Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2018

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Lễ Thánh An-rê

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Lễ Thánh An-rê
Mattia Preti - Thánh An-rê chịu đóng đinh - Google Art Project

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Lễ Thánh An-rê

Thánh Bổn mạng của Thượng Phụ Đại Kết

30 tháng Mười Một, 2018 16:50
Là một phần trong truyền thống gặp gỡ giữa các phái đoàn vào dịp những ngày lễ kính các thánh bổn mạng – Lễ các Thánh Phê-rô và Phaolô 29 tháng Sáu ở Roma và Lễ Thánh An-rê ngày 30 tháng Mười Một ở Istanbul – Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Thúc đẩy sự Hiệp nhất Ki-tô hữu, dẫn đầu phái đoàn Tòa Thánh đến dự lễ của Thượng Phụ Đại Kết. Cùng đi với Đức Hồng y có Đức Giám mục Brian Farrell, thư ký Hội đồng, và Đức ông Andrea Palmieri, phó chủ tịch. Tại Istanbul, Đức Tổng Giám mục Phaolô F. Russell, khâm sứ tại Thổ Nhĩ kỳ, cùng tháp tùng phái đoàn. Phái đoàn Tòa Thánh tham dự Phụng vụ Lễ trọng do Đức Thượng Phụ Bartholomew chủ tế trong nhà thờ thượng phụ Thánh George al Fanar, gặp gỡ Đức Thượng Phụ và thảo luận với Ủy ban Thượng phụ chịu trách nhiệm về những quan hệ với Giáo hội Công giáo.

Đức Hồng y Koch gửi đến Đức Thượng Phụ Đại Kết sứ điệp của Đức Thánh Cha, sau đó ngài tuyên đọc vào cuối buổi Phụng vụ Lễ.


Sứ điệp của Đức Thánh Cha

Trọng kính Đức Thượng Phụ Bartholomew

Tổng Giám mục Constantinople

Thượng Phụ Đại Kết

Trong niềm vui lớn lao, nhân ngày Lễ Thánh An-rê Tông đồ, Bổn mạng của Thượng phụ Đại Kết, tôi xin gửi đến những tình cảm sâu đậm nhất, cùng những lời cầu nguyện của tôi cho Đức Thượng Phụ, người huynh đệ thân yêu trong Chúa Ki-tô, và cho Giáo hội được Chúa trao phó dưới sự chăm sóc mục vụ của ngài. Tôi cũng xin gửi lời chào thân ái đến các thành viên của Thượng Hội đồng Thượng Phụ Đại Kết, các giáo sĩ, các tu sĩ, và các nữ tu, và tất cả mọi tín hữu tại Nhà thờ Thượng phụ Thánh George trong ngày lễ trọng mừng kính Thánh An-rê, người môn đệ được gọi đầu tiên và là anh em của Thánh Phê-rô.

Sự gặp gỡ của các phái đoàn giữa Giáo hội Roma và Giáo hội Constantinople, vào những dịp lễ kính các thánh bổn mạng của hai Giáo hội, đã trở thành một truyền thống vui mừng trong những năm qua và thể hiện mối dây ràng buộc sâu đậm kết hợp giữa hai Tòa Thánh. Sau nhiều thế kỷ hiểu lầm, thờ ơ và im lặng giữa hai bên thì nay đã dẫn đến mối quan hệ này, Chúa Thánh Thần, Thần Khí của sự hiệp nhất, đã làm cho chúng ta khởi đầu lại một cuộc đối thoại huynh đệ. Tinh thần này được phục hồi một cách dứt khoát bởi những đấng tiền nhiệm đáng kính của chúng ta, Đức Thượng Phụ Athenagoras, và Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, làm cho chúng ta có thể tái khám phá được những mối dây hiệp nhất vẫn luôn hiện hữu giữa chúng ta.

Hai Giáo hội của chúng ta đã bảo vệ truyền thống Tông truyền bằng sự chăm sóc tận tụy, cùng với những giáo huấn của các Công đồng chung đầu tiên và của các Giáo Phụ, bất kể những khác biệt phát sinh theo các truyền thống địa phương và trong những thiết cấu thần học, là những vấn đề cần được hiểu sâu và làm rõ hơn. Đồng thời cả hai Giáo hội, trong tinh thần trách nhiệm đối với thế giới, đã ý thức được tiếng gọi khẩn thiết, trong đó bao gồm từng người chúng ta đã được rửa tội, phải loan báo Tin mừng cho mọi người. Vì lý do này, ngày nay chúng ta cùng chung tay làm việc để tìm kiếm hòa bình giữa các dân tộc, để xóa bỏ mọi hình thức nô lệ, vì sự tôn trọng phẩm giá mỗi con người và để chăm sóc tạo vật. Với sự trợ giúp của Thiên Chúa, qua sự gặp gỡ và đối thoại trên hành trình suốt hơn 50 năm qua, chúng ta đã trải nghiệm được sự hiệp nhất, cho dù chưa được trọn vẹn và toàn diện.

Việc đi tìm cách tái lập tình hiệp nhất trọn vẹn trên hết là một sự đáp lời cho ý muốn của Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta, Đấng trong đêm trước Cuộc Khổ nạn của Người đã cầu xin rằng các môn đệ của Người “được nên một” (Ga 17:21). Khi hiệp nhất thì chúng ta sẽ đưa ra được câu trả lời hiệu quả hơn cho những sự thiếu thốn của quá nhiều con người trong thời đại chúng ta, đặc biệt là những người đang chịu đựng cảnh nghèo nàn, đói khổ, bệnh tật, và chiến tranh. Đến đây tôi xin bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến Đức Thượng Phụ vì sự hiện diện của ngài trong ngày cầu nguyện và suy tư cho hòa bình trong vùng Trung Đông, được tổ chức và tháng Bảy năm ngoái tại Bari, có các vị Lãnh đạo các Giáo hội, hoặc đại hiện của các ngài, tham dự trong khu vực đầy biến động đó. Đó thật là một nguồn an ủi lớn lao được chia sẻ với Đức Thượng Phụ những quan tâm chung về tình hình bi thảm của những anh chị em trong vùng.

Trong một thế giới bị thương tổn bởi xung đột, sự hiệp nhất của các Ki-tô hữu là một dấu chỉ hy vọng phải được tỏa rạng rõ nét hơn bao giờ hết. Trong tinh thần này, tôi xin dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của sự hòa giải và bình an, ban cho người Ki-tô hữu chúng ta “đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em” (1 Pr 3:8). Chúng ta được Thiên Chúa kêu gọi hãy trở nên như vậy để chúng ta được “thừa hưởng lời chúc phúc” (1 Pr 3:9).

Tín thác vào sự chuyển cầu của các thánh bổn mạng của chúng ta, Thánh Phê-rô, và Thánh An-rê, tôi xin đại diện cho toàn thể Giáo hội Công giáo gửi đến tất cả anh chị em tín hữu của Thượng Phụ Đại Kết những lời chúc tốt lành nhất. Tôi xin trao đến Đức Thượng Phụ cái ôm hòa bình trong Đức Ki-tô Chúa chúng ta cùng với tình yêu thương tôn trọng và huynh đệ.

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/12/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét