Thứ Năm, 10 tháng 5, 2018

TIẾP KIẾN CHUNG: Phép Rửa tội (Phần V): Sự tái sinh

TIẾP KIẾN CHUNG: Phép Rửa tội (Phần V): Sự tái sinh
Copyright - Vatican Media

TIẾP KIẾN CHUNG: Phép Rửa tội (Phần V): Sự tái sinh

‘Nếu cha mẹ cho chúng ta sự sống nơi trần thế, Giáo hội tái sinh chúng ta vào sự sống đời đời’

09 tháng Năm, 2018 13:52

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay diễn ra lúc 9:20 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung suy tư về Phép Rửa tội: 5. Sự tái sinh (Thư Thánh Phaolo gửi tín hữu Roma 6:3-4).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp kiến chung kết thức bằng bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Toà Thánh.

* * *

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Bài giáo lý về Bí tích Rửa tội hôm nay chúng ta nói về sự thanh tẩy tội lỗi, với lời khẩn cầu lên Thiên Chúa Ba Ngôi, đó là nghi thức thiết yếu để cho việc “rửa tội” trở nên hợp thức – tức là chìm mình vào trong Mầu nhiệm Vượt qua của Đức Ki-tô (Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1239). Thánh Phaolo nhắc lại ý nghĩa của việc này cho các Ki-tô hữu Roma, trước hết ngài hỏi: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao?” Và rồi ngài trả lời: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6:3-4). Phép Rửa mở cho chúng ta cánh cửa đi vào đời sống phục sinh, không phải đi vào đời sống trần gian nhưng đi vào một đời sống theo Chúa Giê-su.

Giếng rửa tội là nơi diễn ra sự Phục sinh cùng với Đức Ki-tô. Con người cũ, cùng với những dục vọng gian dối, được mai táng (x. Eph 4:22), để được tái sinh thành một tạo vật mới; những điều cũ thật sự đã qua đi và những điều mới được sinh ra (x. 2 Cr 5:17). Trong “các bài giáo lý” của Thánh Cyril thành Giê-ru-sa-lem, giải thích cho những người tân tòng chính là những gì xảy ra cho họ trong nước của Phép Rửa tội. Lời giải thích này của Thánh Cyril rất đẹp: “Trong cùng một lúc anh chị chết đi và lại tái sinh, và vô vàn nguồn ơn tuôn đổ đó vừa là một nấm mồ nhưng lại vừa trở thành một người mẹ cho anh chị” (s. 20, Mistagogica 2, 4-6: PG 33, 1079-1082). Sự tái sinh của một con người mới kêu gọi con người cũ đã bị mất thanh sạch bởi tội hạ mình trở thành tro bụi. Những hình ảnh của ngôi mộ và cung lòng người mẹ hàm ý chỉ về giếng rửa tội quả thật là những hình ảnh rất sâu sắc để mô tả những gì xảy ra qua các cử chỉ đơn sơ trong Phép Rửa tội. Cha muốn trích dẫn một câu được khắc trên tường của Đền Rửa tội Lateran của Roma, trên đó viết một câu bằng tiếng La-tinh của Đức Giáo hoàng Xit-tô II: “Mẹ Giáo hội sinh qua nước, những đứa con Giáo hội cưu mang bởi thần khí của Chúa. Tất cả những ai được tái sinh từ giếng này đều mang hy vọng về Nước Thiên đàng.” Thật là đẹp: Giáo hội sinh ra chúng ta, Giáo hội là cung lòng, là Mẹ của chúng ta qua Bí tích Rửa tội.

Nếu cha mẹ cho chúng ta sự sống nơi trần thế, Giáo hội tái sinh chúng ta vào sự sống đời đời. Chúng ta trở thành nghĩa tử trong Đức Giê-su Con của Người (x. Rm 8:15; Gal 4:5-7). Mỗi chúng ta cũng vậy, đã được tái sinh bởi nước và Thánh Thần, Cha trên trời với tiếng nói vang vọng về tình yêu vô bờ rằng: “Đây là con yêu dấu của ta” (x. Mt :17). Giọng nói này của Cha cùng đồng hành với chúng ta suốt cuộc đời, không bao giờ rời bỏ chúng ta, giọng nói đó không thể nghe thấy bằng tai nhưng lại vang lên rất rõ ràng trong tâm hồn của người có lòng tin. Trong suốt cuộc đời Chúa Cha nói với chúng ta: “Con là con trai yêu dấu của ta, con là con gái yêu dấu của ta.” Thiên Chúa quá yêu chúng ta như một người Cha, và Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Điều này trở nên sự thật từ giây phút lãnh nhận Phép rửa tội. Được tái sinh làm con cái của Chúa, và chúng ta mãi mãi ở trong tình trạng đó! Quả thật, Phép Rửa tội không được lặp lại, vì nó ghi một ấn tín thiêng liêng không thể gột xóa: “Không tội nào có thể xóa được ấn tín này, cho dù tội có ngăn cản Phép Rửa không mang lấy được hoa trái của ơn cứu độ” (Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1272). Ấn tín của Phép Rửa tội không bao giờ bị mất! “Thưa cha, nhưng nếu người đó trở thành một kẻ cướp lừng danh, kẻ giết người, kẻ tạo ra những bất công, thì ấn tín đó có bị mất không?” Không. Thật xấu hổ khi người đó là con cái của Thiên Chúa lại làm những điều như vậy, nhưng ấn tín thì không biến mất. Và người đó vẫn tiếp tục là một đứa con của Thiên Chúa nhưng chống lại Thiên Chúa, nhưng Chúa không bao giờ cắt đứt quan hệ với con cái của Người. Anh chị em có hiểu ý cuối này không? Thiên Chúa không bao giờ cắt đứt quan hệ với con cái của Người. Chúng ta cùng nhau lặp lại điều này nhé. “Chúa không bao giờ cắt đứt quan hệ với con cái của Người.” Lớn hơn một chút nữa nào, cha bị lãng tai và không nghe được. [Mọi người lặp lại lớn hơn] “Chúa không bao giờ cắt đứt quan hệ với con cái của Người.” Vậy đó, thật tuyệt vời.

Được kết hiệp trong Đức Ki-tô qua Bí tích Rửa tội, người lãnh nhận Phép Rửa trở nên như Người, Đấng “làm trưởng tử giữa một đàn em” (Rm 8:29). Qua hoạt động của Chúa Thánh Thần, Phép Rửa thanh tẩy, thánh hóa, công chính hóa, kết hợp nhiều người nên một Thân thể của Đức Ki-tô (x. 1 Cr 6:11; 12:13). Việc xức dầu diễn tả điều này, “đó là dấu chỉ của chức tư tế vương giả của người được rửa tội và là thành viên của cộng đoàn dân Chúa“ (Nghi thức Rửa tội trẻ em, Giới thiệu, s. 18, 3). Vì vậy, linh mục xức dầu thánh trên đầu người lãnh bí tích Rửa tội, sau khi đọc những lời này để giải thích ý nghĩa: “Chính Thiên Chúa thánh hiến con bằng dầu thánh cứu độ, được nhận chìm trong Đức Ki-tô là Tư tế, Vương đế và Ngôn sứ, con mãi mãi làm chi thể của Người đến cõi sống đời đời” (nt., s. 71).

Anh chị em thân mến, toàn bộ ơn gọi của người Ki-tô hữu là ở đây: sống hiệp nhất với Đức Ki-tô trong Hội thánh, là những người cùng được thánh hiến, cùng thi hành chung một sứ mạng trên thế gian, mang hoa trái tồn tại đến muôn đời. Thật vậy, được Thần Khí thúc đẩy, dân Chúa cùng tham gia vào những chức vụ của của Đức Giê-su Ki-tô, “Tư tế, Vương giả và Ngôn sứ,” và lãnh nhận trách nhiệm sứ mạng và phục vụ xuất phát từ đó (x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 783-786). Vậy việc thông phần vào chức tư tế vương đế và ngôn sứ của Đức Ki-tô là gì? Nó có nghĩa là dâng mình là một của lễ làm đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12:1), làm chứng nhân cho Người qua đời sống đức tin và bác ái (x. Lumen Gentium, 12), phục vụ tha nhân noi gương của Chúa Giê-su (x. Mt 20:25-28; Ga 13:13-17). Cảm ơn anh chị em.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/5/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét