Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

Bài giảng của Đức Thánh Cha tại nhà thờ Thánh Mary Josephine giáo xứ Thánh Tâm Giê-su thuộc ngoại vi Roma

Bài giảng của Đức Thánh Cha tại nhà thờ Thánh Mary Josephine giáo xứ Thánh Tâm Giê-su thuộc ngoại vi Roma

‘Oán hận …  khát khao trả thù … ‘Ngươi sẽ phải trả giá cho việc đó! … Đây không phải là tinh thần Ki-tô.’
20 tháng Hai, 2017
Bài giảng của Đức Thánh Cha tại nhà thờ Thánh Mary Josephine giáo xứ Thánh Tâm Giê-su thuộc ngoại vi Roma
CTV Screenshot
Dưới đây là bản dịch của Zenit bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico trong chuyến thăm một giáo xứ thuộc vùng ngoại vi Roma, chiều Chủ nhật 19 tháng Hai, là một chuyến đi thứ hai như vầy kể từ sau bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót, và là chuyến thứ 13 như vậy. Giáo xứ Thánh Mary Josephine Thánh Tâm Giê-su nằm trong vùng Castelverde di Lunghezza, 6 cây số cách phía đông đường cao tốc vòng quanh Roma:
* * *
Hôm nay, có một điều mà cha muốn gọi là một thông điệp chung nhất trong các bài đọc. Trong Bài Đọc Một có một Lời của Chúa nói với chúng ta: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Lv 19:2). Thiên Chúa Cha nói điều này với chúng ta. Và Tin Mừng kết bằng Lời đó của Chúa Giê-su: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”(Mt 5:48) – cùng một lời. Đây là chương trình của cuộc sống. Hãy nên thánh thiện, vì Người là Đấng Thánh; hãy nên hoàn thiện, vì Người là Đấng Hoàn Thiện. Và anh chị em có thể hỏi cha: Nhưng thưa cha, con đường nên thánh là gì, con đường nên thánh là như thế nào?” Chúa Giê-su đã giải thích rất rõ trong Tin Mừng: Ngài giải thích điều đó bằng những việc cụ thể.
Trước hết: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5:38-39), nói rõ là không được báo thù. Nếu tôi mang sự uất hận trong tâm hồn vì một điều người khác đã làm cho tôi và tôi muốn trả thù, điều này đẩy tôi ra khỏi con đường nên thánh. Không báo thù. “Anh làm điều đó đối với tôi, anh sẽ phải trả giá!” Đây có phải tinh thần Ki-tô không? Không. “Anh sẽ phải trả giá” không đi vào ngôn ngữ của Ki-tô giáo. Không báo thù. Không uất hận. “Nhưng hắn làm đời sống của tôi bế tắc! …” Người hàng xóm đó ngày nào cũng nói xấu tôi! Tôi cũng phải nói xấu lại về bà ta …” Không. Chúa nói gì? “Hãy cầu nguyện cho bà ta” – “Tôi phải cầu nguyện cho bà ta ư?” – “Đúng, hãy cầu nguyện cho bà ta.” Đó là cách tha thứ, cách quên đi những xúc phạm. Anh chị em bị tát ở má bên phải? Hãy đưa luôn má bên kia. Tội ác được vượt qua bằng điều tốt lành, tội lỗi được vượt qua bằng sự quảng đại, bằng sức mạnh này. Uất hận rất khủng khiếp. Tất cả chúng ta đều biết nó không phải là một điều nhỏ. Những cuộc chiến lớn – chúng ta xem thấy trên các bản tin của TV, vụ tàn sát người ở đây, tàn sát trẻ em … Biết bao thù hận! Nhưng nó cũng cùng một sự hận thù, cùng một sự hận thù như anh chị em mang trong lòng vì một người đàn ông này, vì một người phụ nữ kia, vì người bà con họ hàng hay mẹ chồng, mẹ vợ đó, hay vì bất kỳ ai, nó đều giống nhau. Thù hận trên tin tức thấy nó lớn hơn, nhưng nó cũng như vậy. Uất hận, khát khao muốn giải oan cho mình bằng cách: “Ngươi sẽ phải trả giá cho chuyện đó!” đây không phải Ki-tô giáo.
“Nên thánh thiện vì Chúa là Đấng Thánh”; “nên hoàn thiện vì Cha là Đấng Hoàn thiện,” Đấng làm cho mặt trời mọc lên soi sáng trên kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5:45). Người tốt lành. Thiên Chúa ban sự tốt lành cho tất cả. “Nhưng nếu hắn ta nói xấu về tôi, nếu hắn ta làm điều xấu cho tôi, nếu hắn ta …” Hãy tha thứ, trong tâm hồn. Đây là con đường nên thánh; và điều này phá tan chiến tranh. Nếu mọi người trên thế giới học được điều này, sẽ không có chiến tranh, sẽ không có. Chiến tranh bắt đầu từ đây, trong sự cay đắng, trong sự uất hận, trong lòng khát khao báo thù, bắt người khác phải trả giá. Nhưng việc đó tàn phá các gia đình, phá hủy tình bạn, làm vỡ tan tình làng xóm, phá hủy quá nhiều, quá nhiều … “Vậy con phải làm gì, thưa cha, khi con mang cảm xúc này?” Chúa Giê-su trả lời điều này, không phải cha nói: “Hãy yêu thương kẻ thù của anh em” (Mt 5:44). “Con phải yêu kẻ đó ư?” – Đúng – “Con không thể” – Hãy cầu nguyện là con có thể –. “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (nt.). “Con cũng phải cầu cho những kẻ làm hại con sao?” – Đúng, để người đó thay đổi cuộc đời, để Thiên Chúa tha thứ cho người đó. Đây là tính đại lượng khoan dung của Thiên Chúa, Thiên Chúa khoan dung đại lượng, Thiên Chúa với tấm lòng cao cả, Người tha thứ tất cả, Người giàu lòng thương xót. “Đúng là vậy, thưa cha, Thiên Chúa giàu lòng thương xót.” Và chúng ta, chúng ta có thương xót những người đã làm hại chúng ta? Hay những người không yêu chúng ta? Nếu Người giàu lòng thương xót, nếu Người là thánh, nếu Người hoàn thiện, thì chúng ta phải thương xót, phải thánh thiện và hoàn thiện như Người.
Đây là sự nên thánh. Một người làm như vậy xứng đáng được phong thánh: họ trở thành thánh. Đời sống Ki-tô hữu chỉ đơn giản vậy thôi. Cha đề nghị anh chị em bắt đầu một chút thôi. Tất cả chúng ta đều có kẻ thù; chúng ta đều biết là người đó nói xấu về chúng ta; chúng ta biết như vậy. Và tất cả chúng ta biết người đó ghét chúng ta. Tất cả chúng ta biết điều đó. Vậy chúng ta bắt đầu một chút thôi. “Nhưng con biết người đó đã nói xấu về con, ông ta đã nói những điều kinh khủng về con.” Cha đề nghị với anh chị em: đợi một chút, hướng nhìn lên Chúa Cha: “Người đó là con cái của Người, cô ta là con gái của Người: xin hãy thay đổi tâm hồn cô ta. Xin ban phúc lành cho anh ta, xin ban phúc lành cho cô ta.” Đây là điều được gọi là cầu nguyện cho kẻ không yêu thương anh em, cho những kẻ thù. Có thể thực hiện nó với sự đơn sơ. Có thể sự uất hận vẫn còn; có lẽ nỗi uất hận vẫn còn tồn đọng trong chúng ta, nhưng chúng ta đang hết sức cố gắng để đi trên con đường của Thiên Chúa, Đấng rất tốt lành, hay thương xót và hoàn thiện; Người cho mặt trời soi sáng trên kẻ xấu cũng như người tốt: Người là cho tất cả mọi người, Người tốt lành với tất cả mọi người. Chúng ta cũng phải nên tốt lành với mọi người, và chúng ta phải cầu nguyện cho những người không tốt – cho tất cả.
Chúng ta có cầu nguyện cho những kẻ giết trẻ em trong chiến tranh không? Khó quá, nó cách đây quá xa, nhưng chúng ta phải học cách làm điều này, để co hoán cải. Chúng ta có cầu nguyện cho những người gần gũi với chúng ta nhất nhưng lại ghét chúng ta hoặc làm hại chúng ta? À, thưa cha, khó lắm. Con muốn vặn cổ anh ta!” – Hãy cầu nguyện, cầu nguyện để Thiên Chúa thay đổi đời sống của họ. Cầu nguyện là một liều thuốc giải cho lòng thù hận, cho chiến tranh, những cuộc chiến này bắt đầu từ trong nhà, bắt đầu từ trong khu xóm, bắt đầu từ trong gia đình. Chỉ nghĩ đến những cuộc chiến trong gia đình về quyền thừa kế thôi: không biết bao gia đình đã bị phá hủy, ghét nhau vì quyền thừa kế. Cầu nguyện để có hòa bình. Và nếu tôi biết có ai đó mong muốn điều xấu cho tôi, không yêu tôi, tôi phải cầu nguyện thật đặc biệt cho người đó. Cầu nguyện là một sức mạnh, cầu nguyện vượt qua cái xấu; cầu nguyện mang lại hòa bình.
Tin mừng, Lời Chúa hôm nay rất đơn giản. Đây là lời khuyên: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.” Và rồi: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” Vì thế, chúng ta phải cầu xin ơn sủng không giữ lại sự uất hận, ơn sủng biết cầu xin cho kẻ thù địch, cầu nguyện cho những người không yêu thương chúng ta, cầu xin ơn sủng bình an.
Cha yêu cầu anh chị em, xin hãy thực hiện việc này: một lời cầu nguyện mỗi ngày như sau: “Ôi, người đó không yêu con, nhưng lạy Chúa, con xin Người …” Một ngày một lần, rồi chúng ta sẽ vượt qua, rồi chúng ta sẽ đi trên con đường nên thánh và hoàn thiện. Chắc chắn như vậy.
[Văn bản gốc: tiếng Ý]  [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 20/02/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét