Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016

Đức Thánh Cha nói các vị tử đạo là chứng tá đức tin, không chỉ là nạn nhân của sự diệt chủng

Đức Thánh Cha nói các vị tử đạo là chứng tá đức tin, không chỉ là nạn nhân của sự diệt chủng

Pope Francis looks out on the crowd during a special jubilee audience in St. Peter's Square at the Vatican June 18. The pope is holding additional audiences during the Holy Year of Mercy. (CNS/L'Osservatore Romano)
Đức Thánh Cha Phanxico nhìn xuống đám đông trong buổi triều yết chung năm thánh đặc biệt tại Quảng trường Thánh Phê-rô hôm 18 tháng 6. Đức Thánh Cha tổ chức thêm những buổi triều yết chung trong suốt năm thánh Lòng thương xót. (CNS/L’Osservatore Romano)
Cindy Wooden
Catholic News Service
VATICAN CITY (CNS) — Sử dụng từ “diệt chủng” để miêu tả tình trạng bách hại người Ki-tô hữu ở Trung Đông có nguy cơ làm giảm lòng can đảm và chứng tá của những người mạnh dạn tuyên xưng đức tin vào Chúa Giê-su Ki-tô ngay cả khi phải đối mặt với cái chết, Đức Thánh Cha Phanxico nói.
“Tôi muốn nói rõ rằng tôi không thích khi người ta nói đến một ‘sự diệt chủng người Ki-tô hữu,’ ví dụ như ở Trung Đông,” Đức Thánh Cha nói, khi ngài trả lời cho câu hỏi hôm 18 tháng 6. Ngài nói, khi gọi tình trạng bách hại là “sự diệt chủng” là dùng cách phân biệt thuộc pháp lý và xã hội để nói về “tính huyền nhiệm của đức tin: sự tử đạo.”
Cha dòng Tên Federico Lombardi, phát ngôn viên của Vatican, nói rằng Đức Thánh Cha Phanxico “không nói về cách sử dụng thuật ngữ “sự diệt chủng” trên phạm vi chính trị, nhưng trên phạm vi đức tin. Khi áp dụng vào sự bách hại người Ki-tô hữu ở Trung Đông, chiều kích của đức tin là rất quan trọng,” đặc biệt khi các nạn nhân bị giết không phải vì họ tuyên tín vào Đức Ki-tô.
Đức Thánh Cha Phanxico dành ra hơn 1 giờ đồng hồ để trả lời những câu hỏi trong một chuyến thăm Làng Nazaret của Roma vào buổi chiều, một nơi ở dành cho các sinh viên và là trụ sở của một Tổ chức Quỹ giúp những sinh viên tài năng không có đủ điều kiện tài chính để tiếp tục việc học.
Được hỏi là bằng cách nào để giới trẻ có thể tìm được sự can đảm sống đức tin, Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng Tin mừng kêu gọi các Ki-tô hữu làm chứng tá cho đức tin của mình trong Chúa Ki-tô và cho sự thật là Người đã chết để cứu chuộc cho tội nhân “nhưng Người vẫn đang sống,” và hoạt động trong đời sống của các cá nhân và cộng đoàn.
Ngài nói sự tử vì đạo là một cách diễn tả đầy đủ nhất chứng tá của người Kit-tô hữu. “Nó đạt đến cực đỉnh, là rất anh dũng.”
Nhắc lại sự tử vì đạo của 21 người Ki-tô hữu Ai cập trên bãi biển Lybia năm 2015 do Nhà nước Hồi giáo gây ra, Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng không ai trong số họ là các nhà thần học, “nhưng họ là những tiến sĩ của lòng kiên cường Ki-tô giáo; họ là những chứng tá của đức tin.”
Lòng trung tín với Đức Ki-tô và sống đời sống chứng tá đòi hỏi hy sinh, tuy rằng không phải lúc nào cũng là cái chết, ngài nói. Nó đòi hỏi rất nhiều những hành động hy sinh vì đạo nho nhỏ, “sự hy sinh vì đạo từ lòng trung thực, sự hy sinh vì đạo từ sự kiên nhẫn, từ việc nuôi dạy con cái, từ lòng chung thủy trong tình yêu trong khi nó rất dễ làm chúng ta đi theo con đường khác.”
“Chúng ta là những tội nhân được Chúa Giê-su yêu thương và chữa lành, hoặc là những người đang trong tiến trình được chữa lành,” Đức Thánh Cha nói. Nhận ra được tình trạng tội lỗi của mình và sự sâu thẳm của lòng thương xót của Chúa là rất quan trọng để trở nên chứng tá đích thực.
Đưa ra lời xin lỗi trước, Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng những người oai vệ đi đây đi đó giống như những con công trông có thể rất ấn tượng, nhưng đàng sau họ chúng ta nhìn thấy cả một sự bừa bộn họ để lại. “Xin lỗi,” ngài nói, “nhưng đó là sự thật về con công.”
Được hỏi về tình trạng kinh tế, thất nghiệp và di cư, Đức Thánh Cha Phanxico nhắc lại những gì ngài đã viết trong tông huấn “Niềm vui Tin mừng” năm 2013: “Ngày nay đang có một nền kinh tế diệt trừ.”
“Trong một thế giới toàn cầu, trung tâm điểm của kinh tế, không phải là con người, nhưng là chúa tể đồng tiền. Và chúa tể này đang diệt trừ chúng ta,” ngài nói với các sinh viên.
Đức Thánh Cha nói, tìm được công việc với đồng lương ngoài luật pháp (ND: nguyên ngữ “under the table” - dưới gầm bàn), hay chỉ là những hợp đồng ngắn hạn thời vụ không có bảo hiểm, không chế độ hưu, không nghỉ hè — “đây là lao động nô lệ.” Những nhà tuyển dụng biết rằng họ luôn luôn có thể tìm được những công nhân sẵn sàng làm việc trong những điều kiện như vầy và vì thế họ lợi dụng con người, họ tạo nên “sự bất công rất lớn và chúng ta phải nói rõ rằng: đây là tội phải chết đời đời.”
Ngài nói, “Chiến tranh là một ngành kinh doanh đang làm ra nhiều tiền nhất. Tại sao? Vì nó là một ngành kinh doanh lớn. Nó là chúa tể đồng tiền.”
Sự thật là quá khó để đưa những trợ giúp nhân đạo đến cho những nạn nhân vô tội của chiến tranh, nhưng vũ khí lại có thể qua lại dễ dàng giữa các biên giới cho thấy rằng đồng tiền là quan trọng hơn mạng sống con người, ngài nói. “Hệ thống kinh tế theo cách nó đang hoạt động ngày nay trên thế giới là vô lương.”
Một thanh niên đặt câu hỏi liên quan đến những nghi ngờ về đời sống đức tin của con người, anh ta hỏi Đức thánh Cha có bao giờ phải chiến đấu với đức tin của ngài.
“Đây là câu con muốn hỏi đức thánh cha hở? Can đảm thật đấy!” Đức Thánh Cha Phanxico trả lời với nụ cười.
“Nhiều lần lắm cha thấy mình bị rơi vào sự khủng hoảng đức tin,” hoặc là đặt câu hỏi tại sao Thiên Chúa lại cứ để những chuyện như vậy xảy ra hay thậm chí thắc mắc không biết đấy có phải là chân lý không, ngài nói. “Điều này đã xảy ra khi cha là một thanh niên, một chủng sinh, một linh mục, một tu sĩ, một giám mục và là một giáo hoàng.”
“Một Ki-tô hữu nếu không bao giờ có những cảm giác như vầy lúc này lúc kia, nếu đức tin chưa bao giờ rơi vào khủng hoảng, thì họ đang bị mất một cái gì đó” và có thể là quá toại nguyện, Đức thánh Cha nói. Một sự khủng hoảng tạo ra những câu hỏi và sự lớn mạnh.
“Cha hiểu rằng một Ki-tô hữu không nên e sợ phải trải qua sự khủng hoảng. Đó là dấu hiệu cho thấy họ đang tiến tới, cho thấy họ không cắm neo tại bờ biển, nhưng họ khởi hành và tiến ra khơi,” ngài nói.

[Nguồn: cntopstories.com]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 21/06/2016]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét