Thứ Ba, 14 tháng 2, 2017

Đức Thánh Cha Phanxico: “Có những gian lận ở Vatican. Nhưng tôi vẫn thanh thản”

Đức Thánh Cha Phanxico: “Có những gian lận ở Vatican. Nhưng tôi vẫn thanh thản”

“Nếu có một vấn đề gì, tôi viết một thư ngắn gửi thánh Giu-se và đặt dưới bức tượng tôi để trong phòng của tôi. Đó là một bức tượng thánh Giu-se đang ngủ. Và bây giờ ngài đang ngủ trên một tấm nệm các thư ngắn!”

Gồm hai phần
(Phần 2)
(Reuters)Đức Thánh Cha Phanxico: “Có sự tham nhũng ở Vatican. Nhưng tôi vẫn thanh thản”

shadow

Cha mong chờ gì từ những dòng tu trong việc chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng? Cha có hy vọng gì cho Thượng Hội đồng tiếp theo về giới trẻ, cụ thể là những con số giảm sút về người chọn đời sống tu trì ở Phương Tây?

Dĩ nhiên, đúng là có sự giảm sút số những người chọn đời sống tu trì ở Tây Phương. Chắc chắn nó có sự liên quan đến vấn đề nhân khẩu. Nhưng thực tế cũng đúng là đôi khi ơn gọi thừa tác vụ không đáp ứng được những mong chờ của người trẻ. Thượng Hội đồng tiếp theo sẽ cho chúng ta những ý tưởng. Sự giảm sút về đời sống tu trì ở Tây Phương làm tôi lo lắng.
Nhưng tôi cũng lo lắng về một vấn đề khác: sự gia tăng một số những tu hội mới làm nổi lên một số điều quan tâm. Tôi không có ý nói là không nên có những tu hội mới! Hoàn toàn không. Nhưng có lúc tôi tự hỏi là chuyện gì đang xảy ra hôm nay. Một số tu hội dường như đại diện cho một bước tiếp cận mới, cho thấy một sức mạnh tông đồ rất lớn, thu hút nhiều người, thế rồi … phá sản. Đôi khi thậm chí còn lộ ra là họ đã giấu giếm những bê bối … Rồi có những hội đoàn nhỏ mới rất tốt lành và hoạt động nghiêm túc. Tôi thấy đàng sau những hội đoàn tốt lành này thỉnh thoảng có những nhóm có các đức giám mục đồng hành và bảo đảm cho sự phát triển của họ. Nhưng có những hội đoàn không xuất hiện từ ơn đặc sủng của Thánh Thần, nhưng từ tài năng của con người, một con người có năng lực thu hút bằng những sự hấp dẫn cuốn hút bề ngoài của con người. Có một số người là, tôi có thể nói vậy, ‘theo thuyết nguyên sơ’ (restorationist): họ dường như đưa ra được sự an toàn nhưng thực ra chỉ có những sự khắt khe. Khi người ta bảo tôi rằng có một Dòng tu thu hút rất nhiều ơn gọi, tôi phải thú thật rằng tôi lo. Thần Khí không đi theo lập luận của sự thành công của con người: Thần Khí hoạt động theo cách khác. Nhưng khi người ta nói rằng có quá nhiều bạn trẻ chuẩn bị làm việc gì đó, họ cầu nguyện rất nhiều, họ là những tín hữu thực sự. Và tôi tự nhủ: ‘Tuyệt vời: rồi chúng ta xem đấy có phải là do Thiên Chúa không!’
Có những người khác theo phái Pe-la-gi-ô: họ muốn quay lại thời khổ tu, phạt xác. Họ có vẻ giống như những binh sĩ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để bảo vệ đức tin và luân lý … và rồi có vụ bê bối nào đó nổi lên liên quan đến người sáng lập … Chúng ta biết rõ mọi chuyện này, đúng không? Chúa Giê-su có cách làm việc khác. Thánh Thần gây ra chút ồn ào trong ngày Lễ Ngũ Tuần: đó là khởi đầu. Nhưng thường Thần Khí không gây quá nhiều ồn áo, Thần Khí mang thập giá. Thần Khí không ồn ào như người chiến thắng. Con đường của Thiên Chúa là con đường thập giá được vác đi cho đến khi Thiên Chúa nói “đủ rồi.” Chủ nghĩa chiến thắng không tương hợp với đời sống cầu nguyện.
Vì vậy, đừng đặt hy vọng vào sự nở rộ bất chợt của những tu hội này. Thay vì vậy, hãy tìm con đường khiêm nhường của Chúa Giê-su, con đường chứng tá tin mừng. Đức Benedict XVI hoàn toàn đúng khi ngài nói rằng Giáo hội không phát triển bằng chủ nghĩa cải đạo nhưng bằng sức thu hút.

Tại sao cha chọn ba chủ điểm thuộc về Mẹ Maria cho Ba Ngày Giới Trẻ Thế Giới tiếp theo tiến tới Ngày Giới Trẻ ở Panama?

Không phải tôi chọn các chủ đề về Mẹ Maria cho ba Ngày Giới Trẻ tiếp theo! Đây là điều người ta yêu cầu ở Châu Mỹ La tinh: một sự hiện hữu mạnh mẽ của Mẹ Maria. Quả thật Châu Mỹ La tinh sùng kính Đức Trinh Nữ, và với tôi đó là một điều rất tốt. Tôi không có đề nghị nào khác, và tôi rất hài lòng với điều này. Nhưng chính Mẹ Madonna, không phải cô Madonna nằm trên đầu bưu điện mà mỗi ngày gửi một lá thư đâu, nói rằng: “Các con của ta, hãy làm việc này và hôm sau làm việc khác.” Không, không phải cô Madonna đó đâu. Mẹ Madonna thực sự là người gửi Chúa Giê-su đến trong tâm hồn chúng ta, một người Mẹ. Cái mốt đi tìm siêu sao nơi Mẹ Madonna, tìm kiếm ánh đèn sân khấu, không phải là của Công giáo.

Thưa Đức Thánh Cha, sứ mạng của cha trong Giáo hội không phải là dễ dàng. Cho dù có những thách đố, những căng thẳng và chống đối, cha vẫn cho chúng con chứng tá của một người bình an, một con người của hòa bình. Nguồn gốc của sự bình an của cha là gì? Lòng vững tin thúc đẩy cha và cũng có thể hỗ trợ chúng con trong sứ mạng của chúng con từ đâu mà có? Được kêu gọi để trở thành những người lãnh đạo tôn giáo, cha có đề nghị gì để giúp chúng con sống có trách nhiệm và theo đuổi trách vụ trong an bình?

Nguồn gốc của sự bình an của tôi là gì? Không, tôi không dùng thuốc an thần! Người Ý có những lời khuyên rất hay: để sống trong an bình chúng ta cần một thái độ không được bất cẩn. Tôi phải thừa  nhận là những gì tôi đang trải nghiệm là hoàn toàn mới đối với tôi. Ở Buenos Aires tôi lo lắng hơn, tôi thừa nhận như vậy. Tôi cảm thấy căng thẳng và lo lắng hơn. Nói tóm lại, lúc đó tôi không như bây giờ. Tôi đã trải nghiệm một cảm giác an bình sâu thẳm ngay từ giây phút tôi được bầu chọn. Nó không bao giờ rời bỏ tôi. Tôi sống trong bình an. Tôi không thể giải thích được.
Lúc có cơ mật viện, ở London họ nói với tôi rằng tôi đứng số 42 hay 46 trong cuộc đánh cược. Tôi chẳng mong chờ tí nào. Tôi thậm chí có bài giảng soạn sẵn cho Thứ Năm Tuần Thánh. Báo chí nói rằng tôi là người làm vua, không phải giáo hoàng. Trong thời gian bầu chọn tôi chỉ đơn giản nói: “Lạy Chúa, cứ thế mà thẳng tiến.” Tôi cảm thấy bình an, và sự bình an đó chưa rời bỏ tôi.
Có sự bàn tán trong các Tổng Công Nghị về những vấn đề của Vatican, có bàn tán về những cải tổ. Mọi người đều muốn điều đó. Có sự gian lận ở Vatican. Nhưng tôi vẫn thanh thản. Nếu có một vấn đề gì, tôi viết một thư ngắn gửi thánh Giu-se và đặt dưới bức tượng tôi để trong phòng của tôi. Đó là một bức tượng thánh Giu-se đang ngủ. Và bây giờ ngài đang ngủ trên một tấm nệm các thư ngắn! Đó là lý do tôi ngủ ngon: đó là ân sủng của Thiên Chúa. Tôi luôn ngủ 6 giờ. Và tôi cầu nguyện. Tôi cầu nguyện theo cách riêng của tôi. Tôi yêu kinh nhật tụng và nó không bao giờ rời khỏi cạnh tôi. Thánh lễ mỗi ngày. Tràng mân côi … Khi tôi cầu nguyện, tôi luôn mở Kinh Thánh. Và sự bình an trong tôi lớn lên. Tôi chả biết đây có phải là điều bí mật không … Sự bình an của tôi là một ân sủng từ Thiên Chúa. Tôi hy vọng Ngài không lấy nó khỏi tôi!
Tôi tin là mọi người phải tìm cách khám phá ra những gì Thiên Chúa đã chọn cho họ. Xét cho cùng thì đánh mất bình an chẳng giúp cho chúng ta chịu đựng đau khổ. Các Bề trên phải học cách chịu đau khổ, nhưng chịu đau khổ như một người cha. Và cũng phải chịu đau khổ với thật nhiều lòng khiêm nhường. Đây là con đường có thể dẫn đưa từ thập giá đến bình an. Nhưng đừng bao giờ rửa tay của anh em trước các vấn đề! Đúng, trong Giáo hội có những Phong-xi-ô Phi-la-tô rửa tay để tránh những băn khoăn lo lắng. Nhưng một bề trên mà rửa tay thì không phải là một người cha, và điều đó chẳng giúp ích gì.

Thưa Đức Thánh Cha, người thường nói với chúng con là điều làm khác biệt đời sống tu trì là tính ngôn sứ. Chúng con đã thảo luận rất lâu về ý nghĩa về căn tính của chức ngôn sứ. Vậy đâu là những vùng tiện nghi mà chúng con được kêu gọi phải bước ra khỏi đó? Cha có nói với các nữ tu về một “chủ nghĩa tiết dục thuộc ngôn sứ và xác thực.” Cha hiểu điều này như thế nào trong một quan điểm canh tân của một “văn hóa thương xót?” Đời sống dòng tu có thể đóng góp gì cho nền văn hóa đó?

Trở về căn tính của chức ngôn sứ. Điều này vô cùng quan trọng đối với tôi. Tôi lấy Sách Giô-en 2:28 như là một “biểu tượng.” Nó thường hiện lên trong đầu, và tôi biết nó từ Thiên Chúa mà đến. Câu đó nói: “Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến.” Câu này trình bày tóm tắt sự tu đức kết nối các thế hệ. Trở lại căn tính của chức ngôn sứ chính là sine glossa (tạm dịch: không phô trương) nổi tiếng, luật sine glossa, sine glossa theo Tin mừng. Nói một cách khác, không dùng những liều thuốc an thần! Tin mừng phải được đón nhận mà không kèm với thuốc an thần. Đây là điều mà các Giáo Phụ của chúng ta đã làm.
Chúng ta nên tìm căn tính của chức ngôn sứ nơi các ngài. Các ngài nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta phải bước ra khỏi những vùng tiện nghi thoải mái của chúng ta, từ bỏ tất cả những gì thuộc thế gian: trong cách sống của chúng ta, nhưng cũng phải suy nghĩ đến những cách để thăng tiến Hội dòng của chúng ta. Những con đường mới được tìm thấy trong ân tứ thành lập và tính ngôn sứ ban đầu. Chúng ta phải thừa nhận những tính trần gian nào là thuộc cá nhân nhân chúng ta và cái nào là của cộng đoàn.
Ngay cả một nhà khổ tu cũng có thể mang tính thế gian. Nhưng họ phải có tính ngôn sứ. Khi tôi vào nhà tập dòng Tên, người ta đưa cho tôi một áo vải tóc. Dù là áo vải tóc thì cũng tốt, nhưng phải cẩn thận: nó chẳng giúp tôi chứng minh được tôi tốt lành và mạnh mẽ như thế nào. Sự khổ hạnh thực sự phải làm cho tôi tự do hơn. Tôi tin là ăn chay tịnh vẫn còn rất phù hợp cho ngày nay, nhưng tôi phải chay tịnh như thế nào? Đơn giản là thôi đừng ăn chăng? Thánh Tê-rê-xa cũng có một cách: không bao giờ nói ra những gì thánh nhân thích. Thánh nhân không bao giờ phàn nàn và nhận mọi thứ người ta cho. Có một cách thực hành khổ hạnh nho nhỏ mỗi ngày, nó là một sự tiết độ liên tục. Tôi nhớ một câu nói của thánh I-nhã giúp chúng ta tự do hơn và hạnh phúc hơn. Ngài nói rằng sự tiết độ trong mọi thứ có thể giúp chúng ta theo Chúa. Nếu điều gì đó giúp ích được anh em, cứ làm, thậm chí là một cái áo vải tóc! Nhưng chỉ khi nó giúp cho anh em thấy tự do hơn, chứ không phải anh em cần nó để cho thấy rằng anh em mạnh mẽ.

Đời sống cộng đoàn gồm những gì? Đâu là vai trò của một bề trên trong việc nuôi dưỡng tính ngôn sứ này? Những người sống đời tận hiến có thể có những đóng góp nào cho việc canh tân những cấu trúc và quan niệm của Giáo hội?

Đời sống cộng đoàn? Một số vị thánh gọi đó là một sự đền tội liên tục. Có những cộng đoàn là nơi người ta mắng mỏ nhau! Nếu lòng thương xót không đi vào cộng đoàn, điều này là không tốt. Với những người trong các cộng đoàn tu trì, khả năng tha thứ thường phải bắt đầu ngay trong cộng đoàn. Và đây là tính ngôn sứ. Nó luôn bắt đầu bằng việc lắng nghe: mọi người đều cảm thấy muốn được lắng nghe. Nó cũng đòi hỏi sự lắng nghe và sức thuyết phục từ bề trên. Nếu bề trên liên tục trách mắng, điều đó chẳng giúp tạo ra được căn tính ngôn sứ của đời sống tu trì. Tôi tin rằng người sống đời tận hiến là ở tuyến đầu có những đóng góp trong việc canh tân các cấu trúc và quan niệm của Giáo hội.
Trong các hội đồng linh mục cấp địa phận, người sống đời tận hiến giúp các ngài trên hành trình của mình. Các ngài không được ngại nói lên mọi việc. Một thái độ thế gian và quan quyền đã đi vào các cấu trúc của Giáo hội, và các cộng đoàn tu trì có thể góp phần phá bỏ sự ảnh hưởng xấu này. Không cần phải trở thành một hồng y để có cảm giác như là một hoàng tử! Là một giáo sĩ là đủ rồi. Đây là điều tệ hại nhất trong tổ chức của Giáo hội. Các tu sĩ và tu huynh có thể giúp bằng chứng tá của một tình huynh đệ khiêm nhường. Họ có thể đưa ra chứng tá của một khối băng trôi lộn ngược, với đỉnh, nói cách khác là người đứng đầu, bị đảo lộn xuống dưới, và nằm ở dưới đáy.

Thưa Đức Thánh Cha, chúng con hy vọng rằng qua sự dẫn dắt của người những mối quan hệ tốt hơn có thể được phát triển giữa đời sống đan viện và những Giáo hội địa phương. Cha có đề nghị gì cho chúng con noi theo để thể hiện trọn vẹn ơn đặc sủng của chúng con trong những Giáo hội địa phương và để đối mặt với những khó khăn đôi khi xảy ra trong mối quan hệ với các giám mục và giới giáo sĩ địa phận? Cha nghĩ chúng con có thể đạt được sự đối thoại giữa đời sống đan tu và các giám mục bằng cách nào, và cộng tác với Giáo hội địa phương?

Đã có lúc có các đề nghị xem lại những tiêu chuẩn của mối quan hệ giữa các giám mục và tu sĩ, được thiết lập năm 1978 bởi Bộ Tu sĩ lo về Đời sống Tận hiến và các Hiệp hội Đời sống Tông Đồ và bởi Bộ Giám mục. Vấn đề đã được thảo luận trong Thượng Hội Đồng Giám mục năm 1994. Tài liệu trả lời cho một khoảng thời gian cụ thể nào đấy và hiện không còn phù hợp nhiều lắm. Đã đến thời gian chín mùi cho sự thay đổi. Điều rất quan trọng là người sống đời thánh hiến hoàn toàn cảm thấy mình là một phần của Giáo hội thuộc giáo phận. Trọn vẹn. Có những lúc có sự hiểu lầm không giúp cho sự hiệp nhất, và rồi chúng ta phải tìm ra căn nguyên của vấn đề. Người sống đời thánh hiến phải nằm trong cấu trúc điều hành của giáo hội địa phương: các ủy ban, các hội đồng linh mục … Ở Buenos Aires các tu sĩ được bầu vào đại diện trong các Hội đồng Linh mục. Công việc phải được chia sẻ trong các cấu trúc giáo phận. Tu sĩ phải được góp phần vào trong sự điều hành của các cấu trúc này. Chúng ta không thể giúp đỡ nhau trong sự cách ly. Còn rất nhiều điều phải làm trong phạm vi này. Bằng cách này, ngay cả cám giám mục cũng được trợ giúp tránh khỏi việc rơi vào cám dỗ trở thành một tiểu công tước …
Nhưng tu đức cũng phải được thăng tiến và chia sẻ, và người sống đời tận hiến là người có đời sống tu đức rất mạnh mẽ. Ở một số giáo phận các linh mục của linh mục đoàn tham gia vào các nhóm tu đức của Dòng Phan-xi-cô, dòng Ca-mê-lô … Nhưng đây là một cách sống cần được chia sẻ: một số linh mục giáo phận đặt vấn đề tại sao họ lại không thể sống với nhau để không cảm thấy bị cô đơn, tại sao họ không thể trở thành một phần của một cộng đoàn. Ví dụ, lòng khát khao nổi lên khi anh em có một mẫu gương tốt của một giáo xứ được giúp đỡ bởi một cộng đoàn dòng tu. Đó là một mức độ cộng tác có cội rễ rất sâu, vì đó là tu đức, từ trong tâm hồn. Và duy trì mối quan hệ tu đức gần gũi trong giáo phận giữa giới linh mục và các cộng đoàn dòng tu giúp giải quyết những hiểu lầm có thể có. Rất nhiều điều có thể được nghiên cứu và cân nhắc lại. Những việc này có thể bao gồm thời gian phục vụ là một linh mục xứ, điều mà tôi cho là khá ngắn, vì các linh mục thay đổi quá dễ dàng.
Tôi cũng không phủ nhận việc cũng có nhiều vấn đề khác ở mức độ thứ ba, liên quan đến việc quản lý kinh tế. Các vấn đề xuất hiện khi cuộc nói chuyện chuyển sang tiền! Ví dụ vấn đề bán các tài sản. Chúng ta phải quan tâm thật nhiều đến việc bán các tài sản chúng ta có. Nghèo là trung tâm đời sống của Giáo hội. Cả khi nó được tuân theo, và khi nó không được tuân theo. Những kết quả luôn là quan trọng.

Thưa Đức Thánh Cha, cũng như trong Giáo hội, cả những cộng đoàn dòng tu cũng phải liên quan đến giải quyết những vụ lạm dụng tính dục và tài chính với tính minh bạch và quyết đoán. Những lạm dụng này chống lại chứng tá, gây ra những vụ bê bối và cũng gây ra những hậu quả cho chương trình ơn gọi và sự giúp đỡ của những ân nhân. Cha có đề nghị những biện pháp nào để ngăn ngừa những vụ bê bối như vậy trong các dòng tu của chúng ta?

Có lẽ không có đủ thời gian cho câu trả lời tổng thể và tôi sẽ tin cậy vào sự khôn ngoan của anh em. Tuy nhiên, tôi nói rằng Thiên Chúa thực sự muốn những người sống đời tận hiến phải nghèo. Khi họ không sống nghèo, Thiên Chúa gửi đến một thủ quỹ làm cho Dòng tu bị vỡ nợ! Có lúc các dòng tu không được đồng hành bởi một nhà quản lý được xem là một “người bạn” mà người này sau đó sẽ dẫn đưa họ đến chỗ phá hủy tài chính. Tuy nhiên, những tiêu chuẩn căn bản cho một người quản lý không phải là một mình gắn chặt với đồng tiền. Có lần có chuyện xảy ra cho một nữ tu quản lý ngất xỉu và một nữ tu nói với những người chạy đến giúp: “Cứ phẩy một tờ ngân phiếu vào mũi chị ấy là chị ấy tỉnh lại ngay!” Chuyện thật buồn cười, nhưng nó cũng bắt chúng ta phải dừng lại và suy nghĩ. Việc kiểm tra xem ngân hành đầu tư tiền như thế nào cũng rất quan trọng. Chẳng hạn, không được bao giờ có chuyện là chúng ta đầu tư vào vũ khí. Không bao giờ.
Một chủ đề về lạm dụng tính dục: có vẻ như một nửa những người dính líu đến tính dục thì chính họ đã là nạn nhân của sự lạm dụng. Sự lạm dụng vì thế được gieo trong tương lai và điều này đang tàn phá. Nếu linh mục hay tu sĩ vướng vào rõ ràng là quỷ đang hoạt động, hắn phá hủy công trình của Chúa Giê-su qua những người đáng lẽ phải tuyên xưng Ngài. Nhưng chúng ta phải phân biệt rõ ràng: đây là một căn bệnh. Nếu chúng ta không tin rằng đây là một căn bệnh, chúng ta không thể giải quyết được vấn đề. Vì vậy phải thật lưu ý khi nhận các ứng viên cho đời sống tu trì và phải bảo đảm rằng họ đủ trưởng thành về cảm xúc. Ví dụ: không bao giờ nhận vào một cộng đoàn tu trì hay giáo phận một ứng viên đã bị từ chối bởi một chủng viện hay một tu hội khác mà không hỏi thông tin thật rõ ràng và chi tiết về những lý do bị từ chối.

Thưa Đức Thánh Cha, đời sống tu trì không phải là tự phục vụ, nhưng là liên quan đến sứ mạng trong thế giới. Người thúc giục chúng con phải là một Giáo hội hướng ra ngoài. Từ vị trí của người, các cộng đoàn tu trì ở những miền khác trên thế giới có hoạt động hướng đến sự chuyển biến này không?

Giáo hội sinh ra là hướng ra ngoài. Rồi Giáo hội khóa mình vào trong phòng rồi sau đó lại đi ra. Và Giáo hội phải duy trì hướng ra thế giới bên ngoài. Giáo hội không được nhốt mình lại lần nữa. Chúa Giê-su không muốn điều đó. Và “ra ngoài” hàm ý chỉ những nơi mà tôi gọi là vùng ngoại ô, cả về địa lý và xã hội. Người nghèo về vật chất và nghèo về xã hội bắt buộc Giáo hội phải vượt ra khỏi những phạm vi ranh giới . Chúng ta nghĩ đến một hình thức nghèo nàn, liên quan đến vấn đề của người di cư và tị nạn: và còn quan trọng hơn cả những hiệp ước quốc tế là mạng sống của những người đó! Và chính trong việc phục vụ bác ái cũng có thể tìm được một mảnh đất màu mỡ cho đối thoại đại kết: chính người nghèo làm hiệp nhất những người Ki-tô hữu bị chia rẽ! Tất cả đây là những thách đố cho tu sĩ trong một Giáo hội hướng ra ngoài. Tông huấn Niềm vui Tin mừng nhắm truyền đạt là sự cần thiết này: tiến bước ra với thế giới. Tôi hy vọng có dịp quay lại với Tông Huấn đó qua suy tư và cầu nguyện. Nó được thai nghén trong ánh sáng của Tông Huấn Loan Báo Tin mừng và công việc được thực hiện ở Aparecida, thúc đẩy một suy tư về hội thánh mở rộng. Và cuối cùng, chúng ta hãy luôn nhớ rằng: Lòng thương xót của Thiên Chúa là hướng ra ngoài. Và Thiên Chúa luôn xót thương. Cả anh em nữa cũng phải bước ra ngoài!

***

Vào khoảng 1 giờ chiều buổi họp kết thúc bằng một vài lời cảm ơn và tràng vỗ tay dài. Đức Thánh Cha, đã đứng dậy, trước khi rời khỏi phòng, nói với tất cả chúng tôi những lời này: “Hãy tiến bước với lòng can đảm và đừng e sợ phạm lỗi! Người không phạm lỗi là người không bao giờ làm việc gì. Chúng ta phải tiến bước! Đôi khi chúng ta mắc lỗi, đúng, nhưng luôn luôn có lòng thương xót của Chúa bên cạnh chúng ta!” Trước khi rời đi, Đức Thánh Cha Phanxico một lần nữa lại chào tạm biệt mọi người hiện diện, từng người từng người một.


9 febbraio 2017 (modifica il 9 febbraio 2017 | 10:46)
© RIPRODUZIONE RISERVATA


[Nguồn: corriere]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 10/02/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét