Thứ Ba, 9 tháng 4, 2019

Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi (Bản dịch tiếng Anh chính thức) - Bài 13 (128-137)

Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi (Bản dịch tiếng Anh chính thức) - Bài 1
Thượng Hội đồng - Vatican Media

Tài liệu gồm nhiều phần và TRI KHOAN trích đăng từng phần nhỏ. Bải đăng cuối cùng sẽ kèm theo bản PDF toàn bộ tài liệu. Nếu quý vị cần toàn bộ tài liệu có thể download trong bài đăng cuối. Cảm ơn quý vị)

Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi (Bản dịch tiếng Anh chính thức)

‘Mọi ơn gọi khác nhau đều quy về một tiếng gọi chung duy nhất là nên thánh, đó là sự viên mãn của tiếng gọi đến với niềm vui yêu thương vang lên trong tâm hồn của mỗi người trẻ’

15 tháng Một, 2019 12:47

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican tài liệu đúc kết của thượng hội đồng giám mục về giới trẻ, đức tin, và sự phân định ơn gọi, diễn ra vào tháng Mười, 2018.


* * *

Tài liệu Đúc kết của Thượng Hội đồng Giám mục


về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định Ơn gọi



Bài đăng 13 (Số 128 - 137):


**************

PHẦN III

Chương II

Đồng hành trong cuộc sống mỗi ngày

Từ những cấu trúc đến các mối quan hệ


Từ việc được ủy quyền đến sự tham gia

128. Tính công đồng thừa sai không chỉ đơn thuần áp dụng cho chiều kích phổ quát của Giáo hội. Nhu cầu về việc cùng đồng hành, làm chứng thật cho tình huynh đệ trong một cộng đoàn đổi mới và hữu hình, trước hết áp dụng cho các cộng đoàn riêng lẻ. Do đó, cần phải làm thức tỉnh trong mọi thực tại địa phương nhận thức rằng chúng ta là dân của Chúa, chịu trách nhiệm nhập thể Tin Mừng trong các bối cảnh khác nhau và trong tất cả các hoàn cảnh hàng ngày. Điều này liên quan đến việc phải bước ra ngoài luận lý của sự ủy quyền, nó có tác động rất lớn đến hoạt động mục vụ.

Ví dụ, chúng tôi có thể nói đến những khóa học giáo lý để chuẩn bị cho các bí tích, một nhiệm vụ mà nhiều gia đình trao phó hoàn toàn cho giáo xứ. Tâm lý này dẫn đến kết quả làm cho trẻ em có nguy cơ nhìn thấy đức tin không phải là một thực tại tỏa sáng trong cuộc sống hàng ngày của các em, mà chỉ là một sự tập hợp các ý tưởng và quy tắc thuộc về một phạm vi tách biệt khỏi cuộc sống của chúng. Thay vào đó, cả hai phải cùng nhau song hành: giáo xứ cần gia đình để giúp các bạn trẻ trải nghiệm thực tại của đức tin hàng ngày; ngược lại, gia đình cần thừa tác vụ giáo lý và cơ cấu giáo xứ để cung cấp cho trẻ em một tầm nhìn có hệ thống hơn về Ki-tô giáo, để giới thiệu chúng vào cộng đoàn và mở ra cho chúng những chân trời rộng lớn hơn. Vì vậy, chỉ có các cấu trúc là không đủ, nếu các mối quan hệ đích thực không được phát triển nơi người trẻ; chính giá trị của những mối quan hệ thực hiện việc truyền giáo.

Đổi mới giáo xứ

129. Giáo xứ phải tham gia vào tiến trình này, vì nó tìm cách trở thành một cộng đoàn năng động hơn, một môi trường hướng sứ mạng tới những người hèn mọn nhất. Có những dấu hiệu cho thấy giáo xứ không phải luôn luôn thành công trong việc đáp ứng những nhu cầu tâm linh của con người trong thời đại của chúng ta, phần lớn là do những yếu tố nhất định đã thay đổi sâu sắc đến lối sống của con người. Bây giờ chúng ta sống trong một nền văn hóa “không biên giới”, được đánh dấu bởi những mối quan hệ theo không gian và thời gian mới – một phần là do truyền thông số – và bởi tính chuyển động liên tục. Trong bối cảnh này, cách hiểu về giáo xứ được xác định bởi các ranh giới và không có khả năng gắn kết người tín hữu với những sáng kiến, đặc biệt là giới trẻ, sẽ giam hãm giáo xứ trong sự trì trệ không thể chấp nhận được và trong các chu kỳ mục vụ lặp đi lặp lại đáng lo ngại. Vì vậy, giáo xứ cần phải được xem xét lại về phương diện mục vụ, xét theo mặt đồng trách nhiệm hội thánh và sức mạnh truyền giáo, khám phá những hiệp lực mới trong địa hạt của mình. Chỉ bằng cách đó thì giáo xứ sẽ trở thành một môi trường đặc biệt để gắn kết đời sống của người trẻ.

Những cơ cấu mở và có thể đọc được

130. Cùng với sự cởi mở và chia sẻ nhiều hơn, điều quan trọng là các cộng đoàn phải tự hỏi bản thân rằng những lối sống và cách sử dụng những cơ cấu của mình có đem đến cho người trẻ một chứng tá hữu hình của Tin Mừng hay không. Rõ ràng đời sống riêng của nhiều linh mục, nữ tu, các tu sĩ và giám mục nổi bật với sự đơn giản và tính trách nhiệm với mọi người; nhưng điều này gần như không được nhiều người nhận biết, đặc biệt là với giới trẻ. Nhiều người trong đó thấy rằng thế giới giáo hội của chúng ta rất khó đọc được; họ bị ngăn cách ở một khoảng cách xa bởi những vai trò chúng ta thực hiện và bởi các khuôn mẫu kèm theo những vai trò này. Chúng ta hãy đặt mục tiêu làm cho đời sống hàng ngày của chúng ta trở nên dễ tiếp cận hơn, qua tất cả mọi cách thể hiện. Sự gần gũi có hiệu quả, sự chia sẻ những không gian và các hoạt động, tạo điều kiện cho việc giao tiếp đích thực, thoát khỏi những định kiến. Đây là cách Chúa Giêsu công bố về Nước Trời và Thần Khí của Người thúc giục chúng ta noi theo con đường này hôm nay.


Đời sống cộng đoàn

Một bức tranh ghép của những khuôn mặt

131. Một Giáo hội công đồng và truyền giáo được thể hiện qua các cộng đoàn địa phương với nhiều khuôn mặt khác nhau. Giáo hội không bao giờ là một bức tranh đơn sắc khô khan, nhưng Giáo hội đã phát triển như một khối đa diện gồm những con người với những cảm xúc, nguồn gốc và văn hóa khác nhau. Bằng cách này, Giáo hội mang một kho báu không gì sánh bằng của đời sống Ba Ngôi trong những chiếc bình sành là sự yếu đuối của con người. Sự hòa hợp mà Thần Khí ban cho không xóa bỏ những khác biệt, nhưng làm cho chúng cộng hưởng với nhau, tạo nên bản giao hưởng phong phú. Sự gặp gỡ giữa những người khác nhau trong cùng một niềm tin là điều kiện căn bản cho việc canh tân mục vụ của các cộng đoàn chúng ta. Điều này mang một khía cạnh về sự loan báo, về sự cử hành và phục vụ, nghĩa là thuộc các lĩnh vực nền tảng của hoạt động mục vụ bình thường. Sự khôn ngoan nói rằng “cần cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ”: nguyên tắc này áp dụng cho tất cả các lĩnh vực hoạt động mục vụ ngày nay.

Cộng đoàn trong ranh giới địa hạt

132. Việc hiện thực hóa hiệu quả một cộng đoàn với nhiều khuôn mặt cũng mang khía cạnh về mối quan hệ với khu vực địa phương, về sự mở rộng với các kết cấu xã hội và những cách tiếp xúc với chính quyền dân sự. Chỉ một cộng đoàn hiệp nhất và đa dạng mới có khả năng thể hiện bản thân theo cách cởi mở và tỏa rạng ánh sáng của Tin Mừng trên những mối quan tâm của xã hội đang thách đố chúng ta ngày nay: những câu hỏi về môi sinh, việc làm, hỗ trợ cho gia đình, tình trạng thua thiệt, đổi mới chính trị, đa nguyên văn hóa và tôn giáo, tìm kiếm công lý và hòa bình, môi trường kỹ thuật số. Điều này đang diễn ra trong các hiệp hội và phong trào của giáo hội. Người trẻ yêu cầu chúng tôi không đối mặt với những thách đố này một mình nhưng phải đối thoại với tất cả, không phải để cắt giảm một phần sức mạnh, mà để đóng góp cho ích chung.

Sứ điệp Tin mừng và giáo lý

133. Việc loan báo Đức Giê-su Ki-tô, đã chết và sống lại, Đấng đã mặc khải Chúa Cha và thông ban Thần Khí, là ơn gọi nền tảng của cộng đoàn Ki-tô giáo. Một phần của sự loan báo này là lời mời gọi các bạn trẻ nhận ra được những dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa trong cuộc sống của họ và khám phá ra cộng đoàn như một nơi gặp gỡ với Đức Ki-tô. Sự loan báo này, mãi luôn mới, là nền tảng của giáo lý cho người trẻ và mang lại cho nó một giá trị sứ điệp Tin mừng (x. Phanxico, Tông huấn Evangelii Gaudium, 164). Chúng ta phải giữ vững cam kết của mình luôn sống động để đưa ra những con đường toàn diện, liên tục có khả năng tích hợp: kiến thức sống về Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người, khả năng đọc kinh nghiệm cá nhân và các sự kiện lịch sử dưới ánh sáng đức tin, cầu nguyện và việc cử hành phụng vụ, giới thiệu Lectio Divina và hỗ trợ cho việc làm chứng đức ái và thúc đẩy công lý. Theo cách này, chúng tôi đưa ra một linh đạo đích thực cho giới trẻ.

Những khóa học giáo lý cần phải minh họa được sự kết nối mật thiết của đức tin với kinh nghiệm cụ thể hàng ngày, với thế giới của những cảm xúc và những gắn kết, với niềm vui và sự thất vọng mà chúng tôi gặp phải trong việc học hành và việc làm; chúng phải bao gồm giáo huấn xã hội của Giáo hội; chúng phải mở rộng ra với những ngôn ngữ của cái đẹp, âm nhạc và các cách thể hiện nghệ thuật khác nhau, và với các hình thức giao tiếp kỹ thuật số. Các chiều kích của thân xác, cảm xúc và tình dục phải được xét đến rất nhiều, vì có một mối liên hệ sâu sắc giữa giáo dục đức tin và giáo dục tình yêu. Đức tin, xét cho cùng, nên được hiểu như là một tập quán, hoặc như một cách sống trong thế giới.

Trong giáo lý của giới trẻ, điều vô cùng cấp thiết là phải tiếp tục tìm kiếm các loại ngôn ngữ và phương pháp phù hợp, nhưng không bao giờ đánh mất điều trọng yếu đó chính là sự gặp gỡ với Đức Ki-tô, Đấng là trung tâm của giáo lý. YouCat, DoCat và các công cụ tương tự được đánh giá cao, mặc dù điều này không có ý đánh giá thấp các chương trình giáo lý được xây dựng bởi các Hội đồng Giám mục. Cũng cần phải có sự cam kết đổi mới đối với các giáo lý viên, những người thường thường còn trẻ tuổi và phục vụ những người trẻ khác, gần như là những người đồng thời đại. Điều quan trọng là phải có sự đào tạo đầy đủ cho họ và phải cho thấy rằng thừa tác vụ của họ được cộng đồng công nhận rộng rãi hơn.

Trung tâm điểm của phụng vụ

134. Việc cử hành Thánh Thể tạo sinh sức sống cho cộng đoàn và tính công đồng cho Giáo hội. Đó là nơi để truyền tải niềm tin và sự đào tạo cho sứ mạng, qua đó cho thấy thật rõ rằng cộng đoàn sống nhờ ân sủng chứ không phải bằng công việc của đôi tay chúng ta. Theo những lời của truyền thống phương đông, chúng ta có thể nói rằng phụng vụ là cuộc gặp gỡ với Đấng Phục vụ Thiên Chúa, Người băng bó các vết thương của chúng ta và chuẩn bị bữa đại tiệc vượt qua cho chúng ta, sai chúng ta đi để làm điều tương tự cho anh chị em của chúng ta. Vì vậy, chúng ta hãy lặp lại rằng việc cam kết cử hành với sự đơn giản cao quý bao gồm nhiều thừa tác vụ giáo dân, là một yếu tố thiết yếu cho việc thay đổi truyền giáo của Giáo hội. Giới trẻ đã cho thấy rằng họ rất trân trọng và mong muốn tham gia sâu sắc vào việc cử hành đích thực, trong đó vẻ đẹp của những dấu chỉ và sự chăm chút bài giảng Lời Chúa cùng với sự tham gia của cộng đoàn thực sự nói về Thiên Chúa. Do đó, cần phải thúc đẩy sự tham gia tích cực của họ, trong khi vẫn giữ sống động ý thức tôn kính trước Mầu nhiệm; chân nhận những sự nhạy cảm của họ về âm nhạc và nghệ thuật, nhưng cũng giúp họ hiểu rằng phụng vụ không hoàn toàn là việc tự thể hiện nhưng là một hoạt động của Đức Ki-tô và Giáo hội. Điều quan trọng không kém là phải giúp giới trẻ khám phá được giá trị của việc chầu Thánh Thể như một sự nối dài của việc cử hành lễ, qua đó sống chiêm niệm và cầu nguyện thầm lặng.

135. Tầm quan trọng rất lớn trong các hành trình đức tin cũng gắn liền với việc thực hành bí tích Hòa giải. Người trẻ cần cảm thấy được yêu thương, được tha thứ và hòa giải, và họ có một niềm khao khát thầm kín muốn được cái ôm thương xót của Chúa Cha. Vì điều này, các linh mục cần phải quảng đại luôn sẵn sàng cử hành bí tích này. Những nghi thức sám hối cộng đoàn giúp người trẻ tiếp cận với việc xưng tội riêng và chúng làm cho chiều kích hội thánh của bí tích trở nên rõ ràng hơn.

136. Trong nhiều bối cảnh, lòng mộ đạo cộng đồng đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa người trẻ đến với đời sống đức tin một cách thiết thực, nhạy cảm và gần gũi. Chú ý đến ngôn ngữ cơ thể và sự tham gia đầy lòng yêu mến, lòng mộ đạo cộng đồng mang đến khát khao được gặp gỡ với Thiên Chúa là Đấng giải thoát, thường là qua sự trung gian của Mẹ Thiên Chúa và của các thánh.

Đối với người trẻ, hành hương là một trải nghiệm của hành trình trở thành phép ẩn dụ cho cuộc sống và Giáo hội: chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tạo vật và nghệ thuật, sống huynh đệ và hiệp nhất với Chúa trong lời cầu nguyện một lần nữa lại được giới thiệu như là những điều kiện tốt nhất cho sự phân định.

Sự quảng đại của diakonia

137. Giới trẻ có thể giúp đổi mới lại phong cách của các cộng đoàn giáo xứ và xây dựng một cộng đoàn huynh đệ gần gũi với người nghèo. Người nghèo, người trẻ bị loại bỏ, những người đau khổ nhất, có thể trở thành nguyên tắc cho sự đổi mới cộng đoàn. Họ cần phải được công nhận như là những chủ thể của việc truyền giáo và họ giúp chúng ta giải phóng bản thân thoát khỏi tinh thần thế gian. Giới trẻ thường rất nhạy cảm với chiều kích của diakonia. Nhiều người tích cực cam kết trong công việc thiện nguyện và qua việc phục vụ họ tìm được con đường gặp gỡ Chúa. Do đó, sự dấn thân dành cho những người bé mọn nhất trở thành một con đường thực hành đức tin, trong đó con người khám phá ra sự yêu thương đối với “những gì đã mất”, là trung tâm điểm của Tin Mừng và là nền tảng của toàn bộ đời sống Ki-tô hữu. Người nghèo, người bé mọn, người bệnh tật, người già, là thân thể đau khổ của Đức Ki-tô: do đó, đặt mình vào việc phục vụ những người này là cách để gặp gỡ Chúa và là không gian đặc ân cho sự phân định ơn gọi của một người. Trong các bối cảnh khác nhau, cần phải có một sự mở lòng đặc biệt dành cho những người di cư và người tị nạn. Đối với họ, cần phải hoạt động hướng đến việc tiếp nhận, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập. Sự bao gồm xã hội đối với người nghèo làm cho Giáo hội trở thành ngôi nhà của đức ái.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/4/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét