Thứ Năm, 18 tháng 5, 2017

TIẾP KIẾN CHUNG: ‘ Bà Maria Ma-đa-lê-na, môn đệ của sự hy vọng’

TIẾP KIẾN CHUNG: ‘ Bà Maria Ma-đa-lê-na, môn đệ của sự hy vọng’

‘Mỗi người chúng ta là một câu chuyện yêu thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa gọi mỗi người chúng ta bằng chính tên gọi của mình: Người biết tên từng người chúng ta, Người nhìn chúng ta, Người có sự kiên nhẫn với chúng ta’
17 tháng Năm, 2017
TIẾP KIẾN CHUNG: ‘ Bà Maria Ma-đa-lê-na, môn đệ của sự hy vọng’
PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Buổi Tiếp Kiến chung được tổ chức lúc 9.25 sáng nay trong Quảng Trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm người hành hương và tín hữu từ nước Ý và trên khắp thế giới.
Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha suy tư về chủ đề: “Bà Maria Ma-đa-lê-na, môn đệ của sự hy vọng” (x. Ga 20:15-18a).
Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu đang hiện diện.
Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
* * *
Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Trong những tuần này sự suy tư của chúng ta, theo một cách nói, chuyển động quanh quỹ đạo của mầu nhiệm vượt qua. Hôm nay chúng ta gặp người, theo các Tin mừng, người đầu tiên được nhìn thấy Chúa Giê-su Phục Sinh: bà Maria Ma-đa-lê-na. Ngày nghỉ sa-bát đã qua. Trong ngày Thương khó không có thời gian để hoàn tất những nghi thức tang lễ; vì vậy, trong buổi sáng sớm đầy đau buồn đó, những người phụ nữ đi ra mồ của Chúa Giê-su với những loại dầu thơm. Người đầu tiên ra tới nơi chính là bà, bà Maria Mác-đa-la, một trong những môn đệ đã đi theo Chúa Giê-su từ Ga-li-lê, dâng mình phục vụ cho Giáo hội sơ khai. Cùng thể hiện trên đường đi của bà ra mồ đá là lòng trung tín của rất nhiều người phụ nữ dâng hiến nhiều năm cho những con đường tiến về nghĩa trang, để tưởng nhớ người nào đó đã qua đời. Những mối dây liên kết thực sự không bị đứt dù cả cái chết: người ta vẫn tiếp tục yêu thương cho dù người thân yêu đã ra đi mãi mãi.
Tin mừng (x. Ga 20:1-2.11-18) miêu tả bà Ma-đa-lê-na, cho thấy rõ ràng rằng bà không phải là một phụ nữ có những nhiệt tình nông nổi. Quả thật, sau lần ra mồ đầu tiên, bà thất vọng trở về nơi các tông đồ đang trốn tránh; bà nói rằng tảng đá đã bị lăn ra khỏi cửa mồ, và giả định đầu tiên của bà đơn giản nhất theo công thức: có ai đó đã đánh cắp xác của Chúa Giê-su. Như vậy, thông báo đầu tiên bà Maria đem về không phải là sự Phục sinh, nhưng là một thông báo về một sự đánh cắp được thực hiện lén lút, khi cả Giê-ru-sa-lem đang ngủ.
Rồi Tin mừng kể về chuyến đi thứ hai của Ma-đa-lê-na ra mộ của Chúa Giê-su. Bà quả là người cứng đầu! Bà đi, bà trở về … vì bà không tin! Lần này bước đi của bà chậm, rất nặng nề. Maria đang chịu đau khổ gấp đôi: trước hết là vì Cái Chết của Chúa Giê-su, và sau đó vì sự biến mất không thể lý giải được của xác của Ngài.
Chính lúc bà đang quỳ gối gần bên mồ, với đôi mắt đẫm lệ, thì Chúa làm bà ngạc nhiên theo một cách đột ngột. Tác giả Tin mừng Gio-an nhấn mạnh đến tình trạng dai dẳng của mắt bà bị che khuất: bà không hề ý thức về sự hiện diện của hai Thiên Thần đang hỏi bà, và thậm chí không một chút tò mò khi nhìn thấy người đàn ông đứng sau lưng bà, mà bà nghĩ là người coi vườn. Và bà đã khám phá ra biến cố trọng đại nhất của lịch sử loài người, khi cuối cùng bà được gọi bằng chính tên của bà: “Maria!” (c. 6).
Thật vô cùng dễ thương khi nghĩ về lần hiện ra đầu tiên của Đấng Đã Sống Lại — theo Tin mừng — lại xảy ra mang tính riêng tư như vậy! Có một Người biết rõ chúng ta, nhìn thấy những đau khổ và chán chường của chúng ta, và Người xúc động vì chúng ta, và gọi chúng ta bằng chính tên của chúng ta. Đó là một quy luật mà chúng ta tìm thấy được ghi trong nhiều trang của Tin mừng. Có không biết bao nhiêu người tìm kiếm Thiên Chúa qua Đức Giê-su, nhưng thực tại phi thường nhất là, đã từ ngàn đời, ngay từ ban đầu chính Thiên Chúa đã lo cho sự sống của chúng ta, Người muốn nâng nó lên, và để làm điều này Người gọi tên từng người chúng ta, nhận diện từng khuôn mặt của mỗi người. Mỗi con người là một câu chuyện yêu thương mà Thiên Chúa viết trên trái đất này. Mỗi người chúng ta là một câu chuyện yêu thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa gọi mỗi người chúng ta bằng chính tên gọi của mình: Người biết tên từng người chúng ta, Người nhìn chúng ta, Người chờ đợi chúng ta, Người tha thứ cho chúng ta, Người kiên nhẫn với chúng ta. Điều này đúng hay không đúng? Mỗi người chúng ta đều có sự trải nghiệm này.
Và Giê-su gọi bà: “Maria!”: một cuộc cách mạng của cuộc đời của bà, cuộc cách mạng dẫn đến sự biến đổi cuộc sống của mỗi con người, bắt đầu từ một tiếng gọi tên vang lên trong khu vườn của ngôi mồ trống. Tin mừng miêu tả cho chúng ta niềm hạnh phúc của Maria: Sự Phục Sinh của Chúa Giê-su không phải là một niềm vui được trao tặng từng phần từng phần nhưng như một thác nước đổ xuống trọn vẹn cuộc sống. Sự sống người Ki-tô hữu không được đan dệt bằng những niềm vui nho nhỏ, nhưng là những cơn sóng phủ ngập mọi thứ. Ngay lúc này anh chị em cũng hãy thử hình dung rằng, với một túi đầy những chán nản và sự thất bại mà mỗi người mang trong tâm hồn, có một Thiên Chúa ở bên chúng ta, Người gọi tên chúng ta và nói: “Hãy đứng dậy, đừng khóc nữa, vì Ta đến để giải thoát con!” Đẹp vô cùng!
Chúa Giê-su không phải là người bị trộn lẫn vào thế gian, chịu số phận của cái chết, nỗi buồn, lòng thù hận, sự tàn phá đạo đức của con người phải chịu đựng … Thiên Chúa của chúng ta không phải là một người trì trệ, nhưng Chúa của chúng ta – tôi tự cho phép mình dùng từ này – là một người mơ ước: Người mơ đến sự biến đổi thế giới, và Người thực hiện điều đó trong mầu nhiệm Phục sinh.
Maria muốn ôm lấy Chúa của chị, nhưng Ngài bây giờ về với Chúa Cha trên trời, và chị được gửi đi để mang tin đến cho anh em. Và vì thế người phụ nữ đó, trước khi gặp Chúa Giê-su đã bị quỷ ám (x. Lc 8:2), bây giờ trở thành tông đồ của sự hy vọng mới và vĩ đại nhất. Nguyện xin sự can thiệp của bà giúp chúng ta sống được sự trải nghiệm này: trong giờ phút phải rơi lệ và trong những lúc bị bỏ rơi, để lắng nghe Đức Giê-su Sống Lại gọi tên của chúng ta, và với một con tim ngập tràn niềm vui, ra đi loan báo: “Tôi đã nhìn thấy Thầy!” (c. 18). Tôi đã thay đổi đời sống của tôi vì tôi đã gặp Thiên Chúa! Bây giờ tôi đã khác trước, tôi là một con người khác. Tôi đã thay đổi vì tôi đã nhìn thấy Thiên Chúa. Đây là sức mạnh và là niềm hy vọng của chúng ta. Xin cảm ơn anh chị em.
[Văn bản chính: tiếng Ý]  [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 18/05/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét