Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016

Mẹ Teresa ‘yêu anh em một cách trọn vẹn’

Mẹ Teresa ‘yêu anh em một cách trọn vẹn’

Cố vấn tu đức của thánh nhân, ‘Mẹ là một nhà rao giảng và là đại sứ cho tính thiêng liêng của sự sống, không bao giờ cảm thấy mệt mỏi phải biện hộ cho phẩm vị của những em bé chưa ra đời, người đau yếu và hấp hối.’

BY HANNAH BROCKHAUS/CNA/EWTN NEWS
08/31/2016
mother teresa
– L'Osservatore Romano
ROME — Mẹ Teresa không cố gắng giải quyết mọi vấn đề của thế giới: Mẹ đơn giản chỉ sống trọn vẹn cuộc đời phục vụ và yêu thương tha nhân, cầu xin Thiên Chúa chăm sóc cho những người khác, vị cố vấn tu đức của Mẹ nói.
“Người Hindu, người Hồi giáo và người Ki-tô giáo đều nhìn nơi Mẹ một mẫu gương. Mẹ nổi tiếng vì Mẹ rất chính trực, và Mẹ yêu con người một cách chân tình,” Đức ông Leo Maasburg nói với CNA.
CNA phỏng vấn Đức ông Maasburg trong trước Lễ phong thánh của Mẹ Teresa, sẽ diễn ra ở Roma ngày 4 tháng 9. Linh mục nói về triết học tu đức của Mẹ, những cách Mẹ giúp xã hội ở Ấn độ, sự quan tâm chính trị của Mẹ và “bóng tối của linh hồn” của Mẹ, và nhiều vấn đề khác.
Đức ông Maasburg, một linh mục của tổng giáo phận Vienna được tiến chức năm 1982, đã gặp Mẹ Teresa vài năm sau khi ngài trở thành linh mục, duy trì một tình bạn tốt với Mẹ đến khi Mẹ mất năm 1997. Trong nhiều năm, Đức ông Maasburg cùng tham gia với Mẹ Teresa và các chị nữ tu của Mẹ trong nhiều chuyến đi, trong đó có đến Roma, sang Ấn độ và Armenia. Ngài cũng là một nhà cố vấn tu đức của Mẹ, người thông dịch và linh mục giải tội cho Mẹ, và ngài là tác giả quyển Mẹ Teresa Calcutta: Một hình ảnh riêng biệt (Mother Teresa of Calcutta: A Personal Portrait).
Dưới đây là toàn văn phỏng vấn:
Đức ông đã trải qua thời gian khá lâu với Mẹ Teresa. Có điều gì về Mẹ vẫn còn giữ chưa được nói ra?
Có lẽ còn nhiều câu chuyện và chi tiết chưa được kể ra. Mẹ Teresa là người cố gắng hành động hơn là nói. Đồng thời Mẹ có đời sống cầu nguyện rất sâu. Tôi nghĩ đây là điều khiến Mẹ làm việc có hiệu quả. Mọi việc Mẹ làm, Mẹ chỉ cố gắng làm cho và với “tình yêu đầu tiên và duy nhất của đời Mẹ”: Chúa Giê-su. Và điều này có lẽ có liên quan đến những gì chúng ta vẫn còn phải khám phá và tìm kiếm để hiểu rõ hơn: tu đức của Mẹ Teresa. Bằng lễ phong thánh của Mẹ, Giáo hội mời gọi chúng ta tiến bước xa hơn vào trong mối quan hệ mà Mẹ đã có với Thiên Chúa. Có cả một kho triết học tu đức cần phải được khám phá khi chúng ta suy ngẫm về đời sống, việc làm và lời nói của Mẹ. Tôi cũng tin rằng quan điểm chính trị của Mẹ về xã hội và những thông điệp của Mẹ đến với giới thượng đẳng của thế giới khi nhận giải Nobel Hòa bình (receiving the Nobel Peace Prize) hay diễn văn tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc (addressing the U.N. General Assembly) chưa được chú ý xứng tầm của nó. Mẹ Teresa còn vượt ra xa hơn là một nữ tu Công giáo với một trái tim vĩ đại cho người nghèo. Mẹ là một nhà rao giảng và đại sứ cho tính thiêng liêng của sự sống, không bao giờ cảm thấy mệt mỏi phải biện hộ cho phẩm vị của những em bé chưa ra đời, người đau yếu và hấp hối.
Những chỉ trích nhắm vào Mẹ Teresa thường đề cập đến cách mẹ đẩy người ta phải chấp nhận đau khổ. Những chỉ trích này có phi lý không? Mẹ giải quyết nhiều vấn đề khác nhau ở xã hội Ấn độ như thế nào?
Mẹ Teresa có lần bị đưa vào một tình huống khó với cách nói ẩn dụ thường có: Có người hỏi Mẹ rằng không tốt hơn sao nếu dạy người nghèo câu cá thay vì cho họ cá để ăn. Mẹ đồng ý, nhưng rồi Mẹ trả lời: “Người nghèo của tôi yếu quá không đủ sức cầm cần câu nữa. Khi nào họ hồi phục ở trong các nhà của tôi, tôi sẽ gửi họ đến cho quý vị để quý vị có thể dạy họ cách câu cá.” Mặc dù Mẹ rất quan tâm đến chính trị, Mẹ không bao giờ cố gắng trở thành một chính trị gia. Mẹ chỉ cố gắng yêu mọi người một cách trọn vẹn — và cầu xin Chúa Giê-su chăm sóc cho những người khác. Mẹ giải quyết các vấn đề của xã hội Ấn độ bằng cách sống Tin mừng giữa người nghèo. Và sự đau khổ có gốc rễ từ tình trạng bần cùng không tưởng tượng nổi đã, và đang là những vấn đề u ám nhất của tiểu châu lục. Nhưng liều thuốc mà Mẹ muốn kê toa cho người ta không phải là y dược, nhưng là thuốc tinh thần, một liều thuốc: yêu thương chăm sóc vô điều kiện và nhân hậu.
Ấn độ đã thay đổi như thế nào nhờ công việc của Mẹ Teresa? Và nó vẫn có thể thay đổi theo cách nào?
Người ta gọi Mẹ Teresa là “Nữ hoàng của Ấn độ.” Điều này cho thấy họ yêu Mẹ biết bao nhiêu. Người Hindu, người Hồi giáo và người Ki-tô giáo đều nhìn nơi Mẹ một mẫu gương. Mẹ nổi tiếng vì Mẹ rất chính trực, và Mẹ yêu con người một cách chân tình. Mẫu gương của Mẹ chắc chắc sẽ giúp mọi người trong nước hiểu rằng mọi con người, bất kể tình trạng xã hội của họ, xứng đáng nhận được cách cư xử tôn trọng và có một phẩm giá từ ban đầu. Mẹ cũng rất nổi tiếng vì là một Thừa sai Bác ái và sống đức tin rộng mở. Ngày nay một số tiểu bang ở Ấn độ cho thấy khuynh hướng hạn chế sự tự do tôn giáo qua những đạo luật chống cải đạo. Một số nhóm cực đoan cố nhóm lên ngọn lửa bạo lực chống lại người Ki-tô hữu và Hồi giáo. Ấn độ có thể và nên phải là một quốc gia trong đó người dân thuộc nhiều tôn giáo khác nhau biết tôn trọng và sống hòa bình với nhau.
Mẹ Teresa cũng  trải qua “bóng tối của linh hồn,” cũng như nhiều vị thánh trước và sau Mẹ. Có thể giải thích bóng tối này như thế nào? Và trải nghiệm của Mẹ Teresa có thể dạy chúng ta cách thoát ra bóng tối này như thế nào?
Không dễ có thể giải thích được “bóng tối của linh hồn,” vì đây là một trải nghiệm thần bí. Có lúc các thánh nhân nhận được tình trạng này như một ân sủng của Thiên Chúa. Nó cho phép các vị chia sẻ trong công cuộc cứu chuộc nhân loại, đó là tình trạng bị xa cách Thiên Chúa do tội lỗi. Trải nghiệm của Mẹ Teresa sẽ không dạy cho chúng ta cách “thoát ra” khỏi bóng tối này; nó có thể giúp chúng ta biết mang lấy nó nếu chúng ta được ơn phúc vinh dự trải nghiệm nó. Tuy nhiên, chắc chắn nó không phải là một trải nghiệm dễ dàng. Trong các lá thư, Mẹ Teresa mô tả nó là sự trải nghiệm tình trạng vắng bóng Thiên Chúa. Giữ được sự trung tín trong trải nghiệm đau khổ này có một ảnh hưởng tu đức rất sâu đậm cho linh hồn.

[Nguồn: ncregister]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 01/09/2016]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét