Thứ Ba, 20 tháng 8, 2019

Đức Hồng y Porras: “Venezuela đang gánh chịu nền kinh tế của thời chiến”

Đức Hồng y Porras: “Venezuela đang gánh chịu nền kinh tế của thời chiến”

Đức Hồng Baltasar Porras, giám quản tông tòa của Caracas và là Tổng Giám mục của Mérida (Venezuela).

Đức Hồng y Porras: “Venezuela đang gánh chịu nền kinh tế của thời chiến”

19-7-2019
PHỎNG VẤN

Tình hình xã hội, chính trị và kinh tế ở Venezuela tiếp tục xấu đi một cách nghiêm trọng, thiếu các nguồn lương thực, thuốc và nhu yếu phẩm cho cuộc sống hàng ngày. Giáo hội đang gánh chịu hậu quả cuộc khủng hoảng này cùng với người dân, và tại nhiều giáo phận trong nước hàng giáo sĩ và các nhân viên mục vụ là những người tham gia trong công tác vô cùng hệ trọng là giải quyết những nhu cầu về vật chất và tinh thần cho người dân, thì chính họ cũng đang cần được trợ giúp để tồn tại.

Đức Hồng y Baltasar Porras là giám quản tông tòa của Caracas đồng thời là Tổng Giám mục của Mérida, gần đây nói chuyện với một phái đoàn từ Hội Bác ái Mục vụ Công giáo Quốc tế và Tổ chức Aid to the Church in Need (ACN International) (Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn) giáo hoàng, đến thăm đất nước để quan sát tình hình và giám sát xem các dự án cứu trợ bác ái đang giúp cho Giáo hội Venezuela trong công tác mục vụ và xã hội như thế nào.


Venezuela không thực sự đang có chiến tranh, tuy nhiên thực tế nó đang sống trong tình trạng của thời chiến. Hồng y có ý kiến gì về đánh giá này?

Chúng tôi đang sống trong một hoàn cảnh khác thường và chưa từng có, nó không phải là hệ quả của chiến tranh, cũng chẳng của cuộc xung đột vũ trang hay do một tai ương nào, nhưng nó lại gánh chịu những hậu quả tương tự. Thể chế chính trị đang điều hành Venezuela đã phá vỡ đất nước và tạo ra một không khí xung đột xã hội và đang trên đà liên tục trở nên xấu hơn. Đỉnh điểm của điều này là thực tế cho thấy quá nhiều người Venezuela đang sống lưu vong – là điều chưa từng nghe thấy trước đây. Người ta bỏ đi vì tình hình kinh tế và vì những ý kiến chính trị của họ, trong khi những người khác làm vậy vì sự quấy nhiễu và bắt bớ trong nước, một đất nước với hệ thống kinh tế đang bị tàn phá. Chắc chắn không có sự bảo đảm an ninh theo pháp luật. Đồng thời không có việc làm và chăm sóc sức khỏe phù hợp, chẳng có cơ hội cho con người mang về cho gia đình họ sự hỗ trợ dù là tối thiểu nhất. Các chuyên gia mô tả tình hình này như là nền kinh tế thời chiến.

Chúng tôi đã nghe nói về các cuộc đàm phán ở Oslo giữa nhà nước và phe đối lập, nhưng có rất nhiều hoài nghi liên quan đến họ. Hồng y có nghĩ rằng đây có thể là một con đường tiến tới để cải thiện tình hình trong nước?

Chúng ta phải hiểu rằng trong 20 năm qua, khi chính quyền thấy họ rơi vào những khó khăn, họ thường kêu gọi đối thoại. Nhưng những lời kêu gọi này chỉ làm để “khỏa lấp các vấn đề,” vì chính phủ không có thực tâm muốn đàm phán chân thành, hay thừa nhận bất kỳ vấn đề gì. Vì tình hình này, một phần lớn dân số đã mất hết lòng tin và tin vào ý tưởng đối thoại. Nhưng cho dù vậy, nó là một cơ hội để tái khám phá xem có thiện chí khôi phục lại nền dân chủ hay không, đó vấn đề hiện đã bị loại bỏ hoàn toàn ra khỏi đất nước. Chúng tôi vô cùng quan ngại rằng trong năm qua con số người bị bắt, bị tra tấn, bị giết hoặc “mất tích” đã tăng mạnh và rằng những người tham gia trong các hoạt động này bao gồm không chỉ những thành viên cấp cao của quân đội, nhưng có cả những thành viên trong các tầng lớp dân chúng ủng hộ chính phủ, và tạo ra một sự sợ hãi trong dân chúng. Chính phủ đã mất các đường hướng, và bây giờ cách duy nhất để họ có thể điều khiển dân chúng là bằng sự sợ hãi, và bằng cách tạo nên sự thiếu hụt nghiêm trọng đối với nhiên liệu, thực phẩm và năng lượng.

Trong suốt chuyến thăm, chúng tôi đã được chứng kiến, bất cứ nơi nào có một giáo xứ hay một tổ chức Giáo hội, người ta tập trung vào đó và tìm sự giúp đỡ và để tìm lại chút an ủi. Chúng ta có thể nói rằng Giáo hội Venezuela là một Giáo hội của hy vọng không?

Những cơ sở công và tư đã bị phá hủy, và cơ sở duy nhất còn lại là Giáo hội. Điều này có được là nhờ sự gần gũi của chúng tôi với người dân và sự hiện diện của chúng tôi ở mọi cấp độ trong xã hội. Ngoài ra, Giáo hội có can đảm chỉ ra những khuyết điểm của chính thể này. Những tổ chức xã hội khác đã không nói về cuộc khủng hoảng này, vì sợ chính quyền đã đe dọa và đóng cửa các phương tiện truyền thông và tấn công vào các doanh nghiệp tư.

Vì quan điểm rõ ràng và vững chắc mà cả Giáo hội cũng đang gánh chịu những đe dọa và sức ép. Như vậy có thể nói rằng Giáo hội Venezuela cũng đang bị bắt bớ?

Tôi dám nói rằng chúng tôi không thể không cho rằng đó là sự bắt bớ. Chẳng hạn, trong môi trường giáo dục có những giới hạn đối với các trung tâm Công giáo; dường như họ đang tìm cách để đặt ra những chướng ngại, để chính Giáo hội cũng phải tự đóng cửa các trường học của mình. Trong nhiều năm chúng tôi đã phải chịu đựng những hình thức của sức ép tinh vi, bao gồm những đe dọa bằng lời nói và quấy rối nhắm vào các cơ sở xã hội của chúng tôi như Caritas. Các giáo xứ bị tấn công bởi chính phủ, bởi các hội đồng nhân dân và tổ chức được gọi là “colectivos”, tức là các nhóm dân chúng ủng hộ nhà nước. Chẳng hạn ở Caracas, các thành viên của những nhóm này đứng tại cửa các nhà thờ và lắng nghe xem các linh mục nói gì trong bài giảng, và nếu không thích họ liền có những lời lẽ đe dọa.

Đức Hồng y Porras: “Venezuela đang gánh chịu nền kinh tế của thời chiến”

Có gần 4 triệu người Venezuela sống ở nước ngoài – 1,5 triệu ở Colombia, 700.000 ở Peru, 400.000 ở Chile, 500.000 ở Florida.

Điều gì sẽ xảy ra ở Venezuela nếu giả sử không có sự hiện diện của Giáo hội Công giáo?

Tình hình có thể xấu hơn, và xấu hơn cho nhiều người. Nó làm chúng tôi đau khổ khi nhìn thấy dân tộc của mình như vậy. Với hiện tượng di cư, những người chúng tôi bị bỏ lại đằng sau trở thành “những người mồ côi tình cảm,” vì gia đình và toàn bộ môi trường mà chúng tôi đã sống trước đây đều biến mất. Chúng tôi cảm thấy thiếu cộng đồng và chúng tôi cũng đau khổ vì nhiều người đã di cư cũng chẳng tìm được cuộc sống tốt. Venezuela đang trở thành một vấn đề của địa chính trị ảnh hưởng đến cả những nước khác. Có 4 triệu người Venezuela sống ở nước ngoài – 1,5 triệu người ở Colombia, 700.000 ở Peru, 400.000 ở Chile, 500.000 ở Florida – chúng tôi được biết phân nửa số họ không có giấy tờ tùy thân. Và còn có nhiều quốc gia khác ở Châu Mỹ và Châu Âu. Thật buồn vô cùng.

Đức Thánh Cha Phanxico đã nói những gì trong các cuộc họp với hồng y?

Đức Thánh Cha biết rất rõ tình hình ở Venezuela từ rất lâu trước khi ngài được bầu chọn làm Giáo hoàng. Ngoài ra, những cộng tác viên thân cận nhất của ngài, chẳng hạn ngài quốc vụ khanh Vatican, có những sự liên lạc trực tiếp với Venezuela và can dự vào rất nhiều. Đức Giáo hoàng tin vào các cơ quan địa phương. Trong cuộc họp gần đây nhất giữa toàn thể hội đồng Giám mục Venezuela và Đức Thánh Cha, ngài nói với chúng tôi “tôi ủng hộ mọi việc anh em đang làm.” Một số người thắc mắc tại sao ngài lại không nói nhiều hơn về Venezuela. Mọi việc đang được thực hiện, nhưng thận trọng, một phần để không tạo sự nguy hiểm cho các tổ chức đang trợ giúp Giáo hội ở Venezuela.

Hồng y có một thông điệp nào cho những người trong ACN đang chung sức hoạt động với Giáo hội Venezuela?

Sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, và không chỉ là các tổ chức Công giáo, là một nguồn an ủi rất lớn cho chúng tôi. Đặc biệt chúng tôi vô cùng tri ân ACN, không chỉ đối với sự hỗ trợ vật chất của quý vị, nhưng là sự gần gũi tinh thần của quý vị, trên hết là lời cầu nguyện. Và có một điều chúng tôi vô cùng cảm kích, đó là nhờ sự hỗ trợ chúng tôi đón nhận được từ ACN dưới hình thức ý cầu nguyện trong Thánh Lễ, quý vị đang giúp đỡ rất nhiều để bớt đi những thiếu thốn trong các giáo xứ, và bằng cách này chúng tôi có thể dùng những nguồn tài nguyên khác để hỗ trợ cho xã hội. Quý vị đang giúp chúng tôi tiếp tục hiện diện và hỗ trợ cho người dân đang cần chúng tôi nhất.



[Nguồn: acninternational]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/8/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét