Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2019

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ tại Quảng trường Macedonia (Skopje)

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ tại Quảng trường Macedonia (Skopje)
© Vatican Media

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ tại Quảng trường Macedonia (Skopje)

‘Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ’

07 tháng Năm, 2019 15:02

Ngày 7 tháng Năm, 2019, Đức Thánh Cha Phanxico dâng Thánh Lễ trong Quảng trường Macedonia, Skopje, Bắc Macedonia, trong ngày cuối của chuyến tông du 5-7 tháng Năm đến Bulgaria và Bắc Macedonia.


Dưới đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha, do Vatican cung cấp (bản tiếng Anh)

“Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ” (Ga 6:35). Chúng ta vừa nghe Chúa nói những lời này.

Trong Tin mừng, một đám đông dân chúng vây quanh Chúa Giê-su. Họ vừa chứng kiến phép lạ hóa bánh ra nhiều; đó là một trong những sự kiện được ghi khắc sâu trong trí và lòng của cộng đoàn các môn đệ tiên khởi. Đã có một bữa tiệc: một lễ hội cho thấy lòng quảng đại quá lớn lao và sự quan tâm vô bờ dành cho con cái của Người, là những người trở nên anh chị em trong việc chia sẻ bánh. Chúng ta hãy cùng hình dung một lát về đám đông đó. Một điều gì đó đã thay đổi. Trong một khoảng thời gian, những con người đói khát và im lặng đi theo Chúa Giê-su để nghe lời giảng đã có thể đụng chạm bằng tay và cảm nhận bằng thân mình của họ phép lạ của tình huynh đệ có thể làm thỏa mãn dư tràn.

Chúa đến để trao ban sự sống cho trần gian. Người luôn thực hiện như vậy theo một con đường bất chấp sự hẹp hòi tính toán của chúng ta, sự tầm thường của những ước vọng của chúng ta và sự thiển cận của những điều duy lý của chúng ta. Một con đường chất vấn những quan điểm và những sự chắc chắn của chúng ta, đồng thời mời gọi chúng ta tiến đến một chân trời mới giúp chúng ta có thể nhìn thực tại theo một cách khác. Người là Bánh Hằng sống từ trời xuống, Đấng nói với chúng ta: “Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ”.

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ tại Quảng trường Macedonia (Skopje)

Tất cả những người đó đã khám phá ra rằng cái đói cơm bánh cũng có những tên gọi khác: đói Thiên Chúa, đói tình huynh đệ, đói sự gặp gỡ và một bữa tiệc chia sẻ.

Chúng ta đã trở nên quen với việc ăn loại bánh cũ với thông tin định hướng và kết cục trở thành những tù nhân của những chiêu bài, và những điều xấu. Chúng ta cho rằng sự tuân thủ đó sẽ làm thỏa mãn cơn khát của chúng ta, tuy nhiên cuối cùng chúng ta chỉ uống được sự thờ ơ và vô cảm. Chúng ta nuôi dưỡng bản thân bằng những giấc mơ về những sự xa hoa và lộng lẫy và cuối cùng chỉ đi vào con đường của sự tiêu khiển, thiển cận, và cô đơn. Chúng ta ngấu nghiến thời gian lên mạng mà lại đánh mất đi hương vị của tình huynh đệ. Chúng ta tìm kiếm những kết quả cấp thời và an toàn, cuối cùng chỉ thấy mình bị bao trùm bởi sự mất kiên nhẫn và lo âu. Là tù nhân của một thực tế ảo, chúng ta đánh mất đi hương vị và tính độc đáo của thực tại đích thực.

Chúng ta đừng e sợ phải dõng dạc nói rằng: Lạy Chúa, chúng con đang đói. Lạy Chúa, chúng con đang đói lương thực là lời Người, lời có thể phá tan sự thiển cận và sự đơn độc của chúng con. Lạy Chúa, chúng con đang đói vì kinh nghiệm của tình huynh đệ mà trong đó sự thờ ơ, sự tai tiếng, và tính xấu không làm đầy các bàn ăn hoặc được đặt vào chỗ trịnh trọng trong gia đình. Lạy Chúa, chúng con đang đói những sự gặp gỡ mà qua đó Lời của Người có thể nuôi dưỡng hy vọng, đánh thức lòng nhân hậu và làm cho tâm hồn trở nên nhạy cảm hơn bằng cách mở ra những con đường biến đổi và hoán cải.

Lạy Chúa, như đám đông đó chúng con đang đói được trải nghiệm sự hóa lòng thương xót nên dư tràn, để có thể phá vỡ những khuôn mẫu của chúng ta và chuyển tải lòng thương xót của Chúa Cha đến với mỗi người, đặc biệt là những người không được ai chăm sóc: đó là những người bị lãng quên hoặc bị khinh khi. Chúng ta đừng e sợ phải dõng dạc nói rằng: Lạy Chúa, chúng con đang đói lương thực, lương thực là lời Người, lương thực của tình huynh đệ.

Trong một lát nữa đây, chúng ta sẽ tiến đến bàn thánh, để được nuôi dưỡng bởi Bánh Hằng sống. Chúng ta thực hiện việc này trong sự tuân phục mệnh lệnh của Chúa: “Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ” (Ga 6:35). Tất cả những gì Chúa yêu cầu chúng ta chỉ là chúng ta hãy đến. Người mời gọi chúng ta hãy lên đường, hãy tiến bước, hãy tiến tới. Ngài thúc giục chúng ta lại gần Ngài và trở thành người chia sẻ với sự sống và sứ mạng của Người. Người nói “Hãy đến.” Với Chúa, điều đó không đơn giản chỉ có nghĩa là di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Thay vì vậy, nó có nghĩa là hãy để cho bản thân được thúc đẩy, được biến đổi bởi lời của Người, trong những lựa chọn của chúng ta, những cảm xúc, và những sự ưu tiên của chúng ta, và theo cách này dám mạnh dạn chấp nhận theo cách hành động và cách nói của Người. Vì ngôn ngữ của Người là “ngôn ngữ của lương thực nói lên lòng nhân từ, lòng trắc ẩn, sự cống hiến quảng đại cho người khác” (Bài giảng Corpus Christi, Buenos Aires, 1995), ngôn ngữ của một tình yêu cụ thể và hữu hình, vì nó diễn ra hàng ngày và thật sự.

Trong mỗi Thánh Lễ, Chúa bẻ ra và chia sẻ chính mình Ngài. Người mời gọi chúng ta hãy cùng bẻ và chia sẻ chính chúng ta với Ngài và trở thành một phần của phép lạ hóa ra nhiều đó khát khao tiến đến và chạm đến mọi ngõ góc của thành phố này, của đất nước này, và của vùng đất này với lòng nhân hậu và trắc ẩn.

Đói lương thực, đói tình huynh đệ, đói Thiên Chúa. Mẹ Teresa biết thật rõ tất cả những điều này và khao khát xây dựng cuộc đời của mẹ trên hai trụ cột vững chắc này là Chúa Giê-su nhập thể trong Thánh Thể và Chúa Giê-su nhập thể trong người nghèo! Tình yêu đón nhận và tình yêu cho đi. Hai rường cột không thể tách rời này đánh dấu hành trình của mẹ và giữ cho mẹ vững bước tiến, khao khát làm dịu cơn đói và khát của chính mẹ. Mẹ đến với Chúa chính là lúc mẹ đến với những người bị khinh rẻ, những người không được yêu thương, người cô đơn và bị lãng quên. Khi đến gần với những anh chị em của mình, mẹ tìm thấy dung nhan của Chúa, vì mẹ biết rằng “tình yêu dành cho Chúa và tình yêu dành cho tha nhân trở nên một: chúng ta tìm thấy chính Chúa Giê-su nơi những anh em bé mọn nhất, và trong Chúa Giê-su, chúng ta tìm thấy Thiên Chúa” (Deus Caritas Est, 15). Và chỉ một tình yêu đó thôi là đủ làm thỏa mãn cái đói của mẹ.

Anh chị em thân mến, hôm nay Chúa Phục sinh tiếp tục bước đi giữa chúng ta, giữa cuộc sống và trải nghiệm hàng ngày của chúng ta. Người biết cái đói của chúng ta và Ngài tiếp tục nói với chúng ta: “Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ” (Ga 6:35). Chúng ta hãy động viên nhau đứng dậy và trải nghiệm tình yêu vô bờ của Người. Chúng ta hãy cho phép Người làm thỏa cái đói và cái khát của chúng ta: trong bí tích của bàn thánh và trong bí tích của những anh chị em của chúng ta.


Những lời cuối Lễ ở Skopje của Đức Thánh Cha Phanxico

Anh chị em thân mến,

Trước khi ban phép lành cuối Lễ, cha gửi lời cảm ơn đến tất cả anh chị em. Tôi xin cảm ơn Đức Giám mục Skopje về những lời của ngài và đặc biệt với nỗ lực rất lớn để chuẩn bị cho ngày hôm nay. Cùng với ngài, tôi xin gửi lời cảm ơn tất cả những người hỗ trợ bằng cách này cách khác, các linh mục, tu sĩ và giáo dân tín hữu. Xin chân thành cảm ơn tất cả anh chị em!

Một lần nữa, tôi xin bày tỏ lòng tri ân đến các nhà Chức trách Dân sự của đất nước, các lực lượng giữ an ninh trật tự và những người tình nguyện. Chúa chắc chắn sẽ trả công cho anh chị em vì Người biết rõ nhất. Về phần mình, tôi sẽ nhớ đến anh chị em trong lời cầu nguyện và tôi xin anh chị em cũng hãy cầu nguyện cho tôi.

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/5/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét