Vatican Media Screenshot
Toàn văn sứ điệp Ngày Truyền thông Thế giới lần thứ 53 của Đức Thánh Cha
‘Chúng ta là phần thân thể của nhau’
24 tháng Một, 2019 17:26
Ngày 24 tháng Một năm 2019, Vatican công bố Sứ điệp Ngày Truyền thông Thế giới lần thứ 53 của Đức Thánh Cha Phanxico được tổ chức trong năm 2019. Chủ đề: “Chúng ta là phần thân thể của nhau” (Eph 4,25). Từ những cộng đồng mạng xã hội đến cộng đồng nhân loại.
******
Anh chị em thân mến,
Ngay từ khi internet lần đầu tiên xuất hiện, Giáo hội luôn tìm cách thúc đẩy việc sử dụng nó để phục vụ cho sự gặp gỡ giữa mọi người và cho sự đoàn kết giữa tất cả mọi người. Qua Sứ điệp này, một lần nữa tôi muốn mời gọi anh chị em suy ngẫm về nền tảng và tầm quan trọng của mối quan hệ giữa chúng ta và tái khám phá khao khát của nhân vị không muốn bị cô lập và cô đơn , trong muôn vàn thách thức của bối cảnh truyền thông hiện tại.
Những phép ẩn dụ của mạng và cộng đồng
Môi trường của truyền thông ngày nay thâm nhập quá sâu rộng đến mức không thể phân biệt được với phạm vi của cuộc sống hàng ngày. Mạng là một tài nguyên của thời đại chúng ta. Nó là một nguồn cung cấp kiến thức và tạo ra các mối quan hệ mà trước đây không thể tưởng tượng được. Tuy nhiên, xét về khía cạnh những biến đổi sâu sắc công nghệ đã mang lại những ảnh hưởng đến tiến trình sản xuất, phân phối và sử dụng nội dung, nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh đến những rủi ro đe dọa việc tìm kiếm và chia sẻ thông tin xác thực trên quy mô toàn cầu. Nếu Internet đại diện cho khả năng tiếp cận kiến thức bao la, thì rõ ràng nó cũng được chứng minh là một trong những lĩnh vực bị phơi bày trước những thông tin giả và việc cố tình bóp méo sự thật có chủ đích cùng những mối quan hệ giữa các cá nhân, thường được sử dụng để làm mất uy tín.
Về một mặt, chúng ta cần nhận biết cách thức các mạng xã hội giúp chúng ta kết nối, tái khám phá và hỗ trợ lẫn nhau tốt hơn, nhưng mặt khác, chính chúng bị lợi dụng cho việc thao túng dữ liệu cá nhân, nhằm đạt được lợi thế chính trị hoặc kinh tế, mà không phải do tôn trọng người đó và quyền của người đó. Thống kê cho thấy trong số những người trẻ tuổi, một phần tư có liên quan đến các tình tiết bạo lực internet.[1]
Trong viễn cảnh phức tạp này, có thể hữu ích khi phản ánh lại về phép ẩn dụ của mạng (net), vốn là nền tảng bắt đầu của Internet, để tái khám phá tiềm năng tích cực của nó. Hình ảnh của mạng (net) mời gọi chúng ta suy tư về con số khổng lồ những con đường và các giao điểm bảo đảm cho tính ổn định của nó khi thiếu vắng một trung tâm, cấu trúc theo phân cấp, một hình thức tổ chức theo chiều dọc, đó là các mạng (networks) vì tất cả các thực thể của nó đều chia sẻ trách nhiệm.
Từ quan điểm nhân học, phép ẩn dụ của mạng gợi lại một hình ảnh đầy ý nghĩa khác: cộng đồng. Một cộng đồng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nhiều nếu nó biết gắn kết và hỗ trợ, nếu nó được tạo sức sống bởi cảm giác tin tưởng, và theo đuổi các mục tiêu chung. Cộng đồng như một mạng lưới của tình đoàn kết đòi hỏi sự lắng nghe và đối thoại với nhau, đặt nền tảng trong việc sử dụng ngôn ngữ có tính trách nhiệm.
Trong bối cảnh hiện tại, mọi người đều có nhìn thể thấy những cách thức mà cộng đồng mạng xã hội không trở nên đồng nghĩa với cộng đồng. Trong trường hợp tốt nhất, các cộng đồng ảo này có thể cho thấy sự gắn kết và tình đoàn kết, nhưng thường thì chúng vẫn chỉ duy trì là các nhóm của những cá nhân công nhận nhau thông qua những điểm quan tâm chung hoặc những lo lắng về các mối ràng buộc yếu kém. Hơn nữa, trong web xã hội danh tính thường đặt nền tảng trên sự đối lập với người khác, người bên ngoài nhóm: chúng ta thể hiện bản thân bắt đầu từ những gì chia rẽ chúng ta hơn là những gì hợp nhất chúng ta, làm nảy sinh sự hoài nghi và tạo ra mọi loại định kiến (sắc tộc, tình dục, tôn giáo và những điểm khác). Xu hướng này tạo động cơ cho các nhóm loại trừ tính đa dạng, cho thấy ngay cả trong môi trường kỹ thuật số vẫn nuôi dưỡng chủ nghĩa cá nhân buông lỏng, đôi khi dẫn đến việc khích động vòng xoáy thù hận. Theo cách này, những gì đáng lẽ phải là cửa sổ mở ra thế giới thì lại một nơi để trưng bày và thể hiện tính tự kỷ ái mộ.
Mạng là một cơ hội để thúc đẩy sự gặp gỡ với những người khác, nhưng nó cũng có thể làm tăng sự tự cô lập bản thân, giống như một tấm lưới (web) có thể bủa vây chúng ta. Những người trẻ tuổi là người mang ảo tưởng rằng mạng xã hội hoàn toàn có thể làm họ thỏa mãn ở mức độ quan hệ. Có một hiện tượng nguy hiểm là những người trẻ tuổi đang trở thành những “ẩn sĩ xã hội”, những người có nguy cơ xa lánh hoàn toàn khỏi xã hội. Tình huống quan ngại này cho thấy một sự rạn nứt nghiêm trọng trong cấu trúc quan hệ của xã hội, một điều chúng ta không thể bỏ qua.
Thực tại đa dạng và nguy hiểm này đặt ra nhiều câu hỏi khác nhau về bản chất đạo đức, xã hội, luật pháp, chính trị và kinh tế, và thách đố với cả Giáo hội. Trong khi các chính phủ tìm kiếm những cách hợp pháp để kiểm soát web và bảo vệ cho tầm nhìn ban đầu về một hệ thống mạng tự do, mở rộng và an toàn, tất cả chúng ta đều có khả năng và có trách nhiệm thúc đẩy những cách sử dụng tích cực.
Rõ ràng, việc gia tăng những kết nối nhằm làm tăng sự hiểu biết lẫn nhau là chưa đủ. Vậy, bằng cách nào để chúng ta có thể tìm thấy bản sắc cộng đồng tính thật sự của mình, ý thức được trách nhiệm mà chúng ta phải có đối với nhau trên mạng trực tuyến không?
Chúng ta là phần thân thể của nhau
Có thể rút ra một câu trả lời khả dĩ từ phép ẩn dụ thứ ba: đó là thân thể và các thành viên, mà Thánh Phaolô sử dụng để mô tả mối quan hệ tương quan giữa mọi người, dựa trên cơ cấu làm cho họ hiệp nhất. “Bởi thế, một khi đã cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận, vì chúng ta là phần thân thể của nhau” (Eph 4:25). Trở thành một phần thân thể của nhau là một động cơ sâu sắc mà Thánh Tông đồ mời gọi chúng ta phải bỏ đi sự gian dối và nói sự thật: trách nhiệm bảo vệ sự thật bắt đầu từ mệnh lệnh không được hiểu sai về mối quan hệ tương quan của tình hiệp nhất. Sự thật được tỏ lộ trong tình hiệp nhất. Ngược lại, những điều dối trá là một sự khước từ ích kỷ không công nhận rằng chúng ta là phần thân thể của nhau; chúng là một sự khước từ không phục vụ người khác, từ đó đánh mất đi con đường tìm được chính mình.
Phép ẩn dụ về phần thân thể của nhau hướng chúng ta đến suy tư về căn tính của chúng ta, đặt nền tảng trong sự hiệp nhất và “người khác.” Là người Ki-tô hữu, tất cả chúng ta đều chân nhận nhau như là phần thân thể của nhau mà đầu là Đức Ki-tô. Điều này giúp chúng ta không nhìn thấy người khác như là những đối thủ tiềm ẩn, nhưng thậm chí xem kẻ thù vẫn là những con người. Chúng ta không cần đến sự đối đầu để thể hiện mình, vì ánh mắt nhìn thấu suốt mà chúng ta học nơi Đức Ki-tô giúp chúng ta khám phá được người khác theo một cách hoàn toàn mới, như là một phần và điều kiện không thể thiếu cho sự quan hệ và gần gũi.
Khả năng thấu hiểu và giao tiếp như vậy giữa người với người dựa trên sự hiệp nhất của tình yêu giữa các Ngôi vị trên nước trời. Thiên Chúa không phải là sự Cô độc, nhưng là sự Hiệp nhất; Người là Tình yêu, và do đó là sự giao tiếp vì tình yêu luôn có sự giao tiếp; quả thật, bản thân giao tiếp là để gặp gỡ người khác. Để giao tiếp với chúng ta và để hòa nhập mình với chúng ta, Thiên Chúa sử dụng ngôn ngữ của chúng ta, thiết lập một sự đối thoại thật sự với nhân loại xuyên suốt lịch sử (x. Công đồng chung Vatican II, Hiến chế Tín lý Dei Verbum, 2).
Vì được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa Đấng là sự hiệp nhất và thông ban chính mình, chúng ta mãi mãi mang trong mình khát khao được sống trong sự hiệp nhất, được thuộc về một cộng đồng. Thánh Basil [2] nói, “Trên thực tế, không có gì cụ thể hơn đối với bản chất của chúng ta như khi nó đi vào một mối quan hệ với người khác, như khi cần có nhau.”
Bối cảnh hiện tại kêu gọi tất cả chúng ta đầu tư vào các mối quan hệ và khẳng định bản chất tương quan giữa người với người của tính nhân loại của chúng ta, trong đó bao gồm cả trong hệ thống mạng và thông qua hệ thống mạng. Còn hơn thế, người Kitô hữu chúng ta được kêu gọi thể hiện sự hiệp nhất làm nổi bật bản sắc của chúng ta là những người tín hữu. Quả thật, chính đức tin là một mối quan hệ, một cuộc gặp gỡ; và dưới sự thúc đẩy của tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta có thể giao tiếp, chào đón và hiểu được món quà nơi người khác và đáp trả lại.
Sự hiệp nhất trong hình ảnh Chúa Ba Ngôi chính là những gì phân biệt giữa con người với cá nhân. Từ niềm tin vào Thiên Chúa là Thiên Chúa Ba Ngôi, theo đó, để trở thành chính mình, tôi cần người khác. Tôi thực sự là con người, thực sự là ngôi vị, chỉ khi tôi có quan hệ với người khác. Thật vậy, từ “con người” biểu thị con người như là một “khuôn mặt,” mà khuôn mặt đó hướng về người khác, là người gắn kết với người khác. Đời sống của chúng ta trở nên nhân văn hơn khi bản chất của nó ít hướng đến cá nhân nhưng hướng đến con người nhiều hơn; chúng ta nhìn thấy con đường thật sự trở nên nhân văn hơn này nơi một người chuyển từ một cá nhân, luôn nhìn người khác như một đối thủ, sang một người, chân nhận người khác như là những bạn đường cùng đồng hành.
Từ “like” chuyển thành “amen”
Hình ảnh của thân thể và các chi thể nhắc nhở chúng ta rằng việc sử dụng mạng xã hội là sự bổ trợ cho một cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa người với người qua thân thể, trái tim, đôi mắt, ánh mắt, hơi thở của người khác. Nếu mạng (Net) được sử dụng như cách hỗ trợ hoặc kỳ vọng của một sự gặp gỡ như vậy, thì khái niệm về mạng không bị phản bội và vẫn là một tài nguyên cho tình hiệp thông. Nếu một gia đình sử dụng mạng để tạo mối dây liên kết nhiều hơn, rồi tiếp sau là gặp gỡ trực tiếp và nhìn vào mắt của nhau, thì đó là một tài nguyên. Nếu một cộng đoàn Hội Thánh phối hợp hoạt động của mình thông qua mạng lưới và sau đó cùng nhau cử hành Thánh Lễ, thì đó là một tài nguyên. Nếu mạng trở thành một cơ hội để chia sẻ những câu chuyện và những kinh nghiệm về cái đẹp hay sự đau khổ ở xa chúng ta, để cùng nhau cầu nguyện và cùng nhau tìm kiếm điều tốt đẹp để tái khám phá những gì hiệp nhất chúng ta, thì đó là một tài nguyên.
Bằng cách này, chúng ta có thể chuyển từ việc chẩn đoán sang cách điều trị: mở ra con đường đối thoại, gặp gỡ, cho “những nụ cười” và những cách thể hiện lòng nhân ái … Đây là hệ thống mạng chúng ta cần, một hệ thống mạng được tạo ra không để gài bẫy, nhưng để giải phóng, để bảo vệ một sự hiệp nhất những con người tự do. Chính Giáo hội là một mạng lưới được đan dệt bằng sự hiệp thông Thánh thể, trong đó sự hiệp nhất không được đặt trên những nút “like” (thích), nhưng trên sự thật, trên lời “Amen,” qua đó mỗi người đều bám víu vào Thân thể của Đức Ki-tô, và chào đón người khác.
Viết tại Vatican, 24 tháng Một năm 2019, Lễ nhớ Thánh Phanxico de Sales.
Franciscus
[1] To stem this phenomenon, an International Observatory for Cyberbullying Prevention will be established with its headquarters in the Vatican.
[2] Detailed Rule for Monks, III, 1: PG 31, 917; cf. Benedict XVI, Message for the 43rd World Communications Day (2009).
© Libreria Editrice Vatican
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/1/2019]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét