Đức Tổng Giám mục Auza tại Liên Hợp Quốc: ‘Nạn buôn người là hậu quả của chiến tranh, xung đột’
Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Quan sát viên thường trực và Khâm sứ của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc - RV
21/12/2016 11:00
(Vatican Radio) Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Khâm sứ và Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh, nói trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc ‘nhân tố lớn nhất tạo điều kiện thuận lợi cho nạn buôn người là chiến tranh và xung đột vũ trang.’
Lời của Đức Tổng Giám mục nói hôm thứ Ba trong một diễn văn tại Phiên Hội thảo mở về Duy Trì Hòa Bình và An Ninh Quốc Tế: Nạn Buôn Người Trong Những Tình Hình Xung Đột.
Đức Tổng Giám mục nói rằng nạn buôn người là vấn đề vô cùng quan trọng đối với Tòa Thánh.
“Những người thiện chí, bất kể niềm tin tôn giáo, không bao giờ có thể cho phép phụ nữ, trẻ em và đàn ông bị đối xử đơn giản như những món hàng, bị lừa gạt, bị xâm phạm, thường bị bán rồi lại bị bán lại để lấy lợi nhuận, để lại con người họ bị tàn phá về tinh thần và thể xác và cuối cùng là bị loại trừ và bỏ rơi. Sự đối xử như vậy thật đáng hổ thẹn và man rợ. Nó dứt khoát phải bị kết án.”
Ngài cũng nói rằng vấn đề đòi hỏi “sự hợp tác của nhiều cơ quan Liên Hợp quốc, sự hợp tác của các chính quyền cấp khu vực, cấp quốc gia và địa phương, và đặc biệt những tổ chức và các nhóm có nền tảng tôn giáo và được khơi nguồn cảm hứng từ tôn giáo.”
Trong phần kết luận, Đức Tổng Giám mục Auza nói, “Để cuộc chiến chống lại nạn buôn người có hiệu quả, Cộng đồng Quốc tế phải thống nhất trong cam kết chung để đem đến sự cáo chung cho cuộc chiến, lòng hận thù và bạo lực, và phải theo đuổi hòa bình và hòa giải.”
Dưới đây là toàn văn Diễn văn của Đức Tổng Giám mục Auza:
New York, 20 tháng 12, 2016
Thưa ông Chủ tịch,
Tòa Thánh rất cảm ơn đại diện của Tổng thống Vương quốc Tây ban nha đã đem chủ đề rất quan trọng về con người trong những hoàn cảnh có xung đột ra thảo luận trong Hội đồng này và gây sự chú ý cho Cộng đồng Quốc tế. Đối với Toà Thánh vấn đề về nạn buôn người là vô cùng quan trọng. Những người thiện chí, bất kể niềm tin tôn giáo, không bao giờ có thể cho phép phụ nữ, trẻ em và đàn ông bị đối xử đơn giản như những món hàng, bị lừa gạt, bị xâm phạm, thường bị bán rồi lại bị bán lại để lấy lợi nhuận, để lại con người họ bị tàn phá về tinh thần và thể xác và cuối cùng là bị loại trừ và bỏ rơi. Sự đối xử như vậy thật đáng hổ thẹn và man rợ. Nó dứt khoát phải bị kết án. Sức mạnh của luật pháp phải được đem ra để chống lại với những kẻ gây ra những tội ác như vậy. Thưa ông Chủ tịch, Tòa Thánh lưu ý đến báo cáo của ông Tổng thư ký về việc áp dụng những biện pháp chống lại nạn buôn người (5/2016/949) có hàng loạt những thống kê và làm nổi bật nhiều vấn đề có liên quan đến điều ghê tởm này. Báo cáo cho thấy sự phức tạp của tình trạng buôn người như là một hiện tượng quốc tế và thể hiện bản chất đa diện của vấn đề, mà giải pháp sẽ đòi hỏi phải có sự hợp tác của nhiều cơ quan của Liên Hợp quốc, sự kết hợp của các chính quyền cấp khu vực, cấp quốc gia và địa phương và công việc đáng trân trọng của các tổ chức xã hội dân sự, đặc biệt những tổ chức và nhóm có nền tảng tôn giáo và được gợi cảm hứng từ tôn giáo. Đức Giáo hoàng Phanxico, ngài đã đưa cuộc chiến chống lại nạn buôn người và những hình thức nô lệ hiện đại khác vào hàng ưu tiên cao, ngài khẳng định cương quyết:
“Mỗi con người và mọi dân tộc đều bình đẳng và quyền tự do và phẩm giá của họ phải được tôn trọng. Bất cứ một mối quan hệ phân biệt đối xử nào không tôn trọng quyết định nền tảng rằng ‘người khác cũng giống như chính bản thân tôi’ đều góp phần vào tội ác, và thường xuyên là tội ác ghê tởm. Đó là lý do tại sao chúng tôi tuyên bố nhân danh mọi dân tộc và mọi người theo tín ngưỡng của chúng tôi rằng nô lệ hiện đại — dưới hình thức buôn người, lao động cưỡng bức, mại dâm hoặc buôn bán nội tạng người — là một tội ác “chống lại nhân loại.” Nạn nhân của nó từ mọi thành phần của cuộc sống, nhưng hầu hết đều rơi vào những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trong số anh chị em của chúng ta. Nhân danh những người đang kêu gọi các cộng đồng của chúng ta hành động và những người, không có ngoại lệ, chối bỏ tuyệt đối tình trạng mất sự tự do cá nhân vì những lý do bóc lột cá nhân hoặc thương mại, nhân danh họ chúng tôi đưa ra tuyên ngôn này.”
Có nhiều nguyên nhân và nhân tố trợ lực và tiếp tay cho những hình thức nô lệ hiện tại như buôn người. Trong số những tình trạng này có sự nghèo khổ, chậm phát triển và loại trừ, đặc biệt khi bị trộn lẫn với hiện trạng thiếu sự tiếp cận với giáo dục hoặc thiếu, thậm chí không có những cơ hội nghề nghiệp. Với tình trạng tham nhũng lan tràn và sự tham lam vô độ cướp mất đi nhân vị của sự sống cao quý, Tòa Thánh mong muốn ghi thêm tình trạng buôn ma túy vào trong danh sách các tội phạm góp phần vào nạn buôn người, cùng với việc rửa tiền, buôn vũ khí và mại dâm trẻ em. Thưa ông Chủ tịch, nhân tố lớn nhất tạo điều kiện thuận lợi cho nạn buôn người là chiến tranh và xung đột vũ trang. Nạn buôn người đang phát triển lên nhờ sự khủng hoảng người tị nạn và di cư của ngày nay, căn nguyên của vấn đề này do chiến tranh và những cuộc xung đột. Do những lựa chọn của con người khơi dậy những xung đột và chiến tranh, đúng ra nó nằm trong quyền hạn và trách nhiệm của chúng ta phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ này đã làm cho hàng triệu người trở thành người tị nạn, có nguy cơ cao rơi vào tay những kẻ buôn người. Để cuộc chiến chống lại nạn buôn người có hiệu quả, Cộng đồng Quốc tế phải thống nhất trong cam kết chung để đem đến sự cáo chung cho cuộc chiến, lòng hận thù và bạo lực, và phải theo đuổi hòa bình và hòa giải. Tòa Thánh vẫn giữ vững quan điểm rằng con đường giải quyết những vấn đề mở này phải bằng ngoại giao và đối thoại. Tòa Thánh thúc giục Hội đồng Bảo an tiếp tục cuộc chiến chống lại tai họa của nạn buôn người, bắt đầu từ việc ngăn chặn và chấm dứt những xung đột vũ trang. Thách thức mà nạn buôn người đưa ra là rất lớn, thúc giục tất cả phải xem trách nhiệm liên đới của họ và hợp tác với nhau. Tòa Thánh cam kết góp phần của mình trong những yêu cầu của thách thức này.
Xin cảm ơn ông Chủ tịch.
(Devin Sean Watkins)
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 23/12/2016]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét