Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2018

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico Lễ Thánh Phê-rô và Phaolo

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico Lễ Thánh Phê-rô và Phaolo
PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico Lễ Thánh Phê-rô và Phaolo

‘Khi chúng ta quay lưng lại với Thập giá, cho dù chúng ta có đạt được những đỉnh cao của vinh quang, chúng ta cũng chỉ lừa dối mình, vì đó không phải là vinh quang của Thiên Chúa, nhưng chỉ là cái bẫy của kẻ thù’

29 tháng Sáu, 2018 10:16
Dưới đây là bản dịch của Vatican cung cấp bài giảng của Đức Thánh Cha trong Lễ hai Thánh Phê-rô và Phaolo hôm nay, ngày 29 tháng Sáu, 2018, được tổ chức trong quảng trường Thánh Phê-rô sáng nay.

* * *

Các bài đọc chúng ta vừa nghe nối kết chúng ta trở lại với truyền thống Tông truyền. Truyền thống đó “không phải là sự chuyển giao những của cải vật chất hay lời nói, một sự phân loại những đồ vật vô nghĩa; nhưng đó là một dòng chảy sống động nối kết chúng ta trở về với những cội nguồn, dòng chảy sống động trong đó những nguồn cội mãi mãi hiện hữu” (BENEDICT XVI, Giáo lý, 26 tháng Tư 2006) và cung cấp cho chúng ta chìa khóa vào Nước Thiên đàng (x. Mt 16:19). Một truyền thống cổ xưa nhưng vẫn mãi luôn mới, nó tặng ban cho chúng sự sống và làm mới lại niềm vui của Tin mừng. Nó làm cho chúng ta biết dùng môi miệng để tuyên xưng: “‘Chúa Giê-su Ki-tô là Chúa’, vinh quang của Thiên Chúa Cha” (Phl 2:11).

Toàn bộ Tin mừng là một câu trả lời cho câu hỏi có trong tâm hồn của Dân tộc Israel và cả ngày hôm nay cũng hiện có trong tâm hồn của tất cả những người khát khao sự sống: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11:3). Chúa Giê-su lấy câu hỏi đó để hỏi lại các môn đệ của Người: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16:15).

Phê-rô lên tiếng nói và gọi Chúa Giê-su bằng một tước hiệu vĩ đại nhất mà ông có thể xướng lên: “Thầy là Đấng Ki-tô” (x. Mt 16:16), Đấng được xức dầu, Đấng Thánh của Thiên Chúa. Thật đẹp khi biết rằng Chúa Cha đã khơi gợi cho câu trả lời này vì Phê-rô đã được nhìn thấy Chúa Giê-su “xức dầu” cho dân Người thế nào. Chúa Giê-su, Đấng Được Xức dầu, đi từ làng này sang làng khác với mục đích duy nhất là cứu thoát và giúp đỡ những ai bị lạc mất. Ngài “xức dầu” kẻ chết (x. Mc 5:41-42; Lc 7:14-15), người bệnh tật (x. Mc 6:13; Gc 5:14), người bị thương (x. Lc 10:34) và người ăn năn hối cải (x. Mt 6:17). Người xức dầu bằng niềm hy vọng (x. Lc 7:38.46; 10:34; Ga 11:2; 12:3). Bằng sự xức dầu như vậy, mọi tội nhân – người chán chường, kẻ ngã lòng, người ngoại đạo, bất kỳ họ ở đâu – đều cảm nhận là một phần được yêu thương trong gia đình của Chúa. Bằng hành động của Người, Chúa Giê-su nói theo một cách rất riêng tư: “Con thuộc về Ta.” Cũng như Phê-rô, cả chúng ta nữa cũng hãy dùng môi miệng của mình để tuyên xưng không chỉ những gì chúng ta đã được nghe, nhưng còn bằng những kinh nghiệm thực tế trong cuộc sống của chúng ta. Cả chúng ta cũng đã được đem trở lại với sự sống, được chữa lành, được canh tân và lòng đầy tràn hy vọng qua việc xức dầu của Đấng Thánh. Nhờ vào sự xức dầu đó, mọi ách của sự nô lệ đã bị đập tan (x. Is 10:27). Làm sao chúng ta có thể quên được ký ức vui mừng rằng chúng ta đã được chuộc tội và được dẫn dắt để tuyên xưng rằng: “Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa Hằng sống” (x. Mt 16:16).

Thật thú vị được nhìn thấy những gì tiếp diễn sau đó trong trích đoạn Tin mừng thuật việc Phê-rô tuyên xưng niềm tin của mình: “Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16:21). Đấng Được Xức dầu của Thiên Chúa vẫn liên tục mang tình yêu và lòng thương xót của Chúa Cha đến tận cùng trái đất. Tình yêu thương xót này đòi hỏi rằng chúng ta cũng phải tiến bước đến mọi ngóc ngách của cuộc sống, bước đến với mọi người, cho dù điều này có thể làm chúng ta mất “tiếng thơm,” mất những tiện nghi thoải mái, mất thân thế của mình … thậm chí là tử đạo.

Trước sự loan báo hoàn toàn bất ngờ này, Phê-rô phản ứng bằng câu nói: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy” (Mt 16:22). Với thái độ đó ông đã trở thành một tảng đá cản lối của Đấng Mê-xi-a. Cho rằng mình đang bảo vệ cho quyền của Chúa, Phê-rô không nhận ra điều đó, và đã trở thành kẻ thù của Chúa; Chúa Giê-su đã gọi ông “Satan.” Chiêm ngắm cuộc sống của Thánh Phê-rô và sự tuyên xưng niềm tin của ngài cũng có nghĩa là học cách nhận ra những cám dỗ sẽ đeo đuổi cuộc sống của mỗi người môn đệ. Cũng như Phê-rô, chúng ta trong Giáo hội cũng sẽ luôn luôn bị cám dỗ nghe theo những “tiếng thì thầm” của Tà thần, nó trở thành một tảng đá cản lối cho sứ mạng. Tôi dùng từ “thì thầm” vì tà thần dụ dỗ chúng ta qua cách giấu mặt, để ý đồ của hắn ít bị nhận ra. “Hắn cư xử như một kẻ giả hình, luôn giấu mặt để không bị nhận ra” (THÁNH I-NHÃ LOYOLA, Linh Thao, s. 326).

Về mặt khác, cùng chia sẻ việc sự xức dầu của Đức Ki-tô có nghĩa là chia sẻ vinh quang của Người đó là Thập giá của Người: tôn vinh Chúa Con … “Lạy Cha, xin tôn vinh danh Cha” (Ga 12:28). Trong Đức Giê-su, vinh quang và thập giá luôn đi đôi với nhau; chúng không thể tách rời. Khi chúng ta quay lưng lại với Thập giá, cho dù chúng ta có đạt được những đỉnh cao của vinh quang, chúng ta cũng chỉ lừa dối mình, vì đó không phải là vinh quang của Thiên Chúa, nhưng chỉ là cái bẫy của kẻ thù.

Chúng ta thường bị cám dỗ trở thành người Ki-tô hữu bằng cách thận trọng giữ một khoảng cách với những vết thương của Chúa. Chúa Giê-su chạm đến sự khốn khổ của con người và Ngài yêu cầu chúng ta cùng chung với Ngài chạm đến sự đau khổ trên da thịt của người khác. Tuyên xưng niềm tin bằng môi miệng và trái tim của chúng ta đòi hỏi rằng chúng ta – cũng như Thánh Phê-rô – phải học cách nhận ra được “những tiếng thì thầm” của tà thần. Nó đòi hỏi phải học để phân định và nhận ra “những lý do bào chữa” của cá nhân và tập thể nhằm ngăn cản chúng ta xa cách với những thảm kịch thực tế của con người, ngăn cản chúng ta không tiếp xúc với cuộc sống thực tại của con người, và cuối cùng không biết được sức mạnh cách mạng của tình yêu nhân từ của Thiên Chúa (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 270).

Không tách rời vinh quang của Người khỏi thập giá, Chúa Giê-su muốn giải phóng cho các môn đệ của người, Hội Thánh của Người, khỏi những hình thức vinh quang trống rỗng: tạo ra sự trống rỗng trong tình yêu, phục vụ, lòng trắc ẩn, sự trống rỗng của con người. Người muốn cho Giáo hội thoát khỏi những ảo vọng ngăn cản không cắm rễ vào trong đời sống của người dân trung thành của Chúa, hay tệ hơn nữa, tin rằng phục vụ Chúa có nghĩa là quay mặt đi để tránh những con đường bụi bặm của lịch sử. Chiêm ngắm và theo chân Đức Ki-tô đòi hỏi rằng chúng ta phải mở rộng tâm hồn của mình trước Chúa Cha và tất cả những người mà Ngài ước mong trao lại giá trị (x. THÁNH GIOAN PHAOLO II, Novo Millennio Ineunte, 49), với lòng tin vững rằng Người sẽ không bỏ rơi dân tộc của Người.

Anh chị em thân mến, hàng triệu người vẫn tiếp tục đặt câu hỏi: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11:3). Chúng ta hãy dùng môi miệng và bằng cả trái tim để tuyên xưng rằng Chúa Giê-su Ki-tô là Chúa (x. Phl 2:11). Đây là một cantus firmus (bài ca chính) mà chúng ta được kêu gọi hãy cất giọng hát mỗi ngày. Với sự đơn sơ, sự vững tin và niềm vui khi biết rằng “Hội Thánh không tỏa sáng bằng ánh sáng của riêng mình, nhưng bằng ánh sáng của Đức Ki-tô. Ánh sáng của Hội Thánh được lấy từ Mặt trời Công chính, để Hội Thánh có thể cất lên lời ca khen: ‘Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi’ (Gl 2:20)” (THÁNH AMBRÔXIÔ, Hexaemeron, IV, 8, 32).

[Văn bản chính: tiếng Ý] Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/6/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét