Thứ Tư, 8 tháng 3, 2017

Diễn văn của ĐứcTổng Giám mục Auza tại Đại học Fordham về Buôn người

Diễn văn của ĐứcTổng Giám mục Auza tại Đại học Fordham về Buôn người

‘Thông điệp chính và sự tiếp cận của ngài [Đức Giáo Hoàng Phanxico] là gì khi ngài tìm cách khơi gợi cho toàn thế giới hướng đến hành động hiệu quả? Không thể giải thích được trọn vẹn, tôi xin tóm lược trong sáu điểm …’
6 tháng Ba, 2017
Diễn văn của ĐứcTổng Giám mục Auza tại Đại học Fordham về Buôn người
Holy See Mission
Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza đã có một bài diễn thuyết với tiêu đề, “Tòa Thánh và Cuộc Chiến Chống Lại Nạn Buôn Người,” ngày 23 tháng Hai, 2017, nhân dịp ngài nhận chức Chủ tịch Quỹ tài trợ Casamarca cho Các Môn học về Di cư và Toàn Cầu Hóa tại Đại học Fordham.
Đức Tổng Auza nói rằng khoảng 36 triệu người bị ảnh hưởng bởi một số hình thức buôn người, trong đó con số nam giới ngày càng tăng cao, ngài lưu ý đến nhiều hình thức buôn người khác nhau xuất hiện trong các quốc gia trên khắp thế giới, trong đó có hình thức sử dụng con người làm nô lệ tình dục trong hình thức mại dâm và khiêu dâm, lao động cưỡng bức, bị ép buộc tham gia vào các hoạt động phạm pháp, chiến binh trẻ em, kết hôn cưỡng bức và tảo hôn, bắt con nuôi phi pháp, ăn cắp trẻ em từ phụ nữ mang thai, lấy nội tạng, và hy sinh con người.
Vấn đề buôn người đã trở nên đáng lo ngại trong cộng đồng quốc tế trong thập niên qua, ngài nói, cho thấy sự gia tăng các cương lĩnh của Liên Hợp quốc đã thu hút sự chú ý đối với vấn đề, trong đó có Chương trình Hành động 2030 cho Phát triển Bền vững, Tuyên ngôn New York về Người Tị nạn và Di cư và Hội đồng Bảo An Mở những Phiên Tranh Luận. Ngài nói trong khi sự chú ý quốc tế và các chính sách đặt nạn buôn người ra ngoài vòng phát luật là điều rất quan trọng, thì cần phải làm nhiều hơn nữa để chặn đứng tai họa từ tận gốc rễ của nó, đặc biệt đối với phụ nữ và các em gái.

Dưới đây là văn bản diễn thuyết của Đức Tổng Giám mục Auza:
***
Tổng Giám mục Bernardito Auza
Khâm sứ, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc
“Tòa Thánh và Cuộc Chiến Chống Lại Nạn Buôn Người”
Diễn thuyết khai mạc của Chủ tịch Quỹ tài trợ Casamarca cho Các Môn học về Di cư và Toàn Cầu Hóa tại Đại học Fordham
Thính phòng Flom, Thư viện Walsh, Đại học Fordham, Bronx
23 tháng Hai, 2017
Trọng kính Cha McShane,
Thưa các thành viên và bạn bè của cộng đồng Fordham,
Kính thưa quý vị,
Thật hân hạnh cho tôi được có mặt ở đây tối nay với quý vị để đọc diễn văn khai mạc của Quỹ tài trợ Casamarca cho Các Môn học về Di cư và Toàn Cầu Hóa. Tôi rất vinh dự được Đại học Fordham trao phó cho vị trí Chủ tịch Quỹ Tài trợ Casamarca dành cho hai hiện tượng có mắt xích liên hệ rất mật thiết này và nó cũng đã xưa như loài người nhưng trong thời đại của chúng ta đòi hỏi một sự chú ý rất lớn, nó đang trở nên chủ đề của những buổi tranh luận chính trị nóng bỏng và được tập trung chú ý nhiều hơn giữa các nhà hoạch định chính sách.
Giới thiệu
Tôi được yêu cầu nói về một trong những thực tại đen tối nhất và kinh tởm nhất trong thế giới ngày nay, cụ thể là, việc buôn người làm nô lệ tình dục trong hình thức mại dâm và khiêu dâm, lao động cưỡng bức, bị ép buộc tham gia vào các hoạt động phạm pháp, binh lính trẻ em, kết hôn giả và cưỡng bức, tảo hôn, bắt con nuôi phi pháp, ăn cắp trẻ em từ phụ nữ mang thai, lấy nội tạng, và hy sinh con người, và quý vị có tin hay không, còn để chế tạo thuốc kích dục và bào chế thuốc.
Những tiến bộ khổng lồ trong nền văn minh của con người, trong các ngành khoa học và công nghệ khiến chúng ta nghĩ rằng tình trạng nô lệ là một điều thuộc quá khứ xa xôi. Nhưng khi chúng ta nghiên cứu các số liệu, chúng ta mới thấy kinh hoàng về mức độ nô lệ dưới đủ mọi hình thức hiện đại của nó đang hiện hữu giữa chúng ta nhiều hơn bao giờ hết, cho dù nó ở mặt chìm của xã hội. Trái lại với việc chỉ là một ghi chú cuối trang của lịch sử và ngược lại với tình trạng được giảm bớt hay biến mất, hiện tượng buôn người này đang phát triển lên, tạo ra những cuộc xung đột và sự cùng khổ, và bị làm trầm trọng thêm bởi sự khủng hoảng di cư và tị nạn hiện tại.
Ba tuần trước, cảnh sát Haiti đã bắt chín người Bắc Mỹ trong một mạng lưới buôn bán người tình dục gồm 31 em gái tuổi từ 13 đến 17. Các nhà điều tra tin rằng nhóm người này đang chuẩn bị đưa các em gái sang Cộng hòa Dominica. Tương tự như vậy, vài ngày trước khi tôi đang chuẩn bị cho hội nghị này, báo chí Haiiti tường thuật rằng Ủy Ban Nhà Nước của Port-au-Prince, mới chỉ hai ngày trước, đã đóng cửa chỉ riêng ở Port-au-Prince 41 nhà chứa trái phép, thường xuyên có các thiếu niên trong đồng phục trường học lui tới, một số trong các em thậm chí bị chính cha mẹ buộc phải bán dâm. Chiến dịch truy quét được đưa ra sau khi chín em vị thành niên tuổi 13 và 14 đến báo cảnh sát. Nhiều cha mẹ bị bắt, nhưng những người chủ nhà chứa chỉ thấy nói rằng hồ sơ được xếp vào đó đợi đến lúc họ mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, thật không đúng cho tôi nếu chỉ nói riêng về Haiti và người Haiti, một dân tộc tôi yêu quý và tôn trọng và đã từng phục vụ làm một Khâm sứ tại đất nước này hơn sáu năm. Thực tế rằng không có quốc gia nào trên thế giới không mắc phải tai họa buôn người và những hình thức nô lệ hiện nay. Quả thật, hai trường hợp của Haiti tôi vừa nêu ra chưa làm rõ được đỉnh của khối băng chìm, và khó có thể khơi gợi mạnh mẽ lên một hiện tượng khổng lồ, rộng lớn, đầy béo bở và hoạt động ngầm đó là nạn buôn người.
Một vài thống kê
Có bao nhiêu người là nạn nhân của tình trạng buôn người? Câu trả lời thực nhất là con số thật kinh hoàng, và chẳng ai thực sự biết rõ! Chỉ có những con số ước tính, và con số được nói đến nhiều nhất là con số của năm 2012 của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO) có 21 triệu đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị buôn, bán, bị ép buộc hoặc đối mặt với những điều kiện làm nô lệ dưới nhiều hình thức khác nhau và trong nhiều khu vực khác nhau: từ nông nghiệp đến phụ việc gia đình, từ mại dâm đến kết hôn cưỡng bức, hoặc những vụ bắt binh lính trẻ em, buôn nội tạng và bán trẻ em. Một con số tăng thêm khoảng 3 triệu người mỗi năm được cộng thêm vào cho con số này. Số liệu được ILO sử dụng gần như chắc chắn được lấy từ năm 2010 và một phần của năm 2011. Nếu các bạn cộng thêm 3 triệu mỗi năm cho 21 triệu từ dữ liệu được thu thập năm 2010, như vậy bạn lấy được con số 36 triệu người bị buôn bán năm 2016. Con số ước tính cao nhất mà tôi nhìn thấy là 45 triệu.
Theo Báo cáo Toàn cầu năm 2016 về nạn Buôn Người của Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma Túy và Tội phạm phát hành hai tháng trước, buôn bán người là một ngành công nghiệp trị giá 32 tỷ đô-la, đứng thứ ba sau buôn lậu vũ khí và thuốc phiện. Năm mươi mốt phần trăm nạn nhân là phụ nữ, 21 phần trăm là nam giới, 20 phần trăm là các em gái và 8 phần trăm là các em trai.
Trong khi phụ nữ và trẻ em vẫn góp vào 79 phần trăm số nạn nhân, chiều hướng trong 10 năm qua cho thấy ngày càng có nhiều nạn nhân là nam giới hơn. Năm 2014, chỉ có 13 phần trăm nạn nhân là đàn ông. Năm 2014, số phần trăm vượt lên 21. Với sự gia tăng số nam giới bị buôn bán, có một tỷ lệ tăng tương ứng về tình trạng lao động cưỡng bức trong những hình thức bóc lột. Hầu như 86 phần trăm các nạn nhân nam giới bị buôn bán để lao động cưỡng bức.
Ngược lại, chiều hướng của phụ nữ trong con số tổng của những người bị buôn bán cho thấy một khuynh hướng đi xuống, từ 74 phần trăm trong năm 2004 xuống 51 phần trăm trong năm 2014. Bảy mươi hai phần trăm phụ nữ bị buôn bán để bóc lột tình dục.
Trong mười năm qua, sự gia tăng số trẻ em bị buôn bán tăng lên gấp đôi, từ 13 phần trăm năm 2004 lên 28 phần trăm năm 2014. Nhưng ở Châu Phi Hạ Sahara, thật kinh hoàng là 64 phần trăm số người bị buôn bán là trẻ em, và vùng Caribbe và Trung Mỹ cũng cách sau không xa, với 62 phần trăm số nạn nhân là trẻ em.
Tại sao con người bị buôn bán?
Người ta thường nói, bần cùng sinh thêm bần cùng. Điều này rất đúng với tình trạng buôn người! Những người “chẳng có gì để mất” rất dễ rơi vào bẫy của những kẻ buôn người, họ là chuyên gia tìm và phát hiện và bóc lột những hoàn cảnh tuyệt vọng. Chẳng hạn, những kẻ buôn người dùng chiêu bài buôn lậu để gài bẫy các nạn nhân. Chúng giới thiệu cho các nạn nhân những cơ hội việc làm mơ ước gióng lên những sự hứa hẹn của các kẻ buôn lậu, đòi những người di cư phải trả tiền cho việc chuyên chở của chúng, và thường sử dụng cùng những lộ trình và cách vận chuyển mà những kẻ buôn người chuyên nghiệp làm. Những kẻ buôn người không một chút day dứt về việc bóc lột những người hầu như không có khả năng tự bảo vệ đang trốn chạy khỏi bách hại, xung đột, thảm họa môi trường, và tình trạng thiếu thốn về kinh tế. Chiến tranh và xung đột đang ngày càng trở nên nhân tố chính đẩy đưa con người vào tình trạng không có sức tự vệ trước nạn buôn người. Những người đang chạy trốn bách hại và xung đột đi tìm sự tự do và an toàn đặc biệt có nguy cơ bị buôn bán.
Những hoạt động di cư và tị nạn hàng loạt đã trở thành một môi trường béo bở cho những kẻ buôn người hoạt động. Năm 2015, Liên Hợp quốc ước tính có gần 250 triệu người di cư quốc tế trên khắp thế giới, một con số tăng hơn 40 phần trăm kể từ năm 2000 (173 triệu). Cũng trong năm 2015, hơn 65 triệu người bị buộc phải di tản vì bách hại, xung đột, bạo lực hoặc vi phạm nhân quyền, tăng 6 triệu so với năm 2014.
Hiện nay, như Báo Cáo Toàn Cầu về nạn Buôn Người năm 2016 đã nói ở trên, số những nạn nhân buôn người được tìm thấy ở quốc gia bóc lột có sự tương đồng rất cao với số người theo dòng chảy di cư bình thường. Và như vậy rõ ràng để có thể xóa được tai họa của nạn buôn người, chúng ta phải nhìn thấy những nguyên nhân gốc rễ của nó nằm trong sự di cư cưỡng bức và những hậu quả xấu của sự toàn cầu hóa, bỏ lại quá nhiều người trong những hoàn cảnh tuyệt vọng rất dễ rơi vào tay những kẻ buôn người sử dụng ngành kinh doanh bóc lột buôn lậu người di cư như là một màn che cho thương mại nô lệ hiện đại.
Phụ nữ và các em gái nằm trong tình trạng không được bảo vệ đó, ở quá nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, họ góp phần theo tỷ lệ bất cân đối vào số những người nghèo nhất trong những người nghèo, bị phân biệt đối xử trong giáo dục và chăm sóc sức khỏe, bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi bạo lực và xung đột, và đại diện theo tỷ lệ không cân đối trong nền kinh tế không chính thức. Những điểm bất lợi này là các nhân tố thúc đẩy, làm cho họ có nhiều khả năng phải di cư, nhiều khi là ngoại thường, và dễ rơi vào bẫy của những kẻ buôn người.
Liên Hợp quốc làm gì để chống lại nạn buôn người?
Cộng đồng quốc tế thông qua Liên Hợp quốc rất ý thức về vấn đề và phạm vi lan truyền của nó.
Trước hết có Chương trình Nghị sự 2030 về Phát Triển Bền Vững, được thông qua bởi tất cả các quốc gia trên thế giới trong Hội Nghị Thượng đỉnh Phát Triển được tổ chức cùng ngày Đức Giáo hoàng Phanxico đọc diễn văn tại Đại Hội Đồng Liên Hợp quốc ngày 25 tháng Chín 2015.
Chương Trình Nghị Sự 2030 bao gồm 17 Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững và 169 Đích Nhắm Tới. Ba trong số những Đích Nhắm Tới này là loại trừ sự ô nhục về nhân đạo này trong một thập kỷ rưỡi sắp tới. Những điều này cam kết rằng Liên Hợp Quốc và các Chính phủ Thành viên nhanh chóng “loại trừ tất cả mọi hình thức bạo lực chống lại các phụ nữ và em gái trong các phạm vi công cộng và tư nhân, bao gồm việc buôn người và tình dục và những hình thức khác của sự bóc lột” (5.2) “đưa ra những biện pháp tức thời và hiệu quả để nhổ tận gốc tình trạng lao động cưỡng bức, chấm dứt nô lệ hiện đại và buôn người” (8.7) và “chấm dứt sự ngược đãi, bóc lột, buôn người và mọi hình thức bạo lực chống lại và hành hạ trẻ em” (16.2).
Trong Tuyên Ngôn New York về Người Tị Nạn và Di Cư được Đại Hội Đồng thông qua tháng Chín năm ngoái, cộng đồng quốc tế nhận thức rằng “người tị nạn và di cư theo những nhóm lớn có nguy cơ lớn hơn bị buôn bán và là đối tượng của lao động cưỡng bức” và cộng đồng quốc tế cam kết “mạnh mẽ chống lại tình trạng buôn người và buôn lậu di cư trên quan điểm phải loại trừ chúng, … đưa ra những hỗ trợ cho các nạn nhân của tình trạng buôn người, … [và] ngăn chặn sự buôn người giữa những người bị ảnh hưởng bởi việc di tản” (35).
Như vậy cộng đồng quốc tế đã tự cam kết áp dụng Chương Trình Hành Động Toàn Cầu của Liên Hợp Quốc để chống lại Buôn Người, xây dựng hệ thống luật quốc gia khớp với luật quốc tế về buôn lậu người di cư và buôn người, để tăng cường hợp tác kỹ thuật nhằm ngăn chặn buôn người và truy tố những kẻ buôn người (36). Trên cái nhìn về một Hiệp Ước Toàn Cầu về Di Cư An Toàn, Có Trật Tự và Bình Thường, mà Liên Hợp Quốc hy vọng sẽ được thông qua trong một Hội Nghị Thượng Đỉnh vào tháng Chín 2018 ở New York, cộng đồng quốc tế cam kết “chống lại nạn buôn người … và mọi hình thức nô lệ hiện tại,” “tìm ra được những người đã bị buôn bán và cân nhắc về việc cung cấp sự trợ giúp, bao gồm cả giấy phép tạm trú và thường trú và giấy phép làm việc” (III,8,k-l).
Tôi cũng muốn lưu ý rằng trong tháng Mười Hai 2015, Hội Đồng Bảo An lần đầu tiên đã tổ chức cuộc tranh luận theo chủ đề về Buôn Người trong những Tình hình Xung Đột, cho phép mở ra hành động cụ thể mạnh mẽ hơn và đưa ra những quyết định buộc tất cả các quốc gia phải thi hành. Ngày càng có nhiều quốc gia tham gia một cách tích cực. Một nhóm các chính phủ và các bên liên quan khác đề nghị những cách thức qua đó Hội Đồng Bảo An có thể đóng một vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống lại nạn buôn người. Đã có một loạt các hội nghị, sự kiện phụ và những buổi thảo luận nhóm tại Liên Hợp Quốc về chủ đề buôn người. Với sự khiêm tốn, Phái Bộ Quan Sát Viên Thường Trực Của Tòa Thánh nằm trong số những Phái Bộ tích cực hơn trong lĩnh vực này.
Tại Liên Hợp quốc và trên khắp cộng đồng quốc tế, đã có những tiến bộ thực tế, nhưng trong nhiều lĩnh vực căn bản, các tổ chức vẫn chưa đến gần được với những vấn đề cần thiết, chẳng hạn trong lĩnh vực truy tố và kết án những kẻ buôn người. Về mặt tích cực, có sự gia tăng rất lớn trong các quốc gia đã kết tội hoạt động buôn người phù hợp với định nghĩa trong Nghị Định Thư của Liên Hợp quốc về Buôn người. Năm 2003, chỉ có 33 quốc gia trên toàn thế giới kết tội việc buôn người; năm 2016 có 158 quốc gia.
Đó là tin vui. Nhưng có luật trong sách là một chuyện; áp dụng những luật đó để bắt giữ những người tham gia vào việc bắt nô lệ những người đồng loại lại là vấn đề khác. Trong 136 quốc gia mà chúng tôi có số liệu, 40 phần trăm (54 quốc gia) có dưới 10 vụ kết án một năm và 15 phần trăm (20 quốc gia) không có một vụ kết án nào trong khoảng thời gian ba năm từ 2012-2014! Trong số những quốc gia đã xây dựng pháp lý hơn 13 năm, con số bị kết án trung bình là 29. Không quốc gia nào trên thế giới có hơn 100 vụ bị kết án hàng năm. Khi con số trung bình các nạn nhân tính theo số những kẻ buôn người bị kết án là 4 người, thì con số ước tính là 36 triệu người là nạn nhân ngày nay, chúng ta có thể thấy rằng con số rất lớn những kẻ buôn người tiếp tục bắt người khác làm nô lệ mà không bị trừng phạt.
Cũng có tình huống về số liệu cần có và thẩm quyền xét xử và sự hợp tác của các chính quyền dân tộc. Báo Cáo Toàn Cầu 2016 về Buôn Người được phát hành bởi Văn Phòng Liên Hợp Quốc về Ma Túy và Tội Phạm, chỉ có 136 quốc gia báo cáo, và hầu hết dữ liệu của họ chỉ là một phần. Báo cáo thừa nhận rằng trong một số vùng sự khan hiếm dữ liệu của các quốc gia cung cấp làm cho họ không thể đưa ra những phân tích và kết luận chắc chắn. Điều làm cho việc suy luận dữ liệu khan hiếm trở nên phức tạp hơn nhiều là sự thật rằng một số quốc gia nơi có số nạn nhân của tình trạng buôn người nhiều nhất hay bị bóc lột nhiều nhất lại nằm trong số những người không có hồ sơ báo cáo hoặc dữ liệu hồ sơ không đầy đủ. Có một số lý do ẩn sau những khó khăn trong việc báo cáo này, một trong những lý do đó là năng lực tổ chức yếu kém trong những quốc gia đó.
Tóm lại, các bước đi theo hướng đúng đắn đã được thực hiện ở cấp độ cộng đồng quốc tế và chúng ta đã có thể chú ý thấy ý thức của công chúng lớn hơn. Theo một cách diễn đạt đúng nhất thì, rất nhiều việc đã được thực hiện, nhưng vẫn còn rất nhiều việc khác cần phải được thực hiện! Như Đức Giáo hoàng Phanxico đã nhấn mạnh trong Diễn văn tháng Chín năm 2015 trước Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc rằng, cam kết trên giấy tờ thì chưa đủ. Làm cho thể chế của chúng ta có hiệu quả mới là thách thức lớn. Buộc hiện tượng buôn người đang nằm ở mặt chìm của xã hội phải hiện rõ lên bề mặt đòi hỏi những khả năng tổ chức chuyên nghiệp và ý chí chính trị rất lớn về phía mọi quốc gia.
Các Giáo hoàng, Tòa Thánh và Giáo hội Công giáo
Vì vậy, nếu lời nói là không đủ, các Đức Giáo hoàng, Tòa Thánh và Giáo hội Công giáo đã làm gì và thực sự làm thế nào để chống lại tai họa của nạn buôn người?
Sự tham gia của Tòa Thánh trong cuộc chiến chống nạn buôn người không có gì mới. Tòa Thánh đã từ lâu lên tiếng chống lại tội ác của nạn buôn người và qua những công việc cống hiến của quá nhiều các tổ chức tu trì Công giáo — đặc biệt các Dòng Tu nữ —, các chương trình cấp quốc gia và giáo phận, và các nhóm tín hữu cam kết, Giáo hội Công giáo đã tìm cách chống lại để giải quyết những nguyên nhân khác nhau của nó, chăm sóc cho những người là nạn nhân của nó, vực con người dậy từ tình trạng bị ghét bỏ, và hoạt động với bất kỳ ai và với tất cả mọi người để loại trừ nó.
Trong suốt Công Đồng Vatican II, Giáo hội Công giáo, trong Hiến chế Mục Vụ năm 1965 về Giáo Hội trong Thế Giới Hiện Đại, tố cáo rằng “nô lệ, mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em, và những điều kiện làm việc nhục nhã nơi mà con người bị coi như những món đồ vật để thu lợi hơn là những con người có tự do và có trách nhiệm” là “những ô nhục” làm “băng hoại xã hội loài người” và như là “một việc làm ô danh cực trọng Đấng Tạo Hóa” (Hiến Chế Gaudium et Spes (Vui mừng và hy vọng) (http://www.vatican.va/archive/hist_councils/ii_vatican_council/documents/vat-ii_cons_19651207_gaudium-et-spes_en.html) , 27).
Thánh Gio-an Phao-lô II, trong một Diễn văn dài năm 2002 về chiều kích nhân quyền trước nạn buôn người, đã tuyên bố mạnh mẽ rằng “vấn nạn buôn người phải được xử lý bằng cách thúc đẩy những công cụ pháp lý hiệu quả để chặn đứng lại ngành thương mại phi đạo đức này, trừng phạt những kẻ hưởng lợi từ nó, và trợ giúp phục hồi những nạn nhân của nó.” Ngài nói thêm, “Sự bóc lột tình dục đối với phụ nữ và trẻ em là một khía cạnh đặc biệt ghê tởm của ngành thương mại này, và phải bị xem là một sự vi phạm tự bản chất về phẩm giá và quyền của con người. Khuynh hướng thật đáng lo ngại coi mại dâm như một ngành kinh doanh hoặc công nghiệp không những góp phần vào ngành thương mại thân xác con người, nhưng tự nó còn là bằng chứng của một khuynh hướng đang phát triển làm … hạ thấp sự huyền nhiệm tuyệt mỹ của tính dục của con người thành thuần túy như một món hàng.” Ngài thúc giục phải tập trung sự chú ý không chỉ đối với “vấn đề chính trị và pháp lý quan trọng trong việc chống lại nạn dịch hiện đại này,” nhưng còn phải chú ý đến “những vấn đề về luân lý” cung cấp nguồn cho nhu cầu thị trường về nạn buôn người, cụ thể là, “những lối sống và khuôn mẫu hành vi, đặc biệt liên quan đến hình ảnh của người phụ nữ, nó tạo ra những gì đã thực sự trở thành một ngành công nghiệp bóc lột tình dục ở những quốc gia phát triển” (Tông thư nhân dịp Hội Nghị Quốc Tế, “Nô Lệ Thế Kỷ Hai Mươi Mốt: Chiều kích Nhân Quyền đối với nạn Buôn Bán Con Người,” 15 tháng Năm, 2002).
Cũng như vậy Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã tố cáo “thảm họa của nạn buôn bán con người” trong Sứ Điệp Ngày Thế Giới Người Di Cư và Tị Nạn 2006, ngài nói rằng thế giới cần phải chiến đấu với “nạn buôn bán con người”, đặc biệt phụ nữ, nở rộ ở những nơi mà cơ hội để cải thiện tiêu chuẩn sống hay thậm chí chỉ để tồn tại bị hạn chế rất nhiều.” Ngài tiếp tục, “Rất dễ dàng cho những kẻ buôn người đưa ra những ‘dịch vụ’ riêng của họ cho các nạn nhân là những người không hề nghi ngờ những gì đang chờ đợi họ. Trong một số trường hợp có những phụ nữ và em gái rơi vào tình trạng bị bóc lột giống như nô lệ trong công việc, và không phải là hiếm có trường hợp rơi vào ngành công nghiệp tình dục.” Ngài đặc biệt lên án “văn hóa hưởng lạc và thương mại lan rộng khuyến khích cho sự bóc lột tình dục có hệ thống” và đặc biệt làm tổn hại đến phụ nữ và các em gái.
Đức Giáo hoàng Phanxico và cuộc chiến chống lại nạn buôn người
Nhưng chính Đức Giáo hoàng Phanxico là người đã thu hút được sự chú ý của thế giới vì những lên án rất mạnh mẽ và liên tục của ngài về căn bệnh ung thư này của xã hội và nỗ lực của ngài làm thức tỉnh thế giới cùng với ngài loại trừ nó. Ngài được xem như tiếng nói đạo đức hàng đầu của thế giới trong cuộc chiến chống lại nạn buôn người. Bằng lời nói và bằng hành động, ngài đã cho thấy rõ ràng rằng đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của triều đại của ngài. Vì thế, theo sự dẫn dắt của Đức Thánh Cha, cuộc chiến chống lại tình trạng nô lệ hiện đại là một ưu tiên đặc biệt của hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh và sự cấp bách về mục vụ của Giáo hội Công giáo.
Đức Hồng y Jorge Bergoglio đã bị đối diện với nạn buôn người ở Buenos Aires, nơi ngài làm Tổng Giám mục suốt 15 năm trước khi được chọn lên ngôi giáo hoàng. Trong một bài giảng hàng ngày, sau khi nói rằng Chúa Giê-su “cùng đứng bên cạnh những anh chị em của chúng ta đang phải sống dưới tình trạng nô lệ,” ngài nhận xét, “Chúng ta được dạy rằng cảnh nô lệ đã bị diệt trừ, nhưng anh chị em biết không. Điều đó là không thật, vì trong thành phố Buenos Aires cảnh nô lệ không bị bãi bỏ. Trong thành phố này cảnh nô lệ hiện hữu dưới những hình thức khác nhau.” Ngay sau khi được bầu lên ngôi giáo hoàng, ngài đã gửi một thư viết tay đến cho người bạn Argentina của ngài, Đức Giám mục Marcelo Sanchez Sorondo, Chưởng ấn Hàn Lâm Viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội, trong thư ngài viết, “Tôi tin rằng điều quan trọng là phải phân tích nghiên cứu về nạn buôn người và nô lệ hiện đại. Phải nghiên cứu về nạn buôn bán nội tạng trong mối liên hệ đến tình trạng buôn người. Xin cảm ơn rất nhiều, Phanxico.”
Trong Diễn văn tháng Chín 2015 của ngài tại Đại Hội đồng Liên Hợp quốc, ngài kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tránh “mọi cám dỗ rơi vào chủ nghĩa huy danh chỉ nói suông để xoa dịu lương tâm của chúng ta” và rồi chẳng làm gì cả. Ngài nhấn mạnh, “Chúng ta cần phải bảo đảm rằng các tổ chức của chúng ta thực sự có hiệu quả trong cuộc chiến chống lại tất cả những tai họa này” và “phải có những bước đi cụ thể và biện pháp tức thời … để [chấm dứt] càng sớm càng tốt hiện tượng loại trừ xã hội và kinh tế, cùng với những hậu quả tai hại của có như nạn buôn bán người, buôn nội tạng và mô người, bóc lột tình dục nam và nữ, lao động nô lệ, trong đó có mại dâm.”
Đức Giáo hoàng Phanxico nói về tình trạng buôn bán người trong nhiều dịp quan trọng khác. Ngài đã dành một phần của diễn văn của ngài trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc về vấn đề đó. Ngài viết về nó trong Tông huấn Laudato Si’ (Chúc tụng Chúa): Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung Của Chúng Ta và trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng. Ngài đã dành trọn Sứ Điệp Ngày Thế Giới Hòa Bình 2015 cho vấn đề này, đưa nó vào sự ưu tiên then chốt cho chính sách ngoại giao quốc tế của Tòa Thánh. Ngài đã nói về vấn đề đó trước các Đại sứ và những nhà ngoại giao khác trình Ủy nhiệm thư tại Tòa Thánh, trước các nhà lãnh đạo tôn giáo quốc tế, trước một liên minh những cảnh sát trưởng quốc tế và các nhà lãnh đạo Giáo hội cống hiến cho việc xóa bỏ nạn nô lệ hiện đại, trước các nhà khoa học và các học giả, trước các thị trưởng trên khắp thế giới, và trước nhiều hội nghị khác nhau tại nhiều khu vực trên thế giới.
Và ngài không chỉ nói: ngài đã hành động, không chỉ xúc tiến những hội nghị do Tòa Thánh tổ chức qua Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Khoa Học Xã Hội, nhưng còn chỉ điểm thẳng trong Tuyên Ngôn Chung của Các Nhà Lãnh Đạo Tôn Giáo Thế Giới 2014 về Nô Lệ Hiện Đại và giúp thành lập Nhóm Thánh Marta, đặt theo tên nơi ở của ngài ở Vatican, tập trung các nhà lãnh đạo Công giáo và những viên chức cơ quan chấp pháp quốc tế để chiến đấu lại với tai họa này.
Thông điệp chính và sự tiếp cận của ngài là gì khi ngài tìm cách khơi gợi cho toàn thế giới hướng đến hành động hiệu quả? Không thể giải thích được trọn vẹn, tôi xin tóm lược nó trong sáu điểm sau:
Trước hết, những gì chúng ta đang phải đối mặt là một tội ác chống lại nhân loại. Trong một buổi họp tháng Tư năm 2014 với các nhà khoa học xã hội tại Vatican, ngài nói, “Nạn buôn người là một vết thương mở trên thân thể của xã hội hiện tại, một tai họa trên thân thể của Đức Ki-tô. Nó là một tội ác chống lại nhân loại.” Trong diễn văn trước các nhà lãnh đạo liên tôn tám tháng sau, ngài nhấn mạnh, bằng ngôn ngữ phác họa tương tự, “Nạn nô lệ hiện đại — dưới hình thức buôn người, lao động cưỡng bức, mại dâm hoặc buôn bán nội tạng — là một tội ác ‘chống lại nhân loại,’ … một tai họa tàn bạo đang hiện hữu trên khắp thế giới trên tầm mức trải rộng, thậm chí dưới hình thức du lịch.” Thái độ đáp trả của chúng ta phải tương xứng với tội ác này.
Thứ hai, buôn người là một tội ác đang xảy ra trong các sân sau nhà của chúng ta, nó đang xảy ra ngay trước mắt của chúng ta, và chúng ta không thể làm ngơ nó. “Chúng ta phải nâng cao ý thức của tội ác mới này, mà trên tầm mức thế giới, nó muốn ẩn nấp vì nó đáng kinh tởm và ‘bất chính về chính trị,’” ngài nói trong một diễn văn tháng Tư năm 2015 tại một hội nghị thượng đỉnh đa ngành tại Vatican. “Không ai muốn thừa nhận rằng trong thành phố của chúng ta, thậm chí trong khu xóm của chúng ta, trong khu vực hay đất nước của chúng ta, lại có những hình thức nô lệ mới, trong khi chúng ta vẫn biết rằng những đại dịch này hầu như xảy ra ở mọi quốc gia …. Mọi xã hội được kêu gọi để nâng cao ý thức về vấn đề này … để có thể bảo đảm rằng những kẻ buôn bán người phải bị đưa ra công lý và những khoản thu nhập bất chính của họ phải được chuyển ngược lại cho việc phục hồi các nạn nhân … Vì vậy rất thường khi … những hình thức nô lệ mới này được bảo vệ bởi những tổ chức đáng lẽ phải bảo vệ người dân khỏi những tội ác này.”
Thứ ba, nô lệ hiện đại lợi dụng vào sự lan rộng của văn hóa thờ ơ và loại trừ. Trong thông điệp ngày 5 tháng Ba, 2014 gửi Hội nghị của Brazil về “Tình Huynh Đệ và Nạn Buôn Người,” Đức Giáo hoàng Phanxico nói, “Không thể nào giữ thái độ làm ngơ trước sự thật rằng con người đang bị mua và bán như những món hàng. Tôi đang nghĩ đến những em bé được nhận làm con nuôi để mổ lấy nội tạng, nghĩ về những phụ nữ bị lừa gạt và bị cưỡng bức bán thân, tôi nghĩ đến những công nhân bị bóc lột và bị từ chối những quyền của họ hay một tiếng nói, và nhiều điều nữa. Đây là nạn buôn người!” Trong một diễn văn ngày 2 tháng Chín năm ngoái trước RENATE, một hiệp hội các nữ tu ở Châu Âu liên kết chống lại tình trạng buôn và bóc lột người, ngài dẫn lời của Chúa Giê-su về Ngày Chung Thẩm trong Tin mừng Thánh Mát-thêu về tình hình buôn người, ngài nói rằng Chúa Giê-su có thể nói rằng, và muốn nói rằng, với mỗi chúng ta, “Ta đang bị ngược đãi, đang bị bóc lột, đang bị làm nô lệ … và các người đã cứu ta.”
Thứ tư, dòng chảy các nạn nhân của nạn buôn người có nhiều nhánh. Đức Thánh Cha Phanxico đã chỉ rõ bốn nguyên nhân khác nhau: kinh tế, môi trường, chính trị, và sắc tộc. Để xóa bỏ được tai họa của nạn nô lệ hiện đại, chúng ta phải đối mặt với những căn nguyên về kinh tế, môi trường, chính trị và sắc tộc:
Kinh tế. Trong Sứ điệp Hòa bình 2015 ngài viết rằng trong số những nguyên nhân “giúp giải thích những hình thức nô lệ hiện nay, … vị trí hàng đầu là sự cùng khổ, chậm phát triển và loại trừ, đặc biệt khi được kết hợp với tình trạng thiếu học vấn hay ít có những cơ hội việc làm. Thường thường, nạn nhân của tình trạng buôn người và nô lệ là những người đi tìm một con đường để thoát khỏi hoàn cảnh đói nghèo cùng cực; bị đưa vào những lời hứa hẹn giả tạo có việc làm, họ thường rơi vào tay của những mạng lưới tội phạm tạo thành tổ chức buôn người.”
Môi trường. Trong Hội nghị ngày 21 tháng Bảy, 2015 chuyên đề về sự liên kết giữa “Nô Lệ Hiện Đại và Biến Đổi Khí Hậu,” Đức Giáo hoàng Phanxico nói, “Liên Hợp Quốc phải quan tâm nhiều hơn nữa … về nạn buôn người do những vấn đề về môi trường,” một điểm ngài phân tích rất dài trong Tông huấn Laudato Si’ (Chúc Tụng Chúa): “Thật vô cùng mâu thuẫn khi chống lại nạn buôn lậu những chủng loài đang có nguy cơ tuyệt chủng,” ngài nói, “trong khi chúng ta lại giữ thái độ hoàn toàn thờ ơ trước nạn buôn người.” (LS 91).
Chính trị. Trong Sứ Điệp Ngày Thế Giới Hòa Bình 2015, ngài đã thẳng thắn nói rằng một nguyên nhân rõ ràng của nạn nô lệ hiện đại là “sự tham lam của những người sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đạt mục tiêu tài chính. Lao động nô lệ và buôn người thường cần có sự đồng lõa của những kẻ trung gian, họ là những nhân viên chấp pháp, viên chức nhà nước, hay những tổ chức dân sự và quân sự.”
Sắc tộc. Trong Diễn văn ngày 12 tháng Mười Hai, 2013 trước các Tân Đại sứ trình Ủy nhiệm thư tại Tòa Thánh, ngài nói rằng nạn nô lệ hiện đại xảy ra khi người ta “bị đối xử như những món hàng,” nó dẫn đến việc họ bị “lừa dối, bị tấn công, thường bị bán đi bán lại nhiều lần cho nhiều mục đích khác nhau và, cuối cùng, bị giết hay trong bất kỳ tình huống nào, bị nguy hại về thân xác và tinh thần, kết cuộc bị loại trừ và bỏ rơi.” Ngài nhắc lại một điểm trong Tông Huấn Chúc Tụng Chúa, “Trong sự thiếu vắng những sự thật khách quan hay những nguyên tắc trọn vẹn ngoại trừ sự thỏa mãn những khát khao riêng của chúng ta và những nhu cầu ngay trước mắt,” ngài đặt câu hỏi, “những giới hạn nào có thể được đặt vào nạn buôn người, tội phạm có tổ chức, buôn bán ma túy, thương mại kim cương máu và lông những chủng loài đang có nguy cơ tuyệt chủng?” Ngài nói rằng bị đối xử như những đồ vật được sử dụng rồi quăng đi, và điều này xảy ra “khi chính văn hóa đồi trụy và sự thật khách quan và những nguyên tắc giá trị toàn cầu không còn được giữ vững.” (LS 123).
Thứ năm, Đức Giáo hoàng Phanxico nhấn mạnh rằng bây giờ là thời gian của hành động. Trong Sứ Điệp Ngày Thế Giới Hòa Bình 2015, ngài nhấn mạnh, “Cho dù cộng đồng quốc tế đã thông qua nhiều hiệp ước nhằm mục tiêu chấm dứt nạn nô lệ hiện đại dưới mọi hình thức của nó, và đã đưa ra nhiều chiến lược để chống lại hiện tượng này, hàng triệu người ngày nay – trẻ em, phụ nữ và nam giới đủ mọi độ tuổi – bị tước mất quyền tự do và bị bắt buộc sống trong những điều kiện giống như nô lệ.” Điều đó đưa đến một tình trạng khẩn cấp mà ngài lên tiếng kêu gọi trong một lá thư tháng Mười năm 2015 gửi một hội nghị chống nô lệ hiện đại và buôn bán con người diễn ra tại Madrid, trong thư ngài nói, “Hôm nay 193 Chính phủ thuộc về Liên Hợp quốc có một mệnh lệnh đạo đức mới là chống lại nạn buôn người mà nó thực sự là tội ác chống lại loài người.” Tóm lại, ngài nói rằng, bây giờ là lúc phải hành động nhanh cho những mệnh lệnh đạo đức nhằm loại bỏ nạn buôn người, nô lệ hiện đại và lao động cưỡng bức.
Thứ sáu, ngài nhấn mạnh đến sự hợp tác và chung sức, tức là thái độ phản ứng này phải bao gồm hoạt động của mọi người chung sức với nhau. Trong Sứ Điệp Ngày Thế Giới Hòa Bình 2015, Đức Giáo hoàng Phanxico nêu rõ sự cần thiết phải có vai trò tham gia của các Chính phủ, các tổ chức liên chính phủ, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự, và tất cả mọi người, ngài nói: “Chúng ta phải nhận thức rằng chúng ta đang phải đối mặt với một hiện tượng toàn cầu, nó vượt ra ngoài khả năng của bất kỳ một cộng đồng hay một quốc gia. Để có thể loại trừ nó, chúng ta cần phải có một sự huy động về tầm mức tương xứng với chính hiện tượng đó. Vì lý do này tôi khẩn thiết kêu gọi tất cả mọi người thiện chí, và tất cả mọi người gần xa, gồm từ những người ở các cấp độ cao nhất của các tổ chức dân sự, họ chứng kiến tai họa của nạn nô lệ hiện tại này, không trở thành đồng lõa của tội ác này, không quay mặt tránh những nỗi đau khổ của anh chị em của chúng ta, đồng loại của chúng ta, họ đang bị tước mất sự tự do và phẩm giá của họ. Thay vì vậy, nguyện xin chúng ta có được lòng can đảm để đụng chạm đến những gì được tỏ lộ ra trên khuôn mặt của vô số những người mà Chúa Giê-su gọi là ‘người bé mọn nhất trong anh em của ta’ (Mt 25:40, 45). … Sự toàn cầu hóa tính thờ ơ, mà ngày nay tạo cái ách nặng trên cuộc sống của quá nhiều người anh chị em chúng ta, đòi hỏi tất cả chúng ta phải tạo ra một sự hiệp nhất và tình huynh đệ toàn cầu mới đủ khả năng trao cho họ niềm hy vọng mới và giúp họ tiến bước với lòng can đảm giữa những vấn đề của thời đại của chúng ta và những chân trời mới mà họ mở ra và Thiên Chúa đặt vào đôi tay của chúng ta” (Sứ Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới 2015).
Phái bộ Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên hợp quốc
Phái bộ Quan sát viên Thường trực đang làm việc rất miệt mài để thực hiện được ưu tiên này của Đức Giáo hoàng Phanxico và của Giáo hội theo công việc của chúng tôi ở New York đây. Phái bộ của chúng tôi đã tổ chức một loạt các hội nghị chuyên đề về vấn đề này. Chúng tôi đã bắt đầu loạt hội nghị này từ tháng Tư 2015, bằng việc đồng tổ chức với Nhóm Thánh Marta một hội nghị lớn cho gần 600 người về “Chấm Dứt Nô Lệ Hiện Đại và Buôn Người vào năm 2030,” với một số các chuyên gia giỏi nhất và những người đang hoạt động trong lĩnh vực này. Trong tháng Ba năm trước, chúng tôi tổ chức một sự kiện phụ về “Chăm sóc Mục vụ cho Phụ nữ và các Em gái Đường phố” và một sự kiện khác vào tháng Bảy về “Chấm dứt nạn Buôn Bán Trẻ em và Người Trẻ.”
Ngày 22 tháng Ba tới đây, Phái bộ sẽ tổ chức một sự kiện khác với chủ đề “Tạo Cơ Hội Làm Kinh Tế cho Những Người Thoát Khỏi Nạn Buôn Người để Họ Vĩnh Viễn Rời Khỏi Đường Phố,” và tất cả các bạn sẽ được mời tới tham dự. Chúng tôi đang lên chương trình cho một hội nghị lớn về Cấp Vốn Phát Triển tập trung cho những phụ nữ dễ bị tấn công nhất.
Chúng tôi cũng sẽ tích cực tham gia vào Cuộc Họp Cấp Cao của Đại Hội Đồng vào tháng Mười tới về sự đánh giá Chương Trình Hành Động Toàn Cầu của Liên Hợp Quốc Chống Lại nạn Buôn Người mà Phái bộ của chúng tôi đã tham dự vào các buổi họp sớm trong ngày hôm nay. Chúng tôi tích cực tham gia vào các giai đoạn chuẩn bị dẫn đến những đàm phán liên chính phủ về một tài liệu Kết Luận về Khế Ước Toàn cầu về di cư an toàn, có trật tự và bình thường sẽ được thông qua trong Hội Nghị Thượng Đỉnh tháng Chín 2018 được tổ chức ở New York.
Sự tham gia của tôi vào cuộc họp thường niên của Nhóm Thánh Marta đã giúp tôi có một sự hiểu biết tình hình tập trung vào phạm vi nội địa trong những quốc gia cụ thể, theo như Giáo hội và các cơ quan chấp pháp báo cáo tình hình trong đất nước của họ. Việc này bổ sung một góc nhìn rộng chúng tôi có được tại Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, những báo cáo quốc gia cung cấp một sự đánh giá sâu hơn về tầm quan trọng nền tảng của sự cộng tác gần gũi giữa các cơ quan chấp pháp và những người chăm sóc các nạn nhân của nạn buôn người.
Cuối cùng, Phái bộ chúng tôi hợp tác với những Phái bộ Thường trực của các quốc gia đang tích cực chống lại nạn buôn người, cũng như với các tổ chức phi chính phủ có mục tiêu giúp chấm dứt nạn buôn người
Kết
Cho phép tôi tóm kết những nhận xét của tôi bằng hai điểm suy tư chính:
Trước hết, tầm quan trọng của niềm tin được thể hiện tích cực trong những công việc. Đức Giáo Hoàng Phanxico mong muốn những tu sĩ tìm được động lực sâu sắc nhất trong niềm tin của họ để dẫn dắt và tham gia vào cuộc chiến này. Những người có tín ngưỡng phải đem quan điểm đạo đức và lòng hăng say của họ vào toàn bộ hoạt động này. “Được giữ vững bởi những lý tưởng của niềm tin của chúng ta và bởi những giá trị nhân văn chung của chúng ta,” ngài khẳng định trong tuyên ngôn chung với các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới, “tất cả chúng ta có thể và  phải tôn lên tiêu chuẩn của những giá trị tinh thần, nỗ lực chung và quan điểm về sự tự do để xóa bỏ nạn nô lệ khỏi hành tinh của chúng ta.”
Cùng một quan điểm như vậy, trong Thông điệp của ngài trước các tham dự viên của hội nghị tháng Tư 2015 của chúng tôi về nạn buôn người, Đức Thánh Cha lặp lại “cam kết trước sau như một của Giáo hội Công giáo chống lại tội ác này và chăm sóc cho tất cả những nạn nhân của nó,” thúc giục tất cả chúng ta cùng tìm ra trong công việc này “một sự phục vụ thực sự cho những người nghèo nhất và bị gạt ra bên lề xa nhất của xã hội, họ thường xuyên bị lãng quên và không có tiếng nói,” và thử thách chúng ta phải tham gia vào mạnh mẽ hơn nữa. Chúng ta chiến đấu cho những anh chị em của chúng ta, họ cũng như chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Lời thỉnh cầu đó được đưa ra mười tháng trước nhưng chưa hề mất tính khẩn thiết của nó.
Thứ ha, những công việc được giữ vững với hy vọng rằng, cùng nhau chúng ta sẽ vượt qua. Quả thật, nó có thể rất chán nản và bực dọc vì cho dù có bao nhiêu nỗ lực thì hiện tượng buôn người vẫn tiếp tục phát triển nhanh chóng. Trong suốt Hội nghị tháng Tư 2016 của chúng tôi, ông Kevin Hyland, Ủy Ban Chống Nô Lệ Độc Lập của Vương Quốc Anh, nhắc chúng tôi nhớ rằng William Wilberforce chỉ mất 20 năm để chấm dứt ngành thương mại nô lệ của Anh và chỉ thêm 30 năm nữa để hủy bỏ thương mại nô lệ trên toàn cầu, vào lúc đó tình trạng nô lệ được chấp nhận là tự nhiên như việc sinh nở, kết hôn và chết. Điều này cũng có thể xảy ra trong cuộc chiến của chúng ta chống lại nạn buôn người, và nó có thể diễn ra nhanh hơn chúng ta nghĩ, miễn là tất cả, trong đó có mỗi người chúng ta ở đây, cam kết chiến đấu trong cuộc chiến tốt đẹp và cần thiết để chống lại tội ác của nạn buôn người. Chúng ta hãy mang lấy tinh thần Wilberforce đó trong mỗi chúng ta để đem theo trong cuộc chiến của chúng ta chống lại nạn buôn người và những hình thức khác của tình trạng nô lệ hiện đại.
Xin cảm ơn quý vị đã lắng nghe!

[Nguồn: zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 07/03/2017]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét