Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

Bài Giảng Lễ Vọng Giáng Sinh của Đức Thánh Cha Phanxico

Bài Giảng Lễ Vọng Giáng Sinh của Đức Thánh Cha Phanxico

‘Chúng ta hãy bước vào Mầu nhiệm Giáng sinh thực sự … Rồi, trong Chúa Giê-su chúng ta sẽ được tận hưởng hương vị của tinh thần Giáng sinh thật sự: vẻ đẹp của việc được Thiên Chúa yêu’
24 tháng 12, 2016
Image of Child Jesus and Gospel
Screenshot CTV - Image Of Child Jesus And Gospel
Dưới đây là bản dịch của Vatican văn bản bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico tối nay khi ngài dâng Lễ Vọng Giáng Sinh trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô.
* * *
Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người (Tit 2:11). Lời của Thánh Tông đồ Phaolo tiết lộ mầu nhiệm của đêm thánh này: ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, ân ban của Ngài là nhưng không; tình yêu của Thiên Chúa trở nên hữu hình nơi Trẻ Thơ được ban tặng cho chúng ta.
Đêm nay là đêm vinh quang, vinh quang đó được công bố bởi các Thiên thần ở Bê-lem và cũng được công bố bởi chúng ta hôm nay trên toàn thế giới. Đêm nay là đêm vui mừng, vì từ hôm nay, và cho đến mọi thời đại Thiên Chúa vĩnh hằng là Thiên Chúa ở cùng chúng ta: Ngài không ở đâu xa, chúng ta không cần phải đi tìm Ngài nơi đâu xa xôi trên thiên đàng hay trong những khái niệm huyền bí; Ngài ở ngay bên chúng ta, Ngài đã trở thành người phàm và sẽ không bao giờ tách rời xa nhân loại chúng ta, mà Ngài đã lấy làm của riêng. Đêm nay là đêm của ánh sáng: ánh sáng đó, được tiên báo bởi ngôn sứ I-sai-a (c. 9:1), sẽ làm bừng lên ánh sáng cho những người bước đi trong bóng tối, đã xuất hiện và bao trùm lấy những mục đồng của Bê-lem (Lk 2:9).
Những mục đồng chỉ đơn giản tìm ra rằng “một trẻ thơ đã được sinh ra cho chúng ta (Is 9:5) và họ hiểu rằng tất cả vinh quang này, tất cả niềm vui này, tất cả ánh sáng này hội tụ lại thành một điểm duy nhất, dấu chỉ đó mà thiên sứ hướng dẫn cho họ: “Anh em sẽ tìm thất một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2:12). Đây là một dấu chỉ đời đời để tìm Giê-su. Không phải chỉ ngày đó, nhưng cả hôm nay. Nếu chúng ta muốn mừng Giáng sinh đích thực, chúng ta cần phải biết chiêm ngắm dấu chỉ này: sự giản đơn mong manh của một trẻ thơ mới sinh, sự nhu mì của nơi hài nhi nằm, sự mềm mại của khăn tã. Thiên Chúa ở đó.
Bằng dấu chỉ này Tin mừng tỏ lộ một nghịch lý: Tin mừng nói về một vị vua, một người cai trị, một Đấng Vĩ đại của mọi thời đại, nhưng Thiên Chúa lại không để Ngài xuất hiện ở nơi đó; Ngài không xuất hiện trong một đại sảnh của cung điện hoàng gia, nhưng trong sự nghèo hèn của một máng cỏ; không phải trong sự tráng lệ và phô trương, nhưng trong sự đơn sơ của sự sống; không phải trong quyền lực, nhưng trong sự bé nhỏ tạo ra những điều ngạc nhiên. Để có thể tìm ra Ngài, chúng ta phải đi đến đó, đến nơi Ngài sinh ra: chúng ta cần phải cúi mình xuống, hãy tự hạ mình, biến mình thành người nhỏ bé. Hài nhi sinh ra thử thách chúng ta: Ngài kêu gọi chúng ta hãy bỏ lại sau lưng những ảo ảnh phù du mà đi vào đặc tính cơ bản, để từ bỏ những đòi hỏi tham lam vô độ, để giũ bỏ đi những bất mãn vô tận và những nỗi buồn về những điều mà chúng ta sẽ không bao giờ có. Nó sẽ giúp chúng ta bỏ lại sau lưng những thứ đó để tái khám phá sự đơn sơ của Trẻ thơ Thiên Chúa, bình an, vui mừng và ý nghĩa của sự sống.
Hãy để cho Trẻ thơ trong máng cỏ thử thách chúng ta, và chúng ta cũng hãy để mình được thử thách bởi những hài nhi của thế giới hôm nay, những trẻ không được nằm trong nôi và được chăm sóc trong sự yêu thương của mẹ và cha, nhưng phải chịu sự đau khổ vì cảnh bần cùng của “những máng cỏ tàn phá phẩm giá”: phải chui trong hầm dưới lòng đất để tránh bom đạn, phải lang thang trên vỉa hè của những con phố lớn, phải nằm dưới đáy của một chiếc thuyền chất đầy người di cư. Chúng ta hãy để mình được thử thách bởi những trẻ thơ không được phép chào đời, được thử thách bởi những trẻ thơ đang kêu khóc vì chẳng ai quan tâm đến cái đói của chúng, bởi những trẻ em không có đồ chơi trong đôi tay, mà thay vào đó là vũ khí.
Mầu nhiệm Giáng sinh, đó là ánh sáng và niềm vui, chất vấn và làm xao động tâm hồn chúng ta, vì mầu nhiệm đó vừa là một mầu nhiệm của hy vọng và của nỗi buồn. Mầu nhiệm đó mang trong chính mình hương vị của nỗi buồn, trong bao nhiêu trẻ thơ không đón nhận được tình yêu, và sự sống bị vùi dập. Điều này đã xảy ra với Thánh Giu-se và Mẹ Maria, các ngài thấy những cánh cửa đã khép lại, nên phải đặt Giê-su trong một máng cỏ, “vì chẳng còn nơi nào cho họ ở nhà trọ” (c. 7). Giê-su sinh ra đã bị chối bỏ bởi một số người và bị nhiều người khác đón nhận với thái độ thờ ơ. Cùng một thái độ thờ ơ như vậy vẫn tồn tại hôm nay, khi mà Giáng sinh trở thành một lễ hội mà vai chính là chính chúng ta chứ không phải Chúa Giê-su; khi mà ánh sáng của thương mại làm ánh sáng của Thiên Chúa bị mờ nhạt đi; khi mà chúng ta quan tâm đến những món quà tặng nhưng lại lạnh lùng với những người bị gạt ra bên lề.

Tuy nhiên Giáng sinh đã đặc biệt có một hương vị của sự hy vọng, bất kể những vẻ bên ngoài tối tăm của cuộc sống của chúng ta, ánh sáng của Thiên Chúa vẫn bao trùm lên. Ánh sáng dịu dàng của Người không làm chúng ta sợ hãi; Thiên Chúa Đấng yêu thương chúng ta, kéo chúng ta lại gần Người bằng sự dịu dàng của Người, sinh ra trong nghèo hèn và mong manh giữa chúng ta, là một người như chúng ta. Người sinh ra tại Bê-lem, có nghĩa là “ngôi nhà đầy bánh.” Theo ý nghĩa này Người dường như muốn nói với chúng ta rằng Người sinh ra làm bánh cho chúng ta; Người đi vào đời sống của chúng ta để ban tặng sự sống của Người; Người đi vào trần gian của chúng ta để ban tặng tình yêu của Người. Người không đến để lấy đi hay để ra lệnh nhưng để nuôi dưỡng và phục vụ. Từ đó có một sự kết nối trực tiếp từ máng cỏ đến thập giá, nơi Chúa Giê-su trở thành bánh bị bẻ ra: đó là một sự kết nối trực tiếp của tình yêu được ban tặng và cứu thoát chúng ta, nó đem đến ánh sáng cho cuộc sống của chúng ta, và bình an cho tâm hồn chúng ta.

Các mục đồng đã nắm bắt được điều này trong đêm đó. Họ nằm trong số những người bị gạt ra bên lề của thời đại đó. Nhưng không ai bị gạt ra ngoài lề trong cái nhìn của Thiên Chúa và chính họ là những người được mòi gọi đến với Giáng sinh. Những người cảm thấy tự tin vào chính mình, tự mãn vì chính mình, ngồi nhà với những thứ họ sở hữu; những mục đồng thì “ra đi vội vã” (Lc 2:16). Chúng ta hãy cho phép mình được thử thách và được tụ hội đêm nay bởi Chúa Giê-su. Chúng ta hãy đến với Ngài bằng sự tín thác, từ nơi đó trong tâm khảm chúng ta cảm thấy bị bỏ rơi, từ những sự giới hạn của riêng chúng ta. Chúng ta hãy đụng chạm đến lòng nhân hậu giải thoát chúng ta. Chúng ta hãy xích lại gần đến Thiên Chúa Người đang đến gần chúng ta, chúng ta hãy dừng lại để chiêm ngắm máng cỏ, và hình dung ra việc sinh ra của Chúa Giê-su: ánh sáng, an bình, nghèo hèn tột cùng, và bị từ chối. Chúng ta hãy thực sự tiến vào Giáng sinh cùng với các mục đồng, mang đến cho Chúa Giê-su tất cả những gì của chúng ta, sự xa lánh của chúng ta, những vết thương chưa được chữa lành của chúng ta. Rồi, trong Chúa Giê-su chúng ta sẽ tận hưởng được hương vị của tinh thần Giáng sinh thực sự: nét đẹp của sự được Thiên Chúa yêu thương. Cùng với Thánh Giu-se và Mẹ Maria chúng ta hãy dừng lại trước máng cỏ, trước Chúa Giê-su sinh ra như là bánh sự sống. Chiêm ngắm tình yêu khiêm hạ và vô tận của Người, chúng ta hãy nói với Người: Tạ ơn Chúa, Tạ ơn Chúa vì Người đã làm tất cả mọi điều này cho con.
[Văn bản gốc: Tiếng Anh] [Văn bản của Vatican cung cấp]
Copyright © libreria editrice vaticana

[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 25/12/2016]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét