Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

Triều Yết Chung: Hãy nên Hoàn thiện (thương xót) như Cha các con Trên trời là Đấng Hoàn thiện (thương xót)

Triều Yết Chung: Hãy nên Hoàn thiện (thương xót) như Cha các con Trên trời là Đấng Hoàn thiện (thương xót)

“Thánh Luca nói rõ rằng sự hoàn thiện là tình yêu thương xót: nên hoàn thiện là giàu lòng thương xót”
21 tháng 9, 2016
General Audience 9.21.2016
L'Osservatore Romano
Dưới đây là bản dịch của ZENIT bài giảng huấn trong buổi triều yết sáng nay của Đức Thánh Cha trong Quảng trường Thánh Phê-rô.
__
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Chúng ta đã nghe đoạn Tin mừng theo Thánh Luca (6:36-38) trong đó có câu phương châm của Năm thánh Đặc biệt này được trích ra: Hãy thương xót như Chúa Cha. Toàn câu văn diễn tả là: “Hãy thương xót, như Cha các con là Đấng hay thương xót” (c. 36). Đây không phải là câu khẩu hiệu để tạo ra hiệu ứng, nhưng là một cam kết của cuộc sống. Để hiểu rõ được câu này, chúng ta có thể so sánh với cùng một đoạn trong Tin mừng Mát-thêu, trong đó Chúa Giê-su nói: “Vậy, anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (5:48). Trong bài giảng trên núi, mở ra Tám Mối Phúc, Chúa dạy rằng sự hoàn thiện chứa đựng trong tình yêu, trong sự thực thi trọn vẹn các Giới luật. Với cùng một cái nhìn như vậy, Thánh Lu-ca chỉ rõ rằng sự hoàn thiện là tình yêu thương xót: trở nên hoàn thiện là trở nên thương xót. Liệu một người không thương xót có thể nên hoàn thiện được không? Không! Sự tốt lành và tính hoàn thiện có gốc rễ trong lòng thương xót. Tuy nhiên, nếu chúng ta nghĩ đến Ngài theo cách đó, con người không có cách gì có thể cố gắng tiến đến sự hoàn thiện tuyệt đối đó. Thay vì vậy, hãy nhìn thấy Ngài trước mắt chúng ta là Đấng hay thương xót giúp chúng ta hiểu rõ hơn sự hoàn thiện của Ngài ẩn chứa điều gì và nó giúp khích lệ chúng ta trở nên như Ngài, tràn đầy sự yêu thương, sự thấu hiểu và lòng thương xót.
Nhưng cha đang thắc mắc: Liệu những lời của Đức Giê-su có thực tế không? Có thể yêu như Chúa yêu và có lòng thương xót như Ngài được không?
Nếu chúng ta nhìn vào lịch sử cứu độ, chúng ta thấy rằng toàn bộ sự mặc khải của Thiên Chúa là một tình yêu liên tục và không mệt mỏi dành cho con người: Thiên Chúa giống như một người cha hay người mẹ yêu thương bằng một tình yêu không biên giới và tuôn đổ nó ra vô vàn trên muôn tạo vật. Cái chết của Chúa Giê-su trên cây thập tự là đỉnh cao nhất của lịch sử tình yêu của Thiên Chúa cho con người. Một tình yêu quá vĩ đại mà chỉ Thiên Chúa mới có thể nhận ra được. Rõ ràng là khi so sánh với tình yêu vô bờ bến của Ngài, tình yêu của chúng ta luôn luôn thiếu sót. Tuy nhiên khi Đức Giê-su yêu cầu chúng ta thương xót như Chúa Cha, Ngài không nghĩ đến số lượng! Ngài chỉ yêu cầu các môn đệ của Ngài trở nên dấu chỉ, là các kênh chuyển tải, và là các chứng nhân cho lòng thương xót của Người.
Và Giáo hội không thể làm gì hơn ngoài Bí tích Thương xót của Thiên Chúa cho thế giới, tại mọi thời điểm và cho toàn thể nhân loại. Do đó mọi người Ki-tô hữu được kêu gọi để làm chứng nhân của lòng thương xót, và điều này diễn ra trên con đường nên thánh. Chúng ta nghĩ đến nhiều vị thánh đã trở nên giàu lòng thương xót vì các ngài đã để cho con tim của mình được lấp đầy bằng lòng thương xót của Thiên Chúa. Các ngài đã cho đi da thịt của mình cho tình yêu của Thiên Chúa, tuôn đổ ra trên những nhu cầu của nhân loại đau khổ. Trong sự nở hoa của nhiều hình thức bác ái này, chúng ta có thể nhận biết được những phản chiếu của dung nhan thương xót của Đức Ki-tô.
Chúng ta tự hỏi mình: Đối với người môn đệ, trở nên thương xót là gì? Chúa Giê-su giải thích bằng 2 động từ: “tha thứ” (c. 37) và “cho đi” (c.38).
Trước hết, lòng thương xót được diễn tả trong sự tha thứ: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (c. 37). Chúa Giê-su không có ý định phá vỡ dòng pháp lý của con người, tuy nhiên, Ngài nhắc các môn đệ nhớ rằng để có được những mối quan hệ huynh đệ, điều cần thiết là phải bỏ đi sự xét đoán và lên án. Quả thật, sự tha thứ là trụ cột điều khiển đời sống của cộng đoàn Ki-tô hữu, vì nó cho thấy tính nhưng không của tình yêu mà Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước hết. Một Ki-tô hữu phải tha thứ! — nhưng tại sao? Vì anh ta đã được tha thứ. Tất cả chúng ta ở đây, hôm nay, trong Quảng trường này, đã được tha thứ. Không ai trong đời sống của mình mà không cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa. Và vì chúng ta đã được tha thứ, nên chúng ta phải tha thứ. Chúng ta đọc hàng ngày trong Kinh Lạy Cha: “Xin tha tội chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con,” nghĩa là, tha thứ cho những kẻ chống lại mình, tha thứ thật nhiều, vì chúng ta đã được tha thứ rất nhiều lỗi phạm, rất nhiều tội lỗi. Và tha thứ cũng dễ dàng: nếu Thiên Chúa đã tha cho tôi, tại sao tôi lại không tha thứ cho người khác? Tôi  có lớn hơn Chúa không? Cột trụ của sự tha thứ này cho chúng ta thấy sự nhưng không của tình yêu của Thiên Chúa, Người đã yêu chúng ta trước. Thật lỗi phạm khi xét đoán và tố cáo một người anh em mắc tội, không phải vì chúng ta không muốn chỉ ra tội, nhưng vì tố cáo tội nhân là làm đứt mối dây huynh đệ với người đó và khinh rẻ lòng thương xót của Chúa, Người không bao giờ muốn từ bỏ bất kỳ một người con nào của Người. Chúng ta không có quyền kết án người anh em phạm tội của chúng ta; chúng ta không có quyền trên người đó: thay vì vậy chúng ta có bổn phận đưa người đó trở về với phẩm giá làm một người con của Cha và hỗ trợ người đó trên con đường hoán cải.
Với Giáo hội, với chúng ta, Chúa Giê-su chỉ ra một cột trụ thứ hai: “cho đi.” Tha thứ là cột trụ thứ nhất; cho đi là cột trụ thứ hai. “Hãy cho và anh em sẽ được cho lại … Vì anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (c. 38). Thiên Chúa ban tặng dồi dào vượt quá những gì chúng ta đáng được, nhưng Người thậm chí còn quảng đại hơn với tất cả những ai quảng đại trên trần gian này. Chúa Giê-su không nói việc gì sẽ xảy ra cho những người không biết cho đi, nhưng hình ảnh của “cái đấu” đưa ra như một lời quở trách: với cái đấu đong tình yêu mà chúng ta cho đi, chính chúng ta là người quyết định chúng ta sẽ được xét đoán thế nào, chúng ta sẽ được yêu ra sao. Nếu chúng ta nhìn đến sự logic rất mạch lạc ở đây: với cái đấu chúng ta nhận được từ Thiên Chúa, đó là cái đấu chúng ta đã cho anh em, và với cái đấu chúng ta cho anh em, chúng ta sẽ nhận lại từ Thiên Chúa!
Vì thế, tình yêu thương xót là con đường duy nhất để đi. Tất cả chúng ta còn thiếu bao nhiêu nữa để có lòng thương xót hơn, để không hạ thấp người khác, để không xét đoán, để không “hạ gục” người khác bằng những chỉ trích, đố kỵ và ganh ghét. Chúng ta phải tha thứ, có lòng thương xót, sống cuộc đời trong sự yêu thương. Tình yêu nào làm cho người môn đệ của Chúa Giê-su không đánh mất ấn tín đã nhận được nơi Người, thể hiện mình là con cái của cùng một Cha. Vì thế, bằng tình yêu họ sống trong cuộc đời, Lòng thương xót đó được phản chiếu lại và sẽ không bao giờ kết thúc (1 Cô-rinh-tô 13:1-12). Nhưng xin đừng quên điều này: thương xót và ân sủng; tha thứ và ân sủng, từ đó con tim chúng ta sẽ mở rộng. Nếu không, tính tự phụ và lòng giận dữ sẽ tạo ra cho chúng ta một trái tim nhỏ bé, cứng như đá. Anh chị em thích điều nào hơn, một con tim bằng đá hay một con tim đầy tình yêu? Nếu anh em muốn một trái tim đầy tình yêu thương, hãy trở nên thương xót!

[Văn bản gốc: Tiếng ý] [Bản dịch tiếng Anh của ZENIT]

Lời chào tiếng Ý
Cha xin gửi lời chào nồng ấm đến những khách hành hương nói tiếng Ý. Cha rất hạnh phúc được đón các tín hữu của Giáo phận Asqui, Grosseto, Nola, Sessa Aurunca và Tortona, cùng đi theo đoàn có các Đức Giám mục, và Chủng viện Liên giáo phận Udine, Trieste và Gorizia, cùng đi có Đức Tổng giám mục, Đức ông Mazzocato: Cha hy vọng rằng chuyến hành hương Năm thánh và việc đi qua Cửa Thánh sẽ nuôi dưỡng đức tin trong anh em, cho anh em một nguồn động lực mới và làm cho đức ái trổ sinh nhiều hoa trái với sự quan tâm chân thành hơn bao giờ hết tới những nhu cầu của anh em thiếu thốn.
Cha xin chào các vị tham dự khóa học được tổ chức bởi Đại học Giáo hoàng Thánh giá; Hội đồng thành phố Taranto cùng với Đức Tổng giám mục, Đức ông Santoro; những giám đốc của các Nhà Thiên Chúa An Bài của Ý và các Hội thừa sai Montfort, đang cử hành ngày sinh lần thứ 300 trên Thiên Đàng của Thánh sáng lập, Thánh Louis Marie de Montfort. Nguyện xin việc đến viếng Mộ các Tông đồ thúc đẩy trong tất cả chúng ta ý thức mình thuộc về gia đình Hội thánh.
Một lời chào đặc biệt xin gửi tới các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi uyên ương mới. Hôm nay là ngày lễ kính Thánh Mát-thêu Tông đồ và Tác giả Tin mừng. Nguyện xin sự trở lại của ngài là một mẫu gương cho các con, những bạn trẻ yêu quý, biết sống cuộc sống theo những chuẩn mực đức tin. Anh chị em bệnh nhân thân mến, nguyện xin lòng nhân hậu của ngài giữ vững anh chị em khi những sự đau đớn dường như vượt ngoài sức chịu đựng. Các đôi uyên ương mới thân yêu, nguyện xin việc đi theo Đấng Cứu thế của ngài nhắc chúng con luôn nhớ tính quan trọng của sự cầu nguyện trong hành trình đời sống hôn nhân mà chúng con đã đi theo.

[Văn bản gốc: Tiếng Ý] [Bản dịch tiếng Anh của ZENIT]

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha
Kỷ niệm hôm nay là Ngày Thế giới Bệnh Alzheimer lần thứ 23 với chủ đề “Hãy nhớ tôi.” Cha mời gọi tất cả những anh chị em có mặt hãy “nhớ đến” tất cả những người bị căn bệnh này cùng với gia đình của họ bằng sự quan tâm của Mẹ Maria và lòng nhân hậu thương xót của Chúa Giê-su, để họ cảm thấy sự gần gũi của chúng ta. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho những người đang chăm sóc những bệnh nhân này, có thể đáp ứng được những nhu cầu của người bệnh, kể cả những điều không thể nhìn thấy, vì họ được nhìn thấy bằng đôi mắt tràn đầy tình thương.
[Văn bản gốc: Tiếng Ý] [Bản dịch tiếng Anh của ZENIT]

[Nguồn:  zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 22/09/2016]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét