Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016

Phỏng vấn dành riêng: Linh mục phụ trách án phong thánh cho Mẹ Teresa

Phỏng vấn dành riêng: Linh mục phụ trách án phong thánh cho Mẹ Teresa


Cáo thỉnh viên án phong thánh của vị nữ tu chia sẻ cái nhìn của Mẹ về một thế giới thiếu thốn sự yêu thương

Albanian Roman Catholic nun and founder of the Missionaries of Charity, Mother Teresa (1910 - 1997) at a hospice for the destitute and dying in Kolkata (Calcutta), India, 1969. (Photo by Terry Fincher/Hulton Archive/Getty Images)

Trong một quyển sách mới về những bài viết của Mẹ Teresa Calcutta, cha Brian Kolodiejchuk lấy một trang của Đức Thánh Cha Phanxico và giải thích sâu hơn ý nghĩa của từ “lòng thương xót.”
“Đức Thánh Cha Phanxico nói với chúng ta rằng ý nghĩa nguyên gốc của từ lòng thương xót trong tiếng Latinh  —misericordia— “là miseris cor dare, có nghĩa ‘trao tặng trái tim cho người khốn khổ,’ những người thiếu thốn, những người đau khổ,” cha Kolodiejchuk viết trong lời giới thiệu quyển Một Tiếng gọi Lòng thương xót: Những trái tim yêu thương, Những đôi tay phục vụ (A Call to Mercy: Hearts to Love, Hands to Serve). “Đó là những gì Chúa Giê-su đã làm: Người mở rộng trái tim của Người cho sự khốn cùng của con người.”
Có lẽ không có sự miêu tả nào có thể phù hợp hơn cho vị nữ tu sẽ được tuyên phong thánh vào Chúa nhật này bằng câu một người đã trao tặng trái tim mình cho những người khốn cùng và đáng thương. Từ trụ sở của Mẹ trong khu vực khốn khổ nhất của một thành phố ở Ấn độ, Mẹ Teresa dành trọn cuộc đời cố gắng phục vụ những nhu cầu cần thiết nhất của “người nghèo nhất trong những người nghèo” trên toàn thế giới.
Một tiếng gọi Lòng thương xót sẽ xuất hiện vào đêm trước lễ phong thánh Mẹ Teresa ngày 4 tháng 9, án phong thánh mà cha Kolodiejchuk đã phối hợp trong suốt 17 năm qua trong vị trí cáo thỉnh viên. Vị linh mục gốc Canada cũng là Bề trên của dòng các cha Thừa sai Bác ái, dòng do Mẹ Teresa thành lập kèm với dòng Nữ Thừa sai Bác ái. Cha cộng tác với Mẹ Teresa  từ năm 1977 đến khi Mẹ mất năm 1997. Quyển sách mang đến những bài viết của thánh nhân cũng như chứng tá của những người gần gũi với Mẹ Teresa.
Cha Kolodiejchuk nói chuyện với Aleteia hôm thứ Hai.
Khi biên tập quyển sách này, cha có khám phá ra điều gì mới và đáng ngạc nhiên về Mẹ Teresa?
Khi chúng tôi lượt qua tất cả các bài viết của Mẹ, thật tuyệt vời được nhắc nhớ lạ tất cả những việc Mẹ làm. Mẹ đã làm được quá nhiều trong suốt 87 năm Mẹ sống.
Một vài mẫu gương rất đặc biệt, ví dụ, khi có một xung đột giữa người Hindu và người Hồi gai1o, và Mẹ phải đi ra sân bay và Mẹ tình cờ gặp một nhóm đang đánh nhau. Hầu hết mọi người chắc sẽ nói, “Tôi phải thoát ra khỏi đây vì nó quá nguy hiểm,”nhưng Mẹ dừng lại và bước đến, và cố tạo hòa bình bằng câu nói, “Các bạn không nhận ra mình là anh em với nhau sao, thôi đừng đánh nhau nữa.” Đó là một sự can đảm vô cùng.
Nhưng hầu hết các mẫu gương trong đó, nếu anh lấy từng hành động riêng biệt, hầu hết đều là những việc mọi người có thể làm — chúng là những việc nhỏ nhặt, bình thường, như đến bệnh viện, thăm một bệnh nhân hay ôm một em bé. Có đủ mọi cách, mọi hành động chính chúng ta có thể làm được. Mẹ Teresa vẫn nói “Calcutta ở khắp nơi.” Chúng ta chả cần phải đến Calcutta để tìm người nghèo. Họ ở ngay xung quanh chúng ta trong các khu xóm, trong giáo xứ, trong cộng đoàn, và thậm chí ngay trong gia đình của chúng ta. Ai là người cần nụ cười hay một cử chỉ yêu thương nho nhỏ, một bông hoa hay đọc một bài báo (cho người liệt giường), đến thăm người đang cô đơn? Nếu chúng ta chú ý, nếu chúng ta tìm kiếm cơ hội, họ ở khắp nơi chung quanh chúng ta, Mẹ nói như vậy.
Và khi cha sử dụng từ “người nghèo,” đối với Mẹ từ đó bao hàm không chỉ nghèo về vật chất nhưng là nghèo tinh thần và cảm xúc, những người cảm thấy không được yêu.
Khi Mẹ nói theo cách đó, vâng, nó là một hàm ý rộng hơn.
Mẹ Teresa được tuyên phong thánh chỉ 19 năm sau khi qua đời. Cha có ngạc nhiên vì tiến trình phong thánh đi quá nhanh?
À, điều đó cũng rất thú vị vì người ta thường nói sau lần tuyên phong chân phước, “Sao mà lâu quá vậy?” Và tôi nói rằng, “À, khi đến đúng thời điểm cho Giáo hội thì chúng ta sẽ có một phép lạ và chúng ta sẽ có lễ tuyên phong thánh.” Và thực sự như vậy, phép lạ đã xảy ra năm 2008, nhưng tôi lại không được nghe về nó mãi đến năm 2013, và phép lạ đã được phê chuẩn năm ngoái. Như vậy, thời điểm đúng cho Giáo hội là Năm Thánh Lòng thương xót.
Can dự vào án phong thánh này cảm giác cha như thế nào?
Nó đã thực sự thay đổi cuộc sống của tôi. Tôi chắc đã có thể làm việc khác trong suốt 17 năm qua. Đó là một cơ hội cho tôi để tìm hiểu thêm về Mẹ. Tôi nhớ sau khi hồ sơ positio hoàn tất [tài liệu nghiên cứu cách sống đời sống Ki-tô hữu của Mẹ Teresa], và đặc biệt ở quyển thứ nhất, trình bày cách Mẹ sống những nhân đức Ki-tô hữu và danh tiếng thánh đức của Mẹ, tôi nhớ tôi đã nghĩ về mình, “Thực ra, bây giờ mình mới hiểu biết về Mẹ Teresa nhiều hơn khi mình còn ở với Mẹ lúc Mẹ còn sống.” Vì tôi có những trải nghiệm nho nhỏ của riêng tôi và người khác có cái riêng của họ, nhưng khi anh đem chún kết nối lại với nhau, anh sẽ thấy nó vô cùng ấn tượng.
Cha biết Mẹ rất rõ. Mối quan hệ của cha có ảnh hưởng gì đến vị trí của cha là một tông đồ của Đức Ki-tô?
Chỉ nói riêng tiến trình phong thánh này thôi, tôi nhớ từ ban đầu khi suy nghĩ đến toàn bộ tiến trình, tôi tự nhủ, “Việc này sẽ diễn ra như thế nào? Tôi sẽ phải làm gì đây? Nó quá to tát. Một trách nhiệm quá lớn.”
Nhưng một trong những điều [tôi nghĩ đến câu nói] Mẹ gọi là “tinh thần cộng đoàn,” đó là ‘tín thác yêu thương, dâng hiến trọn vẹn,” thực ra là “Con đường nhỏ của Tinh thần Trẻ thơ” [của Thánh Teresa thành Lisieux], vì Thánh Teresa đã áp dụng “sự xác tín và sự từ bỏ.” Và Mẹ thì luôn thực tế, cho nên Mẹ thêm một vế thứ ba cho hai vế trước, đó là sự hân hoan — một cách thể hiện bên ngoài cho thấy bạn sống tín thác và dâng hiến như thế nào.
Vì thế khi nói về tiến trình, nếu lúc đầu tôi nhìn đến toàn bộ sự việc chắc là kinh khủng lắm và “mình sẽ phải làm việc này như thế nào, và chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình phạm một sai lầm khi toàn Giáo hội đang theo dõi mình?” Nhưng sau đó tôi nói, “Cứ mỗi lúc một bước, trong sự tín thác và dâng hiến, rồi Thiên Chúa sẽ lo liệu mọi việc, rồi Đức Mẹ cũng có ở đó, và ngay cả Mẹ nữa cũng can thiệp vào, thế thì chúng ta cùng tiến bước.”
Và đó là cách chúng tôi đi đến được ngày hôm nay.
Về cuối đời, Mẹ Teresa rất nổi tiếng. Cha nghĩ Mẹ có cần điều đó không? Mẹ cảm nhận điều đó như thế nào?
Đó là một trong những chịu đựng lớn nhất, ở trong thế giới truyền thông, phải nói, phải chụp ảnh … Có lẽ anh đã nghe sự mặc cả của Mẹ với Chúa Giê-su: “Với mỗi tấm ảnh chụp, một linh hồn được ra khỏi luyện ngục.” Cho nên nó giống như một thánh giá thực sự, và vì lời khấn trọng của Mẹ năm 1942 là không từ chối Người một điều gì, dâng cho Người bất kỳ điều gì Người yêu cầu, thật vô cùng khó khăn, Mẹ đã chấp nhận như là một phần của cuộc sống, vì mục đích để mọi người biết đến người nghèo nhiều hơn.
Vì vậy những giải thưởng Mẹ nhận đều đứng tên người nghèo, để nó có thể mang đến sự chú ý nhiều hơn đối với người nghèo, một cơ hội để có thể nói về Thiên Chúa. Và đó là những lý do tại sao Mẹ sẵn sàng vượt qua tất cả. Và Mẹ biết nếu Mẹ phải trả lời một phỏng vấn hay nếu có ai đó viết một quyển sách về công việc, đó là việc giúp cho sứ mạng. Vì thế, rút cuộc tất cả vì người nghèo và vì lợi ích của người nghèo.
Cuộc sống của Mẹ nói lên điều gì với chúng ta đang sống ở Mỹ năm 2016, dường như đang phải đi qua quá nhiều rối loạn?
Trên phạm vi tinh thần và đây không phải là một phạm vi thực tế: sự khôn ngoan chính trị, Mẹ không lên tiếng, nhưng nếu trên phạm vi những nguyên tắc hay trên phạm vi những giá trị Ki-tô giáo, Mẹ sẽ nói “Người anh em của tôi, người chị em của tôi,” bất kể họ theo tôn giáo nào. Trong bộ phim Mẹ Teresa (Mother Teresa) của các soeur Petrie, có một cảnh trong suốt thời gian xung đột giữa Beirut, Li-băng, nơi đây Mẹ nghe nói có những trẻ em Hồi giáo đang thực sự đau khổ, đang đói, và Mẹ muốn đến đó để cứu các bé. Những người khuyên can Mẹ nói rằng, “Đừng, Mẹ, Mẹ không thể tới đó, đang có xung đột ở đó, đang có chiến tranh, không an toàn tí nào.” Và Mẹ nói, “Không, chúng ta phải đến đó, chúng ta phải làm gì đó. Mẹ sẽ đi cầu xin với Đức Mẹ để có ngưng bắn.”
Và rồi cảnh tiếp theo là: có cuộc ngưng bắn — ngày 15 tháng 8 (đúng lễ Đức Mẹ Lên trời).
Thế là Mẹ đi và đón những trẻ em Hồi giáo này và chăm sóc chúng. Có một bé bị chấn thương, liên tục co giật, có một soeur phải ôm giữ bé, và bé bắt đầu bình tĩnh. Sau đó, Mẹ nói chuyện với một bác sĩ, là người Do thái. Như vậy anh thấy một bác sĩ Do thái giúp một nữ tu Công giáo chăm sóc các trẻ em Hồi giáo.
Hoặc lúc Mẹ mở một nhà ở Nam Phi trong thời gian của chủ nghĩa A-pac-thai (ND: chủ nghĩa phân biệt chủng tộc bạo lực). Mẹ cố tình chọn một soeur da trắng, một soeur da đen, một soeur da vàng, tức là từ Ấn độ tới, và một soeur thứ tư.
Mẹ luôn nói rằng bất cứ ai cũng là anh em, chị em của Mẹ, và trên phạm vi con người, tất cả mọi người đều có phẩm giá. Tất cả chúng ta đều là con Thiên Chúa. Và về khía cạnh đức tin, Mẹ nhìn thấy mỗi con người — tổng thống, nữ hoàng, vua chúa, thủ tướng, người nằm trên đường phố hay trong bếp ăn súp, hoặc người hấp hối trong nhà — mọi người đều là Giê-su.
Và đó là những nguyên tắc, nhãn quan đức tin mà Mẹ đi qua, và tùy vào mỗi người nắm bắt và đem ra thực hành.
[Nguồn:  aleteia]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 31/08/2016]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét