Thứ Năm, 20 tháng 2, 2020

TOÀN VĂN TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Mối Phúc thứ ba

TOÀN VĂN TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Mối Phúc thứ ba
General Audience © Vatican Media

TOÀN VĂN TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Mối Phúc thứ ba

‘Bất cứ ai cũng có thể hiền lành khi mọi sự yên bình, nhưng người ta sẽ phản ứng như thế nào ‘dưới áp lực,’ nếu bị tấn công, bị xúc phạm, bị hành hung?’

19 tháng Hai, 2020 14:10

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:15 trong Khán phòng Phaolo VI, nơi Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục loạt giáo lý mới về Các Mối Phúc, trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung phân tích về Mối Phúc thứ ba: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5:5). Trích sách thánh: trích: Tv 37:3.8-11.

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


* * *

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài giáo lý hôm nay chúng ta tập trung và Mối Phúc thứ ba của Bát Phúc theo Tin mừng Thánh Mát-thêu: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5:5). Thuật ngữ “hiền lành” được sử dụng theo nghĩa đen ở đây là dịu dàng, nhu mì và hòa nhã, không bạo lực. Hiền lành được thể hiện trong những lúc xảy ra xung đột, được nhìn thấy trong cách một người phản ứng trước một tình huống mang tính đối kháng. Bất cứ ai cũng có thể hiền lành khi mọi sự yên bình, nhưng người ta sẽ phản ứng như thế nào “dưới áp lực,” nếu bị tấn công, bị xúc phạm, bị hành hung?

Thánh Phaolo nhắc lại trong một trích đoạn “lòng nhân từ và khoan dung của Đức Ki-tô” (2 Cr 10:1). Và Thánh Phê-rô nhắc lại thái độ của Chúa Giê-su trong cuộc Thương khó: Người đã không đáp trả hoặc đe dọa vì “Người phó thác cho Đấng xét xử công bình” (1 Pr 2:23). Và lòng nhân từ của Chúa Giê-su được nhìn thấy thật mạnh mẽ trong cuộc Thương khó của Người.

Trong Kinh Thánh từ “hiền lành” cũng chỉ về người không có tài sản thế gian; vì thế chúng ta sửng sốt với sự thật mà Mối Phúc thứ ba nói rằng, quả thật rằng người hiền lành “sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.”

Thật ra, Mối Phúc này trích từ Thánh vịnh 37, mà chúng ta nghe khi bắt đầu bài giáo lý. Cũng ở đó, sự hiền lành và sở hữu đất hứa được liên kết. Theo cách nghĩ thứ hai, hai điều này dường như xung khắc nhau. Trong thực tế, sự sở hữu đất đai là phạm vi dễ gây xung đột: thường có những cuộc chiến vì lãnh thổ, để có quyền bá chủ trên một khu vực nào đó. Trong chiến tranh, kẻ mạnh nhất chiến thắng và xâm lăng những vùng đất khác.

Tuy nhiên, chúng ta hãy xét kỹ động từ được sử dụng để chỉ về việc sở hữu của người hiền lành: họ không xâm lăng đất đai. Không, Mối Phúc không nói “phúc cho ai hiền lành vì họ sẽ xâm chiếm được đất đai,” họ sẽ “thừa hưởng” nó. Phúc cho những người hiền lành vì họ sẽ “thừa hưởng” đất hứa. Trong các Sách Thánh động từ “thừa hưởng” thậm chí có ý nghĩa còn rộng hơn. Thật vậy, Dân Chúa kêu gọi “sự thừa kế” đất Israel, tức là Đất Hứa.

Đất đó là một lời hứa và là một món quà cho Dân Chúa, và nó trở thành một dấu chỉ còn lớn lao hơn là một vùng đất đơn thuần. Có một “vùng đất” — cho phép cha chơi chữ một chút — đó là Thiên Đàng, tức là vùng đất mà chúng ta đang hướng về: Trời mới và đất mới mà chúng ta đang hướng đi về (x. Is 65:17; 66:22; 2 Pr 3:13; Kh 21:1). Vì thế, người hiền lành là người “thừa kế” những lãnh địa uy nghi nhất. Đó không phải là một người nhát gan, một người “yếu đuối” tìm được một lý do đạo đức thích hợp để giữ mình đứng ngoài các vấn đề. Hoàn toàn ngược lại! Họ là người đã lãnh nhận được một sự thừa kế và không muốn lãng phí nó. Người hiền lành không xuề xòa, nhưng là một môn đệ của Đức Ki-tô là người đã học cách bảo vệ một miền đất khác. Họ bảo vệ sự bình an của mình; họ bảo vệ mối quan hệ của mình với Thiên Chúa; họ bảo vệ những ân sủng, những món quà của Chúa, bảo vệ lòng thương xót, tình huynh đệ, sự tín thác và con người với niềm hy vọng.

Ở đây chúng ta phải nói đến tội tức giận, một động thái bạo lực, mà sự thúc bách của nó thì tất cả chúng ta đều biết. Có ai chưa bao giờ tức giận một lần nào đó? Tất cả. Chúng ta phải xem lại Mối Phúc và tự hỏi mình: chúng ta đã tàn phá bao nhiêu thứ với lòng tức giận? Chúng ta đã đánh mất bao nhiêu thứ? Một giây phút tức giận có thể tàn phá rất nhiều thứ; một người mất kiểm soát và không đánh giá đúng đâu là điều thật sự quan trọng, và người đó có thể phá hủy mối quan hệ với người anh em, đôi khi chẳng có phương thuốc cứu chữa. Rất nhiều người anh em không còn nói chuyện với nhau chỉ vì tức giận; họ tự xa lánh nhau. Điều đó trái ngược lại với tính hiền lành. Hiền lành là tập hợp với nhau, tức giận là chia rẽ.

Sự hiền lành chinh phục được rất nhiều điều. Sự hiền lành có khả năng chinh phục tâm hồn, duy trì tình bạn, và rất nhiều điều khác, vì người ta không tức giận nhưng họ bình tĩnh, họ suy nghĩ lại và lần lại các bước đi, và vì vậy người ta có thể tái xây dựng với sự hiền lành.

“Đất hứa” để chinh phục với sự hiền lành là ơn cứu độ của người anh em mà Tin mừng của Thánh Mát-thêu nói đến: “Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em” (Mt 18:15). Không có miền đất nào đẹp hơn tâm hồn của người khác; không có lãnh địa nào đẹp hơn để chinh phục cho bằng sự hòa bình lại được tìm thấy với một người anh em. Và đó chính là đất hứa để thừa hưởng với sự hiền lành!

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/2/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét