Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2016

Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Hội nghị về ‘Ma túy: những vấn đề và giải pháp’

Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Hội nghị về ‘Ma túy: những vấn đề và giải pháp’

“Những người thiếu thốn nhất trong anh em của chúng ta, những người dường như chẳng có gì để cho đi, mang một gia tài cho chúng ta: dung nhan của Thiên Chúa, người nói với chúng ta và chất vấn chúng ta”
24 tháng 12, 2016
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Hội nghị về ‘Ma túy: những vấn đề và giải pháp’
© PHOTO.VA - Osservatore Romano
Hôm nay Đức Thánh Cha Phanxico đã gặp gỡ các tham dự viên trong một Hội nghị hai ngày được Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học tổ chức với chủ đề: “Ma túy: Những vấn đề và giải pháp cho căn bệnh dịch toàn cầu này.”
Dưới đây là bản dịch của ZENIT bài diễn từ của Đức Thánh Cha.
__
Kính thưa quý vị:
Tôi xin gửi lời chào nồng nhiệt đến từng quý vị đang hiện diện tại đây và tôi xin tri ân những lời trình bày gửi đến tôi của ngài Chủ tịch Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học.
Thuốc phiện là một vết thương trong xã hội của chúng ta; một vết thương đã tóm được rất nhiều người bằng những cái bẫy của nó. Những người này là các nạn nhân đã đánh mất sự tự do của họ để rơi vào tình trạng nô lệ này – tình trạng nô lệ của một loại nghiện mà chúng ta có thể gọi là “hóa chất.” Nó thật sự là một “hình thức nô lệ mới,” cùng với nhiều hình thức khác ngày nay đang làm đau khổ con người và xã hội nói chung.
Rõ ràng không phải chỉ có một nguyên nhân dẫn đến nghiện thuốc phiện, nhưng có nhiều yếu tố xen vào, trong đó có thể kể: sự vắng bóng gia đình, áp lực xã hội, sự tuyên truyền của những kẻ buôn lậu, khát khao sống những trải nghiệm mới, v.v.. Mỗi người nghiện mang trong mình một lịch sử cá nhân khác nhau, người đó phải được lắng nghe, thấu hiểu, yêu thương, và về lâu dài có thể được chữa lành và trở nên sạch. Chúng ta không thể rơi vào thái độ bất công khi phân loại người nghiện a phiến như một vật thể hay một phần đồ dùng thừa thãi. Mỗi con người phải được đánh giá đúng giá trị và trân trọng phẩm giá người đó có thể được chữa lành. Đó là một phẩm giá của con người mà chúng ta đến để tìm kiếm. Những người nghiện thuốc phiện vẫn tiếp tục có, và hơn bao giờ hết, phẩm giá như những người là con cái của Chúa.
Và cũng không có gì ngạc nhiên khi có nhiều người rơi vào nghiện ma túy, vì thế gian cung cấp cho chúng ta hàng loạt đầy dẫy những cơ hội để đạt được hạnh phúc tạm thời, mà cuối cùng dẫn đến loại độc dược gặm nhấm, phá hủy và giết chết. Từng cá nhân tự giết chết mình và cùng với anh ta có cả những người xung quanh. Khao khát ban đầu muốn trốn thoát, tìm đến với hạnh phúc tạm thời, bị biến thành sự tàn phá toàn diện một cá nhân, hậu quả để lại trong mọi giai tầng xã hội.
Trong mối quan hệ này, điều quan trọng là chúng ta hiểu được sự trải rộng của vấn đề thuốc phiện, nó tàn phá, nó tàn phá nghiêm trọng, đặc biệt mạng lưới rộng lớn của những chỗ sản xuất và hệ thống phân phối của chúng; những mạng lưới gieo rắc cái chết của con người – không những là cái chết của thân xác mà cả cái chết tâm hồn, cái chết xã hội, sự loại bỏ một con người. Trên phạm vi rộng lớn, những mạng lưới quyền lực giăng bẫy các nhà lãnh đạo xã hội, trong các chính phủ, trong gia đình. Chúng ta biết rằng hệ thống phân phối này, thậm chí còn hơn là sản xuất, là một phần rất quan trọng của tội phạm có tổ chức, nhưng thách thức đặt ra là nhận dạng được con đường và kiểm soát được những phạm vi tham nhũng và những hình thức rửa tiền. Chúng liên kết với nhau; chúng liên kết với nhau. Vì vậy, không có cách nào khác ngoài cách phá vỡ được chuỗi mắt xích đi từ bán ma túy ở mức độ nhỏ đến những hình thức rửa tiền tinh vi nhất, chúng làm tổ trong những nguồn vốn tài chính và các ngân hàng sẵn sàng tham gia việc rửa những đồng tiền bẩn.
Một chánh án ở đất nước của tôi đã bắt đầu làm việc về vấn đề này thật nghiêm túc. Ông có quyền xét xử dọc những đường biên giới dài nhiều ngàn cây số. Ông bắt đầu giải quyết thật nghiêm túc vấn đề ma túy. Liền ngay sau đó ông nhận được một tấm hình của gia đình trong một lá thư: “Con trai của ông học ở trường này, vợ ông làm ở đây …,” không có gì thêm nữa – một cảnh cáo của mafia. Vì vậy khi một người muốn tìm cách nhận dạng những mạng lưới phân phối; họ liền tìm ngay được một từ gồm 5 chữ cái: mafia. Nhưng vấn đề nghiêm trọng là, cũng như hệ thống phân phối giết người nô lệ cho ma túy thế nào, cuối cùng những người muốn phá hủy tình trạng nô lệ này cũng bị giết.
Đúng là cần phải có những nỗ lực lớn để chặn lại những đòi hỏi tiêu thụ ma túy và áp dụng những chương trình đặc biệt mở rộng định hướng về sức khỏe, hỗ trợ gia đình và, đặc biệt là giáo dục, đây là điều tôi coi là căn bản nhất. Phải có sự ưu tiên cho việc đào tạo con người toàn diện; cho từng cá nhân để có được những trang bị để nhận thức rõ, và với nó họ có thể biết từ chối những mồi nhử và giúp người khác. Sự đào tạo này được nhắm chủ yếu cho những người thiếu sức tự vệ của xã hội, như trẻ em và giới trẻ, nhưng nó cũng rất có giá trị nếu mở rộng phạm vi vào các gia đình và những người bị một hình thức gạt bỏ ra ngoài xã hội nào đó. Tuy nhiên, vấn đề ngăn ngừa ma túy làm theo hình thức một chương trình luôn luôn bị cản trở bởi một ngàn lẻ một điểm vô lý của các chính phủ: vì một khu vực chính phủ nơi này,  nơi kia và ở đâu đó. Và những chương trình ngăn ngừa thành công ảo không tồn tại. Hơn nữa, khi vấn đề đã phát triển mạnh, và đã cắm rễ trong xã hội, nó trở nên vô cùng khó khăn. Tôi đang nghĩ về quê nhà của tôi: 30 năm trước, nó là một quốc gia vận chuyển, sau đó là tiêu thụ và rồi chuyển sang sản xuất. Tất cả diễn ra trong 30 năm. Sự phát triển này được thực hiện nhờ những cam kết chung tay của các nhà lãnh đạo với mafia ...
Mặc dù sự ngăn ngừa là ưu tiên, nhưng điều quan trọng khác nữa là hoạt động cho chương trình phục hồi toàn diện và chắc chắc cho những nạn nhân trong xã hội, trao lại niềm vui cho họ và giúp họ lấy lại được phẩm giá mà họ đã đánh mất. Nếu việc này không được bảo đảm, bởi chính phủ và hệ thống pháp luật, việc phục hồi sẽ rất khó khăn và các nạn nhân có thể tái nghiện.
Những người thiếu thốn nhất trong anh em của chúng ta, những người dường như chẳng có gì để cho đi, mang một gia tài cho chúng ta: dung nhan của Thiên Chúa, người nói với chúng ta và chất vấn chúng ta. Tôi khuyến khích quý vị hãy tiến bước trong công việc của mình và hãy làm cụ thể hóa, trong những khả năng có thể của quý vị, những sáng kiến hạnh phúc mà quý vị đã thực hiện qua việc phục vụ những người chịu đau khổ nhất trong cuộc chiến này. Cuộc chiến này rất cam go, và khi một người đối mặt với nó và bắt tay vào hành động, người đó luôn mang trên mình mối nguy hiểm của ông thẩm phán kia ở đất nước của tôi khi nhận được một lá thư hàm ý bóng gió đe dọa. Tuy nhiên, chúng ta đang bảo vệ gia đình nhân loại, chúng ta đang bảo vệ giới trẻ và trẻ em. Như có câu nói trong lĩnh vực này: bảo vệ một đứa trẻ là bảo vệ tương lai.” Đây không phải là nguyên tắc nhất thời; nó là một dự án cho tương lai.
Xin cảm ơn rất nhiều vì những công việc quý vị thực hiện.
[Văn bản gốc: Tiếng Tây Ban nha]  [Bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT]
[Nguồn:  zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 25/11/2016]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét