Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2019

Đức Thánh Cha gửi Thông điệp đến Hội nghị: ‘Ích chung trên các vùng biển chung’

Đức Thánh Cha gửi Thông điệp đến Hội nghị: ‘Ích chung trên các vùng biển chung’
© Vatican Media

Đức Thánh Cha gửi Thông điệp đến Hội nghị: ‘Ích chung trên các vùng biển chung’

Sự kiện diễn ra ngày 3-5 tháng Năm tại Copenhagen được tổ chức bởi Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện

05 tháng Năm, 2019 15:39

Đức Thánh Cha Phanxico gửi thông điệp đến các tham dự viên trong Hội nghị “Ích chung trên các vùng biển chung” diễn ra tại Copenhagen từ ngày 3-5 tháng Năm, 2019. Thông điệp của ngài đến trong một lá thư gửi cho Đức Hồng y Phê-rô Turkson, Tổng trưởng Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện, là Bộ tổ chức sự kiện.


Dưới đây là thông điệp của Đức Thánh Cha, do Vatican cung cấp (bản tiếng Anh)

Gửi Huynh đệ đáng kính, Đức Hồng y Phê-rô Turkson, Tổng trưởng

Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện

Nhân dịp Hội nghị “Ích chung trên các vùng biển chung” diễn ra tại Copenhagen từ ngày 3 đến 5 tháng Năm, 2019, tôi xin hiền huynh chuyển những lời chúc tốt đẹp nhất của tôi đến các tham dự viên và lời cầu nguyện của tôi cho một cuộc họp đạt kết quả tốt.

Cuộc họp của quý vị bao gồm đại diện của nhiều truyền thống tôn giáo và tổ chức quốc tế khác nhau, và từ nhiều lĩnh vực thuộc kinh doanh, khoa học và giáo dục để khám phá những thách đố và cơ hội đối với những vùng biển, các đại dương và vùng duyên hải của chúng ta, và những người với sinh kế phải lệ thuộc vào chúng. Khi quý vị tập trung vào vấn đề hệ trọng này, thì có hai yếu tố đặc biệt quan trọng, cụ thể là sự công bằng và đối thoại liên thế hệ.

Trước hết, tôi khuyến khích quý vị hãy cân nhắc đến “sự đoàn kết liên thế hệ” (x. Tông huấn Laudato Si’, 159-162) như là một mệnh lệnh đạo đức then chốt để trả lời cho những vấn đề của thời đại chúng ta. Bằng cách đặt những nhu cầu của con người đương thời, đặc biệt là người trẻ và cả những thế hệ tương lai, vào trọng tâm của các nỗ lực chăm sóc tạo vật, thì ích chung của tất cả mọi người mới có thể được thúc đẩy và bảo vệ, “vì thế giới mà chúng ta đã đón nhận cũng thuộc về những người sẽ đến sau chúng ta” (x. nt. 159).

Trên nền tảng của sự công bằng liên thế hệ và sự toàn vẹn của cuộc sống bao trùm thời gian cũng như không gian (x. Thông điệp Lumen Fidei, 57), tôi hy vọng rằng sự đoàn kết và mối quan hệ huynh đệ sẽ mở rộng bàn tay của tình bạn và lòng trắc ẩn đối với những anh chị em nghèo nhất của chúng ta, và sẽ có những cách thể hiện cụ thể để hỗ trợ các cộng đồng vùng duyên hải và cho tất cả những người làm việc trên biển của chúng ta là những người rất thường xuyên bị ảnh hưởng bởi sự biến đổi khí hậu và sự bất công của các mô hình phát triển không bền vững.

Thứ hai, tôi tin rằng khi xét đến các mối đe dọa gây ra bởi sự quản lý bất công đối với các vùng biển của chúng ta và sự thao túng của các ngành công nghiệp biển vô đạo đức – đặc biệt trong số đó là tai họa của nạn buôn người – một cách tiếp cận đa ngành và đối thoại sẽ ngày càng thúc đẩy một loạt những phản ứng hiệu quả hơn bao giờ hết trước những thách đố phức tạp mà chúng ta đang phải đối mặt.

Đối thoại không đơn thuần là một phương pháp hay chiến lược để đạt được kết quả, nhưng nó phản ánh chính bản chất của vũ trụ, vì Thiên Chúa tạo dựng thế giới và mọi loài mọi vật trong nó không theo cách trừu tượng hay xa vời nhưng bằng cách nói lời của Người: “Thiên Chúa phán: ‘Nước phải sinh ra đầy dẫy những sinh vật lúc nhúc’” (St 1:20). Suy tư về giá trị quan trọng của trật tự được tạo ra thì đối thoại không những là điều đáng khát khao nhưng còn vô cùng quan trọng: đối thoại giữa các tôn giáo, đối thoại giữa các dân tộc, đối thoại giữa những người có tín ngưỡng và không tín ngưỡng, đối thoại giữa các ngành khoa học, đối thoại giữa người giàu và người nghèo, đối thoại cho tất cả mọi người! Chắc chắn, điều này không phải là công việc dễ dàng, nhưng “sự nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng môi trường sinh thái đòi hỏi tất cả chúng ta phải nhìn đến ích chung, kiên trì trên con đường đối thoại đòi hỏi sự kiên nhẫn, kỷ luật tự giác và lòng quảng đại” (x. Tông huấn Laudato Si’, 201).

Trong khi quý vị cân nhắc đến những vấn đề quan trọng đó, tôi xin đưa ra những suy nghĩ này như là một đóng góp cho sự cân nhắc của quý vị, mà tôi đã phó thác cho sự can thiệp của Đức Mẹ Sao Biển. Tôi khẩn cầu muôn ơn lành của sự khôn ngoan và sự kiên cường từ trời đổ xuống trên hội nghị quốc tế này.

Viết từ Vatican, 16 tháng Tư 2019

PHANXICO

[00783-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Anh] [B0373-XX.01]

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/5/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét