Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Đức Thánh Cha gặp gỡ thanh thiếu niên vừa chịu Phép Thêm Sức (Văn bản Hỏi & Đáp được soạn trước)

Đức Thánh Cha gặp gỡ thanh thiếu niên vừa chịu Phép Thêm Sức (Văn bản Hỏi & Đáp được soạn trước)

Đức Thánh Cha trả lời trực tiếp trong buổi gặp gỡ cuối cùng trên lịch trình chuyến thăm mục vụ của ngài đến Milan
25 tháng Ba, 2017
Đức Thánh Cha gặp gỡ thanh thiếu niên vừa chịu Phép Thêm Sức
PHOTO.VA - L'OSSERVATORE ROMANO
Lúc 5.30 chiều hôm nay, 25 tháng Ba, 2017, Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ thanh thiếu niên vừa chịu Phép Thêm Sức trong Sân Vận động Meazza-San Siro của Milan. Roberto Ruozzi, Chủ tịch của Sân vận động, đón Đức Thánh Cha tại cổng vào sân.
Trong suốt buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha trả lời một số câu hỏi của một thiếu niên vừa chịu phép Thêm Sức, một cặp vợ chồng và một giáo lý viên.
Đây là sự kiện cuối cùng trên lịch trình của Đức Thánh Cha trong chuyến thăm mục vụ của ngài đến thành phố miền Bắc Ý trước khi trở về Roma.
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Zenit những câu hỏi được gửi lên Đức Thánh Cha và những câu trả lời được soạn trước của ngài. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha lại nói ứng khẩu. Vì vậy, Zenit sẽ mang đến cho độc giả những câu trả lời ứng khẩu của ngài cho những câu hỏi được đưa ra khi văn bản được phát hành và được dịch:
PHOTO.VA - L'OSSERVATORE ROMANO
***
Những câu trả lời của Đức Thánh Cha cho các câu hỏi của một thiếu niên
Khi Đức Thánh Cha bằng tuổi chúng con, điều gì giúp người phát triển mối quan hệ với Chúa Giê-su?
1: Ông bà
2: Bạn bè
3: Giáo xứ
Câu hỏi của một cặp vợ chồng
Làm sao để chúng con truyền lại vẻ đẹp của đức tin cho con cái của chúng con? Đôi khi quả thật rất khó có thể nói về chủ đề này mà không gây nhàm chán hay nhạt nhẽo khi chia sẻ đức tin với chúng.
  1. Cha nghĩ đây là một trong những câu hỏi then chốt động chạm đến đời sống của chúng ta là những cha mẹ, những mục tử, hay những nhà giáo dục. Và cha muốn trình bày vấn đề này với các bạn. Cha mời gọi các bạn hãy nhớ lại những người đã để lại dấu ấn cho đức tin của các bạn và ai trong số đó vẫn giữ lại dấu ấn mạnh nhất. Cha mời gọi các bạn là cha mẹ hãy đưa mình trở lại tuổi thơ trong một phút và nhớ lại những người đã giúp các bạn có niềm tin. Cha, mẹ, ông bà, một giáo lý viên, một người cô, cha xứ, người hàng xóm, có thể như vậy … Tất cả chúng ta đều có trong ký ức của mình, nhưng đặc biệt trong tâm hồn của mình, một ai đó đã giúp chúng ta có niềm tin.
Các bạn sẽ hỏi cha lý do cho bài tập nho nhỏ này. Con cái chúng ta liên tục nhìn vào chúng ta, ngay cả khi chúng ta không nhận thấy, chúng quan sát chúng ta mọi lúc và đồng thời chúng học theo. “Con cái nhìn vào chúng ta,” tôi tin đây là tựa đề của một bộ phim. Chúng biết niềm vui của chúng ta, nỗi buồn và những lo lắng của chúng ta. Chúng hiểu mọi điều và, cứ cho là chúng sống rất trực giác, chúng rút ra những kết luận và bài học cho chúng. Chúng biết khi nào chúng ta đánh lừa chúng và khi nào chúng ta không. Vì thế, một trong những điều đầu tiên cha muốn nói với các bạn là: hãy chăm sóc chúng, chăm sóc tâm hồn của các con, chăm sóc niềm vui và những hy vọng của các con. “Những đôi mắt nhỏ xinh” của con cái của các bạn dần dần ghi nhớ và đọc bằng tâm hồn cách thức đức tin là một trong những gia tài tốt nhất mà các bạn đã đón nhận từ cha mẹ của các bạn, từ tiền nhân của các bạn. Hãy cho con cái của các bạn thấy đức tin giúp các bạn tiến bước như thế nào, đối mặt như thế nào với những vở kịch chúng ta gặp phải, không phải với thái độ bi quan nhưng là sự tự tin, đây là chứng tá tốt nhất mà chúng ta có thể trao cho chúng. Có một câu nói: “Lời nói gió bay”, nhưng những gì được gieo trồng trong ký ức, trong tâm hồn, sẽ giữ lại mãi mãi.
  1. Trong nhiều vùng, nhiều gia đình có một truyền thống rất đẹp, như việc cùng đi Lễ với nhau và sau đó họ tới một công viên, và cùng chơi với con cái của họ. Để đức tin trở thành một nhu cầu cấp thiết của gia đình và với những gia đình khác. Điều này rất tốt và nó giúp sống Giới răn để thánh hóa những ngày lễ. Ví dụ, bây giờ những ngày tốt lành sắp đến, ngày Chúa nhật sau khi cả gia đình đi Lễ, thật tốt nếu các bạn có thể đi đến một công viên hay quảng trường để chơi đùa, để ở cùng nhau và lấy lại một truyền thống đẹp mà ở Buenos Aires chúng tôi gọi là “dominguear,” nghĩa là “tận hưởng ngày Chúa nhật,” — ngày tốt nhất để thăm gia đình, thư giãn hơn. Cha tin là sẽ có ích nếu tái khám phá lại điều này và biết trân trọng nó. Đức tin được sống trong môi trường gia đình biết thúc đẩy tính nhưng không, dành thời gian cho nhau. Việc này không tốn tiền; ngược lại, nó là một sự mời gọi chúc phúc đến với nhau, đây là một điều tốt. Chúng ta có thể thiếu thốn nhiều thứ, nhưng chúng ta được kết hiệp và đây là một bài dạy rất tốt mà chúng ta có thể đưa ra.
  2. Sự giáo dục gia đình trong tình hiệp nhất. Cha muốn nhấn vào việc kỷ niệm mừng vui, vào tính nhưng không, vào việc tìm kiếm những gia đình khác và sống đức tin như là một vùng mang niềm vui gia đình. Cha tin cũng cần phải thêm vài yếu tố khác. Sẽ không có kỷ niệm mừng vui nếu không có tình hiệp nhất – cũng như sẽ không có sự hiệp nhất mà không có kỷ niệm mừng vui. Cha nhớ có một lần: một đứa trẻ xin một thứ gì đó để ăn. Hôm đó họ đang có món “cutlets alla Milanese.” Bà cho tất cả các con ăn và chia đủ phần cho đứa trẻ đó. Chúng ta không được cho đi những gì là thừa đối với chúng ta, nhưng chia sẻ cho người khác những gì chúng ta có. Trẻ em học điều này từ gia đình. Đức tin phát triển trong bác ái và bác ái làm đức tin lớn lên. Người này sống không thể không có người kia và họ bổ sung cho nhau. Và điều này giúp chúng ta nhìn thấy rằng cuộc sống có đức tin rất tốt đẹp, với những khó khăn của nó, chắc chắn rồi, với những vấn đề của nó, nhưng vô cùng tốt đẹp.
Câu hỏi của một giáo lý viên
Đức Tổng Giám mục của chúng con có lúc động viên chúng con xây dựng “những cộng đoàn giáo dục,” trong đó tình huynh đệ chia sẻ giữa các giáo lý viên, những người huấn luyện, các cha mẹ và nhà giáo hỗ trợ cho công việc giáo dục chung. Đức Thánh Cha có thể cho chúng con lời khuyên giúp chúng con mở lòng biết lắng nghe và đối thoại với tất cả những nhà giáo dục là những người có trách nhiệm nào đó với lớp thiếu nhi của chúng con?
  1. Giáo dục đặt nền tảng trên nguyên tắc suy nghĩ-hành động-cảm nhận (trí óc-bàn tay-con tim) — kiến thức là đa dạng, nó không bao giờ là đồng dạng. Rất nhiều lần các giáo sư tin rằng môn học của họ là quan trọng nhất — và điều này cũng chẳng sao. Chúng ta một phần nào đó ganh tị với những thứ của chúng ta, và chúng ta lại không nhận ra rằng tất cả chúng ta đang “lôi kéo” cùng một đứa trẻ hay một người trẻ. Vì vậy, điều quan trọng phải đi đến một thỏa thuận cho thấy rằng tất cả những kỷ luật đều quan trọng và chúng càng được phát triển, thì giáo dục càng phong phú hơn.
  2. Quay lại với ý trước, cha nhớ có lần trong một trường học, có một học sinh là một hiện tượng nổi bật trong môn bóng đá nhưng lại là một thảm họa trong kỷ luật của lớp. Một quy định được đưa ra cho cậu bé là nếu cậu bé không cư xử tốt cậu sẽ phải bỏ bóng đá. Thế rồi cậu bé vẫn cứ cư xử không tốt nên cậu phải nghỉ chơi trong suốt hai tháng, và điều này làm mọi việc trở nên xấu hơn. Một ngày kia người huấn luyện nói chuyện với Cô Hiệu trưởng và xin cô cho cậu bé chơi bóng trở lại. Huấn luyện viên cho cậu làm đội trưởng. Thế là cậu bé cảm thấy cần phải cân nhắc, cậu cảm thấy cậu có thể cho đi những điều tốt nhất và cậu bắt đầu không những cư xử tốt hơn nhưng còn cải thiện trong mọi việc. Điều này rất quan trọng đối với cha. Trong số những học sinh của chúng ta có những em đến với thể thao và không quan tâm lắm đến những môn khoa học và những em khác đến với triết học nhiều hơn với thể thao. Một giáo viên giỏi, một nhà giáo dục hay huấn luyện viên giỏi biết cách kích thích những phẩm chất tốt của học sinh và không bỏ lơ những điểm khác, luôn luôn tìm kiếm sự liên kết. Không ai có thể giỏi trong tất cả mọi việc, và chúng ta phải nói điều này với học sinh của chúng ta: chúng ta là sự bổ trợ cho nhau – chúng ta không thể quên nguyên tắc này.
  3. Một khía cạnh khác cha nghĩ quan trọng là giáo dục theo dự án. Có thể dạy các em làm việc theo hướng đa chiều chứ không theo hướng thẳng – để các em có thể nghiên cứu cùng một hiện tượng từ những góc nhìn khác nhau và đưa ra những đề nghị. Đúng, đưa ra những đề nghị cải tiến, để các em cảm thấy là những người tham gia vào sự giáo dục của các em.
  4. Có nhiều lúc cha nhìn thấy những chương trình giáo dục muốn biến học sinh thành những siêu nhân. Ngay từ tuổi thơ người ta đã bắt các bé đi vào những chương trình học và áp lực căng thẳng. Kích thích các bé là tốt, nhưng phải cẩn thận: trẻ em cũng cần phải chơi, phải đùa vui, phải ngủ. Đây là một phần trong sự phát triển của các bé. Có những chương trình học cho trẻ em có vẻ giống như cho các doanh nhân hơn. Tạm dừng, nghỉ ngơi, chơi đùa và thậm chí là thất bại là phần rất quan trọng cho sự phát triển.
  5. Lấy lại những sự diệu kỳ để cân bằng thuyết định mệnh. Công nghệ cung cấp cho chúng ta nhiều thứ và cho phép giới trẻ biết nhiều điều ngay tại chỗ. Họ truy cập đến thông tin mà chúng ta chắc chẳng bao giờ tưởng tượng được. Thường khi cha nói chuyện với các em cha luôn sửng sốt trước những điều các em biết, hay các em tìm kiếm sau đó chẳng gặp khó khăn gì, các em nói: “Để con tìm nó ngay bây giờ …” Điều này cho các em nhiều công cụ và khả năng. Tuy nhiên, có một điều công nghệ không thể cho được: lòng trắc ẩn. Điều này chỉ có thể được học giữa con người với nhau.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) Hỏi & Đáp được chuẩn bị của Virginia M. Forrester]

Cuối buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha đến sân bay Milan-Linate, tại đó lúc 6.30 tối ngài chia tay những nhân vật quan trọng đã đón ngài buổi sáng, để trở về Roma. Ngài sẽ hạ cánh tại sân bay Rome-Fiumicino lúc 7:30 tối. Sau đó Đức Thánh Cha sẽ trở về Vatican.
[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 26/03/2017]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét