Thứ Hai, 3 tháng 9, 2018

Toàn văn Huấn từ Kinh Truyền Tin: Tính xác thực của sự vâng nghe Lời Chúa

Toàn văn Huấn từ Kinh Truyền Tin: Tính xác thực của sự vâng nghe Lời Chúa
Vatican Media Screenshot

Toàn văn Huấn từ Kinh Truyền Tin: Tính xác thực của sự vâng nghe Lời Chúa

‘Chính Lời Người thanh tẩy tâm hồn và hành động, và mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa và tha nhân thoát khỏi tính đạo đức giả’

02 tháng Chín, 2018 14:34

Dưới đây là bản dịch của ZENIT huấn từ Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha Phanxico ngày 2 tháng Chín, 2018, trước và sau khi đọc Kinh Truyền tin giữa trưa với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.

* * *

Trước Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúa nhật này chúng ta lại tiếp tục đọc Tin mừng của Thánh Mác-cô. Trong trích đoạn hôm nay (x. Mc 7:1-8.14-15.21-23), Chúa Giê-su giải quyết một vấn đề quan trọng cho tất cả chúng ta là những tín hữu tin theo Ngài: tính xác thực của sự vâng nghe Lời Chúa, ngược lại với những vết nhơ của trần gian hoặc tính câu nệ hình thức. Bắt đầu trình thuật là sự phản đối của các Kinh sư và người Pharisêu nói thẳng với Chúa Giê-su, tố cáo các môn đệ của Ngài không giữ các quy tắc mang tính nghi thức của tiền nhân. Nhưng thực tế những người phản đối ngụ ý tấn công vào sự tín nhiệm và thẩm quyền của Chúa Giê-su là Thầy vì họ nói: “Nhưng Thầy cho phép các môn đệ không tuân giữ những quy định của tiền nhân.” Tuy nhiên, Chúa Giê-su trả lời một cách mạnh mẽ rằng: “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: ‘Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.’”(cc. 6-7). Chúa Giê-su đã nói như vậy, bằng những lời thật rõ ràng và mạnh mẽ! Có thể nói rằng đạo đức giả là một trong những tính từ mạnh nhất mà Chúa Giê-su sử dụng trong Tin mừng và Ngài sử dụng nó để chỉ về những người có địa vị trong tôn giáo: các Luật sĩ, các Kinh sư … “Đạo đức giả,” Chúa Giê-su nói như vậy.

Thật vậy, Chúa Giê-su muốn đánh động những Kinh sư và người Pharisêu về những sai lầm mà họ rơi vào, và sai lầm đó là gì? Đó là bóp méo Ý định của Thiên Chúa, chối bỏ những Điều răn của Người mà tuân giữ những truyền thống của con người. Thái độ phản ứng của Chúa Giê-su rất gay gắt vì nhiều điều đang lâm vào nguy cơ: đó là sự thật về mối quan hệ giữa con người và Thiên Chúa, về tính xác thực của đời sống tôn giáo. Một kẻ đạo đức giả là một kẻ nói dối; người đó không nói sự thật.

Cả ngày hôm nay cũng vậy, Chúa mời gọi chúng ta thoát khỏi nguy cơ đặt nặng sự chú trọng vào hình thức hơn là nội dung. Ngài kêu gọi chúng ta một lần nữa nhận biết đâu là trung tâm đích thực của đức tin, cụ thể đó là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, thanh tẩy nó thoát khỏi sự giả hình của chủ nghĩa nghi thức và câu nệ hình thức.

Toàn văn Huấn từ Kinh Truyền Tin: Tính xác thực của sự vâng nghe Lời Chúa

Thông điệp của Tin mừng hôm nay cũng được củng cố lại bởi tiếng nói của Thánh Giacôbê Tông đồ, ngài tổng hợp lại cho chúng ta biết tôn giáo thật phải là như thế nào, và ngài nói: tôn giáo thật đó là “thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ cho mình khỏi mọi vết nhơ của thế gian” (Gc 1:27).

“Thăm viếng cô nhi quả phụ,” tức là thực hành đức ái hướng đến anh chị em của chúng ta bắt đầu từ những người thiếu thốn nhất, cô thế nhất và bị gạt ra bên lề. Họ là những người mà Thiên Chúa chăm sóc theo một cách đặc biệt và yêu cầu chúng ta cũng phải làm như vậy.

“Giữ cho mình khỏi mọi vết nhơ của thế gian” không có nghĩa là cách ly bản thân và khóa mình thoát khỏi thực tại. Không phải vậy. Ở đây ngụ ý nói đến thái độ tâm hồn chứ không phải hình thức bên ngoài, nói đến trong tâm hồn: nó có nghĩa là phải cẩn trọng với cách chúng ta suy nghĩ và hành động để không bị lây nhiễm theo tâm tính của trần gian, nghĩa là tính phù hoa, tính hám lợi, và tính kiêu căng. Trong thực tế, một con người sống theo tính phù hoa, hám lợi, kiêu căng nhưng đồng thời tin tưởng và làm cho mình ra vẻ như là rất đạo đức và thậm chí tới mức kết án người khác, đó là người đạo đức giả.

Chúng ta hãy làm bài kiểm tra lương tâm để xem cách chúng ta đón nhận Lời Chúa như thế nào. Chúng ta lắng nghe Lời đó trong Thánh Lễ mỗi Chúa nhật. Nếu chúng ta nghe theo cách lơ đãng hoặc hời hợt, thì Lời sẽ chẳng có tác dụng gì nhiều đối với chúng ta. Ngược lại, chúng ta phải đón nhận Lời bằng một trí óc và tâm hồn rộng mở, như một mảnh đất màu mỡ, để Lời biến đổi và trổ sinh nhiều hoa trái trong đời sống hàng ngày. Chúa Giê-su nói rằng Lời Chúa như một hạt giống; nó là một hạt giống phải lớn lên trong những công việc cụ thể. Do vậy chính Lời Người thanh tẩy tâm hồn và hành động, và mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa và tha nhân thoát khỏi tính đạo đức giả.

Nguyện xin mẫu gương và sự chuyển cầu của Mẹ Maria Đồng Trinh giúp chúng ta biết luôn tôn vinh Chúa bằng trọn tâm hồn, làm chứng tá tình yêu của chúng ta dành cho Người trong cách chọn lựa làm những điều tốt lành cụ thể cho anh em của chúng ta.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


Sau Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến,

Hôm qua tại Kosice (Slovakia) là Lễ Tuyên phong Chân phước cho chị Anna Kolesarova, Đồng trinh, và Tử đạo, bị giết vì chống lại kẻ muốn xâm phạm phẩm giá và sự trinh trong của chị. Chị cũng giống như Maria Goretti người Ý của chúng ta. Ước mong cô gái gan dạ này giúp cho những người trẻ Ki-tô hữu kiên vững trong lòng trung thành với Tin mừng, kể cả khi nó đòi phải đi ngược lại với dòng chảy của xã hội hay phải trả giá bản thân. Chúng ta cùng vỗ tay hoan hô Chân phước Anna Kolesarova!

Điều này rất đau đớn: những luồng gió chiến tranh lại nổ ra và những bản tin đáng lo ngại về nguy cơ của một thảm họa nhân đạo có thể xảy ra trong đất nước Syria thân yêu, trong tỉnh Idlib. Tôi tha thiết thỉnh cầu Cộng đồng Quốc tế và mọi bên liên quan, hãy sử dụng những con đường ngoại giao, đối thoại và đàm phán, tôn trọng Luật Nhân đạo Quốc tế, và bảo vệ mạng sống của công dân.

Cha gửi lời chào tất cả anh chị em, những khách hành hương từ nước Ý và nhiều quốc gia khác. Đặc biệt, cha chào các anh chị giáo lý viên của Caerano San Marco, nhóm thiếu niên của Montirone, giới trẻ của Rovato và tất cả những người đến từ nhiều thành phố khác nhau của Tây Ban nha sau một cuộc bộ hành dài, và tất cả các người tham dự trong cuộc diễu hành xe máy Vespa. Cha nhìn thấy áp-phích ở đằng kia, xin chúc mừng!

Cha chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/9/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét