Thứ Tư, 27 tháng 6, 2018

Toàn văn họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha từ Geneva trở về

Toàn văn họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha từ Geneva trở về
Copyright-Vatican Media

Toàn văn họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha từ Geneva trở về

‘Đó là một ngày khá dày đặc công việc, ít nhất đối với tôi. Nhưng tôi rất vui.’

22 tháng Sáu, 2018 16:11
Dưới đây là bản dịch của Vatican cung cấp về cuộc họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha Phanxico từ Geneva về Roma, vào cuối chuyến hành hương đại kết của ngài để đánh dấu kỷ niệm năm thứ 70 của Hội đồng Đại kết các Giáo hội.

Ký giả của ZENIT tại Vatican và Roma, Deborah Castellano Lubov, là một trong những phóng viên tháp tùng với Đức Thánh Cha.

Văn bản họp báo:

Greg Burke:

Cảm ơn Đức Thánh Cha. “Cùng tiến bước, cùng cầu nguyện, cùng hoạt động chung” [chủ đề của chuyến đi]. Chúng ta đã đi, chúng ta đã cầu nguyện, nhiều lần, và bây giờ chúng ta phải làm việc một chút – và thậm chí sau đó phải ăn một chút gì. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng cùng nhau tiến bước mang đến những hoa trái: hôm nay đó là sự chấp nhận nhau. Chúng ta thấy sau quá nhiều năm đối thoại, đã có sự tôn trọng lẫn nhau, và còn hơn thế nữa: có tình bạn. Nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm và nhiều thách đố, và đây thường là điều làm hấp dẫn chúng ta: những thách đố.

Có lẽ Đức Thánh Cha có đôi lời mở đầu … 

ĐTC Phanxico:

Cảm ơn vì công việc của anh chị em! Nó là một ngày khá dày đặc công việc, ít nhất là đối với tôi. Nhưng tôi rất hạnh phúc. Tôi hạnh phúc vì nhiều việc chúng ta đã làm, vừa là việc cầu nguyện lúc khởi đầu, sau đó là đối thoại trong suốt bữa trưa, đó là một bữa ăn tuyệt đẹp, và sau nữa là Thánh lễ; đây là những điều làm cho tôi rất hạnh phúc. Mệt, nhưng đó là những điều rất tốt đẹp. Cảm ơn anh chị em rất nhiều. Và bây giờ, tôi xin trả lời câu hỏi của anh chị em.

Greg Burke:

Vâng. Chúng ta bắt đầu với nhóm Thụy sĩ: Arnaud Bédat, từ tập san “L’Illustre”:

Arnaud Bédat:

Thưa Đức Thánh Cha, người đã đến Geneva, nhưng cũng là đến Thụy sĩ. Những hình ảnh nào, những giây phút đầy xúc động nào, chạm đến người trong ngày này?

ĐTC Phanxico:

Cảm ơn anh. Tôi tin rằng – tôi phải nói lên điều này – có một từ ngữ chung: sự gặp gỡ. Đó là một ngày của những cuộc gặp gỡ, rất đa dạng. Từ ngữ mô tả đúng nhất cho ngày này là sự gặp gỡ, và khi người này gặp người kia mà có được cảm giác vui vẻ của sự gặp gỡ, thì điều đó luôn chạm đến tâm hồn. Những cuộc gặp gỡ đó rất tích cực, thậm chí là rất đẹp. Những cuộc gặp gỡ đó, bắt đầu là cuộc đối thoại với Tổng thống [của Liên bang Thụy sĩ], ngay từ đầu nó không chỉ là một cuộc đối thoại mang tính ngoại giao, bình thường nhưng là cuộc đối thoại rất sâu sắc về những vấn đề lớn của thế giới với một tầm hiểu biết làm tôi rất ấn tượng. Bắt đầu từ sự gặp gỡ này. Rồi sau đó là những cuộc họp mà tất cả anh chị em đều thấy … Và những gì anh chị em không chứng kiến đó là buổi gặp gỡ tại bữa ăn trưa, nó vô cùng sâu sắc vì đụng chạm đến nhiều chủ đề. Có lẽ chủ điểm mà chúng tôi dành nhiều thời gian nhất là về giới trẻ, cũng bởi vì tất cả mọi Niềm tin đều rất quan tâm đến giới trẻ, theo ý nghĩa tích cực. Và cuộc họp tiền-Thượng Hội đồng diễn ra ở Roma, từ ngày 19 tháng Ba, đã thu hút được sự chú ý vì có các bạn trẻ thuộc mọi Niềm tin khác nhau, thậm chí cả những người theo thuyết bất khả tri, và họ đến từ mọi quốc gia. Hãy nghĩ về điều đó: 315 bạn trẻ đại diện và 15 ngàn bạn kết nối trên mạng là những người “đến và đi.” Điều này có lẽ đã khơi gợi một sự quan tâm đặc biệt. Nhưng có lẽ đối với tôi từ ngữ tóm tắt rõ nhất cho toàn bộ chuyến đi đó là một hành trình của sự gặp gỡ. Kinh nghiệm của sự gặp gỡ. Không đơn thuần là xã giao, không có điều gì quá nghi thức, nhưng chỉ là sự gặp gỡ của con người. Và điều này mang ý nghĩa rất lớn giữa người Tin lành và người Công giáo … Cảm ơn anh.

Greg Burke:

Cảm ơn Đức Thánh Cha. Bây giờ là đến nhóm phóng viên Đức. Có anh Roland Juchem, từ cơ quan thông tấn Công giáo Đức CIC.

Roland Juchem:

Xin cảm ơn Đức Thánh Cha. Người thường nói về những bước đi cụ thể cần phải có trong tinh thần đại kết. Chẳng hạn hôm nay, người lại đề cập đến nó khi nói rằng “Chúng ta hãy xem chúng ta có thể làm được điều gì một cách cụ thể, hơn là thoái chí vì những gì chúng ta không thể làm.” Do đó, các Giám mục Đức gần đây đã quyết định thử đi một bước [về điều được gọi là “inter-communion” (rước lễ trong tình trạng có tội)], và chúng con muốn biết vì sao Đức Tổng Giám mục Ladaria [tổng trưởng Bộ Giáo lý và Đức tin] viết một lá thư về một mặt nào đó gần giống như một cú thắng gấp. Sau buổi họp ngày 3 tháng Năm vừa qua, điều được khẳng định là các đức Giám mục Đức đã tìm ra được một giải pháp, có thể là nhất trí. Vậy những bước tiếp theo sẽ là gì? Liệu sự can thiệp về phía Vatican có là cần thiết để làm sáng tỏ, hay các giám mục Đức phải tìm được một sự đồng thuận?

ĐTC Phanxico:

Câu hỏi rất hay. Đây không phải là vấn đề mới, vì Bộ Giáo Luật nói rất rõ về những điều các giám mục Đức thảo luận: Rước Lễ trong những trường hợp đặc biệt. Và các ngài nhìn đến vấn đề của những vụ tái hôn: liệu điều đó có thể hay không có thể. Tuy nhiên, Giáo Luật nói rằng vị giám mục đặc biệt của Giáo hội – từ này rất quan trọng: đặc biệt, nếu đó là trong một giáo phận – phải xử lý vấn đề: nó nằm trong tay của giám mục. Điều này có trong Giáo Luật. Các giám mục Đức, vì các ngài nhìn thấy vấn đề không rõ ràng, và cũng có một số linh mục làm những việc không có sự đồng ý của giám mục, nên các ngài muốn nghiên cứu vấn đề này và các ngài thực hiện việc nghiên cứu – tôi không muốn thổi phồng lên – nhưng đó là cuộc nghiên cứu kéo dài hơn một năm, tôi không biết chính xác, nhưng hơn một năm, công việc được thực hiện rất tốt, rất tốt. Và cuộc nghiên cứu rất giới hạn: điều các giám mục muốn là phải giải thích rõ ràng những gì có trong Giáo Luật. Và cả tôi cũng đọc lại. Tôi phải nói rằng: đây là một tài liệu hạn chế. Nó không “mở rộng cho mọi người.” Không, nó đã được cân nhắc thật kỹ, với một tinh thần của hội thánh. Và các ngài muốn làm điều đó cho Giáo hội địa phương: không phải là một Giáo hội riêng nào đó. Các ngài không muốn làm điều đó. Vấn đề bị trượt ra ngoài từ chỗ đó, tức là, người ta nói nó là dành cho Hội đồng Giám mục Đức. Và đó là một vấn đề vì Giáo Luật không cung cấp điều này. Nó đã nhìn thấy trước được năng lực của giám mục giáo phận, nhưng không phải là của Hội đồng Giám mục. Tại sao? Vì nếu có điều gì đó được thông qua trong một Hội đồng Giám mục nó liền trở thành cái chung. Và đây là cái khó của cuộc thảo luận: không phải là toàn bộ nội dung, nhưng là vấn đề này. Các ngài gửi tài liệu; rồi sau đó có hai hay ba cuộc họp để đối thoại và làm sáng tỏ; và Đức Tổng Giám mục Ladaria đã gửi bức thư đó, nhưng được phép của tôi, ngài không tự ý làm việc đó. Tôi nói với ngài: “Vâng, tốt hơn là phải đi trước một bước và nói rằng tài liệu đó chưa kỹ càng – đây là điều trong nội dung lá thư – và chúng ta phải nghiên cứu vấn đề nhiều hơn.” Rồi có thêm một buổi họp khác, và cuối cùng các ngài nghiêm túc nghiên cứu vấn đề. Tôi tin rằng đây sẽ là một tài liệu hướng dẫn để mỗi giám mục giáo phận có thể giải quyết được những gì giáo luật cho phép. Không có cú thắng gấp nào ở đây cả, không. Đó chỉ là vấn đề giải quyết sự việc để đi theo đúng hướng. Khi tôi đến thăm Nhà thờ Lutheran ở Roma, một câu hỏi thuộc loại này được đặt ra và tôi trả lời dựa trên tinh thần của Bộ Giáo Luật, tinh thần mà các giám mục bây giờ đang tìm kiếm. Có thể là không tìm được thông tin đúng vào đúng thời điểm, có hơi lúng túng một chút, nhưng đó là vấn đề. Trong Giáo hội đặc biệt nào đó, Giáo Luật cho phép; trong Giáo hội địa phương thì không vì nó sẽ trở thành cái chung. Đó là vấn đề.

Roland Juchem:

Giáo hội địa phương là Hội đồng Giám mục?

ĐTC Phanxico:

… Nó là Hội đồng Giám mục. Nhưng Hội đồng Giám mục có thể nghiên cứu và đưa ra những hướng dẫn để giúp các giám mục xử lý những trường hợp đặc biệt. Cảm ơn anh.

Greg Burke:

Bây giờ chuyển qua nhóm Tây Ban nha, có chị Eva Fernández của đài Cope, đài phát thanh Tây Ban nha.

Eva Fernández:

Cảm ơn Đức Thánh Cha. Chúng ta thấy rằng ngay cả ngài tổng thư ký của Hội đồng Đại kết cũng đã nói về sự cứu trợ cho người tị nạn. Gần đây chúng ta thấy xảy ra vụ rắc rối của con tàu “Aquarius” và những vụ việc khác, chẳng hạn như việc chia tách các gia đình ở Hoa kỳ. Cha có nghĩ rằng một số chính phủ đang bóc lột tấn thảm kịch của người tị nạn không? Cảm ơn Đức Thánh Cha.

ĐTC Phanxico:

Tôi đã nói rất nhiều về người tị nạn và những tiêu chuẩn nằm trong những điều tôi nói: “tiếp nhận, bảo vệ, thăng tiến, hội nhập.” Đây là những tiêu chuẩn dành cho tất cả mọi người tị nạn. Rồi tôi nói rằng mỗi quốc gia phải thực hiện việc này theo sự khôn ngoan trong việc lãnh đạo, đó là tính thận trọng vì một quốc gia phải đón số người tị nạn theo khả năng, và hội nhập họ càng nhiều càng tốt: hội nhập, nghĩa là giáo dục, cho việc làm … Tôi phải nói rằng đây là một chương trình thầm lặng và hòa bình cho người tị nạn. Ở đây chúng ta đang tiếp nhận một làn sóng người tị nạn chạy trốn khỏi chiến tranh và nạn đói. Chiến tranh và đói kém trong nhiều quốc gia ở Châu Phi. Các cuộc chiến và bách hại ở Trung đông. Nước Ý và Hy lạp đã rất quảng đại trong việc đón nhận họ. Đối với vùng Trung đông – nhắc đến Syria – Thổ Nhĩ kỳ đã đón rất nhiều người; Li-băng tiếp nhận nhiều: Li-băng có số người Syria nhiều bằng với số người Li-băng; và Gio-đan, và nhiều quốc gia khác. Cả Tây Ban nha cũng đón nhận họ. Có vấn đề về buôn người trong số người nhập cư. Cũng có những trường hợp họ phải quay trở về vì họ phải trở về: có trường hợp như vậy … Tôi không hiểu rõ về những điều khoản hiệp ước, nhưng nếu họ nằm trong khu hải phận của Libya thì họ phải trở về … Và ở đó tôi nhìn thấy những hình chụp các tù nhân của những kẻ buôn người. Những kẻ buôn người ngay lập tức tách phụ nữ ra khỏi đàn ông: phụ nữ và trẻ em bị đi đâu thì có Chúa mới biết … Đây là điều những kẻ buôn người làm. Tôi biết cũng có trường hợp là những kẻ buôn người tiếp cận một con tàu đã đón nhận những người tị nạn và nói: “Hãy đưa những phụ nữ và trẻ em cho chúng tôi và đưa đàn ông đi.” Đây là những tay buôn người. Và các tù nhân của những kẻ buôn người, với những người đã trở về, là vô cùng kinh khủng, họ rất kinh hoàng. Những điều này được nhìn thấy trong trại giam của Đại chiến Thế giới thứ II. Thậm chí là những hình thức tra tấn, đánh què quặt tàn phế … Rồi bọn chúng quăng họ vào trong những ngôi mộ tập thể, những người đàn ông. Đây là lý do tại sao các chính phủ lo lắng rằng họ sẽ trở lại và rơi vào tay của những con người này. Có sự lo lắng trên khắp thế giới. Tôi biết là các chính phủ đang bàn về vấn đề này và họ muốn tìm ra một thỏa thuận chung, thậm chí là sửa đổi Hiệp ước Dublin. Ở Tây Ban nha, anh gặp trường hợp của con tàu đến từ Valencia. Nhưng tất cả hiện tượng này là một sự hỗn loạn. Vấn đề chiến tranh rất khó giải quyết; cả vấn đề bách hại người Ki-tô hữu cũng vậy, cả ở Trung đông và Nigeria. Nhưng vấn đề đói kém có thể giải quyết được. Và nhiều Chính phủ Châu Âu đang suy tính đến một chương trình đầu tư khẩn cấp vào các quốc gia đó, đầu tư một cách khôn ngoan, để cung cấp việc làm và giáo dục, hai vấn đề này, trong những quốc gia quê hương của họ. Vì – không có ý xúc phạm, nhưng đây là sự thật – trong tiềm thức chung có một câu khẩu hiệu rất xấu: “Phải bóc lột Châu Phi” – Africa es para ser explotada. Câu này nằm trong tiềm thức: “Ê, bọn họ là người Châu Phi! …”. Vùng đất của người nô lệ. Và phải thay đổi vấn đề này bằng kế hoạch đầu tư, giáo dục, phát triển như vậy vì người Châu Phi có quá nhiều sự phong phú về văn hóa. Và họ có trí thông minh tuyệt vời: trẻ em rất thông minh và có thể tiến xa hơn nếu được giáo dục tốt. Đây sẽ là con đường vừa phải. Nhưng hiện tại các chính phủ phải đồng thuận với nhau xúc tiến chương trình khẩn cấp này. Chương trình này, ngay ở đây trong Châu Âu.

Chúng ta sang Châu Mỹ. Ở Châu Mỹ, có một vấn đề lớn về di cư ở Châu Mỹ Latinh, và có cả vấn đề di cư trong nước. Ở quê nhà của tôi là vấn đề di cư từ miền bắc xuống miền nam; người dân rời bỏ miền quê vì không có việc làm và họ đến những thành phố lớn, và rồi có những thành phố đông chật chội, những khu ổ chuột, và nhiều vấn đề như thế … Nhưng cũng có vấn đề di cư sang những nước khác để tìm việc làm. Nói cụ thể ra là sang Hoa kỳ. Tôi đồng ý với những gì các giám mục của quốc gia đó nói. Tôi ủng hộ họ. Cảm ơn chị.

Greg Burke:

Cảm ơn Đức Thánh Cha. Bây giờ là nhóm tiếng Anh: Deborah Castellano Lubov, từ cơ quan truyền thông Zenit.


Deborah Castellano Lubov:

Cảm ơn Đức Thánh Cha. Thưa Đức Thánh Cha, trong bài diễn từ hôm nay của người tại buổi gặp gỡ đại kết, người nói đến sức mạnh to lớn của Tin mừng. Chúng ta biết rằng một số Giáo hội thuộc Hội đồng Đại kết các Giáo hội được gọi là “Những Giáo hội Hòa bình,” họ tin rằng một người Ki-tô hữu không được sử dụng bạo lực. Chúng ta cùng nhớ lại hai năm trước ở Vatican, có một hội nghị để xem xét lại giáo lý về “cuộc chiến công bằng.” Vậy thì, thưa Đức Thánh Cha, câu hỏi của con là, người nghĩ có phù hợp không khi Giáo hội Công giáo tham gia nhóm được gọi là “những Giáo hội hòa bình” và lại gạt sang một bên lý thuyết của “cuộc chiến tranh công bình” không? Cảm ơn Đức Thánh Cha.

ĐTC Phanxico:

Một sự phân định rõ ràng: tại sao chị lại nói rằng họ là “những Giáo hội hòa bình”?

Deborah Castellano Lubov:

Toàn văn họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha từ Geneva trở về

Họ được xem là “những Giáo hội hòa bình” vì họ có khái niệm này, tức là nếu một người sử dụng bạo lực thì không còn được xem là người Ki-tô hữu nữa.

ĐTC Phanxico:

Cảm ơn chị, tôi hiểu rồi. Chị đã chạm ngón tay vào vết thương … Hôm nay trong bữa ăn trưa, một Mục sư nói rằng có lẽ quyền đầu tiên của con người phải là quyền hy vọng, và tôi thích điều này, và nó có liên quan một chút đến chủ điểm này. Chúng ta đã nói về cuộc khủng hoảng nhân quyền ngày nay. Tôi nghĩ tôi phải bắt đầu bằng vấn đề này để đi đến câu hỏi của chị. Cuộc khủng hoảng nhân quyền hiện lên rất rõ. Chúng ta nói một chút về nhân quyền, những nhiều nhóm quốc gia vẫn giữ một khoảng cách. Đúng, chúng ta có nhân quyền nhưng … không có đủ sức mạnh, không có sự nhiệt huyết, không đủ sức thuyết phục. Tôi không dám nói 70 năm trước, nhưng chỉ 20 năm trước thôi. Và điều này rất nghiêm túc vì chúng ta phải nhìn thấy những căn nguyên. Đâu là căn nguyên dẫn đưa chúng ta đến với chuyện này? Đó là ngày hôm nay nhân quyền chỉ là tương đối. Quyền được có nền hòa bình cũng chỉ tương đối. Đó chính là sự khủng hoảng nhân quyền. Vấn đề này tôi nghĩ là chúng ta phải suy nghĩ thấu đáo về nó.

Rồi, nhóm được gọi là “những Giáo hội hòa bình.” Tôi tin rằng tất cả các Giáo hội mang tinh thần hòa bình đều phải đến với nhau và cùng nhau hoạt động, như chúng tôi đã đề cập đến trong các bài diễn văn hôm nay, cả tôi và những người khác đều nói đến, và trong bữa ăn trưa, nó được đem ra thảo luận … Có người nói: thế chiến thứ ba này, nếu nói xảy ra, chúng ta biết là loại vũ khí nào sẽ được sử dụng, nhưng nếu có thế chiến thứ tư thì chắc chắn sẽ là gậy gộc vì nhân loại đã bị tiêu diệt. Cam kết hòa bình là một vấn đề vô cùng hệ trọng, khi bạn nghĩ đến khoản tiền tiêu vào việc vũ trang! Vì lý do này, họ là “những Giáo hội hòa bình”: nhưng đó là mệnh lệnh của Chúa! Hòa bình, tình huynh đệ, nhân loại hiệp nhất … Và với tất cả mọi xung khắc chúng ta không được giải quyết theo kiểu Cain, nhưng giải quyết chúng qua những thương thuyết, đối thoại, và hòa giải. Chẳng hạn, chúng ta đang trong sự khủng hoảng về hòa giải! Sự hòa giải, là một công cụ pháp lý vô cùng quý giá, nhưng ngày nay đang trong cơn khủng hoảng. Khủng hoảng về niềm hy vọng, khủng hoảng về nhân quyền, khủng hoảng về hòa giải, khủng hoảng về hòa bình. Nhưng rồi nếu chị nói rằng có “những Giáo hội hòa bình,” thì tôi liền tự hỏi: vậy có “những Giáo hội chiến tranh không?” Thật khó để hiểu được điều này, nó rất khó, nhưng chắc chắn có một số nhóm, và tôi phải nói rằng trong hầu hết mọi tôn giáo, đều có những nhóm nhỏ, tôi nói đơn giản hóa lại một chút, họ là những nhóm “theo trào lưu chính thống” tìm đến chiến tranh. Công giáo chúng ta cũng có một ít, họ luôn tìm cách phá hoại. Và điều rất quan trọng là phải luôn ghi nhớ điều này. Tôi không biết đã trả lời được câu hỏi của chị chưa … 

Người ta bảo tôi là mọi người đang muốn dùng bữa tối, bây giờ đúng là lúc phải có cái bụng no trước khi hạ cánh… 

Tôi muốn nói một từ ngữ rất rõ ràng: rằng hôm nay là một ngày đại kết, đại kết thật sự. Và trong suốt bữa ăn trưa chúng tôi nói về những điều rất tốt đẹp, mà tôi muốn để lại cho anh chị em để suy nghĩ và phản ánh, và cũng là cân nhắc thật kỹ: trong phong trào đại kết chúng ta phải loại bỏ một từ ra khỏi từ điển: chiêu dụ tín đồ. Như vậy đã rõ chưa? Không thể có đại kết theo kiểu chiêu dụ tín đồ, chúng ta cần phải chọn lựa: hoặc bạn theo tinh thần đại kết, hoặc bạn là một “người chiêu dụ tín đồ.”

Cảm ơn anh chị em, tôi còn muốn tiếp tục nói nữa, nhưng … 

Bây giờ, chúng ta mời vị Đại diện [của Quốc vụ khanh] tiến lên phía trước, vì đây là chuyến đi cuối cùng ngài đi cùng chúng ta, vì sắp tới ngài sẽ “thay màu áo” [lên hàng hồng y]: Chúng ta cùng chúc mừng ngài khỏe mạnh, và có một chiếc bánh bông lan Sardinian để ăn mừng.

Đức ông Giovanni Angelo Becciu:

Cảm ơn Đức Thánh Cha! Sự ngạc nhiên gấp đôi khi người gọi con lên đây và cảm ơn con trước mặt tất cả mọi người. Và lại có cả bánh kem Sardinian … tuyệt vời! Chúng ta sẽ cùng thưởng thức. Nhân dịp này, con chân thành cảm ơn Đức Thánh Cha vì mọi điều, vì mọi điều, vì người đã cho con kinh nghiệm tuyệt vời là thường được đi cùng người. Lúc đầu thì người làm con sợ khi người nói: “Không, tôi chỉ đi vài chuyến thôi,” người còn nhớ không? Và rồi, sau chuyến này người lại đi chuyến khác, rồi chuyến khác, và rồi chúng con mới nói: “Tạ ơn Chúa, ngài nói là chỉ đi ít chuyến thôi đấy!” Và rất nhiều chuyến. Một trải nghiệm tuyệt vời: khi được chứng kiến Đức Thánh Cha can đảm rao truyền Lời Chúa. Sự phục vụ của con chỉ như vậy thôi: là giúp người trong việc này. Xin cảm ơn tất cả quý vị và tất cả những người đã giúp đỡ chúng tôi. Xin cảm ơn.

ĐTC Phanxico:

Chúc anh chị em ngon miệng, và cảm ơn rất nhiều. Và xin cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/6/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét