Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Bài Chia sẻ của Đức Thánh Cha với các Nhà báo Ý

Bài Chia sẻ của Đức Thánh Cha với các Nhà báo Ý

“Chỉ có một số ít ngành nghề có sức ảnh hưởng lớn đối với xã hội như ngành báo chí”
22 tháng 9, 2016
pope francis
Trong một buổi Tiếp kiến, Đức Thánh Cha Phanxico đã gặp gỡ Hội đồng các Nhà báo Quốc gia. Sau diễn từ của Chủ tịch Quốc vụ viện Truyền thông là Đức ông Dario E. Vigano và Chủ tịch Hội đồng, ông Enzo Iacopino, Đức Thánh Cha đã có bài chia sẻ dưới đây với những người có mặt.
Kính thưa quý vị,
Tôi xin cảm ơn chuyến viếng thăm của quý vị. Đặc biệt, tôi xin chân thành cảm ơn ngài Chủ tịch về những lời mà ông đã giới thiệu buổi họp của chúng ta hôm nay. Tôi cũng xin cảm ơn Đức ông Chủ tịch Quốc vụ viện Truyền thông về những lời của ngài.
Chỉ có một số ngành nghề có sức ảnh hưởng lớn đến xã hội như ngành báo chí. Người phóng viên có vai trò vô cùng quan trọng, đồng thời tính trách nhiệm cũng rất cao. Về một mặt nào đó quý vị là người viết “bản nháp đầu tiên của lịch sử,” xây dựng nên chương trình tin tức và dẫn đưa mọi người hiểu được các biến cố sự việc. Và điều này vô cùng quan trọng. Thời gian thay đổi và cách làm việc của nhà báo cũng thay đổi. Cho dù báo giấy và truyền hình đã mất sức hút trong truyền thông tin tức của thế giới số – đặc biệt đối với giới trẻ – khi các nhà báo có trình độ chuyên môn cao, họ vẫn giữ trụ cột chính, một yếu tố cốt lõi cho cho sức sống của một xã hội tự do và đa nguyên. Trước những thay đổi trong thế giới truyền thông, Tòa thánh cũng đã và đang trải qua một tiến trình cải tổ hệ thống truyền thông, mà qua đó anh chị em cũng hưởng lợi; Quốc vụ viện Truyền thông sẽ là điểm tham khảo tất yếu cho công việc quý giá của quý vị.
Hôm nay tôi xin chia sẻ với quý vị một suy tư về một số nét đặc trưng của nghề làm báo, và làm sao để nó phục vụ tốt hơn cho xã hội chúng ta đang sống. Thật vô cùng quan trọng cho tất cả chúng ta hãy tạm dừng lại và suy tư về những gì chúng ta đang làm và cách chúng ta làm. Trong đời sống tu đức, việc này thường được thực hiện dưới hình thức của một ngày tĩnh tâm, của một sự suy tư nội tâm sâu thẳm. Tôi nghĩ rằng trong đời sống hoạt động chuyên môn cũng cần điều này, một chút thời gian dừng lại và suy tư. Chắc chắn nó không dễ trong lãnh vực báo chí, một ngành nghề phải sống với “những thời khắc chuyển tải” cấp tốc và “ngày hết hạn.” Nhưng ít nhất cũng một phút ngắn ngủi, chúng ta cố gắng suy tư một chút về thực tại của ngành báo chí.
Tôi xin dừng lại trên ba yếu tố: yêu sự thật, một yếu tố quan trọng cho tất cả mọi người, đặc biệt các nhà báo; sống với nghề, một yếu tố tốt đẹp vượt ra ngoài những luật lệ và quy định; và tôn trọng nhân phẩm, một điều chắc chắn khó khăn hơn nhiều so với những gì một người có thể nghĩ đến lúc đầu.
Yêu sự thật không chỉ có nghĩa là khẳng định nó, nhưng là sống cho sự thật, làm chứng tá cho sự thật bằng công việc — vì vậy, sống và làm việc luôn đính kết lại với nhau thể hiện trên các từ ngữ anh chị em sử dụng trong một mục báo hay một chương trình truyền hình. Câu hỏi ở đây là buộc phải hay không buộc phải trung thực với chính bản thân và những người khác. Mối quan hệ là trọng tâm của truyền thông. Điều này thậm chí còn đúng hơn nữa cho những người chọn truyền thông làm nghề nghiệp. Và không có mối quan hệ nào có thể đứng vững và tồn tại với thời gian nếu nó được đặt trên sự bất lương. Tôi nhận thấy rằng trong ngành báo chí ngày nay – một dòng chảy liên tục các biến cố sự kiện tin tức tường thuật 24 giờ một ngày và 7 ngày 1 tuần – không phải luôn luôn dễ dàng đến được với sự thật, hay ít nhất là đến gần với sự thật. Trong đời sống không phải tất cả đều là trắng hoặc đen. Trong ngành báo chí cũng vậy, quan trọng là phải có khả năng phán đoán giữa những bóng xám mờ mờ của các sự việc mà người phóng viên được yêu cầu tường thuật. Những cuộc tranh luận chính trị, và thậm chí nhiều cuộc xung đột ít khi có bản tin đưa ra được những động lực phân định rõ ràng, giúp chúng ta nhận định tách bạch và chắc chắn ai sai ai đúng. Những mâu thuẫn đôi khi va chạm nhau; về bản chất, thực tế chúng được sinh ra từ những khó khăn của sự tổng hợp giữa nhiều lập trường khác nhau. Đây là công việc, chúng ta có thể nói nó là sứ mệnh – đồng thời rất khó khăn và cần thiết – của người làm báo: tiếp cận sự thật của sự việc càng gần càng tốt và không bao giờ viết hay nói một điều gì mà người đó biết, theo lương tâm, không đúng sự thật.
Yếu tố thứ hai: sống với nghề nghiệp chuyên môn trước hết – vượt ra ngoài những gì chúng ta có thể tìm thấy được viết trong các luật quy định đạo đức nghề nghiệp – là thấu hiểu, là thấm nhuần ý nghĩa sâu xa của công việc. Từ đây ngăn chặn được nhu cầu không đưa nghề nghiệp đi thuận theo chuỗi lợi ích đảng phái, bất kể là kinh tế hay chính trị. Vì vậy, nhiệm vụ của ngành báo chí, tôi khẳng định chắc chắn rằng – qua sự quan tâm, thận trọng đi tìm sự thật – là làm phát triển chiều kích xã hội của con người, thúc đẩy xây dựng quyền và trách nhiệm công dân thực sự. Do đó, theo cách đánh giá của chân trời rộng lớn này, thì hoạt động trong ngành nghề chuyên môn không chỉ mang nghĩa hồi đáp lại những điều quan tâm thuộc một phạm trù nào đó bằng pháp lý, nhưng còn là luôn mang trong tim một cấu trúc khung của một xã hội dân chủ. Theo dòng lịch sử, nó phải luôn luôn giúp chúng ta biết phản ánh lại rằng những chế độ chuyên chính – theo bất kỳ khuynh hướng hay “sắc thái” nào – không những luôn tìm cách điều khiển phương tiện truyền thông, mà còn áp đặt những luật lệ mới cho ngành báo chí.
Và thứ ba: tôn trọng nhân phẩm là điều quan trọng trong mọi ngành nghề, và một mặt nào đó rất đặc biệt với ngành báo chí, vì sau một bản tường thuật đơn giản một sự kiện nào đấy sẽ có những tình cảm, những cảm xúc, và nói tóm lại, đời sống của những cá nhân. Tôi thường nói về các loại tin đồn như là “chủ nghĩa khủng bố”, về việc con người có thể giết nhau bằng cái lưỡi. Nếu điều này là đúng cho mỗi cá nhân con người, trong gia đình hoặc nơi làm việc, thì nó lại còn đúng hơn nữa cho các nhà báo, vì tiếng nói của họ có thể đến được với tất cả mọi người, và đây là một vũ khí vô cùng mạnh mẽ. Ngành báo chí phải luôn tôn trọng phẩm giá con người. Một bài báo xuất bản hôm nay và, ngày mai, nó sẽ được thay bằng một bài báo khác, nhưng đời sống của một con người bị phỉ báng một cách bất công có thể bị phá hủy mãi mãi. Sự phê bình chắc chắn là hợp pháp, và tôi xin nói thêm rằng, rất cần thiết, phải vạch mặt mọi tội lỗi, nhưng phải luôn luôn làm việc này với sự tôn trọng người khác, tôn trọng đời sống người đó, tôn trọng tình cảm người đó. Ngành báo chí không thể trở thành một “vũ khí phá hủy” con người và thậm chí là dân tộc. Nó cũng không được làm lan tràn sự sợ hãi trước những thay đổi và những hiện tượng như tình trạng di cư cưỡng bức do chiến tranh và đói nghèo.
Tôi hy vọng rằng ngành báo chí khắp nơi và đang mở rộng là một khí cụ xây dựng, một nhân tố của lợi ích chung, một đòn bẩy cho những tiến trình hòa giải, có khả năng từ bỏ những cám dỗ kích động xung khắc bằng một ngôn ngữ thổi bùng lên ngọn lửa chia rẽ, nhưng, thay vào đó là thúc đẩy văn hóa gặp gỡ. Xin anh chị em những nhà báo hãy nhắc nhở mọi người mỗi ngày rằng không có xung đột nào không thể giải quyết được nhờ những con người có thiện chí.
Tôi xin cảm ơn về buổi họp mặt này. Tôi xin chúc mọi điều tốt lành cho công việc của anh chị em. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em. Tôi xin sát cánh với anh chị em trong lời cầu nguyện và sự đồng cảm của tôi, và xin anh chị em, xin cầu nguyện cho tôi. Xin cảm ơn.
[Văn bản gốc: Tiếng Ý]  [Bản dịch tiếng Anh của ZENIT]

[Nguồn:zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 23/09/2016]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét