Thứ Ba, 17 tháng 12, 2019

Toàn văn Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới của Đức Thánh Cha

Toàn văn Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới của Đức Thánh Cha
© Vatican Media

Toàn văn Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới của Đức Thánh Cha

“Hòa bình như một hành trình của hy vọng: Đối thoại, Hòa giải và Hoán cải sinh thái”

12 tháng Mười Hai, 2019 17:03

Dưới đây là văn bản Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới của Đức Thánh Cha Phanxico, được tổ chức vào ngày 1 tháng Một năm 2020, với chủ đề: “Hòa bình như một hành trình của hy vọng: Đối thoại, Hòa giải và Hoán cải sinh thái.”

Văn bản đã được trình bày hôm nay trong Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, ngày 12 tháng Mười Hai năm 2019, Lễ Đức Mẹ Guadalupe. Như truyền thống hàng năm, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh lễ Đức Mẹ Guadalupe, là Đấng bảo trợ của Châu Mỹ, trong Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô.

ZENIT sẽ cung cấp cho độc giả bài giảng của Đức Thánh Cha, bằng tiếng Anh, trong thời gian sớm nhất. Và dưới đây là sứ điệp Hòa bình của Đức Thánh Cha Phanxico:

***

HÒA BÌNH NHƯ MỘT HÀNH TRÌNH HY VỌNG

ĐỐI THOẠI, HÒA GIẢI VÀ HOÁN CẢI SINH THÁI

1. Hòa bình, một hành trình hy vọng đứng trước những trở ngại và thử thách

Hòa bình mang một giá trị to lớn và quý báu, là niềm hy vọng của chúng ta và là khát vọng của toàn thể gia đình nhân loại. Như một thái độ của con người, niềm hy vọng hòa bình của chúng ta bị đánh dấu bởi sự căng thẳng hiện hữu khiến cho con người có thể “sống hiện tại” - với tất cả những khó khăn của nó - “và chấp nhận nó nếu nó dẫn đến một mục tiêu, nếu chúng ta có thể chắc chắn về mục tiêu này, và nếu mục tiêu này đủ lớn để biện minh cho nỗ lực của hành trình”. [1] Do đó, hy vọng là đức tính truyền cảm hứng cho chúng ta và giúp duy trì chúng ta tiếp tục tiến về phía trước, ngay cả khi có những trở ngại dường như không thể vượt qua.

Cộng đồng nhân loại chúng ta, trong ký ức và thân xác của mình, mang những vết sẹo của các cuộc chiến tranh và xung đột tàn khốc hơn bao giờ hết ảnh hưởng đặc biệt đến người nghèo và người cô thế. Toàn bộ các quốc gia cảm thấy khó khăn trong việc phá vỡ được chuỗi mắt xích bóc lột và tham nhũng gây ra sự thù hận và bạo lực. Ngay cả ngày nay, những con số rất nhiều người nam nữ, trẻ và già bị từ chối nhân phẩm, tính toàn vẹn thân xác, sự tự do, bao gồm tự do tôn giáo, đoàn kết cộng đồng và niềm hy vọng trong tương lai. Nhiều người là nạn nhân vô tội của tình trạng nhục nhã và sự loại trừ đau đớn, đau khổ và bất công, chưa nói đến về những tổn thương gây ra do các cuộc tấn công có hệ thống vào người dân và người thân của họ.

Những cơn thử thách khủng khiếp của các cuộc xung đột nội bộ và quốc tế, thường trở nên trầm trọng hơn do các hành động bạo lực tàn nhẫn, để lại những tác động lâu dài trên thân xác và linh hồn của nhân loại. Mỗi cuộc chiến tranh là một hình thức huynh đệ tương tàn phá hủy ơn gọi huynh đệ vốn có của gia đình nhân loại.

Như chúng ta biết, chiến tranh thường bắt đầu từ việc không thể chấp nhận sự đa dạng của người khác, nó thúc đẩy những thái độ cường điệu hóa và thống trị do sự ích kỷ và kiêu ngạo sinh ra, căm ghét và khao khát châm biếm, loại trừ và thậm chí tiêu diệt người khác. Chiến tranh bị thúc đẩy bởi sự bóp méo các mối quan hệ, bởi tham vọng bá quyền, bởi những lạm dụng quyền lực, bởi sự sợ hãi người khác và nhìn tính đa dạng như là một trở ngại. Và tiếp theo, những điều này trở nên trầm trọng hơn bởi kinh nghiệm chiến tranh.

Như tôi quan sát thấy trong chuyến Tông du gần đây của tôi đến Nhật Bản, thế giới của chúng ta mang dấu ấn nghịch lý bởi “một tính lưỡng phân ngoan cố với những nỗ lực bảo vệ và đảm bảo sự ổn định và hòa bình thông qua một cảm giác giả tạo của sự an toàn được duy trì bởi tâm lý sợ hãi và ngờ vực, một tâm lý cuối cùng đầu độc những mối quan hệ giữa các dân tộc và cản trở mọi hình thức đối thoại. Hòa bình và ổn định quốc tế không đi đôi với những nỗ lực xây dựng nó dựa trên sự sợ hãi tiêu diệt lẫn nhau hoặc mối đe dọa hủy diệt hoàn toàn. Chỉ có thể đạt được chúng trên nền tảng đạo đức đoàn kết toàn cầu và hợp tác để phục vụ một tương lai được định hình bởi sự tương thuộc và tính trách nhiệm chung trong toàn thể gia đình nhân loại hôm nay và ngày mai”.[2]

Mọi tình huống đe dọa đều nuôi dưỡng sự ngờ vực và khiến mọi người thu mình vào vùng an toàn của riêng họ. Sự ngờ vực và sợ hãi làm suy yếu những mối quan hệ và làm tăng nguy cơ bạo lực, tạo ra một vòng luẩn quẩn xấu xa không bao giờ dẫn đến mối quan hệ hòa bình. Ngay cả chiến lược răn đe hạt nhân cũng chỉ tạo ra ảo tưởng về an ninh.

Chúng ta không thể tuyên bố duy trì sự ổn định trên thế giới qua tâm lý sợ bị hủy diệt, trong một tình huống mong manh, bị treo lơ lửng trên bờ vực thẳm nguyên tử và bị bao vây sau những bức tường của sự thờ ơ. Do đó, những quyết định kinh tế và xã hội đang được đưa ra dẫn đến những tình huống ảm đạm, trong đó con người và tạo vật bị gạt bỏ hơn là được bảo vệ và bảo tồn.[3] Như vậy, làm thế nào để chúng ta thực hiện được một hành trình hòa bình và tôn trọng lẫn nhau? Làm thế nào để chúng ta phá vỡ tâm lý bệnh hoạn của các mối đe dọa và sợ hãi? Làm thế nào để chúng ta phá vỡ sự đối kháng mất lòng tin hiện tại?

Chúng ta phải theo đuổi một tình huynh đệ đích thực đặt nền tảng trên cội nguồn chung từ Thiên Chúa và thực thi việc đối thoại và tin tưởng lẫn nhau. Khao khát hòa bình nằm sâu thẳm trong tâm hồn con người, và chúng ta không được buông bỏ để tìm kiếm bất cứ điều gì ngoài điều này.

2. Hòa bình, một hành trình lắng nghe dựa trên ký ức, tình đoàn kết và huynh đệ

Hibakusha là những người sống sót sau khi những quả bom nguyên tử được thả xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, là những người hiện đang giữ sống động ngọn lửa của ý thức tập thể, làm chứng cho những thế hệ kế tiếp về sự kinh hoàng của những gì đã xảy ra vào tháng Tám năm 1945 và những đau khổ không thể kể xiết vẫn còn tiếp tục đến hiện tại. Chứng ngôn của họ làm thức tỉnh và lưu giữ ký ức của các nạn nhân, để lương tâm của nhân loại có thể trỗi dậy khi đứng trước những khát khao thống trị và hủy diệt. “Chúng ta không thể cho phép các thế hệ hiện tại và tương lai mất đi ký ức về những gì đã xảy ra ở đây. Đó là một ký ức để bảo đảm và khuyến khích xây dựng một tương lai công bằng và huynh đệ hơn”.[4]

Cũng như người Hibakusha, nhiều người trên thế giới hiện nay đang làm việc để đảm bảo rằng các thế hệ tương lai sẽ lưu giữ ký ức về các biến cố trong quá khứ, không những để ngăn chặn những sai lầm hoặc ảo tưởng tương tự tái diễn, nhưng còn làm cho ký ức trở thành nền tảng và nguồn cảm hứng cho các quyết định hiện tại và tương lai để thúc đẩy hòa bình, như là thành quả của những kinh nghiệm.

Còn hơn thế, ký ức là chân trời của hy vọng. Nhiều lần, trong bóng đen của chiến tranh và xung đột, thậm chí việc nhớ đến một hành động đoàn kết nhỏ nhoi đã nhận được có thể dẫn đến những quyết định dũng cảm và thậm chí là anh hùng. Nó có thể giải phóng những năng lượng mới và thắp lên niềm hy vọng mới trong các cá nhân và cộng đồng.

Thiết lập một hành trình hòa bình là một thách thức khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn vì các lợi ích bị đe dọa trong mối quan hệ giữa con người, các cộng đồng và quốc gia, là rất nhiều và chúng đối chọi nhau. Trước hết chúng ta phải kêu gọi lương tâm đạo đức của mọi người và ý chí của các cá nhân và chính trị. Hòa bình trỗi dậy từ sâu thẳm tâm hồn con người và ý chí chính trị phải luôn được đổi mới, để có thể tìm ra những con đường mới để hòa giải và hiệp nhất những cá nhân và cộng đồng.

Thế giới không cần những lời nói trống rỗng nhưng là những chứng nhân đầy thuyết phục, những sứ giả hòa bình có thể mở ra một cuộc đối thoại gạt bỏ sự loại trừ hoặc thao túng. Thật vậy, chúng ta không thể đạt được hòa bình thật sự nếu không có một cuộc đối thoại chắc chắn giữa những con người tìm kiếm sự thật vượt ngoài những ý thức hệ và ý kiến khác nhau. Hòa bình “phải được liên tục xây dựng”; [5] nó là một hành trình được cùng hợp sức thực hiện trong việc kiên trì theo đuổi ích chung, sự trung thực và tôn trọng luật pháp. Lắng nghe nhau có thể dẫn đến sự hiểu biết và quý trọng lẫn nhau, và thậm chí nhìn thấy khuôn mặt của anh chị em nơi kẻ thù.

Do đó tiến trình hòa bình đòi hỏi sự cam kết dài lâu. Nó là một nỗ lực kiên trì tìm kiếm sự thật và công bằng, trân trọng ký ức của các nạn nhân và từng bước mở ra con đường dẫn đến một hy vọng chung vượt thắng mong muốn trả thù. Trong một nhà nước dựa trên pháp luật, dân chủ có thể trở thành một mô hình quan trọng cho tiến trình này, miễn là nó được đặt nền tảng trên công lý và cam kết bảo vệ quyền của mỗi người, đặc biệt là những người hèn mọn và bị gạt ra bên lề, trong cuộc tìm kiếm miệt mài sự thật. [6] Đây là một công cuộc xã hội, một công cuộc đang diễn ra trong đó mỗi cá nhân đóng góp có trách nhiệm, ở mọi cấp độ của cộng đồng địa phương, quốc gia và toàn cầu.

Như Thánh Phaolo VI đã chỉ ra, “hai khát vọng này, sự bình đẳng và sự tham gia, tìm cách thúc đẩy một xã hội dân chủ … điều này đòi hỏi một nền giáo dục về đời sống xã hội, không chỉ bao gồm kiến thức về quyền của mỗi người, mà còn là tính tương quan cần thiết của nó: là sự chân nhận trách nhiệm của mình đối với người khác. Bản thân ý thức và sự thực hành nghĩa vụ phụ thuộc vào khả năng tự làm chủ và chấp nhận trách nhiệm cùng các giới hạn đặt ra đối với sự tự do của các cá nhân hoặc các nhóm”.[7]

Những chia rẽ trong một xã hội, sự gia tăng bất bình đẳng xã hội và việc từ chối sử dụng các phương tiện để đảm bảo sự phát triển toàn diện của con người tạo nguy hiểm cho mục tiêu theo đuổi ích chung. Tuy nhiên, những nỗ lực bền bỉ dựa trên sức mạnh của lời nói và sự thật có thể giúp thúc đẩy một cơ hội lớn hơn cho lòng trắc ẩn và tình đoàn kết đầy sáng tạo.

Theo kinh nghiệm Ki-tô giáo của chúng ta, chúng ta luôn nhớ đến Đức Ki-tô, Đấng đã hiến mạng sống mình để hòa giải chúng ta với nhau (x. Rm 5: 6-11). Giáo hội chia sẻ trọn vẹn trong việc tìm kiếm một trật tự xã hội công bình; Giáo hội tiếp tục phục vụ ích chung và nuôi dưỡng hy vọng hòa bình bằng cách truyền tải những giá trị Ki-tô giáo và giáo huấn đạo đức, và bằng các công cuộc xã hội và giáo dục của mình.

3. Hòa bình, một hành trình hòa giải trong sự hiệp thông huynh đệ

Kinh thánh, đặc biệt những lời của các Ngôn sứ, nhắc nhở cho các cá nhân và các dân tộc về giao ước Thiên Chúa với nhân loại, đòi buộc chúng ta phải từ bỏ mong muốn thống trị người khác và học cách xem nhau là con người, là những người con cái của Thiên Chúa, là anh chị em. Chúng ta không bao giờ nên đóng khung người khác trong phạm vi những gì họ đã nói hoặc làm, nhưng đánh giá cao họ vì lời hứa mà họ thực hiện. Chỉ bằng cách chọn con đường của sự tôn trọng, chúng ta mới có thể phá vỡ vòng xoáy của sự báo thù và khởi hành trên hành trình của hy vọng.

Chúng ta được hướng dẫn bởi trích đoạn Tin Mừng kể về cuộc đối thoại sau đây giữa Phê-rô và Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Chúa Giê-su nói với ông: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18:21-22). Con đường hòa giải này là một mệnh lệnh để khám phá trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta sức mạnh của sự tha thứ và khả năng biết chân nhận lẫn nhau như là anh chị em. Khi chúng ta học cách sống trong sự tha thứ, chúng ta phát triển khả năng của mình để trở thành những con người của hòa bình.

Điều gì là đúng với hòa bình trong bối cảnh xã hội thì cũng đúng trong các lĩnh vực chính trị và kinh tế, vì hòa bình thấm đẫm trong mọi chiều kích của cuộc sống nói chung. Không thể có hòa bình thật sự nếu chúng ta không cho thấy mình có khả năng phát triển một hệ thống kinh tế công bằng hơn. Như Đức Giáo hoàng Benedict XVI đã nói cách đây mười năm trong Tông thư Caritas in Veritate của ngài, “để đánh bại sự chậm phát triển, cần phải có hành động không những là việc cải thiện những giao dịch dựa trên sự trao đổi và làm vững mạnh các cấu trúc phúc lợi công, nhưng trên hết là việc làm tăng tính cởi mở trong bối cảnh thế giới, tiến đến những hình thức hoạt động kinh tế mang dấu ấn của tính nhưng không và sự hiệp thông” (s. 39).

4. Hòa bình, một hành trình hoán cải sinh thái

“Nếu có những lúc sự hiểu lầm về các nguyên tắc của chúng ta đã khiến chúng ta biện minh cho việc ngược đãi thiên nhiên, áp dụng những hành động chuyên chế đối với tạo vật, tham gia vào chiến tranh, bất công và những hành động bạo lực, người tín hữu chúng ta phải thừa nhận rằng theo cách làm đó chúng ta đã không trung thành với những kho báu của sự khôn ngoan mà chúng ta được kêu gọi để bảo vệ và giữ gìn”.[8]

Đứng trước những hậu quả của sự đối kháng của chúng ta với người khác, sự thiếu tôn trọng đối với ngôi nhà chung của chúng ta hoặc việc lạm dụng bóc lột những tài nguyên thiên nhiên – chỉ được nhìn thấy như là một nguồn lợi nhuận tức thời, bất kể các cộng đồng địa phương, ích chung và chính thiên nhiên – chúng ta đang rất cần một sự hoán cải sinh thái. Thượng hội đồng gần đây về Vùng Pan-Amazon thúc đẩy chúng tôi thực hiện một lời kêu gọi đổi mới cấp bách về mối quan hệ hòa bình giữa các cộng đồng và vùng đất, giữa hiện tại và quá khứ, giữa kinh nghiệm và hy vọng.

Hành trình hòa giải này cũng kêu gọi sự lắng nghe và chiêm niệm về thế giới mà Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta như một món quà để làm ngôi nhà chung của chúng ta. Thật vậy, những tài nguyên thiên nhiên, nhiều dạng sự sống và chính trái đất đã được trao phó cho cho chúng ta “để cày cấy và canh giữ” (St 1:15), cho cả các thế hệ tương lai, thông qua sự tham gia có trách nhiệm và tích cực của mọi người. Chúng ta cần phải thay đổi cách chúng ta suy nghĩ và nhìn nhận mọi thứ, và trở nên cởi mở hơn để gặp gỡ người khác và chấp nhận món quà của tạo vật, nó phản ánh vẻ đẹp và sự khôn ngoan của Đấng Tạo hóa.

Tất cả điều này cho chúng ta động lực sâu sắc hơn và một cách thức mới để sống trong ngôi nhà chung của chúng ta, để chấp nhận những khác biệt của chúng ta, để tôn trọng và tôn vinh sự sống mà chúng ta đã lãnh nhận và chia sẻ, và tìm kiếm những điều kiện sống và các mô hình xã hội ưu ái cho việc phát triển sự sống và phát triển ích chung cho toàn gia đình nhân loại.

Sự hoán cải sinh thái mà chúng tôi đang kêu gọi sẽ đưa chúng ta đến một cách nhìn mới về sự sống, khi chúng ta xem xét sự quảng đại của Đấng Tạo Hóa đã ban cho chúng ta trái đất và kêu gọi chúng ta chia sẻ nó trong niềm vui và sự điều độ. Sự hoán cải này phải được hiểu theo cách toàn diện, là một sự biến đổi về cách thức chúng ta thể hiện mối tương quan với anh chị em của chúng ta, với những hữu thể sống, với tạo vật trong tất cả sự đa dạng phong phú của nó, và với Đấng Tạo Hóa là khởi nguyên và nguồn mạch của mọi sự sống. Đối với người Ki-tô hữu, điều đó đòi hỏi rằng “những tác động của sự gặp gỡ với Đức Giê-su Ki-tô trở nên rõ ràng trong mối quan hệ của họ với thế giới xung quanh”.[9]

5. “Chúng ta có được tất cả những gì chúng ta hy vọng”[10]

Hành trình hòa giải kêu gọi sự kiên trì và tin tưởng. Sẽ không đạt được hòa bình nếu không hy vọng về nó.

Trước hết, điều này có nghĩa là tin tưởng vào cơ hội hòa bình, tin rằng những người khác cũng cần có hòa bình như chúng ta. Ở đây chúng ta có thể tìm thấy nguồn cảm hứng trong tình yêu mà Thiên Chúa dành cho mỗi chúng ta: một tình yêu giải phóng, vô bờ bến, một tình yêu nhưng không và không mệt mỏi.

Sợ hãi thường là nguồn gốc của xung đột. Vì vậy, điều quan trọng là phải vượt qua những nỗi sợ hãi của con người và chân nhận rằng chúng ta là những đứa con thiếu thốn trong ánh mắt của Đấng yêu thương chúng ta và chờ đợi chúng ta, giống như người cha của đứa con hoang đàng (x. Lc 15:11-24). Văn hóa gặp gỡ huynh đệ phá vỡ văn hóa xung đột. Nó làm cho mọi cuộc gặp gỡ trở thành một cơ hội và món quà của tình yêu quảng đại của Thiên Chúa. Nó dẫn chúng ta vượt ra ngoài giới hạn của những chân trời hẹp hòi của chúng ta và không ngừng động viên chúng ta sống trong tinh thần huynh đệ phổ quát, như là con cái của một Cha trên trời.

Đối với những người môn đệ của Đức Ki-tô, hành trình này được nâng đỡ nhờ bí tích Hòa giải, được Chúa ban cho để tẩy xóa tội lỗi của người được rửa tội. Bí tích này của Giáo hội, canh tân lại các cá nhân và cộng đoàn, mời gọi chúng ta giữ ánh mắt kiên định của chúng ta vào Đức Giê-su, Đấng hòa giải “cho muôn vật, cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời, nhờ máu Người đổ ra trên thập giá” (Cl 1:20). Nó đòi hỏi chúng ta phải gạt bỏ mọi hành vi bạo lực trong suy nghĩ, trong lời nói và hành động, dù hành vi đó chống lại anh em của chúng ta hay chống lại tạo vật của Thiên Chúa.

Ân sủng của Thiên Chúa là Cha của chúng ta được ban tặng là tình yêu vô điều kiện. Đón nhận được sự tha thứ trong Đức Ki-tô, chúng ta hãy lên đường để trao tặng sự bình an đó cho những người nam và nữ trong thời đại chúng ta. Từng ngày từng ngày, Chúa Thánh Thần thôi thúc trong chúng ta những cách suy nghĩ và lời nói để chúng ta có thể trở thành người thợ của công lý và hòa bình.

Xin Chúa ban phúc lành cho chúng ta và đến trợ giúp chúng ta.

Xin Mẹ Maria, Thân Mẫu của Hoàng tử Hòa bình và là Mẹ của tất cả các dân tộc trên trái đất, đồng hành và nâng đỡ chúng ta trong mọi bước đi của hành trình hòa giải.

Và ước mong rằng tất cả mọi người nam và nữ đến thế giới này được trải nghiệm một cuộc sống hòa bình và phát triển trọn vẹn được lời hứa về sự sống và tình yêu cư ngụ trong tâm hồn họ.

Vatican, 8 tháng Mười Hai năm 2019

PHANXICO

___________________

[1] BENEDICT XVI, Tông thư Spe Salvi (30 tháng Mười Một năm 2007), 1.

[2] Diễn từ về vũ khí nguyên tử, Nagasaki, Atomic Bomb Hypocenter, 24 tháng Mười Một năm 2019.

[3] x. Bài giảng Lễ tại Lampedusa, 8 tháng Bảy năm 2013.

[4] Diễn từ về hòa bình, Hiroshima, Đài Tưởng niệm Hòa bình, 24 tháng Mười Một năm 2019.

[5] CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 78.

[6] X. BENEDICT XVI, Diễn từ trước các Hiệp hội Công nhân Ki-tô giáo của Ý, 27 tháng Một năm 2006.

[7] Tông thư Octogesima Adveniens (14 tháng Năm năm 1971), 24.

[8] Tông huấn Laudato Si’ (24 tháng Năm năm 2015).

[9] Nt., 217.

[10] X. THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ, Noche obscura, II, 21,8.

[Courtesy of the Vatican]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/12/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét