Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016

Giảng huấn Kinh truyền tin: Sự cứu rỗi

Giảng huấn Kinh truyền tin: Sự cứu rỗi

‘Nhưng nếu Thiên Chúa nhân lành và yêu thương chúng ta, tại sao Người lại đóng cửa ở một điểm nào đó? Vì cuộc sống chúng ta không phải là một trò chơi video hay một loạt kịch truyền hình thường thức: đời sống chúng ta rất hệ trọng và mục tiêu đạt tới là vô cùng quan trọng: ơn cứu rỗi đời đời.’
21 tháng 8, 2016
pope francis
CTV Screenshot
Dưới đây là bản dịch của ZENIT về bài giảng huấn của Đức Thánh Cha Phanxico trước và sau kinh Truyền tin giữa trưa với những người trong Quảng trường Thánh Phê-rô.
__
Trước Kinh Truyền tin:
Anh chị em thân mến, Xin chào anh chị em!
Đoạn Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy niệm về chủ đề ơn cứu rỗi. Tác giả Tin mừng Luca kể cho chúng ta chuyện khi Chúa Giê-su đang trên đường về phía Giê-ru-sa-lem, trên đường đi một người đàn ông tiến đến hỏi Người: “Thưa ngài, những người được cứu thoát thì ít, phải không ạ?” (Lc 13:23). Chúa Giê-su không cho người đó câu trả lời trực tiếp, nhưng người đưa vấn đề sang một góc độ khác, dùng ngôn ngữ mang tính gợi mở, mà ngay lúc đầu, có thể các môn đệ không hiểu: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.” (c. 24). Bằng hình ảnh cánh cửa, Người muốn giải thích với những người đang lắng nghe rằng đây không phải là vấn đề con số, có bao nhiêu người sẽ được cứu rỗi. Vấn đề không phải là bao nhiêu người, nhưng điều quan trọng là mọi người biết được đâu là con đường dẫn đến ơn cứu độ: cánh cửa.
Đi theo con đường này, chúng ta phải đi qua một cánh cửa. Nhưng cánh cửa đó ở đâu? Nó như thế nào? Ai là cánh cửa? Chính Chúa Giê-su là cánh cửa. Người nói trong Tin mừng Gioan: “Tôi là cửa” (Ga 10,9). Người dẫn chúng ta đi vào tình bạn với Chúa Cha, nơi đó chúng ta tìm được tình yêu, sự thấu hiểu và bảo vệ. Nhưng tại sao cánh cửa này lại hẹp? Người ta có thể hỏi. Tại sao nó hẹp? Nó hẹp không phải vì nó mang tính cưỡng ép – không, nhưng vì nó đòi hỏi chúng ta hãy hạn chế và bớt đi tính tự phụ và sự sợ hãi, hãy mở lòng mình ra với sự khiêm nhường và tâm hồn tín thác vào Người, nhận ra chúng ta là những tội nhân, đang cần sự tha thứ của Người. Về vấn đề này, nó hẹp: mang trong người tính tự phụ, nó làm người chúng ta to lên. Cánh của của lòng thương xót của Chúa thì hẹp, nhưng luôn luôn rộng mở, rộng mở cho tất cả  mọi người! Thiên Chúa không dành đặc ân riêng một ai, nhưng luôn chào đón tất cả, không phân biệt. Một cánh cửa để giới hạn và bớt đi tính tự phụ và sự sợ hãi của chúng ta. Cánh cửa mở vì Thiên Chúa chào đón chúng ta không phân biệt người nào. Và ơn cứu độ Người ban cho chúng ta, là một dòng suối thương xót vô tận, lòng thương xót đó phá vỡ mọi rào cản, và mở ra những chân trời ánh sáng và hòa bình đầy kinh ngạc. Cánh cửa thì hẹp, nhưng luôn rộng mở: xin đừng quên điều này.
Một lần nữa, hôm nay Chúa Giê-su nói với chúng ta, đưa ra một lời mời gọi cấp bách đến với Ngài, hãy bước qua cánh cửa dẫn đến sự sống viên mãn, hiệp nhất và hạnh phúc. Người đang chờ chúng ta, bất kể chúng ta đã phạm những tội lỗi gì, bất kể tất cả, để ôm lấy chúng ta, để trao ban sự tha thứ của Người. Một mình Ngài thôi có thể biến đổi tâm hồn chúng ta, chỉ Ngài mới có thể cho chúng ta ý nghĩa trọn vẹn về sự tồn tại của chúng ta, cho chúng ta niềm vui thực sự. Bước vào cánh cửa của Giê-su, cánh cửa của đức tin và Tin mừng, chúng ta có thể thoát ra khỏi những hành vi trần tục, thói quen xấu, tính ích kỷ và đóng cửa lòng. Khi có sự tiếp xúc với tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, sẽ có sự biến đổi thực sự, và đời sống của chúng ta được soi sáng bởi ánh sáng của Chúa Thánh thần: một ánh sáng không bao giờ tắt!
Cha muốn đưa ra một đề nghị. Bây giờ chúng ta hãy nghĩ đến, trong thinh lặng, trong một giây phút về những điều đang chất chứa trong chúng ta và ngăn cản chúng ta bước qua cánh cửa: lòng tự phụ của tôi, lòng tự phụ của tôi, tội lỗi của tôi. Và rồi chúng ta hãy nghĩ đến cánh cửa khác mở ra từ lòng thương xót của Chúa ở phía bên kia đang chờ đợi chúng ta để trao ban sự tha thứ.
Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta nhiều cơ hội để cứu rỗi và đi qua cánh cửa ơn cứu độ. Cánh cửa này là một cơ hội, không nên lãng phí: chúng ta không cần phải làm “bài thuyết trình kinh viện” về ơn cứu độ, như người đàn ông đến hỏi Chúa Giê-su, nhưng chúng ta phải nắm bắt lấy những cơ hội của ơn cứu độ. Vì tại một thời điểm nào đó “chủ nhà sẽ đứng dậy và khóa cửa” (c. 25), như được nói đến trong Tin mừng. Nhưng nếu Thiên Chúa nhân lành và yêu thương chúng ta, tại sao Người lại đóng cửa ở một điểm nào đó? Vì cuộc sống chúng ta không phải là một trò chơi video hay một loạt kịch truyền hình thường thức: đời sống chúng ta rất hệ trọng và mục tiêu đạt tới là vô cùng quan trọng: ơn cứu rỗi đời đời.
Lạy Mẹ Maria Đồng trinh, Cánh cửa của Thiên Đàng, chúng con xin Mẹ giúp chúng con biết nắm bắt lấy những cơ hội mà Thiên Chúa trao ban để chúng con bước qua cánh cửa của đức tin, và từ đó đi vào một con đường thênh thang: đó là con đường của ơn cứu độ là chỗ cư ngụ cho tất cả những ai biết yêu và được yêu. Chính tình yêu giải thoát chúng ta, tình yêu ở đây trên dương thế là một nguồn hạnh phúc cho những người khiêm nhu, kiên tâm và ngay thẳng, quên đi bản thân và hy sinh vì anh em, đặc biệt đối với những người nhỏ bé nhất.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch tiếng Anh của Deborah Castellano Lubov]


Sau Kinh Truyền tin:
Anh chị em thân mến,
Tin thật buồn về vụ tấn công đẫm máu hôm qua xảy ra ở nước Thổ nhĩ kỳ yêu quý. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân, cho những người đã chết và bị thương, và xin ơn hòa bình cho tất cả.
Kính mừng …
Cha thân ái chào các khách hành hương Roma và từ nhiều quốc gia khác, đặc biệt các tín hữu của Kalisz (Ba lan), Gondomar (Bồ đào nha); Cha cũng xin chào cách đặc biệt những chủng sinh mới của Đại học Giáo hoàng Bắc Mỹ. Xin chào mừng đến Roma!
Cha chào Liên đoàn Cứu thể Cực thánh Manfredonia, nhóm xe đạp Polesine, tín hữu của Delianuova và của Verona, là những khách hành hương bộ hành. Cha chào các bạn trẻ vùng Paddule, các bạn đến giúp bếp súp của Hội Caritas Rome.
Cha xin chúc tất cả một ngày Chúa nhật tốt lành. Và xin, đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc tất cả bữa trưa ngon miệng và chào tạm biệt!

[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch tiếng Anh của Deborah Castellano Lubov]




[Nguồn: zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 22/08/2016]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét