Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

Bài giảng ngày đầu năm của Đức Thánh Cha trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô

Bài giảng ngày đầu năm của Đức Thánh Cha trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô

‘Để mừng kính Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của chúng ta ngay ngày đầu năm mới này có nghĩa là nhắc lại sự xác tín sẽ theo suốt những ngày tháng cuộc đời của chúng ta: chúng ta là một dân tộc có một người Mẹ; chúng ta không phải là những đứa con mồ côi.’
1 tháng 1, 2017
Bài giảng ngày đầu năm của Đức Thánh Cha trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô
CTV Screenshot
Dưới đây là văn bản bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico do Vatican cung cấp trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô sáng ngày Lễ Trọng Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, trong ngày đầu năm, và cũng đánh dấu Ngày Hòa Bình Thế Giới:
***
“Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi chuyện ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng!” (Lc 2:19). Bằng những lời này, Thánh Lu-ca miêu tả thái độ Mẹ Maria trước mọi việc mà Mẹ trải qua trong những ngày đó. Vượt trên thái độ hiểu biết và nắm được tình hình, Mẹ Maria là người phụ nữ có thể ghi nhớ, nghĩa là, bảo vệ và giữ gìn trong lòng, sự hạ thế của Thiên Chúa trong cuộc sống của dân Người. Sâu thẳm bên trong, Mẹ đã học cách lắng nghe từng nhịp tim của Con của Mẹ, và từ đó ngược lại đã dạy cho Mẹ, trong suốt cuộc đời của Mẹ, khám phá ra nhịp đập trái tim của Thiên Chúa trong lịch sử. Mẹ học để trở thành một người mẹ, và trong quá trình học đó Mẹ đã cho Chúa Giê-su kinh nghiệm tuyệt mỹ hiểu được việc trở thành một người Con là như thế nào. Trong Mẹ Maria, Lời Hằng Sống không chỉ trở nên nhục thể, nhưng cũng học để nhận ra được sự dịu hiền của tình mẫu tử của Thiên Chúa. Với Mẹ Maria, Hài Nhi Thiên Chúa học cách lắng nghe những khao khát, những khó khăn, những sự vui mừng và cậy trông của dân được hứa. Cùng Mẹ Maria, Ngài khám phá ra dân tộc trung thành của Con của Thiên Chúa.
Trong các sách Tin mừng, Mẹ Maria xuất hiện là một phụ nữ rất ít nói, chẳng có những diễn từ hùng hồn hay công việc vĩ đại, nhưng là một cái nhìn chăm chú có khả năng bảo vệ được cuộc sống và sứ mạng của Con của Mẹ, và vì lý do này, bảo vệ được mọi điều Ngài yêu thương. Mẹ đã có thể trông coi những khởi đầu của cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi, và theo cách này Mẹ đã biết cách để trở thành mẹ của nhiều người. Mẹ đến gần với những hoàn cảnh đa dạng nhất để gieo mầm hy vọng. Mẹ đã đồng hành cùng với những thập giá đè nặng trong sự im lặng của trái tim của những đứa con của Mẹ. Có không biết bao nhiêu cách sùng kính, đền thờ và nhà nguyện ở những nơi xa xôi nhất, không biết bao nhiêu ảnh tượng trong gia đình của chúng ta, nhắc chúng ta nhớ về chân lý vĩ đại này. Mẹ Maria cho chúng ta hơi ấm của người mẹ hiền, hơi ấm làm nơi cư ngụ cho chúng ta giữa những khó khăn, hơi ấm tình mẫu tử giữ cho mọi điều và mọi người không làm phai mờ đi cuộc cách mạng của lòng từ bi của Con của Mẹ trong giữa trái tim của Hội Thánh.
Ở nơi đâu có một người mẹ, ở đó có sự dịu hiền. Với thiên chức làm  mẹ của Mẹ, Mẹ Maria cho chúng ta thấy rằng sự khiêm hạ và lòng từ bi không phải là nhân đức của những người yếu đuối nhưng là của những người mạnh mẽ. Mẹ dạy chúng ta rằng chúng ta không được ngược đãi người khác để có cảm giác mình là người quan trọng (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 288). Những người công chính của Chúa luôn chân nhận và tôn vinh Mẹ là Thánh Mẫu của Thiên Chúa.
Để mừng kính Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của chúng ta ngay ngày đầu năm mới có nghĩa là nhắc lại sự xác tín sẽ theo suốt những ngày tháng cuộc đời của chúng ta: chúng ta là một dân tộc có một người Mẹ; chúng ta không phải là những đứa con mồ côi.
Những người mẹ là liều thuốc giải mạnh mẽ nhất cho các khuynh hướng theo chủ nghĩa cá nhân và tự cao tự đại, cho sự thiếu vắng tính bao dung và cho sự thờ ơ của chúng ta. Một xã hội không có những người mẹ không chỉ là một xã hội lạnh lùng, mà là một xã hội mất đi con tim, mất đi “cảm giác trong gia đình.” Một xã hội không có những người mẹ sẽ là một xã hội không có lòng thương xót, trở thành một xã hội chỉ có sự tính toán và đầu cơ trục lợi. Vì những người mẹ, ngay cả trong những lúc khó khăn nhất, vẫn có khả năng thể hiện lòng từ bi, sự hy sinh quên mình vô điều kiện và sức mạnh của lòng cậy trông. Tôi đã học được rất nhiều từ những người mẹ có những đứa con đang bị tù tội, hoặc đang nằm trên giường bệnh trong bệnh viện, đang bị nô lệ cho ma túy, tuy nhiên, dù trời nóng hay lạnh, mưa bão hay khô hạn, họ không bao giờ dừng chiến đấu vì những điều tốt đẹp nhất cho các đứa con của họ. Hay những người mẹ trong các trại tị nạn, hay thậm chí đang ở giữa vùng chiến tranh, luôn luôn ôm chặt lấy và hỗ trợ những nỗi đau của các con. Có những người mẹ hy sinh mạng sống của mình để không đứa con nào của họ phải thiệt mạng. Nơi nào có một người mẹ, nơi đó có sự hiệp nhất, có cảm nhận tính thuộc về, sự thuộc về như những đứa con.
Bắt đầu một năm mới bằng cách nhớ lại lòng nhân từ tốt lành của Thiên Chúa trong dung nhan tình mẫu tử của Mẹ Maria, trong dung nhan của tình mẫu tử của Giáo hội, trong dung nhan của những người mẹ của chúng ta, bảo vệ chúng ta khỏi căn bệnh của “những đứa con mồ côi tinh thần” đang gặm nhấm tâm hồn. Đó là cảm giác trở thành mồ côi khi tâm hồn cảm thấy không còn bóng dáng người mẹ và thiếu vắng lòng nhân hậu của Thiên Chúa, khi ý thức của sự thuộc về một gia đình, một dân tộc, một đất nước, thuộc về Thiên Chúa của chúng ta trở nên lu mờ. Cảm giác bị mồ côi cư ngụ trong một tâm hồn chỉ biết yêu chính mình, chỉ có khả năng nhìn vào bản thân và những ích lợi cho riêng mình. Nó lớn lên khi chúng ta quên rằng cuộc sống là một ân ban mà chúng ta đã đón nhận – và mang nợ tha nhân – một ân ban mà chúng ta được kêu gọi để chia sẻ trong ngôi nhà chung này.
Chính tình trạng mồ côi quá yêu bản thân này đã làm cho Ca-in tự hỏi: “Con là người giữ em con hay sao?” (St 4:9). Câu đó hàm ý là: người đó không thuộc về tôi; tôi không nhận ra anh ta. Thái độ mồ côi tinh thần này là một căn bệnh ung thư âm thầm bào mòn và hủy hoại tâm hồn. Chúng ta thậm chí còn bị hủy hoại hơn nữa, vì chẳng ai thuộc về chúng ta và chúng ta chẳng thuộc về ai. Tôi tàn phá trái đất vì nó không thuộc về tôi; tôi ngược đãi người khác vì họ không thuộc về tôi; tôi hạ bệ Thiên Chúa vì tôi không thuộc về Ngài, và cuối cùng chúng ta tự hủy hoại chính chúng ta, vì chúng ta quên chúng ta là ai và “tên thánh” mà chúng ta mang trên mình. Sự đánh mất những sợi dây ràng buộc chúng ta, trở nên quá phổ biến trong văn hóa phân mảnh và chia rẽ, làm gia tăng cảm giác của tình trạng mồ côi và do đó, dẫn đến tình trạng cô đơn và trống rỗng quá lớn. Sự thiếu vắng những mối quan hệ gặp gỡ thật (không phải ảo) đang làm tâm hồn chúng xơ cứng dần (Tông sắc Laudato Si’, 49) và làm chúng ta đánh mất khả năng của lòng từ bi và kinh ngạc, mất khả năng lòng thương xót và trắc ẩn. Tình trạng mồ côi tinh thần làm chúng ta quên đi ý nghĩa của đạo làm con, làm cháu, làm cha mẹ, làm ông bà, là bạn bè và là người môn đệ. Nó làm chúng ta quên đi tính quan trọng của sự vui chơi, ca hát, của nụ cười, của sự nghỉ ngơi, và của lòng biết ơn.
Mừng Lễ Thánh Mẫu Thiên Chúa làm chúng ta phải mở nụ cười thêm một lần nữa vì chúng ta nhận ra rằng chúng ta là một dân tộc, rằng chúng ta thuộc về, rằng chỉ trong một cộng đoàn, trong một gia đình, chúng ta mới có thể trở thành những con người tìm được “không khí”, “hơi ấm” giúp chúng ta có thể lớn lên trong tình nhân ái, chứ không phải là những đồ vật chỉ với mục đích “tiêu thụ và được tiêu thụ.” Mừng Lễ Thánh Mẫu Thiên Chúa nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta không phải là những món hàng để buôn bán có thể trao đổi được hay những bộ máy xử lý thông tin. Chúng ta là những đứa con, chúng ta là gia đình, chúng ta là Dân tộc của Thiên Chúa.
Mừng Lễ Thánh Mẫu Thiên Chúa dẫn đưa chúng ta biết tạo dựng và chăm sóc cho những nơi công cộng để nó có thể tạo cho chúng ta một ý thức thuộc về, ý thức về nguồn cội, ý thức cảm nhận thành phố chúng ta như là nhà của chúng ta, trong các cộng đồng để hiệp nhất và hỗ trợ chúng ta (Tông sắc Laudato Si’, 151).
Chúa Giê-su, trong giây phút cuối cùng tự hiến thân mình trên thập giá, chẳng tìm kiếm gì để giữ lại cho riêng mình, và khi cho đi mạng sống của mình, Người cũng trao chúng ta lại cho Mẹ của Người. Người nói với Mẹ Maria: Đây là con của Mẹ; đây là những đứa con của Mẹ. Cả chúng ta nữa cũng muốn đón nhận Mẹ vào trong nhà của chúng ta, vào trong gia đình, trong cộng đoàn, trong đất nước của chúng ta. Chúng ta muốn tìm được cái nhìn của tình mẫu tử của Mẹ. Cái nhìn giải thoát chúng ta khỏi tình trạng là những đứa con mồ côi; cái nhìn nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta là anh chị em của nhau, rằng tôi thuộc về bạn, và bạn thuộc về tôi, rằng chúng ta là từ cùng một xương thịt. Cái nhìn dạy chúng ta rằng chúng ta phải học cách chăm sóc cho sự sống theo cùng cách thức và cùng với lòng dịu hiền của Mẹ: bằng cách gieo những hạt mầm hy vọng, gieo ý thức thuộc về và ý thức tình huynh đệ.
Mừng Lễ Thánh Mẫu Thiên Chúa nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta có một Mẹ. Chúng ta không phải là những đứa con mồ côi.
Chúng ta có một người Mẹ. Chúng ta hãy cùng nhau tuyên xưng chân lý này. Tôi mời gọi anh chị em hãy cùng lớn tiếng tung hô ba lần, như các tín hữu của giáo đoàn Ê-phê-sô: Thánh Mẫu của Thiên Chúa, Thánh Mẫu của Thiên Chúa, Thánh Mẫu của Thiên Chúa.

[Văn bản gốc: tiếng Ý] [bản dịch (tiếng Anh) do Vatican cung cấp]

[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 02/01/2017]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét