Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2019

Liên Hợp quốc: Tòa Thánh xót xa về tình trạng nạn đói tiếp tục lan rộng

Liên Hợp quốc: Tòa Thánh xót xa về tình trạng tiếp tục lan rộng nạn đói
UN TV Screenshot

Liên Hợp quốc: Tòa Thánh xót xa về tình trạng nạn đói tiếp tục lan rộng

‘Xóa đói nghèo và những vấn đề phát triển khác’

23 tháng Mười, 2019 18:12

Ngày 16 tháng Mười, Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc, có bài phát biểu trước Ủy ban Thứ Hai của Phiên họp thứ 74 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc về Chương trình Hành động Mục 22, nói về “Xóa đói nghèo và những vấn đề phát triển khác.” Bài phát biểu được đọc bởi Đức ông Fredrik Hansen.

Trong bài phát biểu, Đức Tổng Giám mục Auza bình luận về những tỷ lệ đói nghèo cao vẫn tồn tại trên thế giới ngày nay, đặc biệt trong các nước đang phát triển. Ngài nói rằng dù đã thông qua Chương trình Phát triển Bền vững 2030, thế giới vẫn chưa đi vào đúng con đường xóa nạn đói khổ cùng cực để đạt mục tiêu là thời điểm đề ra. Ngài đề cập đến một số yếu tố, bao gồm suy thoái kinh tế, xung đột, và thảm họa tự nhiên, đang ngăn chặn những cố gắng tiến bộ hướng đến việc xóa bỏ. Đức Tổng Giám mục Auza nhấn mạnh rằng nạn đói nghèo không chỉ là kết quả của việc thiếu phát triển kinh tế và đòi hỏi những biện pháp không chỉ riêng về kinh tế để thực hiện những thay đổi cần thiết. Giáo dục có chất lượng, việc làm, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, và những dịch vụ xã hội phải được đặt ở vị trí ưu tiên hàng đầu trong sự tiếp cận lấy con người làm trung tâm cho sự phát triển và xóa đói nghèo.


Toàn văn phát biểu của Đức Tổng Giám mục

Thưa ông Chủ tịch,

Chương trình Hành động Phát triển Bền vững 2030 là một chương trình đa phương trải rộng không chỉ giúp cho hơn 731 triệu người vẫn đang ở trong tình trạng đói nghèo cùng cực vượt qua được tình trạng nghèo khổ thấp hèn nhưng còn để vươn lên trên ranh giới nghèo bằng cách giải quyết nhiều nhân tố cần thiết cho sự phát triển toàn diện.

Cho dù đã có những tiến bộ đạt được từ khi thông qua Chương trình Hành động 2030, nhưng những tỷ lệ nghèo vẫn tiếp tục đáng báo động, đặc biệt trong các quốc gia kém phát triển (LDCs) và đặc biệt ở Châu Phi. Theo báo cáo mới nhất của Tổng Thư ký về việc Áp dụng Thập niên Liên Hợp quốc Thứ Ba nhằm xóa nạn đói nghèo (2018–2027), thế giới nói chung vẫn chưa đi vào đúng con đường xóa nạn đói khổ cùng cực cho đến năm 2030.[1] Thật vậy, gần 500 triệu người có thể vẫn ở trong tình trạng đói khổ bần cùng vào năm 2030.[2] Hơn nữa, những yếu tố phức tạp, trong đó có sự suy thoái kinh tế, những cuộc xung đột đang diễn ra, và những hậu quả bất lợi của biến đổi khí hậu và những thảm họa tự nhiên, đang làm trầm trọng thêm tình hình, với tình trạng giảm nghèo thậm chí bắt đầu trì trệ trong những quốc gia đang phát triển.

Thưa ông Chủ tịch,

Phái đoàn của tôi mong muốn nhấn mạnh rằng sự nghèo khổ không đơn thuần chỉ là tình trạng không được hưởng nền kinh tế phát triển. Thật ra nó là một hiện tượng đa chiều, do hậu quả từ những yếu tố có mối tương quan với nhau, thể hiện trong tất cả những chiều kích của đời sống con người, bao gồm những chiều kích giáo dục, xã hội, chính trị, văn hóa và tinh thần. Vì thế, xóa nghèo đòi hỏi những biện pháp không chỉ riêng về kinh tế nhằm gia tăng lượng tiền thu nhập trong một ngày để một người đủ sống. Kinh nghiệm thực tế và dữ liệu cho chúng ta thấy rằng sự phát triển thu nhập tính trên đầu người vẫn không đủ để làm giảm bớt nạn đói nghèo đáng kể.[3] Vì thế, những nỗ lực của chúng ta để xóa đói nghèo cần phải cân nhắc đến sự phát triển toàn diện của nhân vị trọn vẹn, và giải quyết thực tại phức tạp của nạn đói nghèo.

Về vấn đề này, một trong những lộ trình hiệu quả nhất để đẩy lùi đói nghèo là việc áp dụng và mở rộng những chính sách góp phần tạo việc làm và hỗ trợ công việc xứng đáng cho mọi người. Bước tiếp cận lấy con người làm trung tâm đặt quyền lợi và nhu cầu của người lao động, kể cả những người làm việc nhà, vào trọng tâm của các chính sách kinh tế, xã hội và phát triển là yếu tố quyết định để thúc đẩy những biện pháp tổng hợp để xóa đói nghèo, cũng như giữ cho hoạt động kinh tế nhằm phục vụ nhân vị và những mối quan hệ xã hội.

Giáo dục là một liều thuốc giải quyết định cho nạn đói nghèo và là chìa khóa cho sự vận động của xã hội và kinh tế. Bảo đảm sự tiếp cận bao gồm và công bằng đối với nền giáo dục có chất lượng là yếu tố quan trọng để cung cấp cho trẻ em, thanh thiếu niên nam nữ, phụ nữ và đàn ông không chỉ những kỹ năng giúp họ trở thành người công nhân có tay nghề, nhưng còn cung cấp cho họ những kỹ năng tâm hồn để giúp họ phát triển và phù hợp với nhân vị. Thật vậy, giáo dục những người trẻ bị gạt ra bên lề của sự phát triển kinh tế là một sự đóng góp giá trị và lâu bền để đưa họ thoát ra khỏi cảnh nghèo đói bần cùng, và làm cho họ trở thành những nhân tố thay đổi tích cực trong cộng đồng của họ.

Chăm sóc sức khỏe là một yếu tố then chốt khác trong việc xóa đói nghèo. Thế giới vẫn chưa hoàn thành được lời hứa của mình để giải quyết nhu cầu sức khỏe của tất cả mọi người. Một nửa dân số thế giới vẫn thiếu sự tiếp cận với việc chăm sóc sức khỏe căn bản và gần một trăm triệu người bị đẩy vào tình trạng bần cùng do những chi phí cho sức khỏe. Như báo cáo quan sát gần đây về việc áp dụng Universal Health Coverage (Chăm sóc sức khỏe toàn cầu) trên toàn thế giới cho thấy rõ, khi không có sự tiếp cận chăm sóc sức khỏe chung, người càng nghèo càng ít có khả năng tiếp cận với sự chăm sóc sức khỏe. Rõ ràng cộng đồng quốc tế phải tập trung nhiều hơn vào nhu cầu chăm sóc sức khỏe căn bản cho người nghèo nhất và những người có nguy cơ rất lớn bị bỏ rơi đằng sau.

Những hệ thống bảo vệ xã hội và cơ sở hạ tầng đáng tin cậy cũng đã chứng minh có hiệu quả cao trong việc giảm bớt nạn nghèo khổ và bất bình đẳng trên toàn thế giới. Vì thế, việc áp dụng những chính sách bảo vệ xã hội, bao gồm sản phụ và ích lợi gia đình, cũng như các chương trình hỗ trợ người thiếu thốn, phải tiếp tục được đặt vào trung tâm những nỗ lực của chúng ta nhằm xóa đói nghèo và thúc đẩy tính bao gồm hiệu quả của mọi thành phần trong xã hội.

Những chương trình nhằm mục tiêu bao gồm phải tập trung vào phụ nữ, bao gồm phụ nữ nông thôn, vì họ tiếp tục bị ảnh hưởng một cách mất cân đối bởi tình trạng đói nghèo và loại trừ ở nhiều quốc gia. Theo báo cáo mới nhất của Tổng Thư ký về Người Phụ nữ trong sự Phát triển,[4] cần phải có những nỗ lực lớn hơn để nâng cao cơ hội việc làm và đóng góp cho phụ nữ, để đạt được sự bình đẳng và công bằng trong lực lượng lao động, cũng như giảm bớt khoảng cách về mức lương. Cung cấp sự tiếp cận với nền giáo dục chất lượng cho phụ nữ và thiếu nữ, thúc đẩy sự hài hòa giữa việc làm và trách nhiệm gia đình, đẩy nhanh sự chuyển tiếp từ việc làm không chính thức sang việc làm chính thức cho phụ nữ, và chân nhận sự chăm sóc và công việc nhà không được trả lương nhưng đầy giá trị là vô cùng quan trọng để giải phóng phụ nữ thoát khỏi vòng xoáy nghiệt ngã của nạn đói nghèo và loại trừ.

Xin cảm ơn ông Chủ tịch.


1. A/73/298.

2. Ngân hàng Thế giới, Những triển vọng kinh tế toàn cầu, những căng thẳng ngày càng nhiều, 2019.

3. Đức Thánh Cha Phanxico, Diễn từ trước Đại Hội đồng LHQ, 25 tháng Chín năm 2015.

4. A/74/279.

Copyright © 2019 Permanent Observer Mission of the Holy See to the United Nations, All rights reserved.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/10/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét