Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2019

Chuyến thăm mục vụ của Đức Thánh Cha đến giáo xứ San Giulio thuộc Roma trong vùng Monteverde (Toàn văn) - Phần 2 - Gặp gỡ thiếu nhi thiếu niên thanh niên

Chuyến thăm mục vụ của Đức Thánh Cha đến giáo xứ San Giulio thuộc Roma trong vùng Monteverde (Toàn văn)

Thảo luận với thanh thiếu niên và các đoàn thể trong giáo xứ

09 tháng Tư, 2019 17:00

* * *

Phần II

Gặp gỡ thiếu nhi thiếu niên thanh niên

Một thanh nữ:

Xin chào mừng Đức Thánh Cha, chúng con hy vọng rằng lời chào, niềm vui, và tình cảm của chúng con cảm nhận khi được gặp Cha sẽ đến được đến cha … 

Một thanh niên:

Tập trung tại đây, nơi trở thành nhà thờ của chúng con suốt ba năm, là một phần quan trọng của hành trình Christina, bắt đầu từ những em bé được rửa tội trong những năm gần đây, tiếp tục là các thiếu nhi và thiếu niên đang chuẩn bị Rước Lễ lần đầu và Thêm sức, lên đến tuổi thiếu niên, thanh niên và các giáo lý viên đồng hành. Từ lúc chúng con biết tin từ cha xứ, Cha Dario, rằng Đức Thánh Cha sẽ chủ tế nghi thức Cung hiến Nhà thờ Thánh Giulio, chúng con đã chuẩn bị để chào đón Đức Thánh Cha theo cách tốt nhất, như cha có thể hình dung, nhiều bạn chúng con đã muốn hỏi cha các câu hỏi.

Thanh nữ:

Bạn Eleonora và Carlotta sẽ đặt câu hỏi thay mặt cho chúng con.

Eleonora:

Riêng Đức Thánh Cha đã bao giờ trực tiếp cho người nghèo một cái gì để ăn chưa?

ĐTC Phanxico:

Có chứ, cha làm như vậy nhiều lần rồi; đó là điều mà tất cả mọi người Ki-tô hữu nên làm, cho kẻ đói ăn. Tất cả chúng ta, trong một giai đoạn của cuộc sống chúng ta, cũng giống như người nghèo, chúng ta chẳng biết cách ăn uống ra sao; chính mẹ của chúng ta là người chăm sóc cho chúng ta, để chúng ta phát triển, cho chúng ta ăn … chúng ta cũng vậy. Có những người chẳng có gì để ăn ngay cả khi họ lớn rồi, chẳng hạn những thiếu nhi như chúng con không có thứ gì để ăn vì cha của các bé không có việc làm và vì thế mà cả nhà phải chịu đói. Tất cả chúng ta phải luôn luôn làm việc này là cho người khác thức gì đó để ăn, như Chúa ban cho chúng ta thức ăn. Cảm ơn con.

Carlotta:

Con chào Đức Thánh Cha. Con là Carlotta, con 20 tuổi và con là một trong những người hoạt náo cho thiếu niên. Trong những tháng này chúng con suy niệm với thiếu niên về mối quan hệ với Thiên Chúa, theo dòng suy tư về những hoài nghi nổi lên. Như Chúa Giê-su nói: “Lạy Thiên Chúa, Lạy Thiên Chúa của con, sao ngài lại bỏ rơi con?” chúng con cũng đặt ra câu hỏi tương tự khi cuộc sống đưa ra những thử thách. Làm sao để chúng con phó thác bản thân cho Người mà không do dự? Trong suốt cuộc đời Đức Thánh Cha có từng hoài nghi chưa? Nếu có thì cha làm cách nào để tái khám phá niềm tin?

ĐTC Phanxico:

Cảm ơn con. Tại một thời điểm nào đó, tất cả mọi người, mọi người nam và nữ, mọi thiếu nhi đều có những hoài nghi, hoài nghi là một phần của cuộc sống chúng ta. Và hoài nghi cũng là, một cách nào đó, đưa Thiên Chúa vào sự thử thách: không biết có đúng là Người trung tín không, không biết có đúng là Người lắng nghe chúng ta không … Chẳng hạn, sự hoài nghi của chúng ta xảy đến khi trong gia đình có người bệnh tật, hoặc khi người cha, người mẹ, người ông, người bà, người anh em từ trần … “Tại sao vậy, lạy Chúa?” Những hoài nghi nổi lên, luôn luôn là vậy. Vào thời điểm đó chúng ta phải đặt cược vào một điều: vào sự trung tín của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su rất trung tín; Người là Đấng duy nhất tuyệt đối trung tín. Chúng ta trung thành với bạn bè, nhưng đôi khi chúng ta không trung thành với nhau. Ngược lại, Chúa Giê-su luôn luôn trung tín. Đó là một sự trung tín không bao giờ làm thất vọng; chẳng sớm thì muộn Chúa sẽ cho bạn cảm nhận được Người. Đừng lo sợ những hoài nghi; đừng e sợ hoài nghi. Tôi hoài nghi, nhưng tôi có thể chia sẻ sự hoài nghi này với những người khác, hãy thảo luận nó với họ và từ đó phát triển. Đừng e sợ. Chúng con chịu trách nhiệm hướng dẫn các em Thêm sức, hãy dạy các em biết hoài nghi tốt lành, vì nếu các em không được học về cách hoài nghi, các em sẽ đón nhận Phép Thêm sức như điều mà người Roma nói rằng – đó là “Bí tích Tạm biệt.” Sau Thêm sức, nhiều sự chúc mừng và rồi chúng ta chẳng còn gặp nhau nữa … Và rồi các em từ bỏ vì các em không biết cách kiểm soát được những hoài nghi của mình. Thay vì vậy, nếu chúng con là những người chịu trách nhiệm, dạy cho các em biết cách hoài nghi tốt lành và đi tìm những câu trả lời mạnh mẽ, sự thật cho những hoài nghi, chúng con chuẩn bị cho các em để Bí tích Thêm sức không phải là “Bí tích Tạm biệt,” nhưng là Bí tích tăng thêm sức mạnh mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta. Cha không biết là cha đã trả lời được câu hỏi của con chưa … hay con muốn cha nói thêm một chút nữa …


Carlotta:

Cùng với các thiếu niên, chúng con thắc mắc không biết Đức Thánh Cha, là người đại diện cho niềm tin vững mạnh nhất, có bao giờ có những hoài nghi trong cuộc sống, là điều thực sự đưa cha vào sự thử thách và bằng cách nào cha đã thoát ra thành công?

ĐTC Phanxico:

Cha có nhiều, nhiều hoài nghi lắm. Đứng trước những tai ương, và cả những điều xảy ra cho cha, trong cuộc sống của cha. Bằng cách nào cha thành công thoát ra khỏi chúng … Cha nghĩ cha không tự mình thực hiện thành công được điều đó; người ta không bao giờ có thể tự mình thoát khỏi sự hoài nghi. Chúng con cần phải có sự đồng hành của một ai đó giúp chúng con tiến bước; vì vậy, điều quan trọng là luôn luôn phải ở trong một nhóm, cùng với nhau, với bạn bè … Nếu chỉ tự một mình, chúng con không bao giờ có thể. Cũng rất hữu ích nếu nói chuyện với cha mẹ hoặc bạn bè hay một giáo lý viên … nhưng luôn phải chia sẻ với một người khác. Rồi sau đó nói về những hoài nghi của mình với Chúa Giê-su. Thỉnh thoảng cha có nghe những câu nói: “Tôi không nói chuyện với Giê-su vì ngài làm hỏng cuộc sống của tôi. Tôi rất giận Giê-su …” Nhưng giận Chúa Giê-su cũng có thể là một cách cầu nguyện; nó giống như nói với Chúa Giê-su: “Ngài nhìn đây này, nó làm con tức giận …” Chúa Giê-su thích nhìn thấy sự thật của tâm hồn chúng ta. Đừng giả vờ trước mặt Chúa Giê-su. Trước Chúa Giê-su, điều cần thiết là phải nói lên những điều mà chúng con cảm nhận. “Con có hoài nghi này, con không tin … Con có vấn đề này, rằng …” Hãy nói theo cách này, đây là một lời cầu nguyện tốt, và Ngài vô cùng kiên nhẫn, Người chờ đợi chúng ta.

Vài ngày trước, cha có nhận được một lá thư từ một thanh niên, anh ấy chắc phải cỡ 30 tuổi, và anh nói với cha rằng sau kinh nghiệm của một cuộc đính hôn thất bại, anh thấy vô cùng đau đớn. Anh nói câu này với cha: “Con bị tan vỡ rồi.” Chúng ta rất thường khi cảm thấy như vậy, bị tan vỡ trong lòng, tất cả tan vỡ, với sự nghi ngờ rất lớn trong lòng: tôi có thể làm được gì? Hãy nhìn lên Chúa Giê-su; than phiền với Ngài và tìm một người bạn để giúp mình đứng dậy. Luôn luôn như vậy, kể cả khi chúng ta vấp ngã — và trong cuộc sống chúng ta có những vấp ngã; tất cả chúng ta đều có — chúng ta phải giúp người đã vấp ngã đứng dậy. Và hãy nhớ rằng giây phút duy nhất được phép đứng nhìn một người từ trên cao đó là khi giúp người kia đứng dậy, ngược lại chúng ta không thể đứng nhìn với thái độ kẻ cả. Hãy dạy cho các em cả những điều này nữa! Cảm ơn chúng con.

Một thanh niên:

Thưa Đức Thánh Cha, bây giờ Greta và Maria Chiara sẽ dâng lên người những bức tranh vẽ của các thiếu nhi trong trường Tiểu học Piazza Forlanini, theo một dự án bác ái có tên “Eccediamo,” tặng những phần ăn nhẹ cho những người thiếu thốn.

[Dâng quà tặng – Đọc Kinh Kính mừng và Phép lành]

ĐTC Phanxico:

Và cầu nguyện cho cha nhé! Tuy nhiên, cha nhìn thấy có điều lạ lạ ở đây … Chúng con có biết làm dấu thánh giá đúng cách không? Cho cha xem nào … nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần,” và có người lại làm như vầy [ngài bắt chước làm dấu thánh giá sai cách]. Nào chúng ta cùng nhau làm dấu thật đúng cách! “Nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” Chúng con phải làm dấu như vậy. Tạm biệt chúng con. Cảm ơn chúng con!

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/4/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét