Thứ Hai, 6 tháng 11, 2017

LHQ: Báo động sự gia tăng chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc

LHQ: Báo động sự gia tăng chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc

Đức Tổng Giám mục Auza cảnh báo những đe dọa đối với phẩm giá, sự phát triển
1 tháng Mười Một, 2017
United Nations Headquarters in New York City
WIKIMEDIA COMMONS - Neptuul
Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc, bày tỏ những báo động về sự trỗi dậy của những hành động kỳ thị chủng tộc, phân biệt đối xử theo sắc tộc và bài ngoại, điều mà ngài nói là nghịch lại với phẩm giá của mỗi con người và dấy lên một đe dọa cho nền hòa bình và sự phát triển bền vững, toàn diện.
Phát biểu của ngài ngày 31 tháng Mười, 2017, trong phiên tranh luận của Ủy ban thứ Ba của Đại hội đồng về Chương trình Nghị sự Mục 70, với chủ đề “Chấm Dứt Chủ Nghĩa Kỳ Thị Chủng Tộc, Phân Biệt Đối Xử Chủng Tộc, Bài Ngoại và Không Khoan Dung,” tại Liên Hợp quốc ở New York.
Ngài nói rằng các tiến trình đang được thực hiện hướng đến Comprehensive Refugee Response Framework (tạm dịch: Khuôn khổ Chung về Tị nạn) và Hiệp ước Toàn cầu về Di trú tạo ra một cơ hội chưa từng có để chống lại chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc và bài ngoại nhắm vào người di cư và tị nạn đồng thời bảo vệ nhân quyền cho họ. Trích lời của Đức Thánh Cha Phanxico, ngài nhấn mạnh đến nhu cầu cần phải xây dựng một văn hóa gặp gỡ và nhân quyền trong đó sự tương quan của họ với thiện ích chung và với quyền của người khác được làm nổi bật lên.
Dưới đây là tham luận của ngài.
Phát biểu của Tổng Giám mục Bernardito Auza
Khâm sứ và Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh
Phiên họp thứ Bảy mươi hai của Đại hội đồng Liên Hợp quốc. Ủy ban thứ ba
Chương trình Nghị sự Mục 70: Xóa Bỏ Sự Kỳ Thị Chủng Tộc, Phân Biệt Đối Xử Sắc Tộc, Bài Ngoại và Bất Bao Dung
New York, 31 tháng Mười 2017

Thưa ông Chủ tịch,
Chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc, phân biệt đối xử theo sắc tộc, bài ngoại, và bất bao dung là nghịch lại với phẩm giá của mỗi con người. Chúng thường được sinh ra từ sự e sợ hoặc tinh thần muốn thống trị, đi ngược lại với một văn hóa gặp gỡ được thể hiện qua sự cởi mở, huynh đệ và đoàn kết.
Sự trỗi dậy của những ngôn ngữ và hành động bài Xê-mít, những thái độ bài Hồi giáo theo cảm tính ở một số quốc gia, việc bách hại người Ki-tô hữu và nhiều hình thức quấy rối hoặc bạo lực chống lại các cá nhân hoặc những nhóm thiểu số chỉ vì nguồn gốc tôn giáo hoặc sắc tộc của họ, nhân quyền và những thách đố về dân chủ được đưa ra bởi các nhóm chính trị và phong trào cực đoan, sự khích động những hành động thù hận bởi các nhóm khủng bố, và việc trút giận lên những người di cư, những người đi tìm nơi dung thân và người tị nạn, là những cách thể hiện của chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc, phân biệt đối xử theo sắc tộc, bài ngoại, và bất bao dung, và phải được giải quyết dưới mọi hình thức và cách thể hiện của nó.
Sự thông qua Hiệp ước Quốc tế về Xóa bỏ Mọi hình thức Kỳ thị Chủng tộc, cũng như Tuyên ngôn Durban và Chương trình Hành động (DDPA), đã chứng minh khát khao và quyết tâm của cộng đồng quốc tế chữa lành những vết thương của quá khứ và thực hiện hành động chống lại mọi hình thức kỳ thị chủng tộc. Tòa Thánh đã ký Hiệp ước năm 1966 và thông qua nó năm 1969, tin rằng sự kỳ thị chủng tộc, không chỉ là một sự xúc phạm nặng nề chống lại nhân phẩm, mà còn tạo ra một mối đe dọa đối với sự nhận thức về các xã hội hòa bình, công bằng và bao gồm, và nó cản trở những cam kết của cộng đồng quốc tế hướng đến sự phát triển toàn diện, bền vững, nổi bật nhất là Chương trình Nghị sự 2030.
Liên quan đến vấn đề này, những tiến trình đang diễn ra dẫn đến Comprehensive Refugee Response Framework và Hiệp ước Toàn cầu về di cư an toàn, có trật tự và theo định kỳ tạo ra một cơ hội chưa từng có nhằm chống lại sự bất bao dung, sự kỳ thị chủng tộc và bài ngoại nhắm vào người di cư, người tị nạn và gia đình của họ, đồng thời bảo vệ nhân quyền căn bản liên quan đến tình trạng của họ. Đức Giáo hoàng Phanxico nhắc chúng ta nhớ rằng điều quan trọng là phải biết công nhận, và giúp người khác nhận ra rằng người di cư và tị nạn không phải là một vấn đề phải giải quyết, nhưng là những anh chị em của chúng ta cần phải được chào đón, tôn trọng và yêu thương.[1]
Thưa ông Chủ tịch,
Trong khi những hiệp định quốc tế và pháp luật quốc gia là những công cụ không thể thiếu để chống lại mọi hình thức kỳ thị chủng tộc, bài ngoại và không khoan dung, thì sự giáo dục về nhân quyền đóng một vai trò then chốt để thúc đẩy mối liên kết xã hội và cổ vũ cho sự tôn trọng nhân phẩm. Đức Giáo hoàng Phanxico đã nói rằng điều “thiết yếu là phải phát triển một văn hóa nhân quyền kết nối từng cá nhân, hay tốt hơn nữa là giá trị riêng của mỗi người với thiện ích chung, với ‘tất cả chúng ta’ được xây dựng nên bởi các cá nhân, các gia đình và nhóm trung gian cấu thành xã hội. Quả thật, nếu quyền của mỗi cá nhân không được sắp xếp hài hòa vào tổng thể lợi ích chung, những quyền đó cuối cùng sẽ bị xem như vô hạn và kết quả nó sẽ trở thành nguồn gốc nảy sinh xung đột và bạo lực.”[2]
Thưa ông Chủ tịch,
Tòa Thánh tái khẳng định quyết tâm của mình chiến đấu chống lại mọi hình thức kỳ thị chủng tộc, phân biệt đối xử theo sắc tộc, bài ngoại, và bất bao dung là nghịch lại với phẩm giá vốn có của mỗi nhân vị, và sẽ tiếp tục đề nghị và tìm cách xúc tác cho một văn hóa gặp gỡ như là một phương thuốc cho những phân rã của gia đình nhân loại.
Cảm ơn ông Chủ tịch.
*********
1. Cfr. Pope Francis, Message for the World Day of Migrants and Refugees (2014): Towards a Better World, (5 August 2013).
2. Pope Francis, Address to Members of the European Parliament, Strasbourg, France, 25 November 2014.
Copyright © 2017 Permanent Observer Mission of the Holy See to the United Nations, All rights reserved.
JF

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 02/11/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét