Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016


pope francis

Một Thần khí bị rào chắn

· Thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta ·

30 tháng 5, 2016
“Tiên tri, ký ức và cậy trông”: ba đặc tính này giải phóng một con người; ba đặc tính giải phóng con người và Giáo hội, tránh cho Giáo hội không bị trở thành một “hệ thống lề luật khép kín” để nhốt Chúa Thánh Thần vào một cái khung rào chắn. Đây là thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxico trong thánh lễ sáng thứ Hai 30 tháng 5, trong nhà nguyện Santa Marta.
“Rõ ràng là Chúa Giê-su muốn nói về ai trong dụ ngôn này: về những thầy tư tế, những kinh sư và các trưởng lão”, Đức thánh Cha ngay lập tức gây nhấn mạnh, khi nói về đoạn Tin mừng theo thánh Mác-cô (12:1-12) trong bài đọc hôm nay. “Với con người,” Thiên Chúa sử dụng “hình ảnh vườn nho”, trong Kinh Thánh tượng trưng cho hình ảnh dân Chúa, hình ảnh của Giáo hội và cũng là hình ảnh của linh hồn chúng ta.” Và vì thế, Đức Thánh Cha Phanxico giải thích, “Thiên Chúa chăm sóc vườn nho, Người dựng rào xung quanh, Người đào một hố để ép nho và xây một cái tháp.”
Qua công việc này chúng ta có thể nhận ra thật rõ ràng “tất cả tình yêu và lòng nhân hậu của Thiên Chúa trong việc xây dựng nên dân tộc của Người: Thiên Chúa luôn làm việc này bằng tất cả tình yêu và lòng nhân hậu.” Và “Người luôn nhắc nhớ dân Người về những thời điểm họ trung thành với Người, khi họ đi theo Người trong sa mạc và khi họ đi tìm Thánh nhan Người.” Tuy nhiên, “khi tình hình đảo ngược và dân Người nắm giữ được ân sủng từ Thiên Chúa,” thì họ lại hô lên: “Chính chúng ta, chúng ta được tự do rồi!” Con người “không hề suy nghĩ, họ không nhớ rằng họ đã được tạo dựng nên bởi bàn tay và tình yêu của Thiên Chúa, và theo cách này họ trở thành một dân tộc không có ký ức, một dân tộc không có tiên tri và không có sự cậy trông.”
Vì thế Chúa Giê-su đề cập đến “những nhà lãnh đạo dân tộc” cùng với “dụ ngôn này: một dân tộc không có ký ức đã quên đi những ân sủng, những quà tặng; và quy cho đó là của họ: chúng ta có thể!” Kinh Thánh đã nhiều lần nói đến “những người chịu khổ hình và các tiên tri,” Đức Thánh Cha nói, và “Chính Đức Giê-su đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ký ức: một dân tộc không biết ghi nhớ không phải là một dân tộc, họ quên nguồn cội của họ, và họ quên lịch sử của họ.
Trong sách Đệ nhị luật, Môi-sen đã nhắc đi nhắc lại điểm này nhiều lần: “Các ngươi phải ghi nhớ, phải ghi nhớ!” Thực ra, đó là “quyển sách ký ức của một dân tộc, dân tộc Israel; Nó là quyển sách ký ức của Giáo hội, nhưng nó cũng là quyển sách ký ức của mỗi cá nhân chúng ta.” Nó chính xác là “chiều kích Đệ nhị luật” của cuộc sống – cuộc sống của một dân tộc hay cuộc sống của một con người – là luôn luôn phải quay trở về với nguồn cội để có thể nhớ lại và tránh phạm những lỗi lầm trên đường đi.” Tuy nhiên, dân tộc mà Chúa Giê-su muốn nói tới trong dụ ngôn “đã đánh mất ký ức: họ đã đánh mất ký ức về những ân sủng, ân sủng của Thiên Chúa Đấng đã tạo dựng nên họ.”
“Đã đánh mất ký ức nên họ trở thành một dân tộc không thể có chỗ để đón tiếp các tiên tri,” Đức Thánh Cha tiếp tục. Chính Chúa Giê-su “nói cho họ biết rằng họ đã giết chết các tiên tri, vì các tiên tri làm cản trở, các tiên tri luôn luôn nói những điều chúng ta không muốn nghe.” Và vì thế, “Daniel đã phải than khóc ở Babylon: ‘Ngày nay, chúng ta không có các tiên tri!’” Các từ ngữ này chứa đựng sự thật là “một dân tộc không có các tiên tri,” là những người chỉ ra “con đường cho họ và nhắc nhở họ: tiên tri là người giữ ký ức và giúp chúng ta tiến bước.” Đó là lý do tại sao “Chúa Giê-su đã nói với những người lãnh đạo dân tộc: ‘Các ông đã mất đi ký ức, và các ông không có các tiên tri. Hay đúng hơn là: khi lợi lộc đến, các ông đã giết họ!”
Vả chăng, thái độ của các nhà lãnh đạo dân tộc đã rõ ràng: “Chúng tôi không cần các tiên tri, chúng tôi đã có chính mình!” Nhưng “nếu không ó ký ức hay tiên tri,” Đức Thánh Cha cảnh báo, “họ trở thành một dân tộc không có hy vọng, một dân tộc không có các chân trời mở ra, một dân tộc khép kín lại cho chính mình, họ không mở rộng tâm hồn ra trước những lời hứa của Thiên Chúa, họ không chờ đợi lời hứa của Thiên Chúa.” Vì thế “một dân tộc không có ký ức, không có tiên tri và không có hy vọng: đây là những gì các tư tế, các kinh sư và các trưởng lão đã tạo nên một dân tộc Israel.”
Vậy “đức tin ở đâu?”, Đức Thánh Cha Phanxico hỏi. “Trong đám đông,” ngài trả lời, nhấn mạnh rằng trong Kinh thánh chúng ta đọc thấy: “Họ đã cố gắng bắt Người, nhưng họ sợ đám đông.” Thực ra, “những người đó hiểu được sự thật, và ở giữa những tội lỗi của họ, họ vẫn có ký ức, họ mở lòng ra trước các lời tiên tri và tìm kiếm hy vọng.” Một ví dụ trong khía cạnh này là “hai người già Simeon và Anna, là những người của ký ức, tiên tri và cậy trông.”
Tuy nhiên, “các người lãnh đạo dân tộc” lại luật hóa những ý nghĩ của họ bằng cách vây xung quanh họ là “các luật sĩ, các tiến sĩ luật, và họ sử dụng một hệ thống luật để rào chắn lại.” Tôi tin rằng, Đức Thánh Cha nói, “họ có gần 600 điều luật.” Bằng cách này, suy nghĩ của họ được “bó khung và bảo vệ,” với suy nghĩ rằng “những ai cứ làm như vậy thôi là được cứu rỗi; còn những gì khác chẳng đáng quan tâm, ký ức không làm chúng tôi quan tâm.” Với vấn đề “lời tiên tri: tốt hơn là các tiên tri đừng đến.” Thế còn “Hy vọng? À, rồi mọi người sẽ thấy nó.” Đây là hệ thống mà họ dùng để bào chữa: các tiến sĩ luật, các nhà thần học luôn luôn chọn con đường nghiên cứu tình huống và không cho phép Thánh thần tự do hoạt động; Họ không nhận ra được ân sủng của Thiên Chúa, ân sủng của Thánh Thần, và họ đặt Thánh thần vào trong một khung lồng, vì họ không cho phép lời tiên tri trong sự cậy trông.”
Đây đích thực là “hệ thống tôn giáo và Chúa Giê-su đang nói tới.” Một hệ thống “tha hóa, trần tục và đam mê xác thịt,” như chúng ta thấy trong đoạn trích thư thứ hai của thánh Phê-rô (1:2-7), trong bài đọc một. Ngay cả Chúa Giê-su, chính Người cũng bị cám dỗ làm mất ký ức của sứ mệnh của Người, không dành chỗ cho lời tiên tri, và chọn sự an toàn hơn là hy vọng.” Theo ngữ cảnh này Đức thánh Cha nhắc lại “3 cám dỗ trong hoang mạc: ‘Hãy làm phép lạ và thể hiện quyền năng của Người!’ ‘Gieo mình xuống từ đền thờ để mọi người sẽ tin!’ ‘Hãy thờ phụng tôi!’”
“Vì Chúa Giê-su chính Người biết cám dỗ đó là của một “hệ thống khép kín,” Người quở trách những con người này là “đi hết nửa vòng trái đất để tìm được một người trở lại” rồi biến người đó thánh một “nô lệ.” Và đây là cách mà “những con người chuẩn mực này, Giáo hội chuẩn mực này, tạo ra các nô lệ.” Vì thế “chúng ta mới hiểu được sự phản ứng của Thánh Phê-rô, khi ngài nói về sự nô lệ lề luật và sự tự do ban cho bạn ơn sủng.” Bởi vì “một dân tộc được tự do, một Giáo hội được tự do khi họ nhớ đến, khi họ dành chỗ cho các tiên tri, khi họ không mất niềm hy vọng.”
“Chúa Giê-su cũng dạy bài học này cho đời sống riêng của chúng ta,” Đức thánh Cha Phanxico kết luận, gợi ý rằng chúng ta nên tự vấn lương tâm: “Tôi có nhớ đến những kỳ công Thiên Chúa đã làm trong đời tôi? Tôi có nhớ đến những ân sủng của Thiên Chúa? Tôi có khả năng mở rộng tâm hồn đón nhận các tiên tri, và những lời dạy bảo của các ngài cho tôi: ‘Việc này sai rồi, bạn phải tới đó, hãy tiến tới, hãy cứ mạo hiểm,’ như các tiên tri đã  làm? Tôi có mở tâm hồn để đón nhận hay tôi sợ hãi, thích khóa nhốt mình trong một cái lồng lề luật? Và cuối cùng: “Tôi có cậy trông vào lời hứa của Thiên Chúa không, như cha của chúng ta là Abraham thuở xưa, người đã bỏ nhà ra đi mà không biết mình phải đi đâu, chỉ vì người cậy trông vào Chúa?”
[Nguồn: osservatoreromano]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 31/05/2016]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét