TRIỀU YẾT CHUNG: Cầu nguyện không thôi
“Cầu nguyện không phải là chiếc đũa thần. Cầu nguyện để giúp giữ đức tin vào Chúa và phó thác chúng ta trong tay Người, ngay cả khi chúng ta không hiểu được ý định của Người”
MAY 25, 2016
L'Osservatore Romano
Dưới đây là bản dịch của ZENIT bài giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxico trong buổi Triều yết sáng nay tại Quảng trường Thánh Phê-rô.
__
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị!
Dụ ngôn trong Tin mừng chúng ta vừa nghe (Lc 18:1-8) có một lời dạy rất quan trọng: “Nhu cầu phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (c. 1). Như vậy, cầu nguyện không phải chỉ là thỉnh thoảng, là khi nào tôi cảm thấy thích. Không phải vậy, Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng chúng ta phải “cầu nguyện luôn, không được nản chí,” và Người đưa ví dụ về người góa phụ và ông quan tòa.
Ông quan tòa là một nhân vật quyền lực, được kêu gọi xét xử dựa trên nền tảng của Luật Môi-sê. Vì vậy theo truyền thống thánh kinh cho biết các quan tòa phải là người kính sợ Thiên Chúa, trung thành với đức tin, công bằng và liêm chính (Xh 18:21). Tuy nhiên, ông quan tòa này “chẳng kính sợ Thiên Chúa và cũng chẳng coi ai ra gì” (c. 2). Ông ta là một quan tòa lỗi đạo lý, không cần suy xét phải trái, ông ta không cần quan tâm đến Luật nhưng chỉ làm những gì ông ta muốn làm, tùy vào ý thích của ông ta. Người góa phụ, cùng với đứa con mồ côi và người ngoại, là những giai cấp yếu kém nhất trong xã hội. Những quyền cho họ được Luật bảo vệ dễ dàng bị chà đạp vì họ là những người cô thân cô thế và không có sức tự vệ, họ khó có thể làm cho tiếng nói của mình được lắng nghe: một người quả phụ nghèo ở đó, một mình, không ai bảo vệ cho bà ; họ có thể dễ dàng bỏ qua không để ý đến bà, và cũng không cho bà sự công bằng. Những người con mồ côi cũng vậy, và người ngoại cũng cùng tình trạng, người nhập cư; tại thời điểm đó vấn đề này là nổi cộm. Trước thái độ lãnh đạm của người quan tòa, người góa phụ phải cầu viện bằng một vũ khí duy nhất: liên tục năn nỉ để quấy rầy ông ta, trình bày lên ông ta đòi công lý. Và đúng như niềm tin của bà, bà đã hoàn thành được mục tiêu của mình. Quả thực, trong một thời điểm nào đó, một lúc nào đó ông quan tòa có lắng nghe bà ta, không phải ông ta cảm thương vì lòng thương xót, hay vì lương tâm thức tỉnh ông ta; ông ta chỉ đơn giản thừa nhận: “vì mụ góa này quấy rầy ta mãi, thì ta phải xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến ta hoài, làm ta nhức đầu nhức óc.” (c. 5).
Chúa Giê-su rút ra hai kết luận từ dụ ngôn này: nếu bà quả phụ đã thành công trong việc làm xiêu lòng ông quan tòa bất lương, thì Thiên Chúa còn hơn thế biết bao nhiêu vì Người là Cha nhân từ và công bằng. Người “sẽ minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao?” Và, còn hơn thế nữa, “Người sẽ mau chóng minh xét cho họ.” (cc. 7-8).
Vì thế, Chúa Giê-su thúc đẩy chúng ta cầu nguyện “không nản chí.” Tất cả chúng ta đều trải nghiệm những giây phút mệt mỏi và thất vọng, đặc biệt khi lời cầu nguyện của chúng ta có vẻ không linh nghiệm. Nhưng Chúa Giê-su bảo đảm với chúng ta: ngược lại với ông quan tòa bất lương, Thiên Chúa nhanh chóng lắng nghe tiếng kêu của con cái của Người cho dù có lúc người không làm như vậy hay không làm theo cách chúng ta muốn. Cầu nguyện không phải là một chiếc đũa thần. Cầu nguyện để giúp chúng ta giữ đức tin vào Chúa và phó thác trong tay Người, ngay cả khi chúng ta không hiểu được ý định của Người.
Về vấn đề này thì chính Đức Giê-su – Người đã cầu nguyện rất nhiều!– là một tấm gương. Thư gửi tín hữu Do thái nhắc nhở chúng ta rằng “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. (5:7). Nếu nhìn thoáng qua, lời khẳng định dường như không thật, vì Đức Giê-su đã chết trên cây thập tự. Tuy nhiên Thư gửi tín hữu Do thái không lầm lẫn: Thiên Chúa đã thực sự giải thoát Đức Giê-su khỏi cái chết và cho Người chiến thắng vinh quang sự chết, nhưng con đường để đến được vinh quang đó phải đi qua cái chết! Việc nhắc đến lời khẩn nguyện mà Thiên Chúa đã lắng nghe hàm ý chỉ lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trong vườn Giệt-si-ma-ni. Bị sợ hãi vì những đau đớn sắp xảy đến, Chúa Giê-su đã cầu xin Chúa Cha cất cho Người thoát khỏi chén đắng của Cuộc Thương khó, nhưng lời cầu nguyện của Người phủ đầy sự tín thác vào Chúa Cha và phó thác Người cho ý định của Chúa Cha mà không do dự: “Tuy vậy – Chúa Giê-su nguyện cầu – xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26:39). Mục đích của lời cầu nguyện lại chuyển sang chiều kích thứ hai; điều quan trọng thứ nhất của tất cả mọi sự là mối quan hệ của Người với Chúa Cha. Chúng ta cùng xem lời nguyện xin của Người như thế nào: lời khẩn nguyện chuyển sang lòng khát khao và vâng nghe theo Thánh ý Thiên Chúa, cho dù như thế nào, nguyện xin cho tất cả những ai kêu cầu khát khao trên hết được kết hiệp với Người, Tình yêu nhân từ.
Dụ ngôn kết bằng một câu hỏi: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (c. 8). Và, với câu hỏi này, chúng ta phải luôn tỉnh thức: chúng ta không được ngừng cầu nguyện ngay cả những lúc lời cầu nguyện của chúng ta không được lắng nghe. Chỉ lời cầu nguyện mới giúp giữ vững đức tin, không có lời cầu nguyện, đức tin của chúng ta sẽ bị lung lay! Chúng ta hãy khẩn xin Thiên Chúa ban cho chúng ta đức tin để tạo nên những lời cầu nguyện liên lỉ và kiên trì, như cách người góa phụ trong dụ ngôn, một đức tin được nuôi dưỡng bằng khát khao mong chờ Người đến. Và trong lời cầu nguyện, chúng ta trải nghiệm được lòng thương xót của Chúa, khi Người, với cương vị người Cha, đến gặp con cái của Người với tình thương bao la nhân từ.
[Văn bản gốc: Tiếng Ý] [Dịch sang tiếng Anh bởi ZENIT]
[Dịch từ bản tiếng Anh: TRI KHOAN 26/05/2016]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét