Vatican Media Screenshot
Toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha tại buổi khai mạc Ngày Giới trẻ Thế giới
‘Cùng với chúng con, chúng ta muốn tái khám phá và làm đánh thức tính tươi mới và trẻ trung luôn mãi của Giáo hội, mở rộng lòng chúng ta cho một ngày Lễ Ngũ Tuần mới.’
25 tháng Một, 2019 00:20
Dưới đây là huấn từ của Đức Thánh Cha ngày 24 tháng Một năm 2019, tại Campo Santa Maria la Antigua – Cinta Costera trong lễ khai mạc Ngày Giới trẻ Thế giới 2019 tại Panama.
******
Các bạn trẻ thân mến, chào các con!
Thật tuyệt vời khi chúng ta lại cùng đến với nhau, lần này trên một vùng đất đã đón tiếp chúng ta với sự rực rỡ và tình nồng ấm! Khi chúng ta họp nhau tại Panama, một lần nữa Ngày Giới trẻ Thế giới trở thành một lễ hội của niềm vui và hy vọng cho toàn thể Giáo hội, và trao cho thế giới một chứng tá đức tin.
Cha nhớ là ở Krakow nhiều người hỏi rằng cha có đến Panama không, và cha trả lời: “Cha không biết nữa, nhưng chắc chắn Phê-rô sẽ tới. Phê-rô sẽ tới đó.” Hôm nay cha rất hạnh phúc được nói với chúng con rằng: Phê-rô đang ở đây với chúng con, để cử hành và làm mới lại đức tin và hy vọng trong chúng con. Thánh Phê-rô và Hội Thánh cùng đồng hành với chúng con, và chúng ta nói với chúng con rằng đừng sợ hãi, hãy tiến bước với năng lượng tươi mới và nhiệt huyết giúp chúng ta được hạnh phúc hơn và sẵn sàng hơn, trở thành những chứng nhân tốt hơn cho Tin mừng. Để tiến bước, đừng tạo ra một Giáo hội song song vừa “vui” vừa “tuyệt” nhờ vào một sự kiện giới trẻ hào nhoáng, xem đó là tất cả những gì chúng con cần hoặc mong muốn. Lối suy nghĩ đó vừa không tôn trọng chính chúng con vừa không tôn trọng mọi điều Thần Khí đang nói với chúng con.
Không phải như thế! Cùng với chúng con, chúng ta muốn tái khám phá và đánh thức sự tươi mới và trẻ trung luôn mãi của Giáo hội, mở rộng lòng chúng ta cho một ngày Lễ Ngũ Tuần mới.’ (x. THƯỢNG HỘI ĐỒNG VỀ GIỚI TRẺ, tài liệu đúc kết, 60). Như chúng ta đã có kinh nghiệm tại Thượng Hội đồng, điều này chỉ có thể xảy ra, qua sự lắng nghe và chia sẻ của chúng ta, nếu chúng ta động viên nhau liên tục tiến bước và làm chứng qua việc công bố Thiên Chúa băng cách phục vụ anh chị em của chúng ta, và sự phục vụ cụ thể.
Cha biết là đến được đây không phải dễ dàng gì. Cha biết chúng con đã phải bỏ ra không biết bao nhiêu cố gắng và hy sinh để tham dự Ngày này. Nhiều tuần lễ làm việc và nhận lấy trách nhiệm và những buổi gặp gỡ để suy niệm và cầu nguyện đã làm cho chính hành trình trở thành một phần thưởng. Người môn đệ không đơn thuần là một người đến được một nơi nào đó, nhưng là người lên đường một cách dứt khoát, người không hề e sợ phải mạo hiểm và vẫn liên tục tiến bước. Đây là một niềm vui lớn: liên tục tiến bước. Chúng con đã không hề e ngại và liên tục tiến bước. Hôm nay tất cả chúng ta đều có thể “đến đây” vì cho đến hôm nay, trong các cộng đoàn chúng ta, tất cả chúng ta đều “lên đường” với nhau.
Chúng ta đến từ nhiều nền văn hóa và dân tộc khác nhau, chúng ta nói những ngôn ngữ khác nhau và chúng ta mặc những trang phục khác nhau. Mỗi dân tộc của chúng ta có lịch sử khác nhau và đã sống qua những hoàn cảnh riêng biệt. Chúng ta khác nhau theo rất nhiều cách! Nhưng không có điều khác biệt nào ngăn bước chúng ta đến để gặp gỡ nhau và cùng hân hoan vui mừng với nhau. Chúng ta biết rằng lý do của việc này là một điều gì đó kết hiệp chúng ta, người kia là anh em của chúng ta. Các bạn thân mến, chúng con đã phải hy sinh rất nhiều để có thể đến gặp gỡ nhau, và bằng cách này chúng con đã trở thành những nhà giáo thật sự và là những người xây dựng văn hóa gặp gỡ. Bằng những hành động và cách tiếp cận của chúng con, bằng cách nhìn mọi việc của chúng con, những khát khao và trên hết là sự nhạy cảm của chúng con, chúng con đã khinh thường và làm lắng dịu những tiếng nói nhằm gieo rắc sự chia rẽ, loại trừ hoặc chối bỏ những người nhìn không “giống chúng ta.” Chính bởi vì chúng con có được khả năng hiểu biết qua trực giác rằng “sự yêu thương đích thực không loại trừ những khác biệt, nhưng hòa hợp chúng trong một sự hiệp nhất cao cả” (BENEDICT XVI, Bài giảng, 25 tháng Một 2006). Về mặt khác, chúng ta biết rằng cha đẻ của sự dối trá thích con người bị chia rẽ hơn và gây hấn với những người đã học được cách làm việc chung với nhau.
Chúng con dạy chúng ta biết rằng gặp gỡ nhau không có nghĩa là phải có hình thức bên ngoài giống nhau, hay có cùng lối suy nghĩ hoặc cùng làm những việc giống nhau, thưởng thức cùng loại nhạc hay mặc cùng loại áo thể thao. Không, hoàn toàn không phải như vậy … Văn hóa gặp gỡ là một tiếng gọi kêu mời chúng ta dám luôn giữ sống động một ước mơ chung. Đúng, một ước mơ vĩ đại, một ước mơ có một vị trí cho mọi người. Ước mơ mà vì nó Chúa Giê-su đã hy sinh mạng sống của Người trên thập giá, vì nó Chúa Thánh Thần đã tuôn đổ trong ngày Lễ Ngũ Tuần và mang ngọn lửa đến trong tâm hồn của mỗi người nam và nữ, trong tâm hồn của chúng con và của cha, với hy vọng tìm được một nơi để lớn lên và phát triển. Một ước mơ mang tên Giê-su, được Chúa Cha gieo hạt trong niềm vững tin rằng nó sẽ lớn lên và sống trong tâm hồn mỗi người. Một ước mơ chạy trong các mạch máu của chúng ta, làm con tim chúng ta rung lên và làm chúng hân hoan reo vui lên bất cứ khi nào chúng ta nghe được mệnh lệnh: “là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13:34-35).
Một vị thánh của miền đất này thường nói rằng, “Ki-tô giáo không phải là một sự tập hợp những sự thật để tin, những luật lệ để thực hiện, hay những điều cấm đoán. Nhìn theo cách đó sẽ làm chúng ta xa rời. Ki-tô giáo là một người yêu thương chúng ta vô cùng, người đòi hỏi và xin tình yêu của tôi. Ki-tô giáo là chính Đức Ki-tô” (x. Thánh Oscar Romero, bài giảng, 6 tháng Mười Một, 1977). Nó có nghĩa là theo đuổi ước mơ mà vì nó Người đã hy sinh mạng sống: yêu thương bằng chính tình yêu Người đã dành cho chúng ta.
Chúng con có thể hỏi: Điều gì giữ chúng con kết hiệp? Tại sao chúng con kết hiệp? Điều gì thúc đẩy chúng con đến gặp gỡ nhau? Một điều chắc chắn là chúng ta đã và đang được yêu với một tình yêu sâu thẳm mà chúng ta không thể và cũng không muốn giữ im lặng về một tình yêu đã thách đố chúng ta biết đáp trả theo cùng cách thức: bằng tình yêu. Chính tình yêu của Đức Ki-tô thôi thúc chúng ta (x. 2 Cr 5:14).
Một tình yêu không áp đảo hay đè nén, không gạt ra bên lề hay lui vào im lặng, không làm nhục hay hống hách. Đó là tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu tôn trọng, âm thầm và từng ngày từng ngày; một tình yêu tự do và giải thoát, một tình yêu chữa lành và nâng dậy. Tình yêu của Chúa chỉ nâng dậy chứ không hạ gục, hòa giải chứ không ngăn cản, trao tặng những sự thay đổi mới hơn là kết án, hướng đến tương lai hơn là quá khứ. Đó là tình yêu âm thầm của một bàn tay vươn ra phục vụ, một cam kết không hướng sự chú ý vào bản thân.
Chúng con có tin vào tình yêu này không? Đó có phải là một tình yêu có ý nghĩa không?
Đây cũng là câu hỏi và lời mời gọi đã được gửi đến Mẹ Maria. Thiên Thần hỏi Mẹ có muốn mang lấy ước mơ này trong cung lòng và trao tặng sự sống, để cho ước mơ trở thành xác phàm. Mẹ đáp lời: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1:38). Mẹ Maria đã có lòng can đảm nói lời “xin vâng.” Mẹ tìm được sức mạnh để trao tặng sự sống cho ước mơ của Thiên Chúa. Thiên Thần cũng đang đặt câu hỏi tương tự cho mỗi người chúng con, và cho cha. Chúng con có muốn ước mơ này trở thành hiện thực? Chúng con có muốn ước mơ đó trở thành da thịt trên đôi tay của chúng con, đôi chân của chúng con, trên cái nhìn, trên tâm hồn của chúng con không? Chúng con có muốn tình yêu của Chúa Cha mở ra những chân trời mới cho chúng con và dẫn đưa chúng con đi trên những con đường chưa từng được hình dung hay hy vọng, chưa từng mơ ước hay mong chờ, làm cho con tim của chúng con reo vui, ca vang và nhảy múa không?
Chúng ta có đủ can đảm để thưa với Thiên Thần, như Mẹ Maria đã thưa: tôi đây là người phục vụ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.
Các bạn trẻ thân mến, kết quả được hy vọng nhất cho ngày hôm nay sẽ không phải là một tài liệu đúc kết, một thư chung hay một chương trình để thực hiện. Kết quả được hy vọng nhất của buổi gặp gỡ này sẽ là những khuôn mặt của chúng con và một lời cầu nguyện. Mỗi người chúng con sẽ trở về nhà với một sức mạnh mới được sinh ra từ mỗi sự gặp gỡ với nhau và với Thiên Chúa. Chúng con sẽ trở về nhà tràn đầy Thánh Thần để chúng con có thể nâng niu và giữ sống động ước mơ biến chúng ta thành anh em chị em, và chúng ta không được để cho trái tim của thế giới trở nên lạnh lùng. Ở bất cứ nơi đâu chúng ta đến và ở bất kỳ công việc gì chúng ta làm, chúng ta vẫn luôn ngước lên và thưa: “Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu thương như Người đã yêu chúng con.” Chúng con cùng lặp lại câu này với cha chứ? “Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu thương như Người đã yêu chúng con.”
Chúng ta không thể kết thúc buổi gặp gỡ đầu tiên này mà không nói lời cảm ơn. Xin cảm ơn tất cả những người đã chuẩn bị cho Ngày Giới trẻ Thế giới này bằng tất cả nhiệt huyết. Xin cảm ơn vì đã động viên nhau để xây dựng và chào đón, và để nói lời “xin vâng” cho ước mơ của Thiên Chúa muốn nhìn thấy những đứa con của Người tụ họp với nhau. Xin cảm ơn Đức Tổng Giám mục Ulloa và nhóm của ngài đã giúp Panama đến hôm nay không chỉ là một con kênh kết nối các đại dương, nhưng còn là một kênh nơi đó ước mơ của Chúa tiếp tục tìm được những dòng suối mới để làm cho nó lớn lên, nhân gấp lên nhiều lần và lan tràn đến mọi miền của trái đất.
Các bạn thân mến, xin Chúa Giê-su chúc phúc cho chúng con và Santa Maria Antigua luôn đồng hành với chúng con để chúng ta có thể đáp lời mà không hề e ngại, giống như Mẹ: “Này con đây. Xin cứ làm như lời Sứ Thần nói.”
[00113-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Tây Ban nha]
© Libreria Editrice Vatican
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/1/2019]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét