Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2019

Vị linh mục Sri Lanka: ‘Chúng tôi còn rất xa với hòa bình’

Vị linh mục Sri Lanka: ‘Chúng tôi còn rất xa với hòa bình’

Tang lễ chung cho các nạn nhân của vụ đánh bom vào Chúa nhật Phục sinh tại Nhà thờ Thánh Sebastian ở Katuwapitiya, Negombo (Sri Lanka) ngày 23 tháng Tư năm 2019. Image © Roshan Pradeep & T Sunil.

Vị linh mục Sri Lanka: ‘Chúng tôi còn rất xa với hòa bình’

‘Người Sri Lanka chúng tôi đã chịu đựng đủ 30 năm chiến tranh chống khủng bố.’

MAY 02, 2019 11:43

Một vị linh mục người Sri Lanka đã bị mất những người bạn thân thiết trong các vụ đánh bom Chúa nhật Phục sinh nói về những tác động của sự tàn ác của khủng bố, tổ chức Aid to the Church in Need (ACN) tường thuật ngày 30 tháng Tư, 2019.

Cha Malaka Leonard, một linh mục Dòng Phan sinh đã bị mất những người bạn trong vụ đánh bom tại Nhà thờ Công giáo Thánh Sebastian, Katuwapitiya, nói: “Người Sri Lanka chúng tôi đã chịu đựng đủ 30 năm chiến tranh chống khủng bố.

“Chúng tôi đã nghĩ rằng Sri Lanka trở thành một môi trường hòa bình. Nhưng sau những vụ đánh bom này, mọi hy vọng của chúng tôi tan biến. Chúng tôi còn rất xa với hòa bình.”

Hơn 250 người, gồm 47 trẻ em, đã bị thiệt mạng và hơn 500 người bị thương trong các vụ tấn công bằng bom phá hủy nhắm vào các nhà thờ và khách sạn trên khắp Sri Lanka ngày Chúa nhật Phục sinh (21 tháng Tư).

Cha Leonard nói: “Một con số đáng kể trẻ em đã trở thành nạn nhân của các vụ nổ. Trẻ em là vô tội.

“Các bé không thể hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra. Hầu hết các bé đều đang rất hoảng sợ. Các trường học được đóng cửa ít ngày.”

Nhưng Cha Leonard nhấn mạnh rằng phản ứng của Giáo hội sẽ luôn luôn nhất quán là hòa bình và hòa giải.

Cha nói: “Chẳng có con đường nào đến hòa bình, hòa bình chính là đường. Lối đi của hòa bình là lối đi của yêu thương. Chúng ta hãy thực hiện từng bước đi khả thi để tránh bạo lực và sống hòa bình.”

Cha Thomas Heine-Geldern, chủ tịch điều hành Aid to the Church in Need (Quốc tế) nói: “Những sự tàn bạo ở Sri Lanka đánh dấu sự đẫm máu cực độ của một chiều hướng kéo dài ít năm trở lại đây – sự bách hại người Ki-tô giáo không biết đến biên giới.

“Nó không biết điểm dừng, đặc biệt vào những ngày thiêng liêng nhất của niên lịch Ki-tô giáo. Nó không biết đến lòng thương xót đối với những người vô tội, họ thường là những con dê tế thần cho những phát triển toàn cầu.”

Cha nói thêm: “Năm 2019 đã là một trong những năm đổ máu nhiều nhất của người Ki-tô hữu.”

Trong bốn tháng đầu năm 2019 đã chứng kiến những vụ tấn công đẫm máu và sự tàn sát tập thể người Ki-tô hữu ở:

  • Cộng hòa Trung Phi, nơi có các vụ tấn công của nhóm chiến binh Hồi giáo Séléka vào một giáo điểm Công giáo ở Bangassou vào tháng Một cướp đi sinh mạng hàng chục người và khiến cho khoảng 20.000 phải di tản tránh bạo lực.
  • Miền Nam Philippines, cũng vào Tháng Một xảy ra vụ tấn công của nhóm Hồi giáo vào nhà thờ chính tòa của Jolo giết chết 20 người và làm bị thương khoảng 90 người.
  • Kaduna State, Nigeria, nổ ra những vụ tấn công của các tay Hồi giáo cực đoan thuộc nhóm Fulani vào những người dân làng Ki-tô hữu giữa tháng Ba làm hơn 130 chết.
  • Tamil Nadu State, Ấn độ, là nơi các nữ tu của một trường học Công giáo địa phương bị săn đuổi bởi một nhóm côn đồ 200 người thuộc những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Hindu cuối Tháng Ba. Đám côn đồ này tìm cách hành hình các nữ tu bằng chính những tràng mân côi của họ.
Báo cáo Tự do Tôn giáo trên Thế giới năm 2018 của ACN cho thấy bằng chứng của việc bách hại nhắm vào người Ki-tô hữu bởi các nhóm cực đoan.

Nhưng cho dù có những bằng chứng rõ ràng, sự gia tăng của những vụ tấn công người Ki-tô hữu trên khắp thế giới vẫn bị lãng quên.

Tiến sĩ Heine-Geldern nói: “Nói rằng Daesh (ISIS) đã bị hoàn toàn đánh bại bằng quân sự và do đó nó không còn tồn tại là một sự sai lầm – hệ tư tưởng vẫn còn sống, và cả những người ủng hộ nó … 

“Hồi giáo cực đoan, chủ nghĩa dân tộc quá khích và những hệ tư tưởng độc tài vẫn là những động lực chính của sự bách hại chống lại người Ki-tô hữu và những nhóm tôn giáo thiểu số khác. Người dân ngày càng trở nên lo sợ hơn.”

Ông nói thêm: “Đây là trách nhiệm của các chính phủ và Liên Hợp quốc mang đến hòa bình, bảo đảm sự tự do tôn giáo và đẩy lùi những cuộc tấn công chống lại tôn giáo,” đồng thời vai trò của Giáo hội là “đứng về phía những Ki-tô hữu bị bách hại, để cho họ một tiếng nói và một khuôn mặt.”

Tiến sĩ Heine-Geldern kết luận: “ACN đã làm chiến dịch cho vấn đề này hơn 70 năm qua. Trước tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng chống lại người Ki-tô hữu, đây là trường hợp xứng đáng đón nhận mọi sự hỗ trợ và mọi nỗ lực.”



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/5/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét