Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

Triều Yết chung của Đức Thánh Cha: ‘Sám hối thật sẽ mở lối chúng ta đến với những người thiếu thốn nhất’

Triều Yết chung của Đức Thánh Cha: ‘Sám hối thật sẽ mở lối chúng ta đến với những người thiếu thốn nhất’

18-06-2016 Vatican Radio

Triều yết chung
(Vatican Radio)  Đức Thánh Cha tổ chức Buổi Triều Yết Năm thánh đặc biệt của ngài cho tháng Sáu tại Quảng trường Thánh Phê-rô hôm thứ Bảy, suy tư về lời kêu gọi sám hối của Chúa Giê-su, sự sám hối được diễn tả không phải trong sự phán xét nhưng là trong sự gần gũi với các tội nhân và lòng thương xót đối với những ai đang thiếu thốn.
Suy niệm ý nghĩa bài trích Tin mừng kể việc Chúa Giê-su Phục sinh gặp gỡ các môn đệ trên đường đi E-mau, Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng tiếng kêu gọi sám hối của Chúa Giê-su là một sự trải nghiệm của tình yêu không điều kiện sẽ dẫn dắt chúng ta biết mở lòng ra với tha nhân, đặc biệt là với người nghèo.
Ngài nói rằng chủ đề sám hối hiện diện xuyên suốt trong Kinh thánh, đặc biệt trong thông điệp của các ngôn sứ là những người luôn mời gọi con người ‘quay trở về với Thiên Chúa.’
“Sám hối đối với các ngôn sứ có nghĩa là thay đổi hướng đi và một lần nữa quay trở về với Thiên Chúa, tín thác rằng Người yêu thương chúng ta và tình yêu của Người mãi luôn trung tín.”
Ngài nói rằng Chúa Giê-su tập trung vào chiều kích nội tâm của sự sám hối nhiều hơn các ngôn sứ, từ “ăn năn” là từ đầu tiên trong sứ vụ rao giảng của Người, như chúng ta tìm thấy trong Tin mừng Mác-cô: “Hãy sám hối, và tin vào Tin mừng” (Mc 1,15).
Đức Thánh Cha tiếp tục nói rằng lời kêu gọi sám hối của Chúa Giê-su được mô tả không phải trong sự phán xét nhưng là trong sự gần gũi với các tội nhân và lòng thương xót dành cho những người thiếu thốn.
“Khi Chúa Giê-su kêu gọi sám hối, Người không đặt mình lên trên như một quan tòa phán xét người ta, nhưng Người kêu gọi trên cương vị của  một người thân thiết, vì Người cùng chia sẻ tình trạng của con người, và những lời kêu gọi từ đường phố, từ gia đình, từ cái bàn … Lòng thương xót dành cho những ai đang cần thay đổi cuộc sống xảy ra qua sự hiện diện đầy yêu thương của Người, để kéo mỗi người vào trong lịch sử cứu rỗi của Người. Bằng cách này Chúa Giê-su đã đụng chạm đến tận sâu thẳm tâm hồn của con người và họ cảm thấy bị cuốn hút bởi tình yêu của Thiên Chúa và được mời gọi để thay đổi cuộc sống của họ.”
Đức Thánh Cha Phanxico kết luận rằng sự trải nghiệm tình yêu vô điều kiện trong Chúa Giê-su mở lối cho chúng ta đến được với lòng sám hối thật, lòng sám hối đó bắt phải mở lòng ra với tha nhân, đặc biệt là người nghèo.
“Lòng sám hối thật chỉ xảy ra khi chúng ta nhận được món quà ân sủng, và một dấu chỉ rõ ràng của nó là khi chúng ta trở nên ý thức trước những nhu cầu của anh em chúng ta, và sẵn sàng lại gần với họ. […] Vì thế, chúng ta hãy bước theo lời mời gọi này của Thiên Chúa và chúng ta không từ bỏ sự bền chí, vì chỉ khi nào chúng ta mở tâm hồn cho lòng thương xót thì chúng ta mới tìm được sự sống và niềm vui thực sự.”
Dưới đây là bản dịch tiếng Anh của Vatican Radio bài giảng huấn Triều Yết của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Sau khi Phục sinh, Chúa Giê-su đã nhiều lần hiện ra với các tông đồ trước khi tiến đến vinh quang của Chúa Cha. Bài trích sách Tin mừng mà chúng ta vừa nghe (Lc 24,45-48) kể về một trong những lần hiện ra này, trong đó Chúa Giê-su chỉ ra nội dung nền tảng của thông điệp mà các tông đồ sẽ phải loan truyền cho thế giới. Chúng ta có thể tóm tắt lại bằng 2 cụm từ: “sám hối” và “sự tha thứ tội lỗi.” Đây là hai đặc tính tương đồng của lòng Chúa thương xót, lòng thương xót chăm sóc chúng ta trong tình yêu. Hôm nay chúng ta sẽ bàn đến lòng sám hối.
Chủ đề này xuất hiện xuyên suốt trong Kinh thánh và, theo một cách đặc biệt, trong lời dạy bảo của các ngôn sứ, các ngài liên tục mời gọi con người “trở về với Thiên Chúa”, kêu gọi họ tha thứ và thay đổi cách sống. Theo các ngôn sứ, sám hối nghĩa là thay đổi hướng đi và một lần nữa quay trở về với Thiên Chúa, tín thác rằng Người yêu thương chúng ta và tình yêu của Người mãi luôn trung tín.
Chúa Giê-su đã dùng từ sám hối làm từ ngữ đầu tiên trong lời dạy bảo của Người: “Hãy sám hối, và tin vào Tin mừng” (Mc 1,15). Ngài bày tỏ mình ra với mọi người bằng chính lời tuyên xưng này, Ngài kêu gọi họ hãy chấp nhận lời Người là lời chung cuộc và là lời chân lý của người Cha Chung của nhân loại (Mc 12,1-11). So sánh với những lời dạy bảo của các ngôn sứ, Chúa Giê-su nhấn mạnh nhiều hơn vào chiều kích nội tâm của lòng sám hối. Thật vậy, tất cả con người phải thuộc về nó, tâm hồn và trí óc, để có thể trở thành một con người mới.
Khi Chúa Giê-su kêu gọi sự sám hối, Người không đặt mình lên trên như một quan tòa phán xét người ta, nhưng Người kêu gọi trên cương vị của  một người thân thiết, vì Người cùng chia sẻ tình trạng của con người, và những lời kêu gọi từ đường phố, từ gia đình, từ cái bàn … Lòng thương xót dành cho những ai đang cần thay đổi cuộc sống xảy ra qua sự hiện diện đầy yêu thương của Người, để kéo mỗi người vào trong lịch sử cứu rỗi của Người. Bằng cách này Chúa Giê-su đã đụng chạm đến tận sâu thẳm tâm hồn của con người và họ cảm thấy bị cuốn hút bởi tình yêu của Thiên Chúa và được mời gọi để thay đổi cuộc sống của họ. Ví dụ, sự sám hối của Mát-thêu (Mt 9,9-13) và ông Za-kêu (Lc 19,1-10) đều xảy ra đúng như vậy, vì họ cảm thấy được Chúa Giê-su yêu, và qua Người, họ thấy được Chúa Cha yêu. Lòng sám hối thật xảy ra được khi chúng ta nhận được món quà ân sủng, và một dấu chỉ rõ ràng của nó là khi chúng ta trở nên ý thức trước những nhu cầu của anh em chúng ta, và sẵn sàng lại gần với họ.
Anh chị em thân mến, đã có bao nhiêu lần chúng ta cũng cảm thấy cần phải thực hiện một sự thay đổi để làm chúng ta nên toàn tâm toàn ý! Đã bao nhiêu lần chúng ta tự nhủ: “Tôi cần phải thay đổi, tôi không thể tiếp tục theo con đường này. Cuộc sống của tôi theo con đường này sẽ không sinh hoa lợi; nó sẽ là một cuộc sống vô ích và tôi sẽ không hạnh phúc.” Những ý nghĩ như vậy có thường đến trong đầu tôi không! Và Chúa Giê-su, Người ở bênh cạnh ta, đưa bàn tay Người ra và nói, “Hãy đến, hãy đến với ta. Ta sẽ làm việc đó: ta sẽ thay đổi tâm hồn của con, ta sẽ thay đổi cuộc sống của con, ta sẽ làm con hạnh phúc.” Nhưng liệu chúng ta có tin điều này không, có hay không? Anh chị em nghĩ sao: anh chị em tin hay không tin? Bớt vỗ tay và lên tiếng nhiều hơn! Anh chị em có tin hay không tin? ‘Có!’ Như vậy đó. Chúa Giê-su ở cùng chúng ta và mời gọi chúng ta thay đổi đời sống. Chính Người, cùng với Thánh Thần, gieo hạt giống thao thức này trong chúng ta để thay đổi đời sống và trở nên tốt hơn. Vì vậy, chúng ta hãy đi theo lời mời gọi này của Thiên Chúa và chúng ta không từ bỏ sự bền chí, vì chỉ khi nào chúng ta mở tâm hồn cho lòng thương xót thì chúng ta mới tìm được sự sống và niềm vui thực sự.

[Nguồn: news.va]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 19/06/2016]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét