Thứ Hai, 18 tháng 12, 2017

Kinh Truyền Tin: Chúa nhật Hãy Vui Lên

Kinh Truyền Tin: Chúa nhật Hãy Vui Lên

Chúng ta “chuẩn bị cho việc Chúa đến bằng cách mang lấy ba thái độ: vui mừng luôn mãi, cầu nguyện liên lỷ và tạ ơn trong mọi lúc”


17 tháng Mười Hai, 2017



Kinh Truyền Tin: Chúa nhật Hãy Vui Lên


Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha hôm nay trước và sau khi đọc Kinh Truyền Tin giữa trưa với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.


* * *



Trước Kinh Truyền Tin:


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Những Chúa nhật vừa qua, phụng vụ nhấn mạnh vào ý nghĩa của việc phải biết cảnh giác, và phải biết chuẩn bị con đường cho Chúa một cách cụ thể. Trong Chúa nhật thứ ba Mùa Vọng này, được gọi là “Chúa nhật Hãy vui lên,” phụng vụ mời gọi chúng ta đón nhận lấy thần khí khi tất cả những việc này xảy đến, nghĩa là, mừng vui. Thánh Phao-lô mời gọi chúng ta chuẩn bị cho việc Chúa đến bằng cách mang lấy ba thái độ: vui mừng luôn mãi, cầu nguyện liên lỷ và tạ ơn trong mọi lúc. Hãy nghe thật kỹ: ba thái độ: thứ nhất, vui mừng luôn mãi; thứ hai, cầu nguyện liên lỷ, và thứ ba, tạ ơn mọi lúc — vui mừng luôn mãi, cầu nguyện liên lỷ và tạ ơn trong mọi lúc.

Thái độ thứ nhất, vui mừng luôn mãi: như Thánh Tông đồ nói “Hãy vui mừng luôn mãi” (1 Tx 5:16). Nó có nghĩa là hãy luôn ở trong niềm vui, cho dù có những lúc mọi việc không đi theo những gì chúng ta muốn; tuy nhiên, còn có một niềm vui sâu thẳm, đó là sự bình an: đó cũng là niềm vui, nó ở trong tâm hồn. Và bình an là một niềm vui “ở mức độ nền tảng,” nhưng nó là một niềm vui. Những lo âu, những khó khăn và những đau khổ đi qua cuộc đời của mỗi người, tất cả chúng ta đều biết chúng; và vì thế thực tại xung quanh chúng ta dường như không thân thiện và khô cằn, giống như sa mạc nơi tiếng nói của Gio-an Tiền hô vang lên, như Tin mừng hôm nay thuật lại (x. Ga 1:23). Tuy nhiên, những lời của Gio-an tiết lộ rằng niềm vui của chúng ta được đặt trên nền tảng vững chắc ngay giữa sa mạc này: “có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (c. 26). Đó chính là Chúa Giê-su, Đấng được Chúa Cha sai đến đang đến gần, như I-sai-a nhấn mạnh, “sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa” (61:1-2). Chúa Giê-su đã đọc những lời này ứng nghiệm vào Người trong hội đường của Na-da-rét (x. Lc 4:16-19), công bố rõ rằng sứ mạng của Ngài trong thế gian này là giải phóng khỏi tội lỗi và khỏi những sự nô lệ cá nhân và xã hội mà nó gây ra. Ngài đến trần gian để trả lại cho con người phẩm giá và sự tự do được làm con cái của Thiên Chúa, điều mà chỉ có Ngài mới có thể truyền tải, và từ đó, ban cho niềm vui.

Niềm vui là điểm đặc trưng của sự mong chờ Đấng Mê-xi-a có nền tảng từ sự cầu nguyện liên lỷ, đây là thái độ thứ hai. Thánh Phao-lô nói: “hãy cầu nguyện không ngừng” (1 Tx 5:17). Bằng sự cầu nguyện, chúng ta có thể đi vào một mối quan hệ vững chắc với Thiên Chúa, Đấng là nguồn cội của niềm vui thật sự. Niềm vui của người Ki-tô hữu không thể mua bán, không thể mua nó bằng tiền, nó đến từ niềm tin và từ sự gặp gỡ với Chúa Giê-su Ki-tô, là lý do của sự hạnh phúc của chúng ta. Và chúng ta càng gắn kết trong Đức Ki-tô, thì chúng ta càng gần gũi với Chúa Giê-su hơn, chúng ta càng tái khám phá được sự bình an nội tâm, cho dù giữa bao mâu thuẫn của cuộc sống mỗi ngày. Vì vậy, một người Ki-tô hữu đã gặp gỡ Chúa Giê-su thì không thể trở thành một tiên tri của những sự bất hạnh, nhưng trở thành một chứng nhân và là một sứ giả của niềm vui — một niềm vui được chia sẻ với mọi người, một niềm vui có sức lan tỏa làm hành trình cuộc sống bớt rã rời hơn.

Thái độ thứ ba mà Thánh Phao-lô chỉ ra đó là tạ ơn mọi lúc, cụ thể là, lòng mến cảm tạ trong mối quan hệ với Thiên Chúa. Quả thật, Người rất rộng rãi với chúng ta, và chúng ta được mời gọi phải luôn biết cảm tạ vì những ân ban của Người, vì tình yêu thương xót của Người, vì sự kiên nhẫn và lòng nhân từ của Người, từ đó biết sống trong tâm tình tri ân mãi mãi.

Niềm vui, cầu nguyện và cảm tạ là ba thái độ chuẩn bị cho chúng ta sống Giáng sinh một cách chân thực nhất – niềm vui, cầu nguyện và cảm tạ. Chúng ta hãy cùng đồng thanh nói lớn: niềm vui, cầu nguyện và cảm tạ [mọi người trong Quảng trường lặp lại]. Một lần nữa! [Họ lặp lại]. Trong thời gian cuối cùng của Mùa Vọng, chúng ta hãy phó thác cho sự chuyển cầu của tình mẫu tử của Mẹ Maria Đồng Trinh. Mẹ là “căn nguyên của niềm vui của chúng ta,” không chỉ vì Mẹ sinh ra Chúa Giê-su, nhưng vì Mẹ không ngừng chuyển chúng ta lên với Ngài.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/12/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét