© Vatican Media
Toàn văn Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha về cách cầu nguyện của Chúa Giê-su
‘Chúng ta phải cầu nguyện như Người đã dạy chúng ta làm.’
13 tháng Hai, 2019 15:35
Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:25 trong Đại sảnh Phaolô VI, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và trên khắp thế giới.
Tiếp tục loạt giáo lý về “Kinh Lạy Cha,” trong huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung suy tư về Chúa Cha của tất cả chúng ta (Trích đoạn sách Thánh: Trích Tin mừng theo Thánh Lu-ca 10:21-22).
Sau phần tóm lược giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.
Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
* * *
Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Chúng ta tiếp tục phần tìm hiểu của chúng ta để học biết tốt hơn về cách cầu nguyện như Chúa Giê-su đã dạy chúng ta. Chúng ta phải cầu nguyện như Người đã dạy chúng ta làm. Người nói: “Khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh.” Chúa Giê-su muốn các môn đệ của Ngài không trở thành những kẻ giả hình là những người đứng thẳng lưng nơi những Quảng trường để được người ta thán phục (x. Mt 6:5). Chúa Giê-su không muốn sự giả hình. Sự cầu nguyện đích thực là sự cầu nguyện được thực hiện thầm kín trong lương tâm, trong tâm hồn: nơi không thể dò được, chỉ có Thiên Chúa mới thấu suốt – Thiên Chúa và tôi. Nó tránh xa sự giả tạo: không thể giả vờ với Thiên Chúa. Không thể được. Trước mặt Chúa chẳng có một mánh khóe nào có hiệu lực; Thiên Chúa biết rõ chúng ta, tận trong lương tâm, và chúng ta không thể đóng kịch. Gốc rễ của sự đối thoại với Thiên Chúa là sự đối thoại thầm lặng, như là những cái nhìn trao nhau giữa hai người đang yêu: con người và Thiên Chúa; những cái nhìn gặp nhau, và đây là cầu nguyện. Nhìn lên Thiên Chúa là để cho bản thân được Chúa nhìn đến: đây là cầu nguyện. “Nhưng thưa cha, con không nói gì sao …” Nhìn lên Chúa và để cho Người nhìn đến anh chị em: đó là cầu nguyện, một sự cầu nguyện rất đẹp!
Tuy nhiên, cho dù sự cầu nguyện của người môn đệ là hoàn toàn thầm kín, nhưng nó không bao giờ rơi vào “tính cá nhân”. Trong thầm kín của lương tâm, một người Ki-tô hữu không gạt thế giới ra bên ngoài cửa phòng nhưng mang theo những con người và hoàn cảnh trong lòng, những vấn đề của họ, rất nhiều điều, tất cả đều được đưa vào trong lời cầu nguyện.
Có một sự thiếu vắng rất đáng chú ý trong văn bản của “Kinh Lạy Cha.” Nếu cha hỏi anh chị em sự thiếu vắng đáng chú ý trong văn bản “Kinh Lạy Cha” là gì” thì không dễ trả lời. Một từ được bỏ mất. Tất cả anh chị em nghĩ: từ nào bị bỏ mất trong “Kinh Lạy Cha” nhỉ?
Hãy nghĩ xem từ nào bị bỏ mất. Một từ, một từ trong thời đại của chúng ta — nhưng có lẽ trong mọi thời đại — mọi người đều dành sự quan tâm rất lớn. Vây từ ngữ nào bị bỏ mất trong “Kinh Lạy Cha” mà chúng ta đọc hàng ngày? Để tiết kiệm thời gian, cha nói luôn: đó là sự thiếu vắng của từ “con”. Từ “con” không bao giờ được nhắc đến. Chúa Giê-su dạy chúng ta khi cầu nguyện trước hết phải có trên môi miệng là từ “Cha”, vì sự cầu nguyện của người Ki-tô hữu là sự đối thoại: nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện.” Không phải là tên của con, nước của con, ý của con. “Con”: không, không được như vậy. Và rồi chuyển sang “chúng con.” Trong toàn bộ phần hai của “Kinh Lạy Cha” đều giới hạn với ngôi thứ nhất số nhiều: “xin cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày, và tha nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.” Ngay cả những lời xin căn bản nhất — chẳng hạn như xin lương thực để làm dịu cơn đói — tất cả đều ở số nhiều. Trong lời cầu nguyện của người Ki-tô hữu, không ai xin lương thực cho riêng mình: Xin cho con lương thực hàng ngày — không — xin cho chúng con, người đó cầu xin cho tất cả, cho tất cả mọi người nghèo trên thế giới. Không được quên điều này, sự thiếu vắng từ “con.” Chúng ta cầu nguyện bằng đại từ “Cha” và “chúng con.” Đó là một bài học đẹp của Chúa Giê-su; xin đừng quên nó.
Tại sao? — vì trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa không có chỗ cho tính cá nhân. Không có sự phô diễn các vấn đề của riêng chúng ta coi như chúng ta là người duy nhất chịu đau khổ trên thế giới. Chẳng có lời cầu nguyện nào được dâng lên tới Chúa mà lại không phải là lời cầu nguyện chung cho cộng đoàn gồm anh chị em của chúng ta. Từ ngữ “chúng con”: chúng con trong một cộng đoàn; chúng con là anh chị em; chúng con là một dân tộc cầu nguyện. “Chúng con.” Có lần một vị tuyên úy nhà tù hỏi cha một câu: “Thưa cha, cha cho con biết từ ngữ nào đối lại với ‘tôi’?” Và cha ngây thơ trả lời: “Bạn.” “Đây là từ khởi đầu cho một cuộc chiến. Từ ngữ đối lại với ‘tôi’ là ‘chúng tôi’, là nơi hòa bình ngự trị, tất cả với nhau.” Đó là một bài học hay mà cha nhận được từ một linh mục. Trong lời cầu nguyện, một Ki-tô hữu mang lấy tất cả mọi khó khăn của những người quanh người đó. Khi màn đêm buông xuống, người đó thưa với Chúa những sự phiền muộn mà người đó gặp phải trong ngày: người đó dâng lên trước Chúa những khuôn mặt, người thân và thù địch. Người đó không tống khứ họ ra ngoài như những mối nguy hiểm. Nếu người ta không nhận ra rằng chung quanh mình còn có rất nhiều người đau khổ, nếu người ta không động lòng rơi lệ trước người nghèo và trở nên quen thuộc với tất cả mọi sự, thì điều đó có nghĩa là trái tim người đó … là sao nhỉ? Bị khô héo? Không, tệ hơn thế, nó là trái tim bằng đá. Trong trường hợp này, tốt hơn là khẩn nài Chúa dùng Thần Khí của Người chạm đến chúng ta và làm mềm lại con tim chúng ta. “Lạy Chúa, xin làm mềm con tim của con.” Đó là một lời cầu nguyện rất đẹp. “Lạy Chúa, xin làm mềm con tim của con, để con có thể hiểu và quan tâm đến tất cả mọi vấn đề, mọi sự phiền muộn của người khác.” Đức Ki-tô không bao giờ đi qua những cảnh đau khổ của trần gian mà không động lòng thương: mỗi khi Người quan sát thấy sự cô đơn, sự đau đớn thân xác hoặc tâm hồn, Người cảm nhận thấy một sức mạnh của lòng trắc ẩn, như tận sâu thẳm trong tâm hồn của người mẹ. “Lòng trắc ẩn” này — chúng ta đừng quên từ ngữ mang tính rất Ki-tô giáo này: động lòng trắc ẩn — nó là một trong những từ ngữ then chốt của Tin mừng: nó là điều thúc giục người Sa-ma-ri Nhân lành tiến đến người đàn ông bị thương nằm bên vệ đường, hành động ngược lại với những người khác có con tim chai đá.
Chúng ta hãy tự hỏi mình: khi tôi cầu nguyện, tôi có mở rộng tấm lòng để khóc cho nhiều người ở gần và xa tôi không? Hay tôi cho rằng cầu nguyện là một trạng thái ru ngủ, để có thể tìm được sự an lòng hơn? Tôi gạt mọi vấn đề ở đó; mỗi người hãy tự trả lời cho mình. Trong trường hợp này, tôi sẽ trở thành nạn nhân của một sai lầm lớn. Lời cầu nguyện của tôi chắc chắn không còn là lời cầu nguyện của người Ki-tô hữu nữa, vì từ ngữ “chúng con” đó, từ ngữ mà Chúa Giê-su dạy chúng ta, không để chúng ta tìm được an bình cho riêng mình, nhưng làm cho tôi cảm thấy có trách nhiệm với anh chị em của tôi.
Rõ ràng có những người không đi tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng Chúa Giê-su vẫn bảo chúng ta phải cầu nguyện cho họ vì Thiên Chúa luôn đi tìm kiếm những người này. Chúa Giê-su không đến vì những người khỏe mạnh nhưng vì những người đau yếu và tội nhân (x. Lc 5:31) — đó chính là cho tất cả mọi người, vì ai cho rằng mình khỏe mạnh thì thực tế lại không phải vậy. Nếu chúng ta làm việc cho sự công bình thì chúng ta đừng cảm thấy mình tốt hơn người khác: Chúa Cha cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt (x. Mt 5:45). Chúa Cha yêu thương tất cả mọi người! Chúng ta hãy học nơi Chúa là Đấng luôn luôn yêu thương tất cả, ngược lại với chúng ta là những người chỉ có thể yêu thương một số người, một số người mà chúng ta thích.
Anh chị em thân mến, thánh nhân và tội nhân, tất cả chúng ta là anh em được yêu thương bởi cùng một Cha. Và vào buổi hoàng hôn của cuộc sống, chúng ta sẽ bị xét đoán theo tình yêu, về cách chúng ta yêu thương. Không chỉ là sự yêu thương theo cảm tính, nhưng là lòng trắc ẩn và cụ thể, theo luật tin mừng — anh chị em đừng quên điều đó! — “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:40), Chúa đã nói như vậy. Cảm ơn anh chị em.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia m. Forrester của ZENIT]
© Libreria Editrice Vatican
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/2/2091]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét