Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2019

Kỷ niệm 50 năm linh mục của Đức Thánh Cha: một chức tư tế được đánh dấu bởi lòng thương xót

Kỷ niệm 50 năm linh mục của Đức Thánh Cha: một chức tư tế được đánh dấu bởi lòng thương xót
The Priest Jorge Mario Bergoglio © Vatican Media

Kỷ niệm 50 năm linh mục của Đức Thánh Cha: một chức tư tế mang dấu ấn của lòng thương xót

Đức Thánh Cha nói về thừa tác vụ này

13 tháng Mười Hai, 2019 17:48

Ngày 13 tháng Mười Hai năm 1969, bốn ngày trước sinh nhật lần thứ 33, Jorge Mario Bergoglio được thụ phong linh mục.

Đức Giáo hoàng Phanxico hiện tại đã lãnh nhận Bí tích này với nghi thức đặt tay của Đức Tổng Giám mục Giáo phận Cordoba, Đức ông Ramon Jose Castellano.

Theo tường thuật của Vatican News, chàng thanh niên Jorge đã khám phá ra ơn gọi của mình vào ngày 21 tháng Chín năm 1953, Lễ kính Thánh Mát-thêu, người thu thuế đã hoán cải khi Chúa Giê-su kêu gọi đi theo Người. Trong khi xưng tội, ngài đã cảm nghiệm sâu sắc lòng thương xót của Chúa, một niềm vui khiến ngài quyết định trở thành một linh mục.

Linh mục, người có lòng thương xót

Lòng Thương Xót Chúa đã ghi đậm dấu ấn trong cuộc đời linh mục của Đức Phanxico. Theo ngài, người linh mục bỏ lại mọi thứ, âm thầm cống hiến mình cho đời sống hàng ngày của cộng đồng, trao tặng sự sống của mình cho người khác; họ động lòng trắc ẩn trước đoàn chiên, như Chúa Giê-su khi Người thấy những con người mệt rã rời và kiệt sức như những con chiên không có người chăn.”

“Vì vậy, trong hình ảnh của Vị Mục tử Nhân lành, linh mục là một người có lòng thương xót và từ bi, gần gũi với mọi người và là người phục vụ của mọi người. Đây là một tiêu chí mục vụ mà tôi muốn nhấn mạnh: sự gần gũi. Sự gần gũi và phục vụ, nhưng gần gũi, đến gần. . . Bất cứ ai bị thương tích trong cuộc sống đều có thể tìm thấy sự chăm sóc và lắng nghe nơi người linh mục . . . Những vết thương cần được chữa lành — nhiều vết thương! Đây là thời gian của lòng thương xót (Huấn từ trước các linh mục xứ, Roma, 6 tháng Ba năm 2014).”

Thánh Thể, ý nghĩa của sự sống

Đức Thánh Cha tin rằng linh mục phải là một người lấy Đức Ki-tô là trung tâm của cuộc sống, chứ không phải bản thân mình. Đó là lý do tại sao ngài tỏ lòng biết ơn đối với các vị chủ tế trong việc cử hành Thánh Thể mỗi ngày. “Trong việc cử hành Bí tích Thánh Thể, hàng ngày chúng ta tìm thấy bản sắc người Mục tử của chúng ta. Mỗi khi chúng ta thật sự lấy lời của Chúa Giê-su làm lời cho riêng mình: ‘Này là Mình ta được trao ban cho các con,’” ngài trình bày trong cùng bài giảng.

“Đây là ý nghĩa sự sống của chúng ta, theo một cách đặc biệt đó là những lời mà chúng ta có được để làm mới lại những lời tuyên hứa khi chúng ta được Thụ phong” (Bài giảng Năm thánh các Linh mục, 3 tháng Sáu năm 2016).

Sứ vụ trong Tòa Giải tội

Ngoài ra, Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng các Mục tử của Giáo hội thi hành một phần quan trọng trong sứ vụ của họ trong tòa Giải tội, “Có những cách thức khác nhau giữa các linh mục giải tội cũng là điều bình thường, nhưng những khác biệt này không hàm ý nói đến bản chất, tức là giáo lý tinh tuyền và lòng thương xót,” Đức Thánh Cha nói về Bí tích Giải tội.

Đức Thánh Cha cũng cảnh báo rằng linh mục giải tội không nên thể hiện thái độ hoặc là “khắt khe” hoặc là “lỏng lẻo. “Người khắt khe rửa tay của mình, quả thật người đó gắn chặt vào lề luật được hiểu theo cách lạnh lùng và cứng nhắc,” trong khi người giải tội lỏng lẻo “rửa tay: nhìn bên người người đó biết thương xót, nhưng thực tế người đó không xét các vấn đề theo lương tâm một cách nghiêm túc, đánh giá thấp các tội. Lòng thương xót đích thực chịu trách nhiệm về con người, chú ý lắng nghe hối nhân, đến gần với hoàn cảnh của hối nhân, với lòng tôn trọng và sự thật, và đồng hành cùng anh ta trong hành trình hòa giải (Huấn từ trước các linh mục xứ, Roma, 6 tháng Ba, 2014).”

Người “cầu nguyện”

Vị Giám mục Roma cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong đời sống người Mục tử. “Trước hết, Linh mục là một người cầu nguyện. Chính từ sự mật thiết với Chúa Giê-su tuôn chảy đức ái. Chính sự kết hợp với Chúa giúp con người vượt qua vô số những cám dỗ của cái ác.”

Liên quan đến điều này, ngài nhấn mạnh, “quỷ tồn tại thật; hắn không phải là một chuyện hoang đường; hắn rất xảo quyệt, một kẻ dối trá, lừa gạt. Đức Phanxico mời gọi hãy trông lên Mẹ Maria, đọc Kinh Mân côi mỗi ngày, đặc biệt trong thời gian này, để bảo vệ Giáo hội khỏi những cuộc tấn công của ma quỷ là những kẻ muốn mang đến sự chia rẽ (Thư gửi các linh mục nhân Kỷ niệm 160 năm ngày mất của Thánh Cure of Ars).”

Đời sống hàng ngày và ngày Phán xét chung 

Đức Thánh Cha tin rằng linh đạo của một linh mục cũng thể hiện trong cuộc sống hàng ngày, một “tiếng nói ngôn sứ” trước những sự áp bức ngược đãi người nghèo và người cô thế. Ngài nói, Giáo hội “không thể và không được đứng ngoài cuộc đấu tranh cho công bằng,” tôn giáo xa cách, như một số người muốn nó là sự ‘mật thiết riêng tư của con người,’ chẳng ảnh hưởng đến đời sống xã hội và quốc gia’ (Tông huấn Evangelii Gaudium, 183), ngài nói rằng Nước Thiên Chúa bắt đầu từ đây, trên trái đất, và đó là nơi chúng ta tìm thấy Chúa Giê-su.

Trong dòng tư tưởng này, ngài lưu ý rằng Ngày Phán xét chung sẽ tập trung chính vào những gì chúng ta đã làm cho Đức Ki-tô nơi người nghèo, người bệnh, người xa lạ, người bị giam cầm (Mt 25) và, như Thánh Gioan Phaolo II đã phân tích, chúng ta sẽ bị phán xét bởi sự yêu thương; nhưng tình yêu không thể tồn tại mà không có công bằng.

Những vụ lạm dụng

Đức Phanxicô cũng đề cập đến sự lạm dụng của các linh mục, bày tỏ sự gần gũi với các nạn nhân. Tuy nhiên, ngài cũng nhớ đến những người phải gánh chịu trách nhiệm về những tội ác mà họ không gây ra.

Ngài cũng cho thấy rõ rằng “thật bất công khi không nhận thấy, theo cách kiên định và trung thực, nhiều linh mục đã cho đi tất cả bản thân và những gì họ có vì lợi ích của tha nhân.”

Có những Mục tử “biến cuộc đời của mình thành một mối phúc thương xót trong các khu vực hoặc những hoàn cảnh thường không mến khách, xa xôi hoặc bị bỏ rơi, có cả nguy cơ mất chính mạng sống của họ”, là những người mà ngài cảm ơn vì “tấm gương can đảm trung kiên” của họ, và khuyên nhủ họ không nản chí. “Đức Chúa đang làm tinh tuyền Hiền thê của Người và Người đang hoán cải tất cả chúng ta về với Người (Thư gửi các linh mục nhân Kỷ niệm 160 năm ngày mất của Thánh Cure of Ars).”

Sự kiệt sức

Đức Thánh Cha nói rằng ngài suy nghĩ rất nhiều về sự kiệt sức của các tư tế: “Cha suy nghĩ rất nhiều và thường xuyên cầu nguyện, nhất là khi chính cha là người mệt mỏi. Cha cầu nguyện cho những người trong anh em đang làm việc ở giữa Dân trung thành của Chúa, là những người được trao phó cho anh em, và nhiều anh em đang ở những nơi bị lãng quên và nguy hiểm. Thưa anh em linh mục, và sự kiệt sức của chúng ta giống như khói hương trầm lặng lẽ bay lên Thiên đàng. Sự kiệt sức của chúng ta dâng thẳng lên Thánh tâm của Chúa Cha.”

Và ngài nói thêm rằng sự kiệt sức là tốt, vì nó là kết quả của việc ở giữa mọi người, vì đó là “sự kiệt sức của người linh mục mang mùi của đàn chiên,” với ý thức rằng “chỉ có tình yêu là bền vững (Bài giảng trong Thánh lễ Truyền Dầu, Ngày 2 tháng Tư năm 2015).

Niềm vui và khiếu hài hước

Ngoài ra, Đức Phanxico nhắc nhở các Mục tử rằng “thánh nhân có thể sống với niềm vui và khiếu hài hước”, và đó là một niềm vui đến từ sự kết hiệp với Chúa Giê-su và tình huynh đệ.

Trong một phỏng vấn dành cho TV2000 năm 2016, ngài nói: “khiếu hài hước là một ân sủng mà tôi cầu xin mỗi ngày,” vì “nó làm bạn thư thái, nó khiến bạn nhìn thấy cuộc sống tạm thời này như thế nào và đón nhận mọi điều với tinh thần của một linh hồn được cứu rỗi. Nó là thái độ của con người, nhưng nó lại gần nhất với ân sủng của Thiên Chúa.

“Bài giảng, giảng thuyết tích cực”

Về các bài giảng, Vatican News cho biết rằng Đức Giáo hoàng thường nhấn mạnh đến tầm quan trọng rằng các linh mục phải chuẩn bị bài giảng thật tốt Ngài cũng mời gọi các linh mục thuyết giảng không mang tính trình diễn nhưng cũng không phải là một bài thuyết giáo gò bó.

Ngài nói, điều này hàm ý có khả năng nói “những lời làm bừng cháy các tâm hồn, với ngôn ngữ tích cực: không nói quá nhiều về những gì chúng ta không được phép làm nhưng là đề nghị những gì chúng ta có thể làm tốt hơn, vì sự giảng thuyết tích cực luôn mang lại hy vọng, hướng đến tương lai, và không để chúng ta bị bủa vây trong tính tiêu cực (Tông huấn Evangelii Gaudium, 159).”

Hỗ trợ và cầu nguyện

Cuối cùng, Vatican News nhấn mạnh rằng Đức Giám mục của Roma yêu cầu các linh mục luôn luôn gần gũi với mọi người, nhưng ngài cũng kêu gọi các tín hữu hỗ trợ các linh mục. “Thưa anh chị em giáo dân, hãy đồng hành với các linh mục của anh chị em với lòng yêu mến và lời cầu nguyện để các ngài luôn là Mục tử theo trái tim của Chúa (Bài giảng trong Thánh lễ Truyền Dầu, Ngày 28 tháng Ba năm 2013).”

Trong bức thư viết nhân dịp kỷ niệm quan trọng này, Đức ông De Donatis, Đại diện của Giáo hoàng cho Giáo phận Roma, nhắc lại những lời xin cầu nguyện liên tục của Đức Thánh Cha ở cuối các bài huấn từ: ‘Xin đừng quên cầu nguyện cho cha.’ Đây là những lời kết thúc của Kinh Truyền Tin mỗi Chúa nhật từ cửa sổ nơi làm việc của ngài, trong mỗi cuộc gặp gỡ, trong mọi khoảnh khắc.”



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/12/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét