Thứ Năm, 1 tháng 12, 2016

Tiếp kiến chung: Chôn xác người chết

Tiếp kiến chung: Chôn xác người chết

“Chúng ta đã đi qua 14 mối phúc thương xót, nhưng lòng thương xót vẫn tiếp tục và chúng ta phải thực hành nó theo 14 cách này”
30 tháng 11, 2016
Paul VI General Audience 11.30.16
© PHOTO.VA - Osservatore Romano
Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay kết thúc loạt bài giáo huấn của ngài về  lòng thương xót, trong buổi tiếp kiến chung tổ chức trong Sảnh đường Phaolo VI.
Đức Thánh Cha suy niệm chủ đề: “Cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho người sống và người chết” (Rm 8:25-27).
Sau khi tóm lược bài giáo huấn của ngài bằng nhiều ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi những lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện. Sau đó ngài đưa ra một thỉnh cầu nhân ngày AIDS Thế giới, diễn ra vào ngày mai, và nhân ngày Hội nghị Quốc tế về Bảo vệ Di sản ở Những Vùng đang có Xung đột, sẽ được tổ chức tại Abu Dhabi ngày 2-3 tháng 12.
Dưới đây là bản dịch của ZENIT bài diễn từ của Đức Thánh Cha:
* *  *
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Với giáo huấn hôm nay, chúng ta kết thúc loạt bài dành riêng cho chủ đề lòng thương xót. Nhưng cho dù giáo huấn kết thúc, lòng thương xót vẫn tiếp tục! Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa về tất cả những điều này và luôn ghi khắc trong tim như một nguồn ủi an và vỗ về.
Hành động cuối cùng trong những hành động thương hồn là cầu nguyện cho người sống và người chết. Chúng ta có thể đặt nó song song với hành động cuối cùng của những hành động thương xác đó là chôn xác người chết. Hành động thương xác có vẻ là một yêu cầu xa lạ; ở một số vùng trên thế giới đang sống dưới thảm họa của chiến tranh, với những trận bom rơi ngày và đêm gieo rắc nỗi kinh hoàng và những nạn nhân vô tội, hành động này đáng buồn lại rất hợp thời. Trong sự tương quan này, Kinh Thánh đưa ra một ví dụ rất đẹp: ví dụ của ông già Tô-bít, người đã liều cả mạng sống của mình, chôn xác người chết bất chấp sự ngăn cấm của vua (Tobit 1:17-19; 2:2-4). Ngày nay cũng có những người đang liều mạng sống của họ để chôn những nạn nhân vô tội của chiến tranh. Do đó, hành động thương xác này không xa lạ với cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Và nó làm chúng ta nhớ đến ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, khi Mẹ Maria cùng Gioan và một số phụ nữ đã ở bên cạnh thập giá của Chúa Giê-su. Sau cái chết của Người, ông Giu-se A-ri-ma-thi-a đến — một người giàu có, một người thuộc nhóm Công nghị Do thái, nhưng đã trở thành môn đệ của Chúa Giê-su — và đã dâng ngôi mồ mới của ông cho Ngài, được đục vào trong đá. Ông trực tiếp đến gặp Phi-la-tô và xin xác Chúa Giê-su: một hành động thương xót thực sự được thực hiện với lòng dũng cảm (Mt 27:57-60)! Với người Ki-tô hữu, chôn cất là một hành động mộ đạo, nhưng cũng còn là một hành động của đức tin. Chúng ta đặt vào trong mộ xác của người thân yêu của chúng ta, với hy vọng được phục sinh (1 Cor 15:1-34). Nó  là một nghi thức vẫn duy trì sức mạnh và xúc động giữa mọi người và nó có sự cộng hưởng đặc biệt trong tháng 11 này, được dành riêng để nhớ về và cầu nguyện cho những người đã qua đời.
Trước hết, cầu nguyện cho người đã qua đời, là một dấu chỉ của lòng biết ơn cho những chứng tá họ để lại cho chúng ta và những sự tốt đẹp họ đã làm. Nó là một sự tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban họ cho chúng ta và vì tình yêu và tình bạn của họ. Vị linh mục đọc: “Lạy Chúa, xin nhớ đến người tín hữu của Ngài, người đã đi trước chúng con trong đức tin và yên nghỉ giấc ngủ bình an.” Một sự tưởng nhớ đơn giản, hiệu quả đầy ý nghĩa, vì nó phó thác người thân yêu của chúng ta cho lòng thương xót của Chúa. Chúng ta cầu xin trong niềm hy vọng của người Ki-tô hữu rằng họ có thể được ở với Người trên Thiên Đàng, trong sự mong chờ sẽ được gặp lại nhau trong mầu nhiệm của tình yêu đó, mà chúng ta vẫn không hiểu được, nhưng chúng ta biết là sự thật vì đó là một lời hứa của Chúa Giê-su. Tất cả chúng ta sẽ phục sinh và tất cả chúng ta sẽ ở lại mãi mãi với Chúa Giê-su, với Người.
Việc kính nhớ những tín hữu đã qua đời không làm chúng ta quên cầu nguyện cho người còn sống những người cùng với chúng ta đương đầu với những thử thách mỗi ngày của cuộc sống. Tính cần thiết của lời cầu nguyện này sẽ trở nên rõ ràng hơn nữa nếu chúng ta đặt nó dưới ánh sáng của việc tuyên xưng đức tin trong câu: “Tôi tin vào Sự thông công của các Thánh.” Đó là mầu nhiệm diễn tả nét đẹp của lòng thương xót mà Chúa Giê-su đã tỏ lộ cho chúng ta. Quả thật, Các thánh Thông công cho thấy rằng tất cả chúng ta đều được dự phần vào đời sống của Thiên Chúa và chúng ta sống trong tình yêu của Người. Tất cả, người sống và người chết, đều thông công, tức là, như một sự hiệp nhất; được kết hiệp trong cộng đoàn của tất cả những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội, và tất cả những ai đã được nuôi dưỡng bởi Thân Mình Chúa Ki-tô và là một phần của đại gia đình Thiên Chúa. Được kết hiệp, tất cả chúng ta trong cùng một gia đình; vì vậy, chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau.
Có nhiều cách khác nhau để cầu nguyện cho anh em của chúng ta. Tất cả họ đều có giá trị và được Thiên Chúa đón nhận nếu thành tâm thi hành bổn phận. Cha đang đặc biệt nghĩ đến những người mẹ và những người cha, họ chúc lành cho con cái của họ mỗi buổi sáng và buổi tối. Vẫn còn thói quen này trong một số gia đình: chúc lành cho một trẻ nhỏ là một lời cầu; cha cũng đang nghĩ đến việc cầu nguyện cho người bệnh, khi chúng ta đến thăm họ và cầu nguyện cho họ; cha nghĩ đến sự cầu thay nguyện giúp trong thinh lặng, đôi lúc trong những giọt lệ, và nghĩ đến quá nhiều những hoàn cảnh khó khăn khiến chúng ta phải cầu nguyện. Hôm qua một người đàn ông tốt bụng, một thương gia, đến dự lễ ở nhà nguyện thánh Marta. Người đàn ông trẻ tuổi đó phải đóng cửa nhà máy vì anh ta không thể kiếm đủ số trang trải cuộc sống và anh ấy khóc nói rằng: “Con không muốn để 50 gia đình thất nghiệp. Con có thể tuyên bố phá sản doanh nghiệp và về nhà với số tiền của con, nhưng con sẽ cảm thấy đau khổ suốt đời vì 50 gia đình đó.” Có một người Ki-tô hữu tốt lành cầu nguyện cho công việc: anh ta đến dự Lễ để cầu xin Thiên Chúa có thể giúp anh một lối thoát, không phải cho riêng bản thân, nhưng cho 50 gia đình. Đây là một người biết cách cầu nguyện, bằng cả trái tim và công việc, anh ấy biết cách cầu nguyện cho những tha nhân. Anh ấy đang trong một hoàn cảnh khó khăn, và anh không tìm con đường dễ dàng để thoát thân. Người này là một Ki-tô hữu. Cha cảm thấy quá xúc động khi nghe chuyện của anh!
Và có thể có nhiều người giống như anh, hôm nay, ngay lúc này đây đang có rất nhiều người chịu đau khổ vì thiếu việc làm. Cha cũng đang nghĩ đến với lòng tri ân vì những tin tốt lành liên quan đến một người bạn, một người họ hàng, một đồng nghiệp … “Tạ ơn Chúa, vì điều tốt lành này!” Đây cũng là một cách cầu nguyện cho người khác! Tạ ơn Chúa khi mọi việc diễn ra tốt đẹp. Đôi khi, như Thánh Phaolo nói, “chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8:26).
Chính là Thần Khí Người cầu nguyện trong chúng ta. Vì vậy, chúng ta hãy mở tâm hồn, để Thánh Thần, đấng nhìn thấu suốt những khát khao sâu thẳm trong lòng chúng ta, có thể thanh tẩy chúng và làm cho chúng được trở nên trọn vẹn. Trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta hãy luôn cầu xin cho chính chúng ta và cho những người khác để Thánh ý của Thiên Chúa được thực hiện, như trong kinh Lạy Cha, vì ý định của Người chắc chắn là sự tốt lành lớn lao nhất, sự tốt lành của Chúa Cha Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta: hãy cầu nguyện và để cho Thánh Thần cầu nguyện trong chúng ta. Và điều này rất tốt đẹp trong cuộc sống: tạ ơn và ngợi khen Thiên Chúa, cầu xin một điều gì đó, hãy khóc khi gặp một sự khó khăn, như người đàn ông kia. Nhưng nguyện xin cho tâm hồn chúng ta luôn rộng mở cho Thần Khí để Người cầu nguyện trong chúng ta, cùng với chúng ta và cho chúng ta.
Kết thúc huấn giáo này về lòng thương xót, chúng ta hãy cam kết với bản thân cầu nguyện cho nhau để các hành động thương hồn và xác ngày một trở thành cách sống của chúng ta. Phần giáo huấn, như cha đã nói ở đầu, kết thúc ở đây. Chúng ta đã đi qua 14 mối phúc thương xót, nhưng lòng thương xót vẫn tiếp tục và chúng ta phải thực hành nó theo 14 cách này. Xin cảm ơn anh chị em.
[Văn bản gốc: tiếng Ý]  [Bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT]
Tiếng Ý
Cha xin gửi lời chào nồng hậu đến những anh chị em hành hương nói tiếng Ý. Cha xin chào các em nhỏ bị ảnh hưởng bởi Hội chứng Batten, anh chị em bệnh nhân tại Bệnh việc Bambino Gesu; ban nhân viên Trung tâm Kỹ thuật Hàng không Quân sự Fiumicino; và các thành viên của Liên hiệp các Học viện Hoạt động Giáo dục, tập trung nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập, và cha xin mời gọi anh chị em tiếp tục nỗ lực hỗ trợ cho các trường học Công giáo, để sự tự do lựa chọn đường hướng giáo dục của các bậc cha mẹ cho con cái của họ luôn được bảo đảm.
Cha xin chào các sinh viên, đặc biệt sinh viên của Học viện “Asisium” và phái đoàn của Thành phố tự trị Cervia, có mặt ở đây trong ngày truyền thống phân phát muối.
Một lời chào thân ái xin gửi đến các bạn trẻ, anh chị em bệnh nhân và các đôi hôn phối mới. Hôm nay là ngày lễ Thánh An-rê Tông đồ, anh của Thánh Phê-rô. Các bạn trẻ thân yêu, nguyện xin cho việc ngài chạy đến ngôi mồ đá để tìm Chúa nhắc nhớ chúng con rằng đời sống của chúng ta là một cuộc lữ hành tiến về Nhà của Chúa Cha. Anh chị em bệnh nhân thân mến, nguyện xin sức mạnh của ngài, trong khi đối mặt với sự tử đạo, giữ vững anh chị em trong những lúc sự đau đớn của anh chị em dường như vượt ngoài sức chịu đựng. Các đôi hôn phối mới thân yêu, nguyện xin lòng hăng hái của ngài đi theo Đấng Cứu độ thúc đẩy chúng con hiểu được sự quan trọng của tình yêu trong gia đình mới. Và, trong ngày lễ kính Thánh An-rê Tông đồ, tôi xin gửi lời chào đến Giáo hội Constantinople và Đức Thượng Phụ Đáng kính Bartholomew, và cùng hiệp nhất với ngài và với Giáo hội Constantinople trong ngày lễ này – với Giáo hội chị em nhân danh Thánh Phê-rô và An-rê, tất cả cùng nhau – và xin gửi lời chúc tốt lành đến tất cả, mọi ơn lành của Chúa và một cái ôm thân ái.
[Văn bản gốc: tiếng Ý]  [Bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT]
Những thỉnh cầu của Đức Thánh Cha
Ngày mai, 1 tháng 12, là Ngày AIDS Thế giới, do Liên Hợp Quốc đề xướng. Hàng triệu người đang sống với căn bệnh này và chỉ phân nửa số họ tiếp cận được với các liệu pháp duy trì sự sống. Tôi xin mời gọi mọi người hãy cầu nguyện cho họ và cho những người thân của họ để thúc đẩy tình hiệp nhất để ngay cả những người nghèo nhất cũng có thể hưởng lợi được từ việc chẩn đoán và chăm sóc thích hợp. Cuối cùng, tôi xin đưa ra lời thỉnh cầu làm sao tất cả mọi người nhận ra những hành vi trách nhiệm để chặn lại sự lây lan thêm của căn bệnh này.
Với sáng kiến của nước Pháp và các Tiểu Vương Quốc Ả-rập Thống nhất, cùng với sự hợp tác của UNESCO, một Hội nghị Quốc tế về Bảo vệ Di sản trong những Vùng có Xung đột sẽ được tổ chức tại Abu Dhabi vào ngày 2-3 tháng 12 này – thật không may đây là một chủ đề thuộc thảm họa hiện tại. Với sự tin chắc rằng việc bảo vệ những di sản văn hóa góp phần vào một chiều kích quan trọng trong việc bảo vệ con người, tôi hy vọng rằng sự kiện này sẽ đánh dấu một chặng đường mới trong tiến trình áp dụng nhân quyền.
[Văn bản gốc: tiếng Ý]  [Bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 01/12/2016]

Tiếp kiến chung: Chôn xác người chết
Tiếp kiến chung: Chôn xác người chết
Tiếp kiến chung: Chôn xác người chết
Tiếp kiến chung: Chôn xác người chết
Tiếp kiến chung: Chôn xác người chết
Tiếp kiến chung: Chôn xác người chết
Tiếp kiến chung: Chôn xác người chết
Tiếp kiến chung: Chôn xác người chết
Tiếp kiến chung: Chôn xác người chết
Tiếp kiến chung: Chôn xác người chết
Tiếp kiến chung: Chôn xác người chết



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét