Vatican Media Screenshot
Huấn từ Kinh Truyền Tin: Phép lạ tại Tiệc cưới Cana, ‘Người bảo gì các anh cứ việc làm theo’
‘Phục vụ Chúa có nghĩa là lắng nghe Lời Người và đem ra thực hành’
20 tháng Một, 2019 15:17
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha Phanxico ngày 20 tháng Một năm 2019, trước và sau khi đọc Kinh Truyền Tin với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.
* * *
Trước Kinh Truyền Tin:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Chúa nhật trước, với Lễ Chúa chịu Phép Rửa, chúng ta bắt đầu hành trình của Mùa Phụng vụ “Thường niên”, là thời gian theo bước Chúa Giê-su trong đời sống công khai của Người, với sứ mạng mà Chúa Cha đã sai Người xuống trần gian. Tin mừng hôm nay (x. Ga 2:1-11) chúng ta đọc lại trình thuật về phép lạ đầu tiên của Chúa Giê-su. Dấu lạ đầu tiên này được thực hiện trong một tiệc cưới tại làng Cana thuộc Galilê. Không phải ngẫu nhiên mà việc đó xảy ra tại một tiệc cưới ngay khi khởi đầu đời sống công khai của Chúa Giê-su, vì qua Ngài, Thiên Chúa kết hôn với nhân loại. Đây là Tin Vui, cho dù chính những người mời Ngài cũng không biết rằng Con Thiên Chúa đang ngồi tại bàn tiệc cưới của họ và Người là Tân Lang thật. Thật vậy, toàn bộ mầu nhiệm của dấu lạ tại Cana đều dựa trên sự hiện diện của vị Tân Lang Nước Trời, đó là Chúa Giê-su, Đấng bắt đầu tỏ lộ con người của Ngài. Chúa Giê-su mạc khải chính Ngài như là vị Tân Lang của Dân Chúa, đã được các ngôn sứ loan báo, và nó tiết lộ cho chúng ta chiều sâu của mối quan hệ liên kết chúng ta với Ngài; đó là một Giao ước mới của tình yêu.
Trong bối cảnh của Giao ước, chúng ta hiểu được ý nghĩa tượng trưng của rượu là trung tâm của phép lạ này. Quả thật, khi bữa tiệc đi vào giai đoạn cao trào thì rượu hết. Đức Mẹ nhận biết điều đó và nói với Chúa Giê-su: “Họ hết rượu rồi” (c. 3) vì thật khủng khiếp nếu tiếp tục bữa tiệc với nước lã! – một hình ảnh quá đáng ngại cho những người ở đó. Đức Mẹ để ý thấy điều đó, và vì Mẹ mà mẹ, nên Mẹ ngay lập tức đến với Chúa Giê-su. Các Sách Thánh, đặc biệt sách các Ngôn sứ, cho thấy rượu là một thành phần tiêu biểu trong đại tiệc của đấng thiên sai (x. Am 9:13-14; Ge 2:24; Is 25:6). Nước là cần thiết cho sự sống, nhưng rượu diễn tả sự đầy đủ của bữa tiệc và niềm vui của lễ tiệc. Nếu tiệc mà không có rượu thì sao? Cha cũng không biết nữa …
Biến nước thành rượu trong các chum đá được dùng “vào việc thanh tẩy theo thói tục của người Do thái” (c. 6), — đây là một tục lệ: trước khi bước vào một nhà thì phải thanh tẩy mình — Chúa Giê-su thực hiện một dấu chỉ hùng hồn: Người biến Luật Môi-sê thành Tin mừng, chuyển tải niềm vui.
Và chúng ta hãy nhìn đến Mẹ Maria: lời của Mẹ nói cho những người phục vụ mang đến vinh dự cho hình ảnh đôi hôn phối tại Cana: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (c. 5). Cũng vậy, ngày nay Mẹ nói với tất cả chúng ta: “Người bảo gì, các con cứ làm theo.” Những lời này là một tài sản vô giá Mẹ để lại cho chúng ta. Và quả thật những người hầu tại tiệc cưới Cana đã vâng lời. “Đức Giê-su bảo họ: ‘Các anh đổ đầy nước vào chum đi!’ Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: "Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc." Họ liền đem cho ông” (cc. 7-8). Trong tiệc cưới này, một Giao ước hoàn toàn mới đặt quy ước cho những người phục vụ Chúa, tức là toàn thể Giáo hội, sứ mạng mới được trao phó: “Người bảo gì, các con cứ làm theo.” Phục vụ Chúa có nghĩa là lắng nghe lời Người và đem ra thực hành. Đó là một lời đề nghị đơn giản nhưng vô cùng quan trọng của Thân Mẫu Chúa Giê-su, đó là chương trình sống của người Ki-tô hữu.
Cha muốn nhấn mạnh đến một kinh nghiệm mà nhiều người chúng ta chắc chắn có trong đời. Khi chúng ta rơi vào những hoàn cảnh khó khăn, khi có những vấn đề xảy đến mà chúng ta không biết giải quyết cách nào, khi chúng ta cảm thấy lo âu và buồn phiền, khi chúng ta thiếu niềm vui, thì chúng ta hãy chạy đến với Mẹ và thưa: “Chúng con không có rượu. Rượu hết rồi: xin hãy nhìn đến con, hãy nhìn vào tâm hồn con, hãy nhìn vào linh hồn con.” Chúng ta phải nói điều đó với Mẹ và Mẹ sẽ đến với Chúa Giê-su và nói: “Con nhìn người ấy xem: họ không có rượu.” Rồi Mẹ sẽ quay sang chúng ta và nói: “Cứ làm theo những gì Người bảo con.”
Với mỗi người chúng ta, kín múc nước từ những chum đá có nghĩa là phó thác bản thân cho Lời Người và những Bí tích để trải nghiệm ơn sủng của Chúa trong đời sống. Cũng như người quản tiệc đã nếm nước được biến thành rượu, chúng ta cũng hãy la lên: “Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ” (c. 10). Chúa Giê-su luôn luôn làm chúng ta ngạc nhiên. Chúng ta hãy thưa chuyện với Mẹ để Mẹ sẽ nói với Con của Mẹ, và Ngài sẽ làm chúng ta ngạc nhiên.
Xin Mẹ Đồng Trinh giúp chúng ta biết làm theo lời mời gọi của Mẹ: “Người bảo gì, con cứ làm theo,” để chúng ta có thể mở rộng lòng mình cho Chúa Giê-su, nhận biết sự hiện diện sống động của Người qua những dấu chỉ trong đời sống hàng ngày của chúng ta.
© Libreria Editrice Vatican
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]
Sau Kinh Truyền Tin:
Anh chị em thân mến,
Hôm nay cha mang trong lòng hai sự đau buồn: Colombia và Địa Trung Hải.
Cha xin bày tỏ tình liên đới với người dân Colombia, sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng hôm Thứ Năm vừa rồi vào Trường Cảnh sát Quốc gia. Cha cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ, và cha tiếp tục cầu nguyện cho con đường hòa bình ở Colombia.
Cha đang nghĩ đến 170 nạn nhân, bị đắm tàu trên Địa Trung Hải. Họ đang trên đường đi tìm tương lai cho mình — các nạn nhân, có lẽ là của những kẻ buôn người. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và cho những người chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra.
“Kính mừng Maria …”
Trong vài ngày nữa, cha sẽ đi Panama [ngài đáp lại những tiếng reo hò trong Quảng trường] Các bạn cũng đi chứ? –, nơi diễn ra Ngày Giới trẻ Thế giới từ 22 đến 27 tháng Một. Cha xin anh chị em hãy cầu nguyện cho sự kiện rất đẹp và quan trọng này trong hành trình của Giáo hội.
Trong tuần này Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội sẽ được công bố, trong đó năm nay sẽ có phần phản ánh về cộng đồng mạng và cộng đồng nhân loại. Internet và truyền thông xã hội là một nguồn tài nguyên của thời đại chúng ta, một cơ hội để giữ liên lạc với người khác, để chia sẻ những giá trị và chương trình, và để bày tỏ khát khao được ở trong một cộng đồng. Mạng lưới cũng có thể giúp chúng ta cầu nguyện trong cộng đồng, cùng nhau cầu nguyện. Vì vậy, Cha Fornos cùng với cha: ngài là Giám đốc hội Tông đồ Cầu nguyện Quốc tế. Cha muốn giới thiệu với anh chị em một nền tảng (platform) chính thức của Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Giáo hoàng: “Click to Pray” (Bấm để cầu nguyện). Cha sẽ đăng vào đây những ý chỉ và lời cầu nguyện cho sứ mạng của Giáo hội. Cha mời gọi đặc biệt là các bạn trẻ hãy tải xuống ứng dụng “Click to Pray,” hãy tiếp tục cùng với cha đọc Kinh Mân Côi cầu cho hòa bình, đặc biệt trong suốt thời gian diễn ra Ngày Giới trẻ Thế giới ở Panama.
24 tháng Một cũng là Ngày Giáo dục Quốc tế, được Liên Hợp Quốc khởi xướng để làm nổi bật và thúc đẩy vai trò quan trọng của giáo dục cho sự phát triển con người và xã hội. Trong lĩnh vực này, tôi khuyến khích những nỗ lực của UNESCO xây dựng hòa bình trên thế giới thông qua giáo dục, và tôi hy vọng rằng mọi người đều có quyền tiếp cận với nó và nó sẽ mang tính toàn diện, thoát khỏi sự thuộc địa hóa hệ tư tưởng — xin cầu nguyện và gửi lời chúc tốt đẹp đến tất cả mọi nhà giáo dục: công việc thật cao quý!
Cha gửi lời chào tất cả anh chị em, những người hành hương và tín hữu Roma! Đặc biệt là các nhóm giáo xứ từ Barcelona và Ba lan: cha nhìn thấy rất nhiều cờ Ba lan ở đây! — các sinh viên và giáo sư của Badajoz (Tây Ban nha); và rất nhiều thanh nữ đến từ Panama – các con đến để đón cha!
Cha gửi lời chào các tín hữu của Nereto và Formia, các tín hữu từ giáo xứ Thánh Fabiano và Thánh Venanzio ở Roma, và giới trẻ từ giáo xứ Thánh Giu-se Hòa bình ở Milan.
Cha chúc anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha.
Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt anh chị em!
© Libreria Editrice Vatican
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/1/2019]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét