Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2018

Huấn từ của Đức Thánh Cha và phần Hỏi-Đáp với giới trẻ trong trường đua xe ngựa Circus Maximus

Huấn từ của Đức Thánh Cha và phần Hỏi-Đáp với giới trẻ trong trường đua xe ngựa Circus Maximus
© Vatican Media

Huấn từ của Đức Thánh Cha và phần Hỏi-Đáp với giới trẻ trong trường đua xe ngựa Circus Maximus (toàn văn)

‘Đúng, huyền nhiệm là ở đó – trong ý thức rằng bạn “được yêu”, “được yêu” bởi Người, bởi Đức Giê-su, Thiên Chúa, Người yêu thương chúng ta!’

14 tháng Tám, 2018 07:32

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican cung cấp huấn từ của Đức Thánh Cha trong buổi gặp gỡ và cầu nguyện với giới trẻ Ý tại trường đua xe ngựa Circus Maximus của Roma ngày 11 tháng Tám, 2018, và mục Hỏi-Đáp với giới trẻ:

***

Phần 1


Hôm nay đã bắt đầu sự kiện “Per mille strade verso Roma” – “Mọi con đường đều dẫn về Roma”, một buổi gặp gỡ và cầu nguyện giữa Đức Thánh Cha và giới trẻ Ý được tổ chức bởi Hội đồng Giám mục trong khi chuẩn bị cho Đại Hội đồng Chung thông thường thứ 15 của Thượng Hội đồng Giám mục về chủ đề “Giới trẻ, Đức tin và sự Phân định ơn gọi” (3-28 tháng Mười 2018).

Lúc 16.30, sau khi hàng chục ngàn bạn trẻ từ gần 200 giáo phận của Ý tề tựu, và được tiếp đón tại trường đua ngựa Circus Maximus, có một khoảng thời gian giải trí trong khi chờ đợi Đức Thánh Cha đến.

Lúc 18.30 Đức Thánh Cha Phanxico đến trường đua ngựa Circus Maximus để gặp gỡ và cầu nguyện với các bạn trẻ. Sau khi xe chở đức giáo hoàng chạy một vòng chung quanh khu vực họp mặt và lời chào mừng Đức Thánh Cha từ một bạn trẻ đại diện, Đức Thánh Cha bắt đầu cuộc đối thoại với một vài bạn trẻ. Sau những bài thánh ca, cầu nguyện và chứng ngôn, Đức Thánh Cha chào các bạn trẻ và họ sẽ tiếp tục đêm canh thức với một buổi tối đầy các lễ hội, âm nhạc và chứng ngôn, sau đó di chuyển từ trường đua Circus Maximus đến Quảng trường Thánh Phê-rô, dừng chân tại nhiều nhà thờ của Roma trong suốt đêm, trong đó các bạn sẽ tham gia vào nhiều sự kiện khác nhau liên quan đến linh đạo, nghệ thuật và văn hóa, các phần trình diễn và giải trí.

Dưới đây là phần đối thoại của Đức Thánh Cha Phanxico với giới trẻ, và lời chào kết thúc của Đức Thánh Cha:

Lời chào của Đức Thánh Cha

Đối thoại của Đức Thánh Cha với giới trẻ

Câu hỏi 1

Letizia

Thưa Đức Thánh Cha Phanxico, con là Letizia, con 23 tuổi, và con đang học đại học. Con muốn chia sẻ một chút về những ước mơ của con và cách chúng con nhìn về tương lai. Khi con đưa ra quyết định quan trọng phải làm gì trong cuối năm học vừa qua, con đã rất ngại đặt sự vững tin vào những điều con thật sự ước mơ muốn trở thành, vì nó có nghĩa là con phải hoàn toàn thể hiện mình ra trước mắt của người khác, và với chính con.

Con quyết định nghe theo ý kiến của một số người lớn có sự nghiệp và có những lựa chọn mà con rất khâm phục. Con đến với vị giáo sư con kính trọng nhất, giáo sư nghệ thuật, là người dạy con những điều con thấy thú vị nhất. Con nói với giáo sư rằng con muốn đi theo con đường của ông, và trở thành như ông. Và con nhận được câu trả lời rằng bây giờ không còn như trước đây, thời gian đã thay đổi, rằng có một sự khủng hoảng, rằng con sẽ không tìm được việc làm, rằng tốt hơn là con nên chọn một ngành học phù hợp cho nhu cầu của thị trường. “Hãy chọn kinh tế,” ông nói với con. Con cảm thấy một sự thất vọng nặng nề; con cảm thấy bị phản bội trong ước mơ của con mà con đã thổ lộ cùng ông ấy, khi con đi tìm một sự khuyến khích từ một người mà con muốn noi theo. Cuối cùng, con chọn con đường của con, con chọn đi theo sự đam mê của con và con học nghệ thuật.

Nhưng, một ngày kia trong khán phòng nơi con phải làm diễn giả, một trong những bạn gái của con nói với con rằng bạn ấy tin tưởng con, đánh giá rất cao những lựa chọn của con. Bạn ấy nói rằng con gần như là một mẫu gương cho bạn ấy và bạn ấy muốn bắt chước theo những gì con đang làm.

Chính tại đó, tại thời điểm đó con quyết định dứt khoát rằng con sẽ cam kết toàn tâm toàn ý trở thành một nhà giáo: con không muốn trở thành một người lớn phản bội và thất vọng, nhưng con muốn dành tất cả thời gian và sức lực, với tất cả những sự khó khăn có thể có, vì có một người tin tưởng vào con.

Lucamatteo

Thưa Đức Thánh Cha, khi chúng con nhìn về tương lai chúng con đã quen vẽ cho nó một màu xám, âm u và đầy đe dọa. Xin nói thật với cha, dường như chúng con nhìn thấy một trang giấy trắng, chẳng có gì trong đó … 

Đôi khi con cố vẽ nên tương lai của chính con. Nhưng cuối cùng con lại nhìn thấy điều gì đó không làm con thỏa mãn. Con sẽ cố giải thích: con cho rằng chúng con vẽ nó lên, nhưng chúng con thường bắt đầu bằng một bản thiết kế vĩ đại, dạng như bức tranh khổng lồ, nhưng rồi dần dần nản chí, chúng con bỏ đi một số chi tiết, chúng con bỏ đi một số phần. Kết quả là những kế hoạch và ước mơ của chúng con, chỉ vì sợ người khác và những phán xét của họ, cuối cùng trở nên nhỏ bé hơn như lúc ban đầu đưa ra.

Và rồi cuối cùng con tạo ra một cái gì đó mà con chẳng mấy thích thú … 



Trả lời của Đức Thánh Cha

Chào chúng con. Cha nói thật với chúng con: cha đã đọc các câu hỏi của chúng con và đã chuẩn bị câu trả lời, nhưng rồi – khi nghe lại những câu hỏi đó – cha tự nhiên muốn thêm vào vài ý. Vì cách các bạn nói lên câu hỏi vượt ra ngoài những gì được viết trên giấy.

Letizia, con sử dụng một từ ngữ rất quan trọng, đó là “ước mơ.” Và cả hai chúng con nói một từ ngữ khác cũng rất quan trọng: “sự sợ hãi”. Hai từ này sẽ làm cho chúng ta sáng tỏ một chút.

Ước mơ là vô cùng quan trọng. Chúng giữ cho tầm nhìn của chúng ta rộng mở, chúng giúp chúng ta bám chắc lấy chân trời, gieo trồng niềm hy vọng trong mọi hoạt động mỗi ngày. Và ước mơ của tuổi trẻ là quan trọng nhất đối với tất cả chúng ta. Một bạn trẻ không có ước mơ là đã bị tê liệt; bạn đó không thể hiểu được cuộc sống, sức mạnh của cuộc sống. Ước mơ làm thức tỉnh chúng con, chúng dẫn bước chúng con tiến tới, chúng là những ngôi sao dẫn đường tỏ rạng nhất, những ngôi sao chỉ ra một lối đi khác cho nhân loại. Như vậy, chúng con mang trong tâm hồn những ngôi sao sáng ngời đó là ước mơ của chúng con: chúng là bổn phận và gia tài của chúng con. Hãy biến chúng thành tương lai của chúng con!

Và đây là công việc chúng con phải làm: hãy biến những ước mơ của hôm nay thành thực tại của tương lai, và điều này đòi lòng can đảm, nhưng chúng ta vừa nghe hai bạn chia sẻ. Với bạn nữ thì người ta nói, “Không, không, hãy học ngành kinh tế vì nếu theo ngành này thì bạn sẽ chết đói,” và họ nói với bạn nam, “Đúng, kế hoạch là tốt nhưng chúng ta hãy bỏ đi phần này, và phần này, phần này …”, và cuối cùng chẳng có gì còn lại. Không được! Hay tiến bước với lòng can đảm, can đảm trước những sức cản, trước những khó khăn, trước tất cả những điều muốn dập tắt ước mơ của chúng ta.

Chắc chắn, ước mơ phải được tạo điều kiện để phát triển, chúng phải được thanh luyện, phải được thử thách và chia sẻ. Nhưng chúng con có bao giờ tự hỏi mình là những ước mơ đó từ đâu đến không? Những ước mơ của tôi, chúng từ đâu đến? Có phải chúng xuất phát từ việc xem ti vi? Từ việc lắng nghe một người bạn? Từ sự mơ màng? Chúng là những ước mơ lớn hay chỉ là những ước mơ nhỏ bé, tầm thường, nhằm thỏa mãn một chút xíu gì đó? Những giấc mơ về sự tiện nghi, những giấc mơ về sự giàu có: “Không. Không, với tôi như vầy là được rồi, tôi chẳng cần vươn cao hơn nữa.” Những giấc mơ này sẽ làm chúng con chết, trong cuộc đời! Chúng sẽ biến cuộc sống chúng con trở nên xoàng xĩnh. Những giấc mơ an nhàn, những giấc mơ ru ngủ tuổi trẻ và biến một tuổi trẻ dũng cảm thành con người nằm ỳ trên ghế xô-pha. Thật buồn khi nhìn thấy những bạn trẻ nằm ỳ trên ghế xô-pha, dõi mắt nhìn cuộc sống trôi qua trước mặt họ. Tuổi trẻ không có ước mơ – như cha đã nói trước đây –, những người “về hưu” ở tuổi 20, 22: thật quá tệ, một người hưu non! Nhưng, những bạn trẻ dám ước mơ những điều lớn lao sẽ tiến bước, người đó không nghỉ hưu. Chúng con hiểu chứ? Như vậy đó, tuổi trẻ phải như vậy.

Và Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng những ước mơ vĩ đại là những ước mơ sẽ làm trổ sinh hoa trái, những ước mơ lớn lao là những ước mơ mang đến hoa trái, những ước mơ gieo hạt giống hòa bình, gieo hạt giống của tình huynh đệ, gieo hạt giống của niềm vui, như hôm nay; đây là những ước mơ lớn lao trong đó chúng ta nghĩ đến mọi người với từ ngữ CHÚNG TA. Có lần một linh mục hỏi cha một câu hỏi: “Cha cho con biết đối nghịch lại với ‘tôi’ là gì? Và cha ngây ngô bị rơi vào cái bẫy và nói, “bạn”. “Không phải, thưa cha, đó là hạt giống của chiến tranh. Đối nghịch lại với “tôi” là “chúng ta.” Nếu cha nói: đối nghịch lại “tôi” là “bạn”, vậy là cha khai chiến rồi đó; nếu cha nói rằng đối nghịch lại với sự ích kỷ là “chúng ta”, là cha tạo hòa bình, cha xây dựng cộng đồng, cha thúc đẩy những ước mơ của tình bạn và hòa bình. Hãy suy nghĩ: những ước mơ thật sự là những ước mơ của chúng ta. Những giấc mơ lớn là bao gồm, là cùng chung, là hướng ngoại. Chúng chia sẻ, chúng tạo ra sức sống mới. Và những ước mơ lớn như vậy, để có thể duy trì được, cần phải có một nguồn mạch hy vọng không bao giờ cạn, một Đấng Vô Cùng tiếp thêm sinh lực cho chúng và mở rộng chân trời của cho chúng. Những ước mơ lớn cần có Thiên Chúa để chúng không trở thành những ảo vọng hay là một sự điên cuồng muốn đạt đến tuyệt đối. Chúng con có thể ước mơ những điều vĩ đại, nhưng chỉ dựa vào bản thân của chúng con là vô cùng nguy hiểm, vì chúng con có thể rơi vào cái bẫy điên cuồng muốn đạt sự tuyệt đối. Nhưng với Thiên Chúa thì chúng con đừng sợ: hãy tiến bước. Hãy ước mơ những điều lớn lao.

Rồi chúng con nói đến từ “sự sợ hãi.” Chúng con biết không, những giấc mơ của tuổi trẻ làm cho người lớn hơi sợ một chút. Những giấc mơ đó làm cho họ sợ, vì khi một người thanh niên có ước mơ, người đó sẽ tiến xa. Có lẽ vì họ đã không còn có những ước mơ và phiêu lưu nữa. Cuộc sống thường làm cho người lớn từ bỏ những ước mơ, từ bỏ sự phiêu lưu; có lẽ vì những ước mơ của chúng con thách đố những lựa chọn cuộc sống của họ, những ước mơ làm cho chúng con chỉ trích, phê phán họ. Nhưng đừng để cho bản thân chúng con bị cướp mất những ước mơ. Có một bạn thanh niên ở đây, ở Ý này, hai mươi hay hai mươi hai tuổi, bắt đầu ước mơ và ước mơ lớn. Và cha của bạn đó, một thương gia tầm cỡ, cố gắng thuyết phục bạn đó điều ngược lại nhưng người thanh niên đó nói, “Không, con muốn ước mơ. Con mơ ước những gì con cảm nhận trong lòng.” Và cuối cùng, cậu ấy ra đi, để ước mơ. Và thân phụ của cậu đi theo cậu. Và người thanh niên đó tìm bến đỗ trong giáo phận, cậu ấy cởi tấm áo ngoài ra và đưa cho cha mình và nói: “Xin hãy để con đi theo con đường của con.” Người thanh niên này, một người Ý của thế kỷ XIII, tên là Phanxico và ngài đã thay đổi lịch sử của nước Ý. Phanxico đã liều lĩnh và ngài đã có những ước mơ lớn; ngài không biết đến những giới hạn và nuôi dưỡng ước mơ trọn đời. Chúng ta hãy suy nghĩ xem: ngài là một thanh niên như chúng ta. Nhưng ước mơ của ngài thật khác người! Người ta nói rằng ngài bị điên vì ngài mơ ước theo cách đó. Và ngài làm quá nhiều việc tốt lành, và cứ tiếp tục như vậy. Tuổi trẻ thường làm cho người lớn hơi sợ một chút vì người lớn đã không còn những ước mơ, họ đã từ bỏ sự phiêu lưu, và họ đã ổn định cuộc sống cho họ đâu vào đấy. Nhưng như cha nói trước đây, đừng để cho bản thân bị cướp mất những ước mơ. “Nhưng thưa cha, làm sao con có thể bảo đảm rằng không ai cướp mất những ước mơ của con?” Hãy đi tìm những nhà giáo có thể giúp chúng con hiểu được các ước mơ đó và biến chúng thành hiện thực, dần dần từng bước trong sự bình an. Rồi đến lượt chúng con, hãy trở thành những nhà giáo giỏi, trở thành những nhà giáo của hy vọng và đáng tin cậy đối với các thế hệ tương lai sẽ tiếp nối chúng con. “Nhưng, làm sao mà chúng con cũng trở thành một nhà giáo được?” Được, một người trẻ tuổi có khả năng ước mơ sẽ trở thành một nhà giáo, qua chứng tá của người đó. Vì chính từ những chứng tá nó làm rung động và thay đổi các tâm hồn, và thể hiện những lý tưởng mà cuộc sống mỗi ngày thi hành. Ước mơ là một sức mạnh lớn. “Thưa cha, vậy con mua ở đâu được loại thuốc tạo ước mơ cho con?” Không, thuốc đó chẳng giúp được gì đâu! Thuốc đó không làm chúng con biết ước mơ, nhưng chúng sẽ làm cho tâm hồn chúng con ngủ say. Chúng sẽ đốt sạch các nơ-ron của chúng con. Không thể mua được ước mơ. Ước mơ là một món quà, một quà tặng từ Thiên Chúa, một món quà Chúa gieo vào tâm hồn chúng con. Ước mơ được ban tặng cho chúng ta miễn phí, và vì thế chúng ta cũng phải trao tặng chúng cho người khác một cách nhưng không. Hãy cho đi những ước mơ của chúng con: không ai làm cho chúng con trở nên bần cùng. Hãy trao tặng cho người khác một cách nhưng không.

Chúng con thân mến: hãy nói “Không” với sự sợ hãi. Thầy giáo đó nói gì với con? Ông ấy có sợ không? Có, có lẽ ông ấy sợ; nhưng ông ấy đã phân tích mọi vấn đề, ông ấy rất bình tĩnh. Nhưng tại sao ông ấy lại không muốn một cô nữ sinh đi theo cùng con đường? Ông ấy làm cho con sợ. Và ông ấy nói gì? “Hãy học kinh tế: em sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.” Đây là một cái bẫy, cái bẫy của tiền bạc, cái bẫy nhử chúng con vào sự giàu sang mà không trở thành một người lữ khách trên con đường ước mơ của mình. Hãy phiêu lưu trên con đường đó: đừng e sợ. Hãy phiêu lưu, vì chúng con sẽ là người biến giấc mơ của mình thành hiện thực, vì cuộc sống không phải là một tờ vé số: cuộc sống phải được biến thành hiện thực. Và tất cả chúng ta đều có khả năng làm điều đó.

Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII nói: “Tôi chưa bao giờ gặp được một người bi quan mà lại đạt được những điều tốt đẹp” (Phỏng vấn của Sergio Zavoli với Đức ông Capovilla, số 6, 2000). Chúng ta phải học điều này, vì nó sẽ giúp ích cho chúng ta trong cuộc sống. Và sự sợ hãi làm chúng ta trở nên bi quan. Đừng bi quan. Hãy phiêu lưu, hãy ước mơ và tiến tới.

(Xin quý vị đọc tiếp phần 2 trong bài đăng ngày mai)


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/8/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét