Thứ Ba, 9 tháng 7, 2019

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ cho Di dân trong Quảng trường Thánh Phê-rô (TOÀN VĂN)

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ cho người Di cư trong Quảng trường Thánh Phê-rô (TOÀN VĂN)
Pope Francis & Refugees / © Vatican Media

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ cho Di dân trong Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô (TOÀN VĂN)

‘Chúa là nơi nương náu cho người tín hữu kêu cầu Ngài trong những lúc gian nan’

8 tháng Bảy, 2019 13:37

Cho dù đang là ‘thời gian nghỉ hè,’ Đức Thánh Cha Phanxico vẫn dâng Lễ cho Di dân, tại Bàn thờ Ngai tòa, trong Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô, lúc 11 giờ sáng ngày 8 tháng Bảy hôm nay.

Thánh Lễ trùng vào ngày kỷ niệm lần thứ năm chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxico đến Lampedusa năm 2013.

Trước đây Vatican cho biết Thánh lễ này sẽ là một thời gian cầu nguyện cho những người đã chết, cho những người sống sót và những người hỗ trợ họ. Việc tham dự là tự do, nhưng thánh lễ dành cho những người có vé mời.

Dưới đây là toàn văn bài giảng (tiếng Anh) của Đức Thánh Cha do Vatican cung cấp:

***

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ cho người Di cư trong Quảng trường Thánh Phê-rô (TOÀN VĂN)


Lời Chúa hôm nay nói cho chúng ta biết về ơn cứu độ và sự giải thoát.

Ơn cứu độ. Trong suốt hành trình từ Bơ-e Se-va đến Kha-ran, Gia-cóp quyết định dừng lại và nghỉ ngơi trong một nơi thanh vắng. Trong một giấc mộng, cậu nhìn thấy một cái thang: chân thang dựng ở dưới đất và đầu thang chạm tới trời (x. St 28:10-22). Trên thang, các thiên thần của Chúa lên lên xuống xuống, tượng trưng cho sự kết nối giữa trời và con người, theo dòng lịch sử được kiện toàn trong sự nhập thể của Đức Ki-tô (x. Ga 1:51), đó là món quà yêu thương của sự mặc khải và ơn cứu độ của Chúa Cha. Cái thang là một biểu tượng cho hoạt động nước trời bao trùm trên toàn bộ hoạt động của con người. Nó là sự đối lập của Tháp Ba-ben, được con người xây dựng bằng chính sức mạnh của họ, họ muốn tiến lên đến trời để trở thành các thần. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chính Thiên Chúa ngự xuống; Thiên Chúa mặc khải chính Người; chính Thiên Chúa cứu độ. Và Đấng Ê-ma-nu-en, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, làm trọn lời hứa của mối thân thuộc giữa Thiên Chúa và nhân loại, trong dấu chỉ của sự nhập thể và tình yêu thương xót trao tặng sự sống dồi dào.

Đứng trước sự mặc khải này, Gia-cóp dựng một biểu tượng thể hiện lòng tín thác vào Chúa, nó trở thành một công trình của sự nhận biết và tôn thờ đánh dấu giây phút then chốt trong lịch sử cứu độ. Cậu xin Đức Chúa bảo vệ cậu trong hành trình gian khổ mà cậu phải trải qua, và thưa: “Đức Chúa sẽ là Thiên Chúa của tôi” (St 28:21).

Làm vang vọng lại lời của tổ phụ, chúng ta lặp lại lời trong Thánh vịnh: “Lạy Thiên Chúa của con, con tin tưởng nơi Ngài.” Người là nơi nương náu và là sức mạnh của chúng ta, là tấm khiên che chở và là áo giáp của chúng ta, là nơi nương tựa của chúng ta trong những lúc thử thách. Chúa là nơi nương náu cho người tín hữu kêu cầu Ngài trong những lúc gian nan. Vì quả thật chính trong những lúc như vậy thì lời cầu nguyện của chúng ta trở nên tinh tuyền hơn, khi chúng ta nhận ra rằng sự an toàn của trần gian dành cho chúng ta có giá trị rất ít, và chỉ còn lại Thiên Chúa. Chỉ một Thiên Chúa mở ra thiên đàng cho những người sống trên mặt đất. Chỉ một Thiên Chúa giải thoát.

Lòng tin tưởng tuyệt đối và trọn vẹn này được chia sẻ bởi vị thủ lãnh của hội đường và người đàn bà bị băng huyết trong Tin mừng (x. Mt 9:18-26). Đây là những cảnh của sự giải thoát. Cả hai đến gần Chúa Giê-su để tìm được nơi Người điều mà không một người nào khác có thể cho họ: sự giải thoát khỏi bệnh tật và khỏi cái chết. Về một mặt, đó là đứa con gái của một trong những người quyền thế trong thành; về mặt khác là một người phụ nữ bị chứng bệnh khiến bà trở thành một người bị gạt ra ngoài lề, người bị loại bỏ, người không trong sạch. Nhưng Chúa Giê-su không phân biệt: sự giải thoát được trao tặng một cách quảng đại cho từng người. Sự mong mỏi đưa cả người phụ nữ và em gái trở thành những “người bé mọn nhất” được yêu thương và được nâng dậy.

Chúa Giê-su tỏ lộ cho các môn đệ của Ngài sự cần thiết phải có phần ưu tiên cho người bé mọn nhất, đó là những người phải được chỗ nhất trong khi thực hành đức ái. Ngày nay có nhiều hình thức nghèo khổ; như Thánh Gioan Phaolo II viết: “Dưới nhiều hình thức đau khổ khác nhau, người ‘nghèo’ là những người bị áp bức, những người sống ở bên lề xã hội, người già, người bệnh tật, người trẻ, bất kỳ ai và tất cả những người bị xem và bị đối xử như ‘những người hèn kém nhất’” (Tông huấn Vita Consecrata, 82).

Nhân kỷ niệm năm thứ sáu chuyến viếng thăm Lampedusa, cha hướng lòng về những “người bé mọn nhất” là những người từng ngày kêu cầu lên Chúa, xin Người giải thoát khỏi những sự ác đang làm họ đau khổ. Những người bé mọn nhất này bị ruồng bỏ và bị lừa đưa vào chỗ chết trong sa mạc; những người bé mọn nhất này bị tra tấn, bị lạm dụng và bị vi phạm trong các trại giam; những người bé mọn nhất này phải đối mặt với những làn sóng của một đại dương bất khoan dung; những người bé mọn nhất này bị bỏ lại trong các trại tiếp nhận quá lâu đến mức không thể gọi là tạm thời được. Đây chỉ là một vài trong số những người bé mọn nhất mà Chúa Giê-su yêu cầu chúng ta yêu thương và nâng dậy. Thật đáng buồn, những vùng ngoại vi của cuộc sống trong các thành phố của chúng ta đang chật cứng và chen chúc những người bị loại bỏ, bị gạt ra bên lề, bị áp bức, bị phân biệt đối xử, bị lạm dụng, nghèo đói và đau khổ. Trong tinh thần của Các Mối Phúc chúng ta được kêu gọi để an ủi họ trong sự khốn khổ của họ và thể hiện lòng thương xót đối với họ; làm thỏa mãn cơn đói và khát công bằng của họ; cho họ trải nghiệm được tình cha âu yếm của Thiên Chúa; chỉ cho họ thấy con đường về Nước Thiên đàng. Họ là những con người; đây không đơn thuần là những vấn đề thuộc xã hội hoặc di cư! “Đây là chỉ là vấn đề về người di cư”, theo ý nghĩa mang hai chiều kích thì trước hết người di cư là con người, và họ là biểu tượng của tất cả những người bị chối bỏ của xã hội toàn cầu hóa hôm nay.

Đồng thời chúng ta trở lại với hình ảnh cái thang của Gia-cóp. Trong Đức Ki-tô Giê-su, sự kết nối giữa đất và trời được bảo đảm và có thể tiếp cận được với tất cả mọi người. Tuy nhiên bước lên được những bậc thang này đòi hỏi sự cam kết, nỗ lực và ơn sủng. Những người yếu đuối nhất và dễ bị xúc phạm nhất phải được giúp đỡ. Cha thích suy nghĩ đến hình ảnh rằng chúng ta là những thiên thần kia đang lên lên xuống xuống thang, mang dưới đôi cánh của chúng ta những con người bé mọn nhất, những người khuyết tật, người đau bệnh, người bị loại bỏ: những người bé mọn nhất, họ bị bỏ rơi đằng sau và phải chịu đựng sự nghèo nàn thê thảm trên trần gian, mà không một chút thoáng thấy ánh sáng của nước trời trong cuộc sống đời này.

Thưa anh chị em, đây là một trách nhiệm to lớn mà không một ai được miễn trừ nếu chúng ta muốn hoàn tất sứ mạng của ơn cứu độ và giải thoát mà chính Chúa đã kêu gọi chúng ta cộng tác. Cha biết rằng nhiều người anh chị em, những người chỉ vừa đến đây vài tháng, hiện đang trợ giúp cho những anh chị em thậm chí vừa đến đây. Cha muốn nói lời cảm ơn cho mẫu gương đẹp nhất này của tình nhân loại, lòng tri ân và tình đoàn kết.

[Văn bản của Vatican cung cấp (tiếng Anh)]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/7/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét