Thứ Tư, 8 tháng 5, 2019

PHỎNG VẤN RIÊNG: Đức Giám mục Proykov của Sofia, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Bulgaria nói về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha (ZENIT theo đoàn tháp tùng)

PHỎNG VẤN RIÊNG: Đức Giám mục Proykov của Sofia, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Bulgaria nói về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha (ZENIT theo đoàn tháp tùng)
Flight: - Copyright: Vatican Media

PHỎNG VẤN RIÊNG: Đức Giám mục Proykov của Sofia, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Bulgaria nói về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha (ZENIT theo đoàn tháp tùng)

Dù bối cảnh tế nhị, cho ZENIT biết rằng Đức Thánh Cha sẽ được chào đón trong niềm hân hoan

04 tháng Năm, 2019 12:41

Dù những mối quan hệ đại kết còn nhạy cảm, Đức Giám mục Christo Proykov của Sofia, và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Bulgaria, nói rằng Đức Thánh Cha Phanxico sẽ được chào đón trong niềm vui mừng.

PHỎNG VẤN RIÊNG: Đức Giám mục Proykov của Sofia, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Bulgaria nói về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha (ZENIT theo đoàn tháp tùng)

Trong một cuộc phỏng vấn riêng về nhiều vấn đề với ZENIT, phóng viên tại Vatican, Deborah Castellano Lubov, tháp tùng chuyến Tông du của Đức Thánh Cha đến các nước vùng Balkan, và đang có mặt tại Bulgaria, Đức Giám mục Công giáo Hy lạp của Sofia đưa ra dự đoán này.

Dưới đây là phỏng vấn riêng của chúng tôi với Đức Giám mục Tông tòa của Sofia:


***

ZENIT: Thưa Đức Giám mục, xin người cho biết về việc chào đón Đức Thánh Cha Phanxico đã được chuẩn bị ở Bulgaria như thế nào, ngay cả với đa phần người Bulgaria không phải Công giáo?

Chúng tôi hân hoan chào đón Đức Thánh Cha Phanxico! Trong hơn một ngàn năm lịch sử Ki-tô giáo của Bulgaria, đây là lần thứ hai trong không đầy 20 năm chúng tôi được đón chuyến viếng thăm của Giáo hoàng. Thánh Gioan Phaolo II đến vào năm 2002, bây giờ Đức Phanxico đã nhận lời mời của chúng tôi và chúng tôi rất vui mừng. Năm 2013, khi [Đức Hồng y] Bergoglio được bầu chọn lên ngôi Giáo hoàng, chúng tôi liền gửi thư mời. Rõ ràng là chúng tôi không thể nhận được câu trả lời ngay lập tức, nhưng năm sau đó, năm 2014, trong chuyến viếng ad limina của chúng tôi đến Vatican, chúng tôi nhắc lại lời mời. Và, theo nghi thức ngoại giao thì cũng cần phải có một lời mời của Tổng thống Bulgaria. Và lời mời này cũng đã có, và Đức Thánh Cha nhận lời! Chúng tôi rất vui mừng!

ZENIT: Người Công giáo Bulgaria là ai?

Chúng tôi là người Công giáo và chúng tôi là người Bulgaria, và điều này rất đẹp, vì ở Bulgaria, nơi đa phần dân số là người Chính Thống giáo, cũng có những người nghĩ rằng chúng tôi là người nước ngoài. Nhưng thật ra chúng tôi là dân Bulgaria gốc, những đứa con của dân tộc này, được sinh ra theo dòng lịch sử từ năm 681 sau Đức Ki-tô. Sự có mặt của người Công giáo quay ngược lại từ thế kỷ 15, với sự đến đây của các nhà truyền giáo dòng Phan sinh từ Dubrovnik, Croatia, cùng với những người phu hầm mỏ nước ngoài định cư tại Bulgaria vào thời gian đó.

Bên cạnh người Công giáo theo nghi Lễ Latinh, cũng có những người theo Nghi Lễ Hy lạp, từ khi một nhóm người Bulgaria được tiếp kiến tại Vatican bởi Đức Giáo hoàng Pi-ô IX năm 1860, và thánh hiến vị giám mục đầu tiên của Giáo hội Công giáo Hy lạp của Bulgaria, mà tôi là người kế nhiệm thứ mười.

Người Công giáo chúng tôi rất ít, chỉ chiếm 1% dân số. Đa số là Chính Thống giáo, và có khoảng một triệu người Hồi giáo, trong số khoảng 7-8 triệu dân. Họ là người Bulgaria bị buộc phải cải đạo trong thời Đế quốc Thổ nhĩ kỳ, kéo dài khoảng 5 thế kỷ, được biết đến với tên gọi là Pomaks.

ZENIT: Giáo hội Công giáo Bulgaria hoạt động tích cực nhất trong những lĩnh vực nào của xã hội?

Trước hết, chúng tôi phải nói rằng trong suốt kỷ nguyên Cộng sản chủ nghĩa, mọi hoạt động của Giáo hội đều bị cấm. Chỉ có các nhà thờ là được mở cửa, còn các trường học và chủng viện đều bị đóng cửa, các nhà thương bị sung công, cho đến năm 1989, thì Giáo hội bắt đầu hòa nhập bình thường vào đời sống xã hội. Có hội Caritas là rất tích cực. Chúng tôi có nhiều dự án bắt đầu cho người nghèo, người di cư, người khuyết tật, các bà mẹ, và người thất nghiệp hay thậm chí những người đang bắt đầu, hoặc cố gắng làm việc. Có các tu sĩ Dòng Sa-lê-diêng đến sau thời Cộng sản.

Trên mức độ xã hội, Giáo hội Công giáo rất tích cực, chúng tôi cũng hoạt động tích cực như trong việc mục vụ, nhưng chúng tôi vẫn chưa phục hồi được các tòa nhà trước đây là các chủng viện. Nhờ ơn Chúa đang có những ơn gọi linh mục, không nhiều, nhưng đủ cho các cộng đoàn của chúng tôi, những người trẻ chúng tôi gửi ra nước ngoài để học. Và tất cả những hoạt động xã hội khác của Giáo hội Công giáo. Tóm lại, chúng tôi rất tích cực trong đất nước.

ZENIT: Cả trong môi trường giáo dục?

Chúng tôi vẫn chưa có những trường Công giáo, vì chúng tôi không có nhân sự được đào tạo để quản lý. Số các linh mục, khoảng 60 người tất cả trong ba giáo phận của Bulgaria (hai theo Nghi Lễ Latinh và một là Công giáo Hy lạp), là chỉ đủ cho các hoạt động mục vụ trong các giáo xứ. Các tu sĩ nam nữ có khoảng 120 người, đặc biệt gồm cả Dòng Thừa sai Bác ái của Thánh Teresa Calcutta, trong các thành phố chính của đất nước, họ đến sau thời Cộng sản.

ZENIT: Và giới trẻ thì sao?

Chúng tôi có những người trẻ phát triển trong đức tin với nhiệt huyết và thiện chí, chúng tôi hy vọng họ ở lại Bulgaria thay vì di cư ra nước ngoài, vì họ có thể là sự trợ giúp đắc lực cho Giáo hội, chẳng hạn làm các giáo lý viên, vì chúng tôi không có đủ tu sĩ để dạy giáo lý, và trong thời gian hiện tại chủ yếu là nhờ và các bà mẹ trong gia đình. Tôi muốn nhắc lại sự tham gia rất tích cực của giới trẻ Bulgaria trong những Ngày Giới trẻ Thế giới, được thành lập bởi Thánh Gioan Phaolo II. Ở Krakow năm 2016 chúng tôi có 300, con số này đối với chúng tôi là rất lớn!

ZENIT: Đức cha đề cập đến hiện tượng di cư, đặc biệt là giới trẻ. Hiện tượng này ảnh hưởng như thế nào đến Giáo hội?

Đáng buồn, đây là một hiện tượng và làm số người Công giáo cũng giảm đi vì tình trạng di cư. Nhưng một sự thật mới là nhiều gia đình trẻ đang từ nước ngoài trở về Bulgaria, từ những quốc gia Tây Âu, có thể do những khủng hoảng kinh tế toàn cầu, để góp phần vào tương lai của Bulgaria, và đây là một sự thật tích cực. Tôi muốn thêm dấu ngoặc ở đây là cũng có những người trong những ngày vừa qua tạm thời trở về, vì chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng!

ZENIT: Người dân có ký ức gì về chuyến viếng thăm của Đức Gioan Phaolo II năm 2002?

Tôi rất vui được giữ một kỷ niệm đẹp về chuyến viếng thăm của Thánh Gioan Phaolo II năm 2002. Lúc đó tôi đã là một giám mục, được tấn phong bởi Đức Gioan Phaolo II năm 1994, đó là một biến cố đáng nhớ khi chào đón Đức Giáo hoàng trong nhà thờ chính tòa của tôi. Rồi tôi nhớ đến sự nhiệt thành của người dân! Ngay cả những thiếu nhi bây giờ được nhìn thấy Đức Thánh Cha lần đầu tiên và quá đỗi vui mừng làm tôi nhớ đến sự nhiệt huyết của năm 2002. Hai trăm năm mươi thiếu nhi sẽ được Rước Lễ lần đầu trong Thánh lễ của Đức Thánh Cha. Là các giám mục và linh mục, chúng tôi cũng sửng sốt khi thấy rằng nhiều anh em Chính thống giáo và Tin lành, Hồi giáo và thậm chí không tín ngưỡng, hoặc thờ ơ, đã xin được tham gia vào các sự kiện của chuyến thăm của giáo hoàng.

ZENIT: Nhưng đối với người Bulgaria – mà đa phần là Chính thống giáo – thì Đức Phanxico là ai? Họ biết gì hay họ đánh giá cao nhất điều gì về ngài?

Đức Phanxico nhận được sự quý mến rất lớn của người dân. Hầu như mỗi ngày trên bản tin truyền hình đều có nói về ngài, và không phải đến bây giờ khi ngài chuẩn bị đến Bulgaria. Đức Phanxico đã thu hút sự chú ý từ đầu triều đại của ngài, nhiều người rất ngạc nhiên với cách làm việc vui vẻ của ngài, với con người của ngài, khi ngài phá bỏ những nghi thức, người dân rất hăng hái! Và nhờ ngài mà sự quý mến chung này cũng được truyền sang cho cộng đồng Công giáo địa phương!

ZENIT: Một số người ngạc nhiên rằng Đức Thánh Cha Phanxico chọn đến thăm đất nước của Đức Cha. Giáo hội Công giáo địa phương là rất nhỏ và Bulgaria là một quốc gia ở vùng ngoại vi của Châu Âu … 

Đối với tôi, không phải vậy! Tôi nghĩ rằng câu nói nổi tiếng, khi ngài nói rằng chúng ta phải nhìn đến những vùng ngoại vi của thế giới, phù hợp với cái nhìn riêng của ngài về thế giới. Theo một ý nghĩa nào đó ngài cũng đến từ một vùng ngoại vi của thế giới! Ngài đã từng đến thăm những quốc gia như Bosnia và Herzegovina, Albania, Georgia, bây giờ là Bulgaria, từ đây ngài sẽ đến Bắc Macedonia. Hơn nữa, chúng tôi không thật sự là vùng ngoại vi. Bulgaria là cổng vào của Châu Âu, đến từ Thổ Nhĩ kỳ và Châu Á. Tuy nhiên, ở Bulgaria, cũng có tình trạng nghèo khổ rất lớn, thật tốt cho chúng tôi khi cảm thấy mình được ở trong đôi mắt của Đức Thánh Cha.

Đức Phanxico sẽ đi theo những bước chân của Đấng Tiền nhiệm là Đức Gioan XXIII, ngài trước khi được bầu lên ngôi Giáo hoàng, đã sống ở Bulgaria 10 năm … 

Khẩu hiệu của chuyến thăm của Đức Phanxico là “Pacem in terris”, là tựa đề của thông điệp nổi tiếng của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII. Rõ ràng mục đích của Đức Phanxico là đặt mình đi theo những bước chân của Đức Gioan XXIII, đến từ Bulgaria. Chúng tôi là một đất nước mà nhờ ơn Chúa đã bước qua từ chủ nghĩa cộng sản vô thần đến dân chủ một cách bình yên, không có đổ máu. Chúng tôi có thể là một mô hình hòa bình cho toàn vùng Balkan. Đó là lý do tại sao Đức Thánh Cha lại chọn đến đây. Logo của chuyến đi mô tả trái đất nằm trong bàn tay của Thiên Chúa, với ba màu của quốc kỳ Bulgaria bao phủ toàn thế giới. Nó có nghĩa là từ Bulgaria, Đức Thánh Cha sẽ lên tiếng kêu gọi hòa bình đến toàn thế giới.

ZENIT: Chủ đề của chuyến đi của Đức Thánh Cha đến Bulgaria chắc chắn là tính đại kết. Đức Cha có thể nói về những mối quan hệ đại kết với Chính Thống giáo?

Ở đây chúng ta đụng chạm đến một câu hỏi tế nhị, vì tính đại kết, cả trong lý thuyết và thực hành, đã là một thực tại sống động trong suốt kỷ nguyên cộng sản chủ nghĩa. Hàng năm, trong suốt tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất Ki-tô hữu, chúng tôi gặp gỡ với giáo hội Chính Thống, cùng chung lời cầu nguyện. Rồi có sự thay đổi sau năm 1989, người ta thường nói rằng chữ đại kết mang một ý nghĩa gì đó không đúng, không thật. Đó là điều đáng xấu hổ! Đây không phải là trường hợp của quá khứ, và tôi tin rằng trong tương lai nó sẽ không còn là vấn đề. Nhưng ít nhất hiện tại nó là một thực tại, thậm chí ở mức độ hàng giáo phẩm còn nhiều hơn các tín hữu bình thường. Thật vậy, giữa các ngài có nhiều hoạt động được thúc đẩy và thực hiện với nhau, ngoài hoạt động cùng cầu nguyện chung.

ZENIT: Giáo hội Chính Thống Bulgaria cho biết sẽ không có việc cầu nguyện chung trong suốt chuyến thăm của Đức Thánh Cha, vấn đề mà nhiều người xem là tẻ lạnh hay xa cách … Đức Cha giải thích điều này như thế nào?

Vấn đề đã như vậy suốt 1.000 năm. Giáo hội Chính thống không cầu nguyện chung với Giáo hội Công giáo. Tuy nhiên, đúng là trong những năm gần đây chúng ta đã chứng kiến những cuộc gặp gỡ quan trọng giữa Đức Thánh Cha và các hàng giáo phẩm Chính Thống giáo: Tôi đang nghĩ đến Đức Kirill của Moscow, của Cuba, Đức Bartholomew của Constantinople, là người Đức Thánh Cha thường gặp. Đây là một sự khích lệ lớn cho tương lai, như năm 1964 ở Giê-ru-sa-lem Đức Phaolo VI và Đức Athenagoras gặp gỡ và hủy bỏ sự tuyệt thông của nhau. Đó là một nguồn mạch của niềm vui lớn lao ở Bulgaria.

Bây giờ Đức Phanxico ở Sofia cũng sẽ có cuộc gặp gỡ với Đức Thượng phụ Neofit của Bulgaria. Tôi có biết ngài từ khi chúng tôi còn trẻ, vì chúng tôi gần như đồng tuổi. Ngài là một người rất thân thiện, chân thành, tôi luôn chuyện trò với ngài một cách thân mật khi tôi gặp ngài. Và sự gặp gỡ của ngài với Đức Phanxico là đủ cho chúng tôi chuyển tải sự can đảm và tự tin cho tương lai.

Còn lại, quyết định rằng sẽ không có việc cầu nguyện chung, người Công giáo chúng tôi đón nhận với lòng tôn trọng, như chúng tôi đã tôn trọng chấp nhận quyết định của Giáo hội Chính thống Bulgaria không đến tham dự Công đồng Liên Chính Thống Crete năm 2016.

ZENIT: Nhưng chính xác là những hoạt động nào mà Công giáo, Chính thống giáo và Tin lành cùng hoạt động chung như Đức Cha đã đề cập?

Giáo dân của các Giáo hội khác nhau cùng hoạt động chung rất nhiều trên phạm vi xã hội. Chẳng hạn, trong Caritas của chúng tôi thì Chính Thống giáo cũng hoạt động. Trong dự án mà tôi đã đề cập đến lúc đầu dành cho các bà mẹ đơn thân thì không chỉ riêng các cô gái Công giáo, tất cả là Hồi giáo, hoặc Chính Thống giáo, hoặc Tin lành. Tôi cũng muốn nói rằng khi có những quyết định cần phải đưa ra dưới sức ép của Tây phương, về những vấn đề chẳng hạn như quyền của trẻ em, phá thai, trợ tử, thì tất cả chúng tôi, Tin lành và Chính Thống giáo, Công giáo cùng lên tiếng chung. Quốc hội Bulgaria đã không bỏ phiếu chấp thuận trợ tử chính vì chúng tôi Công giáo, Chính Thống và Tin lành cùng chống lại. Thỏa thuận Istanbul không được thông qua ở Bulgaria này bởi Quốc hội vì tất cả chúng tôi đều chống lại. Vì thế cho dù chúng tôi không nói đến việc cùng cầu nguyện chung, thì vẫn có một môi trường hoạt động rộng lớn trong đó chúng tôi cùng hoạt động với nhau.

ZENIT: Cuối cùng thì Đức Thánh Cha sẽ mang đến những hoa trái gì cho Bulgaria? Đức Cha có hy vọng gì cụ thể không?

Từ khi chúng tôi biết rằng Đức Thánh Cha đã chấp thuận lời mời của chúng tôi, chúng tôi đã soạn một lời cầu nguyện cho hòa bình mà chúng tôi đọc mỗi ngày, trên khắp Bulgaria, thậm chí sau Lễ, trong đó đoạn kết là: “Thiên Chúa của hòa bình, xin ban cho chúng con hòa bình trong tâm hồn, để thể hiện trong cuộc sống rằng hòa bình là điều có thể trên thế giới.” Tôi tin rằng hoa trái của phép lành của Đức Thánh Cha không phải chỉ riêng cho chúng tôi là người Công giáo nhưng cho tất cả người Bulgaria sẽ giữ được tinh thần hòa bình. Từ đó, chúng tôi có thể thật sự cho thấy rằng hòa bình là có thể trong linh hồn, trong gia đình, trong các cộng đồng, trong đất nước của chúng tôi!



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/5/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét