Thánh Lễ trong nhà nguyện Thánh Marta (Vatican Media)
Đức Thánh Cha giảng Lễ: chúng ta phải tự cáo buộc mình, đừng cáo buộc người khác
Ơn cứu độ đến từ Chúa Giê-su không phải là lớp trang điểm bề ngoài, nhưng là biến đổi chúng ta. Để đón nhận ơn cứu độ đó, chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta là những tội nhân – và cáo buộc mình, đừng cáo buộc người khác. Đó là thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxico trong Thánh Lễ sáng thứ Năm tại nhà nguyện Thánh Marta.
Debora Donnini
Chúng ta cần phải thừa nhận rằng chúng ta là những tội nhân: nếu không học cách cáo buộc bản thân, chúng ta không thể bước đi trên hành trình đời sống người Ki-tô hữu. Đó là trọng tâm thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxico trong bài giảng Thánh Lễ thường ngày tại nhà nguyện Thánh Marta. Thánh Lễ sáng dâng trong nhà nguyện tại khu nhà ở của giáo hoàng bắt đầu trở lại từ thứ Hai sau kỳ nghỉ hè.
Phân tích của Đức Thánh Cha Phanxico hôm thứ Năm tập trung trọng tâm vào bài đọc Tin mừng trong ngày, trích Phúc Âm Thánh Luca (Lc 5:1-11), mô tả việc Chúa rao giảng từ trên thuyền của ông Phê-rô, sau đó Người bảo Phê-rô thả lưới ở chỗ nước sâu. Sau khi các ông làm theo, Tin mừng mô tả rằng, “họ đã bắt được rất nhiều cá.”
Đó là một chương nhắc chúng ta nhớ đến một phép lạ thả lưới khác xảy ra sau biến cố Chúa Phục sinh, khi Chúa Giê-su hỏi các môn đệ rằng họ có gì để ăn không. Đức Thánh Cha nói rằng trong cả hai trường hợp “đều có sự xức dầu của Phê-rô”: đầu tiên là một ngư phủ chài lưới người, sau đó là một Mục tử. Sau đó Chúa Giê-su đổi tên của ông từ Simon thành Phê-rô; và là một “người Israel tốt lành,” Phê-rô biết rằng việc thay đổi tên báo hiệu cho một sự thay đổi sứ mạng. Phê-rô “cảm thấy tự hào vì ông thật sự yêu mến Chúa Giê-su,” và mẻ lưới lạ lùng này tượng trưng cho một bước tiến trong cuộc đời của ông.
Bước thứ nhất: thừa nhận mình là một tội nhân
Khi nhìn thấy tấm lưới có nguy cơ bị rách vì có quá nhiều cá, ông Phê-rô liền sấp mình xuống dưới chân Chúa Giê-su và nói, “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi.”
“Đây là bước quyết định đầu tiên trên hành trình làm môn đệ, là môn đệ của Chúa Giê-su, ông tự cáo buộc mình: ‘con là kẻ tội lỗi.’ Đây là bước đầu tiên của Phê-rô; và cũng là bước đầu tiên của mỗi người chúng ta, nếu anh chị em muốn tiến bước trong đời sống tinh thần, trong đời sống của Chúa Giê-su, phục vụ Chúa Giê-su, theo chân Chúa Giê-su là phải như vậy, tự cáo buộc mình: nếu không tự cáo buộc bản thân anh chị em không thể bước đi trong hành trình đời sống người Ki-tô hữu.”
Ơn cứu độ của Chúa Giê-su không phải là lớp trang điểm bên ngoài, nhưng là sự biến đổi bên trong
Tuy nhiên, có một nguy cơ. Tất cả chúng ta “đều biết rằng chúng ta là những tội nhân” theo một cách chung chung, nhưng “không hề dễ dàng” khi cáo buộc bản thân là tội nhân một cách cụ thể. Đức Thánh Cha nói, “Chúng ta quá quen với cách nói ‘con là một kẻ có tội’,” nhưng nó cũng giống như chúng ta nói rằng “Tôi là một con người,” hoặc “Tôi là một công dân Ý.” Nhưng thực tâm cáo buộc bản thân có nghĩa là thật sự cảm nhận được sự đau khổ của chúng ta: “cảm thấy đau khổ,” đau khổ trước mặt Chúa. Nó liên quan đến việc cảm thấy xấu hổ. Và sự cảm nhận này không phát lên thành lời, nhưng từ tận đáy lòng. Nghĩa là, phải có một cảm nhận rõ ràng, giống như Phê-rô khi ông thưa với Chúa Giê-su, “Xin tránh xa con, vì con là một kẻ tội lỗi.” Ông thật sự cảm thấy mình là một tội nhân, và sau đó ông cảm nhận được ơn cứu rỗi.
Ơn cứu độ mà “Chúa Giê-su mang đến cho chúng ta” đòi hỏi sự cáo mình một cách thành khẩn vì “ơn cứu độ đó không phải là một lớp trang điểm,” chỉ thay đổi vẻ bề ngoài của chúng ta bằng hai cây bút vẽ. Nhưng, nó biến đổi – vì chúng ta bước sâu vào trong ơn cứu độ đó, chúng ta phải dành chỗ cho nó bằng sự cáo mình chân thành về những tội lỗi của chính chúng ta; và từ đó chúng ta trải nghiệm được sự kỳ diệu mà Thánh Phê-rô đã có được.
Không nói về người khác
Bước đầu tiên của sự hối cải là hãy tự cáo buộc bản thân và cảm thấy xấu hổ, cũng như cảm nhận sự kỳ diệu rằng chúng ta được cứu rỗi. Đức Thánh Cha Phanxico nói, “chúng ta phải hoán cải,” “chúng ta phải sám hối,” ngài mời gọi cộng đoàn suy tư về sự cám dỗ muốn cáo buộc người khác:
“Có những người sống trên đời chỉ nói về người khác, cáo buộc người khác và không bao giờ nghĩ đến những tội lỗi của mình. Vậy khi tôi đi xưng tội, thì tôi xưng như thế nào đây? Như một con vẹt chăng? ‘Bla, bla, bla … con đã làm điều này, điều này …’ Nhưng tâm hồn của anh chị em có cảm xúc gì về những điều mình đã làm không? Rất nhiều lần là không. Anh chị em đến đó để tô lên một lớp trang điểm, trang điểm một chút để trông được đẹp hơn. Nhưng nó không hề chạm vào đáy lòng anh chị em, vì anh chị em không để khoảng trống cho nó, vì anh chị em không có khả năng tự cáo buộc mình.”
Ơn chân thành nhận biết mình là một tội nhân
Và như vậy bước đầu vẫn là ơn sủng: ơn biết tự cáo buộc bản thân, chứ không cáo buộc người khác:
“Một dấu hiệu cho thấy một người không biết, một người Ki-tô hữu không biết cách tự cáo buộc bản thân là người đó rất quen với việc cáo buộc người khác, nói về người khác, rất sính chuyện về cuộc sống của người khác. Và đó là một dấu hiệu xấu. Tôi có làm như vậy không? Đó là một câu hỏi tuyệt vời để đi vào trọng tâm của các vấn đề. Hôm nay chúng ta hãy xin Chúa ban ơn, ơn được đối diện với Người cùng với sự kỳ diệu mà sự hiện diện của Người ban tặng; và ơn biết cảm nhận thật lòng rằng chúng ta là những tội nhân, nhưng phải thành tâm, và cùng với Thánh Phê-rô thưa lên Chúa: ‘Xin hãy tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi’.”
[Nguồn: vaticannews]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/9/2018]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét