Thứ Năm, 9 tháng 6, 2016

TRIỀU YẾT CHUNG: Phép lạ đầu tiên của Chúa Giê-su

TRIỀU YẾT CHUNG: Phép lạ đầu tiên của Chúa Giê-su

‘Vậy anh chị em có thể hình dung sẽ ra sao nếu cuối tiệc cưới là uống trà? Chắc chắn sẽ rất khó xử. Rượu là cần thiết cho một bữa tiệc mừng.’
8 tháng 6, 2016
pope francis
L'Osservatore Romano
Dưới đây là bản dịch của ZENIT bài giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxico trong buổi triều yết chung sáng nay của Đức Thánh Cha Phanxico tại Quảng trường Thánh Phê-rô.
__
Anh chị em thân mến, xin chào anh tất cả!
Trước khi bắt đầu bài suy tư hôm nay, cha muốn chào mừng một nhóm những cặp hôn phối kỷ niệm 50 năm ngày cưới. Thực sự, đây là “rượu ngon” của gia đình! Đời sống hôn nhân của anh chị em thực sự là một chứng nhân cho những cặp hôn nhân mới – cha sẽ chào mừng sau – và giới trẻ phải học tập. Đó là một chứng tá rất đẹp. Xin cảm ơn đời sống chứng nhân của anh chị em.
Sau khi đã diễn giải những dụ ngôn về lòng thương xót, hôm nay chúng ta suy niệm về phép lạ đầu tiên của Chúa Giê-su, mà thánh Tông đồ Gioan gọi là “những dấu chỉ”, vì Chúa Giê-su không làm phép lạ để khuấy động sự tò mò ngạc nhiên, nhưng để tỏ lộ tình yêu của Chúa Cha. Quả thật, Gioan (2:1-11), thuật lại phép lạ đầu tiên trong số những dấu chỉ phi thường, và đã được thực hiện tại Cana thành Galile. Đây là một cánh “cánh cửa dẫn vào” qua đó những lời nói và cách diễn đạt được tạo thành, làm sáng tỏ sự huyền nhiệm của Đức Ki-tô và mở những cửa tâm hồn dẫn vào đức tin của các tông đồ. Chúng ta hãy cùng nhìn vào một vài vị tông đồ.
Trong phần giới thiệu, chúng ta tìm thấy cụm từ “Chúa Giê-su và các môn đệ của Người” (c. 2). Những người Chúa Giê-su đã gọi để đi theo Ngài đã kết hiệp với Người trong một cộng đoàn và bây giờ, trở nên như một gia đình, tất cả đều được mời đến dự tiệc cưới. Bắt đầu thừa tác vụ công khai của Người tại tiệc cưới Cana, Chúa Giê-su thể hiện mình như vị Hôn phu của Dân Chúa, đã được các tiên tri loan báo, và Người đã tỏ lộ cho chúng ta sự sâu sắc của mối quan hệ ràng buộc chúng ta với Người: đó là một Giao ước mới của tình yêu. Vậy điều gì là nền tảng đức tin của chúng ta? — Một điều ước của lòng thương xót mà Chúa Giê-su đã liên kết chúng ta với Người. Và đời sống Ki-tô hữu là câu trả lời cho tình yêu này. Nó cũng giống câu chuyện của hai người yêu nhau. Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau, đi tìm kiếm nhau, và tìm thấy nhau, mừng vui và yêu nhau; chính xác giống như người yêu và được yêu trong Diễm ca. Tất cả những gì diễn ra tiếp theo là kết quả của mối quan hệ này. Giáo hội là gia đình của Chúa Giê-su trong đó tình yêu của Người tuôn đổ; chính đó là tình yêu mà Giáo hội nuôi dưỡng và mong muốn tặng ban cho tất cả.
Trong ngữ cảnh này của Giao ước, chúng ta cũng hiểu được sự quan sát bao dung của Đức Mẹ: “Họ hết rượu rồi” (c. 3). Làm sao có thể mừng một tiệc cưới và một ngày lễ nếu yếu tố mà các tiên tri đã nói bị thiếu, yếu tố này là một thành phần cấu thành chính của bữa đại tiệc của đấng Mê-xi-a? (Amos 9:13-14; Joel2:24; Isaia 25:6). Nước rất cần thiết cho sự sống, nhưng rượu lại diễn tả sự nồng ấm và niềm vui của tiệc mừng. Nếu một tiệc cưới mà thiếu rượu thì chắc chắn đôi uyên ương sẽ vô cùng lúng túng. Vậy anh chị em có thể hình dung sẽ ra sao nếu cuối tiệc cưới là uống trà? Chắc chắn sẽ rất khó xử. Rượu là cần thiết cho một bữa tiệc mừng. Việc hóa nước thành rượu trong các chum được dùng “trong các nghi thức thanh tẩy của người Do thái” (c. 6), Chúa Giê-su đã thực hiện một dấu chỉ rất rõ ràng. Chúa Giê-su ra dấu Người là sự hoàn tất của Lề Luật và các tiên tri. Như thánh Gioan nói ở một chỗ khác: “Quả thế, lề luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môi-sen, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có” (1:17).
Lời của Mẹ Maria nói với những người hầu làm rực rỡ lên bức tranh tiệc cưới: “Hãy làm những gì Người bảo các anh làm” (c. 5). Thật thú vị: đấy là lời nói cuối cùng của Mẹ được các Tin mừng thuật lại: đó là gia tài của Mẹ để lại cho tất cả chúng ta. Ngày hôm nay cũng vậy, Mẹ chúng ta nói với tất cả: “Hãy làm những gì Người bảo anh em làm – Chúa Giê-su nói gì với anh em –, cứ làm đi.” Đó là gia tài Mẹ để lại cho chúng ta: thật là đẹp! Đó là một cách diễn đạt nhắc nhớ lại công thức của đức tin mà người Israel ở Sinai đã thực hiện để đáp lại những lời cam kết của Giao ước: “Mọi điều Đức Chúa phán bảo, chúng tôi xin làm theo!” (Xh 19:8). Và quả thật tại Cana các người hầu đã vâng lời. “Đức Giê-su bảo họ, ‘Hãy đổ đầy nước vào các chum.’ Và họ đổ đầy lên đến vành chum. Rồi Người lại bảo họ, ‘Hãy múc ra một ít và đem đến cho người quản tiệc.’ Và họ đã làm vậy (cc. 7-8). Trong những tiệc cưới này, Giao ước mới được thiết lập và với tất cả những người tôi tớ của Thiên Chúa, tức là toàn thể Giáo hội được trao phó sứ mạng mới: Hãy làm những gì Người bảo các anh!” Phục vụ Thiên Chúa có nghĩa là lắng nghe và đưa Lời Người ra thực hành. Điều đó thật đơn giản, nhưng là một sự giới thiệu rất quan trọng của Mẹ Chúa Giê-su và đó là chương trình đời sống của người Ki-tô hữu. Lấy ra khỏi chum cũng tương tự ý nghĩa rằng mỗi chúng ta hãy phó thác bản thân cho Lời Người để có thể trải nghiệm được sự huyền diệu của nó trong đời sống. Rồi,cùng với người quản tiệc đã nếm nước biến thành rượu, cả chúng ta nữa cũng hãy kêu lên: “Ông đã cất giữ rượu ngon cho đến bây giờ (c. 10). Đúng, Thiên Chúa luôn cất giữ rượu ngon đó cho sự cứu rỗi của chúng ta, cũng như nó vẫn tiếp tục tuôn đổ từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa.
Câu kết của câu chuyện là một câu châm ngôn: “Đức Giê-su đã làm dấu lạ này đầu tiên tại Cana miền Galile, và bày tỏ vinh quang của Người, và các môn đệ đã tin vào Người” (c. 11). Bữa tiệc cưới tại Cana còn vượt xa hơn rất nhiều, chứ không chỉ là một câu chuyện đơn giản về phép lạ đầu tiên của Chúa Giê-su. Giống như một cái rương đựng của quý, Đức Giê-su giữ bí mật về con người thật của Người và mục đích của Người đến thế gian: vị hôn phu được chờ đợi đã bắt đầu bữa tiệc cưới được hoàn tất trong  Mầu nhiệm Vượt qua. Trong bữa tiệc này, Chúa Giê-su đã hiệp nhất các môn đệ của Người với Người bằng một Giao ước mới và chắc chắn. Tại Cana, các môn đệ của Người đã trở thành gia đình của Người và tại Cana,đức tin của Giáo hội đã được khai sinh. Tất cả chúng ta được mời gọi đến dự tiệc cưới này, vì rượu mới không bao giờ bị thiếu nữa!
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Dịch sang tiếng Anh bởi ZENIT]

[Nguồn: ZENIT]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 09/06/2016]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét