chúng ta nhìn thấy những dấu hiệu mà tôi vừa mô tả sâu thẳm trong chúng ta và tất cả về con người chúng ta. Nhưng Giáo hội, là Mẹ và là Thầy của chúng ta, cùng với phương thuốc đắng của sự thật, trong mùa Chay cung cấp cho chúng ta một liệu pháp điều trị dịu êm là sự cầu nguyện, làm phúc và ăn chay.

Qua cách dành nhiều thời gian hơn để cầu nguyện, chúng ta có thể khiến tâm hồn mình nhổ rễ được những sự dối trá ngấm ngầm và những hình thức tự huyễn hoặc mình,[5] và từ đó tìm được sự an ủi của Thiên Chúa. Người là Cha và Người muốn chúng ta sống một đời sống tốt lành.

Làm phúc giải thoát chúng ta thoát khỏi tính tham lam và giúp chúng ta nhìn đến tha nhân như là anh em chị em. Những gì tôi có không bao giờ là của riêng một mình tôi. Tôi thật ước ao việc làm phúc có thể trở thành một lối sống đích thực cho mỗi chúng ta! Tôi thật ước ao chúng ta, là những Ki-tô hữu, noi gương các Tông đồ nhìn thấy việc chia sẻ những của cải của chúng ta như là một chứng tá hữu hình của sự hiệp nhất của chúng ta trong Giáo hội! Vì lý do này, tôi làm vang lên lời huấn dụ của Thánh Phaolo gửi tín hữu Cô-rinh-tô về việc lạc quyên cho cộng đoàn Giê-ru-sa-lem như là một điều mà chính họ sẽ được hưởng lợi (x. 2 Cor 8:10). Việc này vô cùng phù hợp trong Mùa Chay, khi rất nhiều nhóm đã tổ chức quyên góp để hỗ trợ các Giáo hội và dân tộc thiếu thốn. Tuy nhiên, tôi cũng hy vọng rằng ngay trong những cuộc gặp gỡ thường ngày của chúng ta với những người cầu xin sự trợ giúp, chúng ta hãy xem những yêu cầu đó như của chính Thiên Chúa. Khi chúng ta làm bác ái, chúng ta chia sẻ sự chăm sóc đầy quan phòng của Thiên Chúa cho mỗi đứa con của Người. Nếu hôm nay qua bàn tay của tôi Thiên Chúa giúp đỡ một ai đó, thì chẳng lẽ ngày mai Người lại không cung cấp cho những thiếu thốn của tôi? Vì chẳng ai quảng đại hơn Thiên Chúa.[6]

Ăn chay làm giảm bớt khuynh hướng hung hăng của chúng ta; nó làm mất sự nóng giận và là một cơ hội tốt cho sự phát triển. Về một mặt, nó cho phép chúng ta trải nghiệm sự chịu đựng cảnh nghèo túng và đói khổ. Về mặt khác, nó diễn tả cái đói tinh thần của chúng ta và khát sự sống trong Thiên Chúa. Ăn chay làm chúng ta thức tỉnh. Nó làm chúng ta chú ý nhiều hơn đến Thiên Chúa và anh em. Nó làm hồi sinh lại khao khát vâng lời Thiên Chúa, Đấng duy nhất có thể làm thỏa mãn cái đói của chúng ta.

Tôi cũng muốn lời mời gọi của tôi vượt ra ngoài biên giới của Giáo hội Công giáo, và đến được với tất cả anh chị em, những người thiện chí, những người mở rộng lòng để nghe thấy tiếng Chúa. Có thể giống như chúng tôi, anh chị em đang lo lắng về sự lan tràn tội lỗi trên thế giới, anh chị em đang lo lắng trước sự giá lạnh làm tê liệt tâm hồn và hành động, và anh chị em nhìn thấy sự suy yếu về ý thức chúng ta là những thành viên của một gia đình nhân loại. Vậy, hãy cùng chúng tôi dâng lời khẩn cầu lên Thiên Chúa, qua việc ăn chay, và qua việc trao tặng cho những người anh em chị em thiếu thốn của chúng ta bất cứ thứ gì anh chị em có thể!

Lửa Phục sinh

Trên hết, tôi thúc giục các thành viên của Giáo hội hãy đón nhận hành trình Mùa Chay với lòng hăng say nhiệt thành, giữ vững qua việc làm phúc, ăn chay và cầu nguyện. Nếu có những lúc nào đó ngọn lửa bác ái dường như tàn lụi trong con tim chúng ta, hãy nhớ rằng đây không bao giờ là trái tim của Thiên Chúa! Ngài liên tục ban tặng cho chúng ta cơ hội để khởi động yêu thương trở lại.

Năm nay, thời khắc ơn sủng như vậy sẽ là sáng kiến “24 Giờ Cho Chúa,” sáng kiến mời gọi toàn thể cộng đoàn Hội Thánh cử hành Bí tích Hòa giải trong bối cảnh tôn thờ Thánh Thể. Năm 2018, được linh hứng bởi lời Thánh Vịnh 130:4, “Chúa vẫn rộng lòng tha thứ,” sẽ diễn ra từ Thứ Sáu, 9 tháng Ba đến Thứ Bảy, 10 tháng Ba. Trong mỗi giáo phận, ít nhất một nhà sẽ mở cửa liên tục 24 giờ, tạo điều kiện thuận tiện cho sự tôn thờ Thánh Thể và xưng tội.

Trong suốt Đêm Canh thức Phục sinh, một lần nữa chúng ta lại cử hành nghi thức rước ánh sáng của Nến Phục Sinh. Được lấy từ “nguồn sáng mới,” ánh sáng này sẽ dần dần vượt qua bóng tối và soi sáng cộng đoàn phụng vụ. “Nguyện xin ánh sáng của Đức Ki-tô phục sinh trong vinh quang xua tan bóng tối của tâm hồn và trí óc”,[7] và làm cho chúng ta được sống lại kinh nghiệm của các môn đệ trên đường đi Ê-mau. Bằng việc lắng nghe Lời Chúa và rút lấy nguồn lương thực dưỡng nuôi từ bàn tiệc Thánh Thể, nguyện xin cho tâm hồn chúng ta hơn bao giờ hết rực cháy trong đức tin, niềm hy vọng và sự yêu thương.

Trong tình yêu thương và luôn nhớ đến anh chị em trong lời cầu nguyện, tôi gửi lời chúc lành đến anh chị em. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.

Viết từ Vatican, 1 tháng Mười Một 2017

Lễ các Thánh Nam Nữ

[1] Sách Lễ Roma, Lời nguyện đầu lễ Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Chay (tiếng Ý).

[2] Inferno XXXIV, 28-29.

[3] “Thật kỳ lạ, rất nhiều lần chúng ta e sợ sự an ủi, sợ được an ủi. Hay đúng hơn, chúng ta cảm thấy an toàn hơn trong sự đau khổ và cô độc. Anh chị em có biết tại sao không? Vì trong sự đau khổ chúng ta có cảm giác mình là những vai chính. Nhưng trong sự an ủi Thánh Thần là vai chính!” (Kinh Truyền Tin, 7 tháng Mười Hai, 2014).

[4] Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin mừng), 76-109.

[5] Đức Giáo hoàng BENEDICT XVI, Tông thư Spe Salvi, 33. Đức PIÔ XII, Tông thư Fidei Donum, III.

[6] Sách Lễ Roma (Ấn bản lần ba), Canh thức Phục sinh, Lucernarium.


[Nguồn: vaticannews]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/2/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét